Ấn chương là kỷ vật thời cuộc của người xưa, mà khi nghiên cứu sẽ thấy từ uy quyền tuyệt đối của nhà vua, sự phân tầng quản lý đến phân tầng xã hội, hoạt động giao thương của người dân đều được biểu hiện sinh động trong từng loại ấn chương.
Sự xuất hiện của ấn chương (con dấu, con triện) ở phương Đông có lịch sử rất lâu đời, từ mấy ngàn năm trước. Ở Việt Nam, thập niên 1970, các nhà khảo cổ trong khi khai quật tại Hoa Lộc, Phú Lộc thuộc huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã tìm ra những con dấu bằng đất nung dùng in hình hoa văn trang trí có niên đại thế kỷ 15-16 trước Công nguyên.
Những con dấu này được gọi chung “Hoa Lộc” với nhiều giả thiết về mục đích sử dụng, trong đó có khả năng những người Việt cổ dùng dấu “Hoa Lộc” in lên cơ thể như một hình thức tín ngưỡng.
Thể hiện ý chí, quyền sở hữu
Hai con dấu sớm nhất của nước ta thời kỳ Đại Việt được tìm thấy là Bình Tường thổ châu chi ấn (1362) hiện ở Quảng Tây, Trung Quốc và dấu Môn hạ sảnh ấn (1377).
Ở Trung Quốc, từ thời Ân, người ta đã biết dùng vật nhọn khắc những bức họa tượng hoa vằn lên những hòn đá, thường là nhân vật, động vật, thực vật, nhưng đó mới chỉ là sự manh nha của ấn chương, cùng với mở rộng trao đổi thương phẩm và chế độ tư hữu dần dà thiết lập, ấn chương mỗi ngày được sử dụng rộng rãi thêm.
Bằng chứng đầu tiên về ấn chương ở Nhật Bản là một con dấu có niên đại từ năm 57, làm bằng vàng nguyên khối, được trao cho người cai trị Nakoku của hoàng đế Guangwu, gọi là con dấu vàng của vua Na. Tuy nhiên, ấn chương được sử dụng chính thức tại quốc gia Đông Á này là vào thế kỷ thứ 8, thời kỳ Thiên hoàng Jito trị vì.
- Xem thêm: Bảo vật quốc gia Việt Nam
Lúc đầu, chỉ có hoàng đế và các chư hầu đáng tin cậy nhất được sử dụng ấn chương, vì chúng là biểu tượng cho quyền lực hoàng đế.
Chỉ đến khi Minh Trị Thiên Hoàng quyết định cải cách đất nước vào năm 1868, ấn chương được sử dụng phổ biến trong toàn xã hội Nhật Bản. Ngày nay, mỗi cá nhân sống tại Nhật Bản phải sử dụng con dấu cá nhân của mình thay cho chữ ký trong các giao dịch.
Thuở ban đầu ấn chương được dùng phục vụ các hoạt động giao thương và quản lý hành chính, về sau được đóng lên các tác phẩm thư (thư pháp), họa (tranh), điêu khắc, gốm sứ…
Sự xuất hiện của ấn chương trên văn bản hành chính, thỏa thuận giao thương hay một tác phẩm nghệ thuật, có giá trị như là bằng chứng thể hiện ý chí của nhà nước, tổ chức, cá nhân đối với nội dung trên văn bản; chứng thực sáng tác của tác giả đối với hình ảnh (tranh), chữ viết (thư pháp) trên các tác phẩm nghệ thuật hoặc là minh chứng cho quyền sở hữu đối với tác phẩm ấy.
Ấn chương qua mỗi thời kỳ góp phần làm rõ hơn giai đoạn lịch sử nhất định của một quốc gia về phương diện quản lý hành chính, những thỏa thuận trong mua bán, văn hóa, phong cách kỹ thuật, mỹ thuật… Thậm chí là tâm tư tình cảm của người chế tác, sử dụng ấn.
Góp phần làm sáng tỏ văn hóa, lịch sử, nghệ thuật
Nghiên cứu, tìm hiểu về ấn chương không chỉ là nghiên cứu lịch sử, chất liệu, phong cách, kỹ thuật chế tác mà còn tìm hiểu về nội dung, cách thức thể hiện trên văn bản của ấn chương đó. Vì vậy, ấn chương là một lĩnh vực rất chuyên sâu và một số nước có hẳn bộ môn ấn chương học.
Ở Việt Nam, người đầu tiên đi sâu nghiên cứu ấn chương học là tiến sĩ Nguyễn Công Việt với tài liệu Ấn chương Việt Nam dày 511 trang do NXB Khoa Học Xã Hội ấn hành. Công trình đã được các nhà chuyên môn đánh giá nghiêm túc, công phu, là bước khởi đầu quan trọng đối với ngành ấn chương học Việt Nam.
Vì là những hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật…, ấn chương là đối tượng được giới sưu tầm quan tâm. Hoạt động sưu tầm con dấu, trước hết thuộc về các bảo tàng nhà nước.
Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM sở hữu nhiều bộ ấn chương Việt Nam rất quý, đặc biệt trong đó có một con dấu làm từ chất liệu đồng, thân dấu hình vuông và trên lưng dấu khắc các chữ Hán: “Quang Thái lục niên” cho thấy hiện vật được đúc vào năm Quang Thái thứ 6 (1393), tức là vào thời vua Trần Thuận Tông.
Một ấn chương khác thuộc sở hữu của Bảo tàng là “Hoài Đức Quận Vương” làm bằng đồng vào thế kỷ 19. Đây là một con dấu quý bởi nó là ấn chương của hoàng tử nhà Nguyễn được phong vương: Nguyễn Phúc Miên Lâm, người nổi tiếng trung thành với vua Hàm Nghi…
Còn Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội) đang lưu giữ chiếc ấn vua, được xem là lớn và đẹp nhất triều Nguyễn, đúc bằng vàng ròng vào mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ tư (15-3-1823).
- Xem thêm: Sống lại những nền văn hóa cổ
Căn cứ theo ảnh tư liệu có được, TS Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, mô tả bảo ấn này như sau: Ấn đúc hình vuông, quai ấn là một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng về phía trước.
Đỉnh đầu rồng khắc hình chữ vương; kỳ (vây lưng) dựng đứng; đuôi cũng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước; bốn chân rồng đúc rõ năm móng, tư thế chống chân xuống mặt ấn rất vững vàng. Mặt dưới của ấn khắc bốn chữ triện “Hoàng đế chi bảo”.
Mặt trên của ấn, phía hai bên quai khắc nổi hai dòng chữ: “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (đúc vào giờ tốt mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4); “Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân” (đúc bằng vàng, trọng lượng 280 lạng 9 chỉ 2 phân), nếu tính 27 lạng tương đương 1kg thì chiếc ấn này nặng khoảng 10,7kg.
Song song với hoạt động của bảo tàng, một số nhà sưu tập cổ vật tư nhân cũng thường có một vài chiếc ấn.
Ở TP.HCM, người sở hữu bộ sưu tập ấn chương lớn nhất là ông Nguyễn Văn Phẩm, Phó chủ tịch Hội Cổ vật TP.HCM, người có đến 400 chiếc ấn các loại.
Ngoài phương pháp sưu tập theo bộ như ông Phẩm, người chơi còn sưu tầm ấn chương riêng lẻ, rồi đưa vào không gian cổ ngoạn, bày phối hợp với tranh, gốm sứ hoặc một góc văn phòng chi bảo bao gồm giấy, bút, nghiên, mực và ấn xưa hoặc cổ.
Ấn chương có bề dày lịch sử mấy ngàn năm. Nghiên cứu ấn chương không chỉ góp phần làm sáng tỏ văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của người xưa mà còn cổ xúy cho một hoạt động văn hóa lành mạnh trong giới sưu tầm.