Trong lịch sử hình thành và phát triển nước ta, văn hóa Óc Eo và Chămpa là những nền văn hóa lớn, từng phát triển rực rỡ và để lại nhiều dấu ấn trong đời sống vật chất và cả tinh thần.
Việc các nhà khảo cổ học khai quật và phát hiện nhiều di chỉ với rất nhiều cổ vật đã cho chúng ta những cứ liệu để tìm về những vết tích vàng son của một thời hưng thịnh, mở mang cương thổ.
Cho đến nay, Bảo tàng Lịch sử là nơi quy tập được nhiều cổ vật Việt Nam, trong đó những hiện vật của văn hóa Óc Eo và Chămpa là hai trong các bộ sưu tập được đánh giá là đầy đủ nhất trên thế giới. Đó cũng là lý do mà các nhà tài trợ văn hóa từ Pháp đã chọn để xây dựng hai phòng trưng bày hiện vật của hai nền văn hóa này.
Văn hóa Óc Eo và sự giao thoa với các nền văn hóa
Óc Eo là một nền văn hóa cổ, đã hình thành và phát triển trên châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 7, được biết đến qua cuộc khai quật đầu tiên tại gò Óc Eo (An Giang) vào năm 1944.
Tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Phòng trưng bày văn hóa Óc Eo tập hợp gần 350 hiện vật. Dù nhiều hiện vật không còn nguyên vẹn, nhưng chúng vẫn là những tác phẩm độc đáo, phản ánh từ tín ngưỡng, đời sống tâm linh đến sinh hoạt đời thường của người dân, được chia thành ba phần để khách dễ tham quan.
Phần thứ nhất là những hiện vật có kích thước nhỏ, được đặt trong tủ kính và sắp xếp theo chủ đề, chẳng hạn đồ sinh hoạt gồm có rìu, bàn xoa, dọi xe chỉ, chì lưới, bình, ly, nắp, ấm và bình…; nhóm kiến trúc có những vật bằng gạch, đá (đầu sư tử, đầu cột trụ, phù điêu chạm mặt người, đầu tượng người, bức chạm, vật đựng lễ vật…) thể hiện được trình độ cao trong kỹ thuật chế tác; tủ đồ đồng và đồ nghề kim hoàn gồm các loại tượng nhỏ, bùa, nhạc cụ, các loại trang sức (khuyên tai, nhẫn, vòng tay, vòng cổ…) chân đèn, đèn hình Makara, đầu heo rừng, đèn, gương đồng… với nhiều kiểu dáng, các dụng cụ làm kim hoàn như khuôn đúc, nồi nấu kim loại, đầu búa…
Để tạo cho khách tham quan sự bất ngờ và tò mò khám phá những điều mới mẻ của phòng trưng bày, có hẳn một khu trưng bày như một chiếc rương cất giữ kho báu, là những vật bằng đá quý, đá bán quý, thủy tinh, vàng, kim loại…
Những hiện vật đó cho thấy thẩm mỹ của cư dân Óc Eo rất cao. Nhiều loại trang sức như hoa tai, nhẫn… có mẫu mã đa dạng, rất lạ và đẹp mắt, chắc chắn được chế tác bởi bàn tay của những người thợ rất tài hoa.
Nổi bật trong đó là chiếc nhẫn vàng có chạm hình bò Nandin và khắc chữ Phạn, hoặc tiền đúc bằng bạc, vàng của La Mã thế kỷ thứ 2 thể hiện sự giao lưu kinh tế, thương mại của cư dân văn hóa Óc Eo với các dân tộc khác.
Ở phần thứ hai, văn hóa Óc Eo bao gồm những hiện vật có xuất xứ liên quan hoặc chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo và Phật giáo (nhóm tượng linga, yoni, mukhalinga, tượng thần Visnu, bò Nandin, thần Surya… theo Ấn Độ giáo và nhóm tượng Phật bằng đá được thể hiện dưới nhiều kiểu dáng khác nhau theo Phật giáo).
- Xem thêm: Tình Óc Eo
Đặc biệt, hai tượng Phật bằng gỗ đứng trên tòa sen có niên đại thế kỷ 6-7 là những tượng Phật gỗ cổ xưa nhất được tìm thấy tại Đông Nam Á.
Nếu bức tượng gỗ sao cao hơn 3 mét thiên về kiểu điêu khắc phương Tây thì tượng gỗ mù u còn khá nguyên vẹn lại có kiểu dáng chịu ảnh hưởng của văn hóa miền Nam Ấn Độ. Cả hai bức tượng này đã được Bảo tàng Lịch sử xin xác nhận là bảo vật quốc gia.
Phần thứ ba là nhóm hiện vật thuộc thời kỳ hậu Óc Eo. Đa số những bức tượng thời kỳ này có kích thước nhỏ hơn thời kỳ văn hóa Óc Eo, nhưng trang phục và nếp gấp y phục của tượng (thần Visnu, nam thần, nữ thần) rất đẹp, rất sắc nét, chứng tỏ đã có sự phát triển cao trong nghệ thuật tạo hình.
Huyền thoại văn hóa Chămpa và những bảo vật quốc gia
Trên bản đồ địa lý, di chỉ của nền văn hóa Chămpa xưa nằm dọc duyên hải miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận ngày nay.
Văn hóa Chămpa chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, Campuchia và Ấn Độ, đã từng phát triển rực rỡ với những đỉnh cao là phong cách Đồng Dương và Mỹ Sơn mà nhiều di tích đền tháp, các công trình điêu khắc đá, các linga hiện vẫn còn tồn tại. Chămpa hưng thịnh nhất vào thế kỷ 9-10, sau đó suy yếu dần. Năm 1471, Chămpa chịu thất bại nặng nề trước Đại Việt và chấm dứt sự tồn tại của mình.
Được biết, bộ sưu tập điêu khắc và hiện vật Chămpa của Bảo tàng Lịch sử là một trong những bộ sưu tập đầy đủ nhất trên thế giới, có rất nhiều cổ vật bằng đồng (thế kỷ 7-8) đại diện cho nền văn hóa Chămpa, trong đó nhiều cổ vật đã được đăng ký là bảo vật quốc gia.
Các hiện vật trong phòng trưng bày văn hóa Chămpa cũng được chia thành ba phần. Phần thứ nhất là những hiện vật bằng đồng, chủ yếu là các tượng Phật được trưng bày trong tủ kính và những vật thờ cúng.
Một bộ tượng Phật có kích thước đa dạng và còn khá nguyên vẹn được các chuyên gia bảo tàng của Pháp đánh giá là bộ sưu tập tượng Phât đầy đủ nhất, đẹp và thuộc hàng quý hiếm nhất trên thế giới.
Riêng bức tượng Phật Đồng Dương được xem là một tuyệt tác nghệ thuật mà Bảo tàng Lịch sử sở hữu một bức duy nhất. Tượng này đã được mang đi tham dự tại nhiều triển lãm cổ vật trên thế giới (Pháp, Áo, Bỉ…) với mức định giá mua bảo hiểm là sáu triệu USD.
- Xem thêm: Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam
Phần thứ hai trưng bày các bức tượng thần thờ cúng thuộc Ấn Độ giáo và các tượng để trang trí trong các ngôi đền.
Siva (thần Hủy diệt) là một vị thần rất được tôn sùng trong văn hóa Chămpa, còn thần Ganesa đầu voi (con trai thần Siva) là một vị thần hiền từ có chiếc bụng to (do ăn nhiều), nhưng chính là đấng dẹp bỏ trở ngại, giúp cho dân chúng vượt qua khó khăn. Indra cưỡi voi là thần tạo ra mưa gió, sấm sét.
Đa số tượng thờ là từng bức riêng lẻ, chỉ có một bệ tượng thờ chín vị thần (có một số vị thần tượng trưng cho các hành tinh), dù bị sứt mẻ đầu vẫn là vật rất hiếm trong số các hiện vật Chămpa được tìm thấy.
Nữ thần Devi cũng là người được tôn sùng. Bà là vợ của vua Indravarman II – người sáng lập triều đại Đồng Dương (thế kỷ 9). Tượng nữ thần Devi cũng là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị của văn hóa Chămpa.
Vị trí trung tâm của phòng trưng bày thuộc về phần thứ ba: hình ảnh khác của thần Siva và bò Nandin – con vật mà thần Siva cưỡi.
Trong các ngôi đền, tượng bò Nandin luôn được đặt đối diện với tượng thần Siva trong tư thế sẵn sàng chở thần Siva.
Tuy nhiên, không gian bảo tàng chỉ trưng bày hiện vật chứ không tái hiện đền nên thần Siva và bò Nandin được đặt ở vị trí so le nhau.
Văn hóa có tính kế thừa, phát huy và sáng tạo, điều này thấy rõ trong văn hóa Chămpa. Bởi trong văn hóa Ấn Độ, chim thần Garuda thường giao đấu với rắn Naga qua hình ảnh chim mổ và quắp lấy rắn, nhưng khi truyền đến văn hóa Chămpa thì người dân sáng tạo nên hình ảnh mới, chim thần và rắn sống hòa bình bên nhau.
Xem hiện vật của những nền văn hóa xưa trong một không gian hiện đại mang đến cho khách tham quan nhiều cảm xúc, như được lần giở lại những trang lịch sử…