Hằng năm, đặc biệt là vào dịp tuyển sinh và công bố điểm chuẩn vào các trường đại học, cao đẳng, báo chí lại rộ lên đề tài giáo dục và đào tạo. Nào là chương trình giảng dạy bất cập, phương pháp giáo dục chưa được đổi mới theo kịp yêu cầu, Nhà nước đầu tư cho giáo dục chưa đủ tầm, sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, trường dạy nghề thiếu học sinh, doanh nghiệp tuyển không được lao động… Nếu kể thêm thì sẽ còn rất nhiều, chẳng hạn dân ta hám danh, chuộng cấp bằng hơn là thực học, thích cái hào nhoáng bên ngoài hơn là cái thực chất bên trong…
Những điều kể trên đôi khi hơi quá đà, nhưng đã nói lên sự bức xúc của công luận trước một nền giáo dục trì trệ so với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ hiện nay, khiến nước ta lại trễ con tàu phát triển một lần nữa! Vậy nền giáo dục – đào tạo của các nền kinh tế tiên tiến đã làm những gì để việc đào tạo đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, thúc đẩy đất nước ngày càng phát triển?
Câu chuyện từ ba cường quốc Mỹ – Đức – Nhật
Mỹ là nền kinh tế số 1 thế giới và ngay từ năm 1862, chính quyền liên bang đã ban hành đạo luật Morrill nhằm thúc đẩy các địa phương chú trọng đào tạo nghề. Nội dung đạo luật khuyến khích các địa phương xây dựng trường đào tạo nghề trung cấp và trường cao đẳng kỹ thuật (college) bằng cách cung cấp đất miễn phí xây trường để phát triển các ngành: nông nghiệp, công nghệ, cơ khí, nghệ thuật…
Với đạo luật Morrill, nước Mỹ đã có thêm một hình thức giáo dục – đào tạo mới, thoát khỏi sự ràng buộc của hệ thống giáo dục kinh điển. Và khi đất nước phát triển thì các luật mới tiếp tục được ban hành, nhằm đảm bảo sự đào tạo ngành nghề, kỹ thuật đáp ứng được nguồn nhân lực theo yêu cầu phát triển kinh tế quốc gia.
Đức là một quốc gia công nghiệp hàng đầu châu Âu. Ngoài hệ thống giáo dục chính quy, Đức còn có mô hình đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật theo mô hình Berufsbildende Schule (tạm dịch là mô hình “song nguyên”). Đây là một loại trường đào tạo kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp một cách chặt chẽ. Trường có nhiều ngành đào tạo, được phân thành ba mảng: thương nghiệp (đào tạo thư ký văn phòng, kế toán ngoại thương…), kỹ thuật (sửa chữa ôtô, máy móc cơ giới, điện khí…), dịch vụ (gia chánh, nấu ăn, spa, các dạng dịch vụ phục vụ sức khỏe con người…).
Về thời gian học, học văn hóa tại trường chiếm 30%, thời lượng còn lại thực tập tại cơ sở của doanh nghiệp. Về nội dung, 70% chương trình liên quan đến ngành nghề đào tạo, 30% học kiến thức văn hóa phổ thông. Khi tốt nghiệp ra trường, học viên đảm bảo có việc làm với tay nghề đạt yêu cầu của doanh nghiệp và với một lượng kiến thức đủ theo chuẩn đào tạo 12 năm của quốc gia.
Để khuyến khích doanh nghiệp, những đơn vị tham gia chương trình được đưa các chi phí trên vào chi phí chung của doanh nghiệp. Và đương nhiên, họ còn được hưởng một nguồn lao động được đào tạo phù hợp với yêu cầu. Mô hình này được xem là vũ khí sắc bén của nước Đức trong chiến lược xây dựng nền công nghiệp chế tạo hùng mạnh của quốc gia. Được biết, Trung Quốc đang khuyến khích các trường đào tạo áp dụng mô hình của nước Đức, xem đây là một giải pháp mới trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhằm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình hiện nay.
Riêng với Nhật, đất nước được gọi là “giáo dục lập quốc”, ngay từ thời Minh Trị đã có ba hệ thống giáo dục cùng phát triển, đó là: (1) Đào tạo giáo dục từ hệ thống chính quy của nhà nước, (2) Đào tạo lao động, kỹ thuật từ những lớp đào tạo tại các doanh nghiệp và (3) Đào tạo lao động kỹ thuật từ các tổ chức xã hội. Tham gia các kênh đào tạo trên là học sinh học xong lớp 9 (bậc trung học sơ cấp) và những lao động đã trưởng thành.
Tại các trường đào tạo, nếu theo học 2-3 năm (tùy ngành nghề), học viên sẽ có trình độ kỹ thuật trung cấp. Nếu họ theo học năm năm thì ra trường sẽ đạt được trình độ cao đẳng kỹ thuật. Lao động kỹ thuật trung cấp và lao động có trình độ cao đẳng kỹ thuật là lực lượng chủ yếu làm nên kỳ tích phát triển của nước Nhật từ thời Minh Trị đến nay.
Kinh nghiệm từ Đài Loan
Năm 1952, thu nhập bình quân đầu người của Đài Loan chỉ 152 USD, dân số khoảng 8 triệu, trong đó khoảng 1 triệu là quân lính của Tưởng Giới Thạch cùng gia quyến từ Trung Quốc đại lục. Dù có tiềm lực kinh tế thấp kém như vậy, chính quyền Đài Loan vẫn đặc biệt chú trọng đến giáo dục – đào tạo. Nhờ đó, giai đoạn 1952-1960, chế độ giáo dục quốc dân mới là tiểu học (trình độ học bắt buộc và chế độ học miễn phí), thì đến giai đoạn 1960-1965 đã nâng lên sơ trung (lớp 9). Lúc này, hệ trung học (lớp 9 trở lên) được chia thành ba hệ gồm: Trung học phổ thông, trung học kỹ thuật (nghề) và trường sư phạm (đào tạo giáo viên tiểu học, trung học sơ cấp). Tỷ lệ của hai hệ phổ thông và nghề của giai đoạn 1952-1960 là 1,7:1. Từ năm 1960 trở đi, nhằm đáp ứng cho yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa phục vụ chiến lược phát triển kinh tế chung, tỷ lệ trên được đảo chiều thành 1:2,33 (một trường trung học phổ thông so với 2,33 trường kỹ thuật nghề). Và trường sư phạm được nâng lên thành trường cao đẳng sư phạm kỹ thuật.
Về mặt chính sách, chính quyền khuyến khích tư nhân xây trường đào tạo nghề, trường trung học kỹ thuật, cao đẳng kỹ thuật (học năm năm, đầu vào là học sinh tốt nghiệp lớp 9) bằng cách giao đất miễn phí để xây trường, đồng thời được cấp kinh phí vận hành từ nguồn kinh phí giáo dục quốc gia. Song song đó, Bộ Giáo dục có biện pháp phân bổ đầu vào cho trường phổ thông và trường kỹ thuật, nhằm đảm bảo việc đào tạo lao động kỹ thuật phục vụ cho chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhờ đó, chỉ trong khoảng 30 năm, Đài Loan đã trở thành nền kinh tế phát triển, một trong bốn con rồng châu Á.
Và đâu là hành động của chúng ta?
Điểm chung của những câu chuyện trên là ở bất cứ thời kỳ nào thì đào tạo nghề, đào tạo cán bộ kỹ thuật luôn luôn là quốc sách trong chiến lược phát triển kinh tế. Những “bài học kinh nghiệm” đó đều đáng để tham khảo, đặc biệt là của Đài Loan – khá gần gũi với chúng ta.
Có thể nói, ngành giáo dục – đào tạo nước ta cũng rất trăn trở với việc làm thế nào để thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện nay, với nhiều cuộc hội thảo có quy mô lớn từng được tổ chức. Tuy nhiên, trong những lần hội thảo hay góp ý cho ngành giáo dục – đào tạo, chúng ta thường sa vào hai trạng thái trái ngược. Hoặc “lạc quan thái quá”, khi so sánh hiện tại với tình trạng trước kia, rồi kết luận rằng chúng ta đã tiến bộ vượt bậc rồi, nếu có đưa ra một cái gì mới thì thường là “hình thức lấn át nội dung”.
Hoặc tiêu cực là phê phán một số nhược điểm nào đó và muốn áp dụng ngay một số mô hình của các nước phát triển, giống như xem người khỏe mạnh ăn gì thì chúng ta ăn theo để được khỏe như họ. Và thường chúng ta thiếu cân nhắc giữa khả năng thực tại (hiện trạng kinh tế – xã hội) có thể đáp ứng được các yêu cầu với những ước mơ nóng vội, duy ý chí, hệ quả là đưa ra những giải pháp mang tính “đi tắt đón đầu” không giải quyết được cái gốc của vấn đề.
Nên nhớ rằng, để có được một đề án khả thi, có thể ứng dụng thực tiễn, chúng ta không thể chỉ máy móc áp dụng một mô hình nào đó, mà cần phải có một nghiên cứu bài bản, với một bộ máy chuyên sâu, cùng một chương trình làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm. Những cuộc hội thảo trong một vài ngày, theo kiểu mỗi diễn giả đọc một bài tham luận, sẽ không thể đưa ra được một phương án khả thi.
Trong buổi tọa đàm “Phát huy vai trò thanh niên công nhân trong phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế” diễn ra chiều 12-5 tại TP. Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu đặt vấn đề chúng ta khuyến khích học nghề nhưng khi tuyển dụng lại đặt nặng tấm bằng đại học.
Đánh giá những thực trạng đã qua, Tiến sĩ Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho biết có nhiều nguyên nhân làm cho nguồn lao động nước nhà chưa thể cất cánh được. Trong đó, công tác dự báo cung cầu thị trường lao động và sử dụng nhân lực chưa hiệu quả. Mặt khác, cơ cấu đào tạo chưa phù hợp với cơ cấu sử dụng nguồn nhân lực đã tạo ra nhiều mâu thuẫn, bất hợp lý. “Quy trình đào tạo phải theo hướng vừa nâng cao trình độ vừa đảm bảo hội nhập được, đào tạo phải gắn kết với nhu cầu doanh nghiệp, chú trọng rèn luyện kỹ năng thao tác trực tiếp trên máy móc. Điều đó phần nào giúp cho lực lượng lao động của ta có thể ung dung hòa nhập vào thị trường lao động nước ngoài”, ông Cao Văn Sâm kiến nghị.
Quan điểm của ông Cao Văn Sâm được nhiều người đồng tình. Tuy nhiên, về biện pháp cụ thể, cần phải bàn sâu hơn ở nhiều khía cạnh khác. Việc chuyển công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội không quá quan trọng. Bởi vấn đề không phải ai quản lý, mà mục tiêu đào tạo, nội dung ra sao, các kiến thức nào ưu tiên, theo thứ tự nào phù hợp với yêu cầu hiện nay mới là điều cần quan tâm. Như đã nói, về chính sách cũng như giải pháp, chúng ta có thể tham khảo các mô hình được nêu ở trên, hoặc tìm ra mô hình riêng phù hợp. Tuy nhiên, dù là mô hình nào thì nguồn lực của quốc gia – nguồn vốn đầu tư dành cho công cuộc này là vô cùng quan trọng.