Một buổi sáng tháng Giêng lạnh giá, có một người đàn ông ngồi tại ga tàu điện ngầm ở Washington D.C. chơi vĩ cầm. Đến giờ cao điểm, có hàng ngàn người đi qua, ông ta cứ miệt mài chơi liền một mạch sáu bài của Bach…
Một người đàn ông trung niên khi thấy người nghệ sĩ đang chơi đàn, chậm bước, dừng lại một hai giây, nhưng rồi vội vã bước đi. Một phút sau, người nghệ sĩ nhận được đồng tiền đầu tiên do một phụ nữ ném cho mà chân bà ta vẫn không ngừng bước.
Vài phút sau, có một bé trai khoảng ba tuổi cùng người mẹ đi đến. Người mẹ thúc cậu ta phải nhanh chân, nhưng cậu bé cứ dừng lại xem người nghệ sĩ vĩ cầm biểu diễn. Thế rồi cậu ta cũng phải nghe lời mẹ đi tiếp sau khi ngoái đầu nhìn lại đầy luyến tiếc. Mọi đứa trẻ đi ngang qua sau đó cũng có hành vi giống như vậy. Cuối cùng, người đàn ông đó nhận được tất cả 32 USD và lặng lẽ ôm đàn ra về.
- Xem thêm: Lắng nghe bằng mắt
Không ai biết rằng người đàn ông đó chính là nghệ sĩ vĩ cầm Joshua Bell, người từng được trao giải Grammy! Chỉ trước đó hai ngày, lúc ông biểu diễn ở Boston, giá vé vào xem biểu diễn bình quân là 100 USD.
Đó là chuyện kể về một nghiên cứu được tờ Washington Post thực hiện để tìm hiểu xem trong xã hội, khẩu vị, nhận thức và mức độ ưu tiên của mọi người ra sao. Một trong những kết luận được rút ra sau tình huống trên là: Nếu chúng ta không có một chút thời gian để dừng lại và lắng nghe một trong những nhạc sĩ giỏi nhất trên thế giới chơi vĩ cầm thì những việc khác của chúng ta sẽ ra sao đây?
Những người đi vào tàu điện ngầm trong câu chuyện trên có vẻ thiếu thời gian, do vậy họ thờ ơ với nghệ thuật, hay còn vì lý do khác là họ có chế độ ưu tiên về thời gian cho nghệ thuật? Phải chăng, dù làm việc gì, ở cương vị nào thì hằng ngày, khi đi làm, mọi người luôn có xu hướng dành ưu tiên cho công việc trong một khoảng thời gian làm việc nhất định?
Khi đó, họ đành phải hy sinh những mong muốn và đòi hỏi khác, chẳng hạn không nghe bất cứ ai chơi nhạc khi đang vội vã đến công sở. Sau tám giờ làm việc cật lực trong ngày, đến chiều tối, họ có thể bỏ ra một khoản tiền lớn để hưởng thụ theo đúng ý mình, chẳng hạn đến nhà hát ở Boston để thưởng thức tiếng vĩ cầm của Joshue Bell.
Với trẻ nhỏ thì khác. Thời giờ của chúng có vẻ dư thừa mà không được dừng lại để thưởng thức phần biểu diễn nghệ thuật nên chúng thèm thuồng và tiếc rẻ. Phải chăng là do những đứa trẻ chưa biết đặt ưu tiên, hay ưu tiên của chúng bị người lớn điều chỉnh để thuận tiện cho nhịp sống của cả gia đình? Dù sao thì cảnh những đứa trẻ vừa bị người lớn lôi đi, vừa quay lại tiếc nuối nhìn người nghệ sĩ vĩ cầm cũng phần nào nói lên được mong muốn hưởng thụ nghệ thuật của con người từ lúc còn nhỏ.
Chuyển từ chuyện trên sang hoạt động doanh nghiệp. Khi các văn phòng chuyển từ lối làm việc truyền thống sang làm việc trong môi trường máy tính, đặc biệt là môi trường được kết nối internet thì dường như mức độ ưu tiên về thời gian cho công việc trở nên rối loạn, khó kiểm soát.
- Xem thêm: Sớm nhận diện những hành vi tiêu cực
Việc điều chỉnh những ưu tiên cá nhân của nhân viên khi đang làm việc và cả những nhu cầu khác của họ vẫn chưa được nghiên cứu và làm rõ. Vì thế, khi nhân viên ngồi trước màn hình máy tính, rất khó khẳng định rằng họ đang làm việc cật lực hay đang sử dụng máy cho nhu cầu giải trí cá nhân.
Phải chăng khi môi trường làm việc thay đổi thì các quy ước, tiêu chuẩn, quy chế cũng phải được điều chỉnh cho phù hợp? Nếu đúng vậy thì đã đến lúc giá trị công việc cũng cần phải được tính toán lại.