Phải chăng đây là hồi chuông mở đầu, đánh dấu sự thất bại được báo trước của mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước sau một thời gian không phát huy thế mạnh như mong muốn và nay chúng ta đang quay trở lại với cơ chế bộ chủ quản một thời bị phê phán.
Bảy năm trước đây, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam là thí điểm đầu tiên được thành lập vào ngày 26-12-2005 và từ đó đến nay tổng cộng đã có 13 tập đoàn kinh tế được thành lập. Nay với quyết định vừa qua của Thủ tướng, số đơn vị còn lại là 11 và dự kiến trong thời gian tới chỉ còn từ năm đến sáu tập đoàn, nghĩa là sẽ có từ bảy đến tám tập đoàn được trả về cho Bộ chủ quản.
Tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN) là nhóm công ty có quy mô lớn liên kết dưới hình thức công ty mẹ – công ty con và các hình thức khác, tạo thành tổ hợp các doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ và lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác.
Một trong những tàu lớn của Tập đoàn Vinalines
Tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam được hình thành chủ yếu từ việc chuyển đổi và tổ chức lại các tổng công ty nhà nước theo quyết định của Chính phủ. Về nguyên tắc, tập đoàn là một trong những công cụ điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, có vai trò chủ đạo, hoạt động trong những ngành kinh tế mũi nhọn, những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế theo mục tiêu chiến lược phát triển của từng tập đoàn mà tư nhân và các thành phần kinh tế khác khó có thể thực hiện được do hạn chế về năng lực tài chính hoặc kinh nghiệm quản lý.
Nhà nước là chủ sở hữu của TĐKTNN, Chính phủ thống nhất thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty mẹ và đối với phần vốn nhà nước tại các tập đoàn. Thủ tướng quyết định bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị tập đoàn; giao bộ quản lý ngành, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và hội đồng quản trị tập đoàn thực hiện một số quyền của chủ sở hữu theo pháp luật hiện hành, theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của từng tập đoàn.
Thế nhưng, chính hành lang pháp lý không rõ ràng đã tạo điều kiện để các tập đoàn mở rộng hoạt động ra nhiều lĩnh vực khác nhau, được khoác dưới màu áo kinh doanh đa ngành mà thời điểm đỉnh cao là trong giai đoạn 2005-2008. Với tham vọng trở thành các “chaebol” của Việt Nam, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đẩy mạnh thực hiện đầu tư đa lĩnh vực, ngành nghề, trong đó các lĩnh vực hấp dẫn nhất giai đoạn này là chứng khoán, bất động sản, đầu tư tài chính… điển hình như: Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp cao su, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN)…
Chỉ không bao lâu, hàng chục nghìn tỉ đồng của các tập đoàn đầu tư ngoài ngành quá đà đã bị cuốn vào vòng xoáy của khủng hoảng và suy thoái kinh tế, gây thất thoát vốn, tạo gánh nặng nợ xấu cho chính doanh nghiệp và nền kinh tế.
Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách năm 2010 của Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác điều hành, quản lý và sử dụng nguồn vốn của 21 tập đoàn và tổng công ty nhà nước được kiểm toán.
Một số tập đoàn, tổng công ty bị lỗ, kết quả kinh doanh giảm mạnh so với năm 2009. Điển hình, EVN lỗ hơn 8.400 tỉ đồng về lợi nhuận trước thuế năm 2010, tổng tài sản – nguồn vốn giảm gần 7.790 tỉ đồng, thuế và các khoản còn phải nộp ngân sách nhà nước tăng 102 tỉ đồng.