Nhiều người cho rằng sản phẩm của thời bao cấp còn để lại trong các gia đình hiện nay là số lượng phụ nữ làm chủ hộ nhiều hơn nam giới.
Luật Dân sự của nước ta định nghĩa: “Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ”.
Ở thời bao cấp, chính quan niệm phụ nữ là người tháo vát mọi việc trong nhà, mọi thứ đều liên quan đến sổ hộ khẩu từ gạo, thịt, vải vóc, điện, nước đến họp tổ dân phố nên phụ nữ đứng tên chủ hộ là chuyện thường tình.
Mặt khác, tâm lý ngại đến các cơ quan công quyền đã khiến ông chồng đùn đẩy vai trò chủ hộ cho bà vợ.
Thời chưa có cạnh tranh và cải cách hành chính, các ông vẫn cho rằng những nơi đó “hành là chính”, “độc quyền tự nhiên”, không hài lòng vẫn phải đến giao tiếp vì không còn chọn lựa nào khác.
Cô văn thư phường có nói nặng, nhẹ, cộc lốc hay không thèm trả lời khách mà cứ điềm nhiên “tám” trên điện thoại thì khách vẫn phải đứng chờ.
- Xem thêm: Vượt qua hay bỏ cuộc?
Các ông vốn không kiên nhẫn lại nóng tính, mỗi khi có việc ra cơ quan công quyền thì thể nào về nhà cũng có chuyện để cằn nhằn bà vợ.
Tách hộ ra riêng, ông đùn đẩy bà làm chủ hộ để “bà ra chính quyền mà giải quyết”! Từ việc đứng tên chủ hộ mà chủ yếu đi họp tổ dân phố là chính, đương nhiên các bà đứng tên ký hợp đồng tiêu thụ điện, nước…
Một bà vợ thế hệ 5X than thở: “Trong gia đình, tôi đứng tên mọi thứ, từ điện, nước, điện thoại tới internet, truyền hình cáp… Ổng chỉ có tên trên mỗi tờ giấy chứng nhận gia đình văn hóa!”.
Có ông ở cơ quan có “lính tráng” chuyên lo giúp mỗi khi cần đến các giấy tờ phải ra chốn công quyền, còn ở nhà thì việc gia đình đã khoán hết cho vợ nên ông chỉ lo làm… công việc nhà nước!
Có bà kể chuyện rằng vừa tổng kết năm học, bà nhắc chồng đưa con trai đi làm chứng minh nhân dân.
Một tuần có ba ngày làm chứng minh, vậy mà nhắc tới nhắc lui mãi, gần hết hè rồi con vẫn chưa có chứng minh!
Lý do không phải ông quên, mà ông ngại chờ đợi, đôi khi từ sáng đến trưa mới xong. Đến khi bà hỏi vặn là con ra đường không có giấy tờ gì tùy thân, lỡ có chuyện bất ngờ xảy ra, ai biết nó là ai mà can thiệp thì lúc đó ông chồng mới giật mình, nghỉ một ngày đưa con đi làm chứng minh nhân dân.
Thật ra, bà dư sức đưa con đi làm việc ấy, nhưng biết nếu giành hết những phần việc đáng ra là của chồng thì khiến ông ngày càng ngại khi có việc phải ra cơ quan công quyền.
Nhiều người trẻ cho là giờ đây phụ nữ đã “khôn” hơn thế hệ trước. Các cô không ôm đồm nữa, không giành làm chủ hộ nữa, mà nhường cho các ông.
Vai trò người chồng trong gia đình được “nâng lên một tầm cao mới”, dù chủ yếu cũng chỉ là đứng tên trên … giấy mời họp tổ dân phố!
- Xem thêm: Chế độ mẫu hệ
Chưa có thống kê nào cho thấy số phụ nữ hay nam giới làm chủ hộ nhiều hơn, nhưng có một điều chắc chắn rằng nếu trong gia đình không còn người đàn ông làm chủ nhà thì người vợ ắt phải là chủ hộ, cho dù con cái đã thành niên vì việc đứng tên chủ hộ thường xuất phát từ quan niệm là người lớn tuổi, được kính trọng nhất trong nhà.
Thật ra, thuộc tính “độc quyền” của các cơ quan hành chính là vấn đề chung của nền hành chính ở mọi nước, chứ không riêng gì Việt Nam ta. Tâm lý e ngại khi có việc phải đến cơ quan công quyền của người dân luôn có thật.
Do đó, việc ai phải đứng tên đại diện các vấn đề của gia đình trong giao dịch dân sự là một nỗi… thống khổ! Sự hỗ trợ, chia sẻ của các thành viên trong gia đình với nhau là cần thiết.
Đừng để cảnh một người cứ phải chạy “long tóc gáy” giải quyết giấy tờ, còn những người khác hoàn toàn không quan tâm vì mình… đâu phải là chủ hộ!?!