Ăn chay, bắt nguồn từ chữ Hán là Trai, tức là giữ cho lòng dạ được trong sạch, trước khi muốn cầu xin điều gì hoặc trước khi cử hành một lễ tế quan trọng. Ngày xưa, trước khi tế Trời ở đàn Nam Giao, nhà vua phải sống biệt lập, cữ ăn thịt 3 ngày, nhất là không được gần gũi cung phi mỹ nữ.
Ngày nay, lắm người tuy không đến chùa Phật để qui y cũng nguyện ăn chay, vì lý do gì đó, đơn giản. Ông bà cha mẹ trước kia ăn chay, nay đã mất, con cháu cũng giữ lệ, âm thầm báo hiếu. Hoặc đọc sách, nghe bạn bè khuyên, muốn ngừa huyết áp, nên ăn những món thuộc về thực vật, để giảm lượng cholestérol trong máu. Lắm người ăn cho vui, với bạn bè, thỉnh thoảng lại nhớ, bèn vào tiệm ăn cho vui, nhất là ăn trong môi trường “có văn hóa”. Làm sao vừa ăn món chay, vừa cằn nhằn chuyện nợ nần, tiền nong, hoặc chửi thề.
Đạo Thiên Chúa cũng có kỷ luật ăn chay, gọi là ăn nhẹ, vào ngày thứ sáu trong tuần, ngày Chúa bị đóng đinh. Đạo Cao Đài khuyên đạo hữu nên ăn Thập, mỗi tháng 10 ngày. Đặc biệt đạo Tứ Ân cữ 12 con giáp (trâu, chuột, cọp, dê…) còn lại là ăn hết. Con rồng (thìn) phải cữ vì làm sao gặp nó để ăn thử và làm sao được dịp ăn thịt cọp. Những tín đồ của ông đạo Trần (Long Sơn, Vũng Tàu) được khuyến khích ăn con cua vì con này đi ngang, ngang bướng, ăn luôn con tôm vì tôm là giống có cứt trên đầu, nên loại trừ. Ngày nay, vì đời sống phúc tạp, lắm người không ăn chay ở nhà, làm phiền chồng con, về nấu nướng. Ăn chay ở nhà phải dùng đũa chén, chảo riêng, không dính thịt mỡ. Với kinh tế thị trường, nhiều tiệm cơm chay đã mở ra bán thức ăn chay.
Buổi sáng, ở tiệm có bánh bao, xíu mại chay. Hoặc khiêm tốn hơn, gọi một tô mì ăn liền (mì chay), thêm nước tương chay, lấy nhãn hiệu Bồ Đề. Ở Sài Gòn, theo trí nhớ của người 70 tuổi, hiệu cơm chay với qui mô đáng kể đầu tiên là Tín Nghĩa, đầu đường Trần Hưng Đạo A, dường như do tín đồ đạo Cao Đài điều khiển. Trong tiệm này, nếu tôi nhớ không lầm, còn bán nhang thơm, trên vách, viết những ca dao, câu kinh khuyên làm lành lánh dữ.
Phía Chợ Lớn, gây sự chú ý của thực khách đầu tiên có lẽ là quán Phật Hữu Duyên, trên bảng hiệu chưng bày ông Phật Bồ Tát khỏe mạnh, cười tươi, trong khung kiếng. Ngày nay, tiệm cơm chay mở ra khá nhiều, phục vụ ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, mỗi quận đều có năm bảy tiệm nổi danh, với bảng hiệu chào hàng. Lắm khi ở mỗi đường phố cư xá lại mở năm ba tiệm, tiệm nào cũng không lỗ vốn, không làm giàu nhanh nhưng phát đạt.
Chả thấy thống kê nào chính thức, nhưng phần đông là đàn bà, cô gái, đàn ông đứng tuổi là số lượng đáng kể, thanh niên trai tráng cũng hiện diện, nhưng ít.
Ngoại kiều, người Đài Loan, người Nhật, người Hoa thường đến, tỏ vẻ hài lòng, ngạc nhiên thích thú vì tài sáng tạo của đầu bếp chuyên nấu đồ chay. Người ăn chay thường ví von : “Ăn mặn nói ngay, ăn chay nói vạy”, theo nghĩa người ăn mặn gọi đích danh món ăn, người ăn chay cũng gọi món ăn ấy, với nội dung chay. Thí dụ, tuy là ăn chay, nhưng vẫn quen miệng, nói cho vui nào mì xào thập cẩm, hoành thánh, thịt heo quay kho, gà xé phay, bít-tết, nem nướng, chả lụa… lại còn tôm kho tàu, cháo gà, đồ lòng heo, dồi trường.
Nhiều chủ quán ăn, bán đồ mặn, nhưng ngày rằm, này 30 hoặc Phật Đản, ngày Tết thì đóng cửa, nghỉ bán, không sát sanh những ngày ấy. Nói rằng ăn chay vào ngày rằm, mùng 1 là đông khách nhất, nhưng ngày thường cũng bán lai rai. Người Hoa nấu món chay gần như người Việt, nhưng dùng dầu mè quá nhiều. Món chay ngày nay khá ngon, vì nhờ bột ngọt, tuy là hóa chất nhưng vẫn là chay.
Gà xé phay, từ bắp chuối hột. Tôm kho, thịt khi dùng mùi mì căn. Trái sa-kê, hoặc mít non luộc thay cho thịt. Cơ bản về món chay vẫn là đậu nành chế biến ra đậu phụ, gọi tàu hũ. Tàu hũ non dùng nấu canh hẹ. Cơm cháy của tàu hũ nấu canh hoặc làm thay cho thịt vẫn ngon. Tỏi là gia vị cho phép sử dụng. Ăn chay với rau, còn gì ngon cho bằng. Ở gia đình nhiều người khá giả vẫn ăn kiểu khắc khổ của ông bà ngày trước : tương, chao, dưa, muối, rau luộc.
Trong chợ Sài Gòn, chợ Bình Tây vẫn thấy sạp bán thức ăn chay, ở bến xe miền Tây, gánh bán cơm chay vẫn hiện diện cũng như ở bến phà Mỹ Thuận.
Nghe nói ở đường Cao Thắng, khoảng giữa, một đĩa cơm chay bình dân có 3.000đ, thêm 1.000đ nữa có canh. Ăn chay và quán cơm chay phục vụ là nét văn hóa đặc thù của Sài Gòn và các tỉnh.