Những ngày cuối năm 2018 vừa qua, sau ba tháng tiến hành, một dự án nghệ thuật có quy mô vào loại lớn nhất từ trước tới nay đã được hoàn tất.
35 tác phẩm đa thể loại và chất liệu tạo hình của 15 nghệ sĩ, khá nhiều trong số đó là các bộ tranh hay tổ hợp tác phẩm có kích thước lớn và rất lớn đã được trưng bày trong khu vực đường hầm tòa nhà Quốc hội tại thủ đô Hà Nội. Đây có thể coi là một bảo tàng nghệ thuật đương đại quan trọng tại Việt Nam, sẽ mở cửa đón công chúng thưởng lãm.
Theo nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn – giám tuyển nghệ thuật của dự án, 15 tác giả cùng với hơn 100 trợ lý kỹ thuật và những người thợ lành nghề ở nhiều xưởng chế tác rải rác khắp Hà Nội, Thái Bình và cả Huế “đã nỗ lực làm việc không kể ngày đêm” để có được 35 tác phẩm hoàn toàn mới, phủ kín hơn 500m chiều dài thuộc ba khu vực đường hầm tòa nhà Quốc hội (đường hầm lớn, đường hầm nhỏ và lối vào hầm để xe).
Các tác phẩm từ sơn mài truyền thống, đồ họa mở(*) cho đến các sắp đặt đa phương tiện, sắp đặt video art trên lụa, nhiếp ảnh phù điêu, sắp đặt chạm khắc đồng tương tác, sắp đặt hàn sắt chuyển động… có thể xem là nỗ lực đối thoại cũng như thể hiện những cách nhìn sáng tạo của 15 nghệ sĩ đương đại đối với những giá trị di sản văn hóa nghệ thuật và kiến trúc trong suốt bề dày của lịch sử dân tộc Việt.
Không gian nghệ thuật đương đại ấy sẽ kết nối với hai không gian Bảo tàng cổ vật Thăng Long và Tiền Thăng Long dưới tòa nhà Quốc hội, và “sự tương tác kết nối từ không gian cổ đại đến đương đại này, chắc chắn sẽ mang lại cho người xem một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt, giống như một chuyến du hành kết nối mạch nguồn cảm hứng từ những địa tầng lịch sử huy hoàng trong quá khứ tới những cách nhìn đầy sáng tạo của những nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại ngày hôm nay”, theo giám tuyển Nguyễn Thế Sơn.
Giới thiệu các tác phẩm trong dự án nghệ thuật có một không hai này, nhà nghiên cứu mỹ thuật – nghệ sĩ thị giác Trần Hậu Yên Thế viết: “Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn và các nghệ sĩ đã tạo dựng nên một dòng chảy thời gian. Nhịp cùng bước đi của chúng ta, lịch sử dân tộc mấy ngàn năm như dòng sông cuồn cuộn chảy về. Các tác phẩm nghệ thuật tạo cho chúng ta cơ hội để xem lại quá khứ, phục hồi lại lịch sử, chiêm nghiệm điều qua đi để ý thức hơn về thực tại hôm nay…
Lịch sử từ thuở hồng hoang đến tận hôm nay được hiển hiện sống động, hỗn độn, mơ hồ – từ thời huyền sử cho đến những cảnh trí rõ ràng, tươi mới của ngày hôm nay”. Với họa sĩ Triệu Khắc Tiến, lịch sử là những truyền thuyết về sự hình thành dân tộc Việt Nam qua câu chuyện Lạc Long Quân – Âu Cơ. Anh làm 100 quả trứng sơn mài, vẽ những hoạt cảnh dân gian, sinh hoạt đời thường thường thấy trong tranh khắc gỗ Đông Hồ hay Hàng Trống.
Trong khi đó, lịch sử trong tác phẩm của Nguyễn Khắc Quang và Vũ Xuân Đông là sự tái hiện hình ảnh các vị bô lão hô vang “Quyết chiến!” trước vua Trần Thánh Tông và các tướng lĩnh trong Hội nghị Diên Hồng, đi cùng các mảng chạm khắc rồng cuộn, tiên nữ dâng hương, tiên nữ gảy đàn, mây gió, cỏ cây, hoa lá… biểu thị nền văn hiến Đại Việt rực rỡ, huy hoàng trước thời khắc đất nước lâm nguy vì hiểm họa xâm lược từ phương Bắc.
Thế nhưng lịch sử còn là những khung cảnh dung dị đời thường, vốn dễ bị lãng quên trong những can qua, biến động, thăng trầm. Đó là những góc nhỏ bé, có khi thật hỗn độn, thật cũ càng nhưng cũng thật thân quen của cuộc sống Hà Nội hôm nay trong Những không gian thu nhỏ (Vũ Kim Thư), hay Những cánh cửa xưa cũ (Trần Công Dũng). Còn trong hai bức tranh Vương Văn Thạo, lịch sử được thể hiện qua hai câu đối chữ Nôm: “Ba Đình dấu cũ / Hội nước là đây” như mong ước những đền đài, thành quách ngàn xưa và những mái nhà, cây cầu khắp đất nước Việt Nam sẽ tồn tại mãi mãi qua tháng năm.
Nguyễn Xuân Lam cũng bày tỏ ước muốn mãnh liệt về sự lớn mạnh và trường tồn của đất nước qua tác phẩm sơn mài – sắp đặt Mảnh ghép thời gian, lấy cảm hứng từ chính những di vật của kinh thành thời Lý – Trần được trưng bày trong Bảo tàng Khảo cổ dưới tầng hầm nhà Quốc hội. Được tạo thành từ 240 “mảnh ghép”, tương ứng với 240 bức tranh sơn mài, tác phẩm đặt tại hành lang dẫn vào bảo tàng như những chương mở đầu cho câu chuyện văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt, khởi đầu cùng với lịch sử của đất Thăng Long, nơi được Lý Thái Tổ chọn làm kinh đô vào năm 1010, mở ra một giai đoạn lịch sử mới có ý nghĩa quyết định với vận mệnh dân tộc.
Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước ta, nhà Lý và nhà Trần là hai trong số những triều đại thịnh vượng nhất xét trên nhiều lĩnh vực, nên việc chọn các di vật của hai triều đại này thể hiện khát vọng của tác giả. Lấy con sông Tô (hay sông Tô Lịch) làm đề tài, Vũ Xuân Đông lại có một mơ ước khác. Cùng với sông Hồng, sông Tô là một phần của lịch sử văn hiến vùng đất Thăng Long – Hà Nội. Từng chảy qua phố phường Thăng Long nhộn nhịp và là tuyến giao thông quan trọng để vận chuyển hàng hóa giao thương từ Hà Nội đi các nơi, sông Tô là sự giao hòa các giá trị văn hóa, lịch sử của các vùng đất ven đô.
Thế nhưng dòng sông nay bị ô nhiễm nặng nề, không còn tìm đâu vẻ đẹp thơ mộng ngày xưa. Tác phẩm Sông Tô được hình thành dựa trên hình thái uốn lượn của một con sông, hợp thành bởi những module bằng đồng, bằng sơn mài, bề mặt cong tạo thành như sóng nước. Người xem có thể chạm vào và xoay những module, giống như đang chạm vào dòng sông từng huy hoàng trong quá khứ. “Biết đâu phép màu của những nguyện ước khi ta chạm vào những mảng sóng sẽ góp phần hồi sinh lại một dòng sông?” như tác giả mơ ước…
Đến từ xứ Huế, họa sĩ Phan Hải Bằng – người khai sáng nghệ thuật đồ họa Trúc Chỉ (Trucchigraphy) giới thiệu tác phẩm Vọng niệm như một nỗi nhớ về những vàng son lộng lẫy trên đất cố đô từ thời các chúa Nguyễn cho đến thời nhà Nguyễn, thể hiện những mảnh vụn di sản kiến trúc Huế trên nền giấy truyền thống. Anh còn có tác phẩm Thuyền lấy cảm hứng từ hệ thống tàu thuyền trên biển của người Việt được chạm khắc trên cửu đỉnh ở Đại Nội (Huế).
Bằng sự kết hợp chất liệu giấy Trúc Chỉ với nghệ thuật ánh sáng, tác phẩm cố gắng thể hiện tinh thần hào sảng và hùng tráng của người Việt trên Biển Đông. Hình tượng những chiến thuyền được đan cài ẩn hiện với hệ thống sóng nước, vân mây, hoa lá… Thuyền giống như một chuyến du hành vào hành trình lịch sử thông qua hệ thống hình ảnh về các phương tiện và các hình thức di chuyển cổ xưa trong đời sống vật chất và tâm linh của người Việt.
Có rất nhiều di tích ở nước ta đã bị hủy hoại bởi chiến tranh, hay bởi bàn tay bọn xâm lược như chùa Báo Ân (Hà Nội), điện Cần Chánh (Huế), nhưng có những di sản kiến trúc – văn hóa – lịch sử lẽ ra phải hết sức trân trọng thì lại bị xóa sổ bởi chính người đương thời, đơn cử như Thương xá Tax của Sài Gòn mà hình ảnh được thể hiện bằng sơn phun trên capô xe hơi – một sáng tạo của họa sĩ Trịnh Minh Tiến qua tác phẩm (bộ 3) Ký ức và ảo ảnh. Qua loạt tranh này, tác giả “muốn cảnh tỉnh về khả năng tồn tại mong manh của di tích lịch sử trước tốc độ phát triển hôm nay”.
Do tòa nhà Quốc hội là “một không gian chính trị và văn hóa quan trọng của quốc gia nên các tác phẩm tham gia vào không gian trưng bày này vừa phải có giá trị nghệ thuật vừa phải có tính tư tưởng cao. Đó là một thách thức và cũng tạo cho các nghệ sĩ những cảm hứng lớn lao, đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng.
Việc lựa chọn thời gian là chủ đề xuyên suốt cho các tác phẩm xoay quanh các vấn đề như di sản, ký ức, truyền thống đã được giám tuyển Nguyễn Thế Sơn yêu cầu mang tính định hướng cho các nghệ sĩ. Chính chủ đề thời gian tương tác và ứng tác với không gian hàm chứa những giá trị đặc biệt là nhà Quốc hội đã góp phần làm nên thành công của dự án”, theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế.
(*) Đồ họa mở là khái niệm bao hàm một số hình thức đồ họa được phát triển gần đây trên thế giới, có ý nghĩa như những phương tiện mở rộng cho thực hành đồ họa đương đại (book art, sắp đặt, trình diễn với các bản in nghệ thuật)