Đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy ô nhiễm giao thông chiếm tỷ lệ 70% trong sáu nguồn gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các đô thị lớn ở nước ta hiện nay. Đặc biệt mức độ ô nhiễm do các phương tiện tham gia giao thông gây ra tác động trực tiếp lên người đi đường, mang đến những hậu quả không nhỏ cho sức khỏe con người và ngân sách dành cho y tế.
Đe dọa sinh mạng
Trong các nguồn thải gây ra ô nhiễm không khí trên phạm vi toàn quốc, ước tính hoạt động giao thông chiếm tới gần 85% lượng khí CO (carbon monocide) là chất khí không màu, không mùi rất nguy hiểm vì không thể cảm nhận được, có thể làm cho máu không đưa được oxy đến các tế bào. Trong khi đó, các nguồn khí thải do hoạt động sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản, xây dựng và hoạt động dân sinh chỉ chiếm một tỷ lệ thấp.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 40 triệu môtô, xe máy và hơn 1,5 triệu ôtô các loại. Riêng TP. Hồ Chí Minh có khoảng 8 triệu xe gắn máy. Hằng ngày, chỉ cần một nửa số xe nói trên lưu hành cũng đã xả ra môi trường một lượng lớn các khí độc hại đáng kể, gây ra các loại bệnh như viêm nhiễm đường hô hấp do nhiễm vi khuẩn, hen suyễn, viêm phế quản mạn tính, viêm mũi…
Số liệu đo đạc từ Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường TP. Hồ Chí Minh cho thấy trong sáu tháng đầu năm 2015, nồng độ khí độc hại CO trong bầu không khí thành phố rất đáng báo động khi đã vượt qua con số đo được năm 2014. Đặc biệt là trên nhiều trục lộ chính như đường vào sân bay Tân Sơn Nhất, xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1, Bến xe An Sương, Bến xe miền Tây… đã trở thành điểm nóng ô nhiễm và ùn tắc giao thông gây khốn khổ cho người dân.
Nồng độ chất benzen sinh ra từ xăng dầu, khí thải xe máy, cũng là thủ phạm chính gây bệnh đường hô hấp không kém bụi lơ lửng trong không gian.
Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam – Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TP.HCM, cho hay ô nhiễm không khí có tác động rất rõ ràng và nguy hiểm đến sức khỏe nhưng ít người để ý đến điều này.
Theo ông, trước tiên là ảnh hưởng đến hệ hô hấp, gây viêm đường hô hấp trên như tai – mũi – họng. Bệnh nhân thường xuyên nghẹt mũi, xoang, viêm phế quản, nặng hơn gây tình trạng dịứng gây hen suyễn. Đặc biệt, mũi là cửa ngõ của đường hô hấp vì thế đây là cơ quan đầu tiên trên cơ thể phản ứng với những thay đổi thất thường của thời tiết hoặc tác nhân từ môi trường. Khi không khí bị ô nhiễm kéo dài và mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng, những bệnh liên quan đến cửa ngõ này rất dễ xuất hiện và thực sự khó kiểm soát.
Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác.
Các chất độc không khí vào cơ thể chính là tác nhân gây ung thư phổi, vòm họng, mũi.
Những chất độc này xuyên qua màng lọc của phổi, đi vào trong máu, ngấm vào các thành mạch gây nên tình trạng xơ vữa. Chúng có thể tác động gây bệnh tức thời như viêm phổi, viêm mũi, hen suyễn, phế quản. Về lâu dài, chúng sẽ lấp đầy trong phổi, làm xơ cứng phổi, từ năm đến mười năm sau thì mới phát bệnh.
Không chỉ đường hô hấp, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về da liễu như mụn, dịứng, viêm da…
Chưa hết, trong các giác quan của chúng ta, mắt là nơi tiếp xúc trực tiếp và đầu tiên với bụi bặm ngoài môi trường. Chúng là tác nhân khiến mắt tiết nước gây viêm nhiễm đồng thời bụi có thể gây cộm, khó chịu, thậm chí trầy xước giác mạc nếu có góc cạnh.
Bên cạnh đó, những người sống trong khu vực bị ô nhiễm không khí nặng rất dễ mắc các bệnh đau bao tử, đường ruột, tiêu chảy do nguồn thức ăn, thực phẩm nhiễm khuẩn.
Trách nhiệm chồng chéo
Vấn đề ô nhiễm môi trường và đặc biệt ô nhiễm khí thải từ các phương tiện tham gia giao thông đã được Chính phủ và các cơ quan chức năng quan tâm từ rất lâu. Năm 1995 Việt Nam đã ban hành quy định kiểm soát khí thải ôtô, trong đó ngành Giao thông Vận tải tập trung quản lý mức khí thải của phương tiện ôtô và kiểm soát chất lượng phương tiện đối với xe máy.
Hiện tại, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới vấn đề này, trong Luật Giao thông đường bộ và Luật Môi trường cũng đã quy định phương tiện tham gia giao thông phải đạt tiêu chuẩn khí thải. Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới chỉ kiểm soát được vấn đề khí thải từ khâu sản xuất, lắp ráp, lưu hành và nhập khẩu đối với ôtô, nhưng chưa có quy định cụ thể về niên hạn, kiểm soát khí thải đối với phương tiện xe máy đang lưu hành.
Khổ nỗi, hiện nay số xe máy cứ tăng trưởng đều đặn với số lượng lớn làm cho tình hình ô nhiễm không khí ở các đô thị ngày càng nghiêm trọng. Số liệu gần đây cho thấy mười tháng đầu năm 2015 có thêm 224.000 xe máy đăng ký lưu hành.
Riêng với ôtô thì, theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô, năm 2014 số xe bán ra là 157.000 chiếc, nhưng chỉ trong mười tháng của năm 2015 con số này đã lên đến 200.000 xe, một con số kỷ lục. Tất cả đã góp phần tăng ô nhiễm không khí đến mức báo động.
Việc kiểm soát chất lượng không khí hiện nay đã có những quy định khá đầy đủ, cao nhất là Luật Bảo vệ môi trường; các nghị định của Chính phủ về niên hạn sử dụng và tiêu chuẩn khí thải đối với ôtô, xe máy, thế nhưng chức năng lại chồng chéo.
Chẳng hạn báo cáo hiện trạng do Bộ Tài nguyên và Môi trường làm, kiểm soát khí thải từ phương tiện do Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm, quy định tiêu chuẩn nhiên liệu do Bộ Khoa học Công nghệ ban hành. Nhưng đúng như người ta thường nói “cha chung không ai khóc”, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, kiểm soát nguồn thải, kiểm soát chất lượng nhiên liệu… chưa rõ ai chịu trách nhiệm.
Đó là chưa kể Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về môi trường, trong đó có môi trường không khí. Nhưng nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm không khí đô thị, cải thiện chất lượng không khí đô thị lại thuộc về Bộ Giao thông Vận tải. Trong khi cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin về kiểm soát ô nhiễm giữa các bộ, ngành, giữa cơ quan Trung ương và địa phương chưa được thực hiện.
Cuối cùng, việc kiểm soát ô nhiễm còn bỏ ngỏ do thiếu văn bản pháp luật đặc thù cho công tác quản lý môi trường không khí. Trong Luật Bảo vệ môi trường cũng như các quy định khác về bảo vệ môi trường không khí còn quá chung chung và khó thực hiện. Trên thực tế, trong khi các quy định về nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại… đều được chú trọng thì quy định về quản lý chất lượng không khí vẫn chưa có.
Cái giá phải trả
Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí tại Việt Nam gây thiệt hại đến 5% tổng sản phẩm nội địa GDP hằng năm. Ngoài khoản thiệt hại chung như trên, hằng năm nước ta còn phải chi ra 780 triệu USD cho công tác chữa trị những chứng bệnh gây nên, chi phí trực tiếp cho việc khám chữa bệnh lên đến khoảng 400 tỉ đồng.
Số liệu của Bộ Y tế cũng chỉ rõ tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra những hiểm họa khôn lường cho sức khỏe và thu nhập của người dân. Trung bình mỗi năm có hàng chục ngàn người mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, hệ tiêu hóa do hít phải khí thải ô nhiễm. Trong đó tỷ lệ số người bị các bệnh hô hấp ở các địa phương có trình độ phát triển hơn, bị ô nhiễm không khí hơn, chẳng hạn như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng, thường cao hơn từ bốn đến năm lần so với các địa phương kém phát triển. Đáng lo ngại hơn, Tổ chức Y tế Thế giới vừa qua đã chính thức công bố, ô nhiễm không khí đã và đang là nguyên nhân gia tăng số người mắc các bệnh về ung thư. Trong những năm gần đây, tại nước ta số người mắc các bệnh ung thư do tiếp xúc phải chất thải ô nhiễm liên tục gia tăng, khoảng 150.000 người/năm.
Trên các phương tiện truyền thông, ông Bernard Favre – Giám đốc Quốc tế doanh nghiệp chuyên về phần mềm và hệ thống mô phỏng chất lượng không khí (ARIA Technologies) đã từng chia sẻ rằng các đô thị lớn ở Việt Nam cần phải xem việc phát triển phương tiện vận chuyển công cộng như là trọng tâm để giảm nguy cơ tắc nghẽn và ô nhiễm giao thông. Đồng thời, tiến hành hạn chế phương tiện cá nhân, thu phí môi trường phương tiện. Đối với các đô thị cũng phải ứng dụng tối đa hệ thống mạng lưới giao thông đa phương tiện đã được tiến hành bằng cách nghiên cứu quãng đường đi để từ đó có thể đưa ra phương tiện nào sử dụng thích hợp nhất nhằm giảm tải và hạn chế xe trong thành phố.
Hoàng Long (DNSGCT)