Trong mấy ngày qua, việc Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo của Mỹ cùng đi thăm Ấn Độ đã lôi cuốn sự chú ý của công luận quốc tế. Cuộc gặp gỡ của hai viên chức cao cấp này với hai người đồng nhiệm của Ấn Độ nhằm mục đích chính là cải thiện quan hệ thương mại, làm giảm nhẹ sự căng thẳng đang diễn ra giữa hai nước và đề ra những phương thức hợp tác phù hợp nhất.
Một trong những trở ngại lớn nhất trong quan hệ Mỹ – Ấn là những thỏa thuận về quân sự và thương mại giữa Ấn Độ với Nga và Iran là hai nước mà Mỹ đang áp đặt các biện pháp trừng phạt về kinh tế. Ấn Độ là nước tự sản xuất ít vũ khí nhất và nhập vũ khí lớn nhất thế giới, trong khi Nga đang giữ vai trò nước cung cấp phần lớn trang thiết bị quân sự cho đất nước Nam Á này. Đây là mấu chốt của vấn đề mà Mỹ muốn đặt ra cho Ấn Độ.
- Xem thêm: Chiến tranh thương mại Mỹ – EU leo thang
Theo một kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, trong năm năm qua, Washington đã tăng gấp năm lần lượng vũ khí xuất cho Ấn, nâng lên tỷ lệ 15% tổng số vũ khí Ấn Độ nhập về. Trong khi đó, khối lượng vũ khí Ấn Độ nhập từ Nga đã từ 79% giảm còn 62%. Dù vậy thì tỷ lệ này cũng còn cao gấp hơn bốn lần tỷ lệ vũ khí nhập từ Mỹ. Dưới thời các tổng thống Bush và Obama, Mỹ tỏ ra “thông cảm” cho Ấn Độ về việc này vì Delhi cần có đủ sức mạnh quân sự để đối phó với mối đe dọa từ người láng giềng Trung Quốc.
Tuy nhiên, đến Tổng thống Donald Trump, mối quan hệ Mỹ – Ấn trở nên phức tạp hơn khi Ấn Độ đặt mua tên lửa đối không S-400 của Nga. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi vấn đề này đang trở thành đề tài thảo luận tay tư của các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của hai nước.
Trong cuộc thảo luận, trước tiên Mỹ bày tỏ sự chống đối lại việc Ấn Độ mua dầu thô từ Iran. Sự bất đồng giữa hai bên về vấn đề này vẫn chưa giải quyết được khi Ấn Độ đã hứa sẽ đầu tư hơn 500 triệu USD để khai thác một cảng tại thành phố Chabahar của Iran. Với Ấn Độ, Iran là một đối tác chiến lược quan trọng của họ, việc ngưng nhập khẩu dầu thô sẽ làm xáo trộn hoạt động kinh tế của nước này.
Tuy nhiên, để dung hòa, các giới chức có thẩm quyền của chính phủ Delhi có thể thỏa thuận cắt giảm khối lượng dầu nhập từ Iran.Về thương mại và an ninh, hai bên cũng còn khoảng cách trong chiến lược của họ đối với vấn đề Afghanistan. Một tướng lãnh của Mỹ vừa tuyên bố là Washington đang thương thảo trực tiếp với tổ chức Taliban, trong khi Ấn Độ lại rất thận trọng đối với nhóm này. Vốn là người cung cấp viện trợ lớn nhất cho Afganistan, Delhi cảm thấy không thoải mái khi Mỹ đối thoại với những tổ chức được Pakistan hỗ trợ.
Những dữ kiện trên cho thấy, mặc dầu Mỹ và Ấn Độ đang muốn xích lại gần nhau hơn, song những bất đồng đang là sức cản quan trọng cho mọi nỗ lực của cả hai bên. Mỹ đang tăng thuế suất lên hai mặt hàng thép và nhôm của Ấn Độ, còn Ấn Độ cũng trả đũa bằng việc tăng thuế nhập khẩu đánh trên nhiều mặt hàng nhập từ Mỹ.
– Tổng hợp