Ngay cả với những thực phẩm được cho là lành mạnh, chứa nhiều thành phần dinh dưỡng nhưng nếu tiêu thụ quá nhiều sẽ bị phản tác dụng đối với sức khỏe.
Rau và trái cây
Có lẽ không cần bàn cãi về lợi ích của trái cây và rau quả vì chúng giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ, giúp ngăn ngừa táo bón và các vấn đề dạ dày khác. Nhưng vitamin hầu như bị mất đi trong quá trình chế biến và ăn nhiều chất xơ quá nhiều mỗi ngày trong một thời gian dài sẽ gây dư thừa xơ, cản trở sự hấp thu khoáng chất như sắt, kẽm, canxi, magiê và phốt pho.
Mỗi ngày, nhu cầu cơ thể chỉ cần khoảng 25 – 35g chất xơ và 300g trái cây đồng thời chúng ta nên thay đổi các loại thực phẩm này hằng ngày. Khi ăn quá nhiều rau củ màu đỏ như cà rốt, đu đủ, khoai lang, cơ thể chỉ hấp thụ một lượng vitamin A nhất định, để lại phần dư thừa, có thể gây hiện tượng vàng da ở bàn tay và bàn chân, gọi là chứng carotenemia. Đu đủ cũng có chứa enzyme papain, giúp kích thích tiêu hóa. Nhưng ăn quá nhiều có thể gây ho và tình trạng thở khò khè. Đu đủ, cam và kiwi là nguồn phong phú vitamin C, tiêu thụ lượng lớn có thể gây đau đầu, nôn mửa, bàng quang kích thích và thậm chí gây sỏi thận.
Trà xanh
Trà xanh giúp giảm căng thẳng, tốt cho hệ tim mạch và phòng ngừa ung thư. Tuy nhiên, nếu uống từ năm cốc trà trở lên, caffeine trong trà sẽ gây ức chế hấp thu sắt và một số vitamin quan trọng. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy caffeine cũng liên quan đến chứng đau đầu, bồn chồn, rối loạn tiêu hóa, kích thích, lú lẫn, run, rối loạn nhịp tim và mất ngủ. Những người nhạy cảm với chất caffeine cũng có thể bị tráo ngược, ợ nóng. Uống trà quá năm cốc mỗi ngày cũng là điều kiện phát triển tình trạng nhiễm fluor, gây ra hiện tượng xương mau giòn, dễ vỡ.
Cá
Cá có chứa các axit béo omega-3 giúp phòng bệnh tim và bệnh Alzheimer nhưng cũng chứa độc tố kim loại nặng như thủy ngân (nhiều nhất trong cá ngừ, cá kiếm và cá mập). Khi ăn thường xuyên, sự tồn đọng kim loại nặng trong cơ thể có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tập trung và gây suy giảm trí nhớ. Việc bổ sung quá liều dầu cá cũng làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch, gia tăng khả năng nhiễm trùng và tăng cholesterol xấu LDL trong cơ thể. Người dùng thuốc huyết áp thì cần phải cẩn thận các chất bổ sung dầu cá vì có thể giảm mạnh huyết áp.
Chúng ta nên lưu ý chọn loại cá ít chứa thủy ngân như: tôm, cá hồi, cá trê, cá chép, mực, cá trích, cá mòi… Chỉ nên ăn cá từ 20 – 25g mỗi ngày và hai, ba lần mỗi tuần. Bổ sung dầu cá an toàn là từ 3 – 5g một ngày.
Nước
Hầu hết chúng ta đều biết nước đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với cơ thể nhưng chỉ nên uống theo từng lượng nhỏ mỗi lần và không quá 3 lít/ngày. Nếu uống nước không đúng cách hoặc lạm dụng có thể dẫn đến nguy cơ mất cân bằng các chất điện giải như: natri, kali, magiê, canxi, dẫn đến mất cân bằng nước, kết quả cơ thể liên tục bài tiết nước, từ đó gây mệt mỏi cũng như dễ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về tim và thận.
Đậu nành
Đậu nành là thực phẩm chứa đạm không có cholesterol, được chứng minh là rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Nhưng nếu chúng ta ăn hơn 50g mỗi ngày sẽ góp phần thúc đẩy nguy cơ ung thư, mất trí nhớ, rối loạn sinh sản, chứng loãng xương và rối loạn tuyến giáp. Phụ nữ tiêu thụ nhiều đậu nành mỗi ngày cũng có thể làm tăng mức estrogen, là một yếu tố nguy cơ ung thư vú.
Trọng Đức theo Telegraph