Trong doanh nghiệp không phải lúc nào cũng có được một tập thể nhân viên luôn hào hứng làm việc. Sự tồn tại của một nhóm nhỏ các cá nhân tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả hoạt động chung, nhưng các nhà quản trị không dễ dàng phát hiện ra những biểu hiện của họ.
Nhà tâm lý học Signe Whitson – tác giả cuốn sách The Angry Smile: The Psychology of Passive-Aggressive Behavior in Families, Schools, and Workplaces, (tạm dịch: Tâm lý học về hành vi hiếu thắng tiêu cực qua nụ cười căm giận trong gia đình, trường học và nơi làm việc) được xuất bản năm 2008 đã chia sẻ kinh nghiệm trong tình huống trên như sau.
Trước hết, ông đề nghị các nhà quản trị kiểm tra xem nhân viên của họ có thể hiện những hành vi mang đặc điểm như dưới đây không:
- Lảng tránh trách nhiệm.
- Làm việc kém đi khi được yêu cầu phải tích cực hơn.
- Không đạt thời hạn hoàn thành công việc.
- Che giấu thông tin.
- Gửi lời nhắn hoặc dùng email để tránh gặp trực tiếp cấp trên.
- Đi làm trễ và thường kéo dài thời gian ăn trưa.
- Xin nghỉ bệnh trong giai đoạn cao điểm.
- Phản đối những ý kiến đổi mới hoặc đề xuất cải tiến.
- Bỏ quên và xếp nhầm chỗ các tài liệu quan trọng.
- Gây phiền hà cho đồng nghiệp trong các buổi họp.
- Biện minh cho hành vi tiêu cực bằng cách lý giải có vẻ chính đáng.
Những hành vi tiêu cực nêu trên nếu được thực hiện thì về cơ bản là để thay cho việc bộc lộ sự tức tối cá nhân, ngấm ngầm chủ ý trả thù cấp trên.
Tại doanh nghiệp có thể có hai dạng người tiêu cực. Dạng thứ nhất thường chỉ nhất thời tuân thủ lệnh của cấp trên. Họ đồng ý làm một nhiệm vụ được giao, nhưng sẽ trì hoãn hoàn thành công việc bằng nhiều cách, ví dụ quên thời hạn hoàn thành, bỏ sót tài liệu hoặc đến nơi làm việc trễ…
Dạng thứ hai cố tình làm việc không hiệu quả, thích thể hiện sự tức tối ngấm ngầm chứ không thể hiện công khai. Họ cố ý sử dụng thời gian và phương tiện làm việc kém hiệu quả nhưng tìm mọi cách để lý giải và nhà quản trị đành phải cay đắng chấp nhận.
- Xem thêm: Thay đổi thái độ tiêu cực của nhân viên
Các nhà quản trị thường chú ý đến những nhân viên làm việc có hiệu quả thấp nhưng khi nhắc nhở họ thì câu trả lời thường là “Không ai nói với tôi việc này”, làm như họ là nạn nhân của các xung đột do chính họ gây ra. Thường thì các nhân viên có hành vi tiêu cực muốn che giấu thông tin hoặc để cho một vấn đề xấu phát sinh mà không cố gắng kìm hãm nó lại. Đôi khi, họ tìm cách vắng mặt, để mặc vấn đề xấu lây lan, nhưng sau đó tuyên bố hoàn toàn không có liên quan đến vấn đề đó.
Nhân viên tiêu cực biết cách lách các quy tắc nơi làm việc. Việc làm của họ dẫn đến tình trạng kéo năng suất làm việc và tinh thần làm việc của đồng nghiệp đi xuống, nhưng rất vô hình. Do vậy, nhà quản trị phải cố gắng nhận diện ra các “dấu hiệu biết nói” càng sớm càng tốt, trước tiên là tìm hiểu vì sao những nhân viên ấy lại có những hành vi ấy, sau đó là giải quyết kịp thời những ý đồ tiêu cực của họ.