Lên vùng cao, nghe câu nói: “Ở trên này, lao động chính là phụ nữ và trẻ em”, phải tin đó là sự thật. Chế độ mẫu hệ đã khiến người phụ nữ miền núi phải khổ như thế. Thế nhưng, ở dưới xuôi, chắc gì phụ nữ không khổ?
Ông vốn là giáo viên, vợ chồng đều vào tuổi thất tuần, nghe bà kể, cả đời ông, công việc ở nhà chỉ loay hoay bên cái bàn giấy cùng cây viết. Mọi thứ trong nhà do bà lo toan, từ ruộng vườn, gà qué, heo cúi, giỗ chạp… Ông là con trưởng và là con trai độc nhất nên được hưởng từ đường, hương khói cho ông bà, cha mẹ.
Không kể chuyện làm dâu, riêng mỗi năm phải lo khoảng mười lăm đám giỗ đã thấy… oải. Mỗi lần đám, ông mời không dưới 50 khách, vậy mà một tay bà lo từ nấu nướng cho đến dọn dẹp. Ông nghỉ hưu, càng bày vẽ nhiều chuyện hơn để bà… phục vụ.
Sáng nếu không đi đánh cờ ở nhà hàng xóm thì lại mời vài ba người bạn về nhà uống trà, bàn chuyện thế sự. Nói chuyện đến trưa, ông mời cơm, có uống chút rượu. Lại cũng chỉ mình bà loay hoay dưới bếp, làm món này, món kia!
- Xem thêm: Lệnh ông không bằng cồng bà
Tất bật nhất là khi con gái đầu sinh con, bà lại thêm việc, bận rộn như chính mình có con mọn! Sáng bà dậy sớm lo đâu đó xong xuôi, nấu thức ăn để bữa trưa ông chỉ cắm nồi cơm. Xong tất tả thay quần áo đón xe bus sang nhà con gái. Xuống xe, bà tạt vào chợ mua thức ăn cho gia đình con gái, đến nhà vừa lúc cô chuẩn bị đi làm, bàn giao cháu nhỏ cho bà ngoại.
Một ngày ở nhà con gái, bà loay hoay đủ thứ việc từ tã lót, bón sữa, dỗ cháu ngủ rồi tranh thủ nấu ăn… Đã vậy, thỉnh thoảng ông lại điện thoại hỏi món này hâm ra sao, rau đó nấu thế nào, có mấy ông bạn đến chơi làm món gì đây… Tất bật trông cháu đến chiều, con gái vừa về bà lại vội vã ra xe bus cho kịp về nhà lo cho chồng…
Mệt nhoài cả tuần, tưởng thứ Bảy, Chủ nhật con gái nghỉ, bà được rảnh nợ, vậy mà không! Hai ngày cuối tuần đó, bà đi “làm” một buổi ở nhà con gái, cho cô đi massage, thư giãn hay cà phê với bạn bè!
Tưởng chỉ đàn ông thế hệ “già già” mới gia trưởng, nhưng không! Vợ chồng chị này là bạn cùng lớp với nhau hồi học đại học. Hai mươi năm sống với nhau có hai mặt con, việc gì cũng một tay chị, từ sắm cái chén cho đến xây nhà. Mà đâu phải anh là lao động chính. Về kinh tế, anh chỉ đóng góp hai phần ba lương, còn lại chị bao hết.
Con học cấp 3 anh cũng đưa chừng đó, mà con vào đại học cũng không thêm được chút nào. Con cái nên người, anh này biết nghĩ đến công vợ, ra tay gánh vác giúp mấy chuyện… rửa chén, lau nhà. Chị cho biết: “Có ổng gánh vác giùm mấy việc lặt vặt nên mình cũng rảnh tay hơn để lo việc lớn”. Nghe đâu việc lớn đang phát sinh trong gia đình chị là sửa nhà, chuẩn bị đám cưới con gái!
Mấy cô gái ngày nay nghe vậy, lắc đầu: “Thôi thà ở… giá, làm kiếp FA (độc thân)”, thì thế hệ cha mẹ các cô lại nói, may mà ông chồng chưa bắt bà vợ phục vụ cây tăm, rót miếng nước! Ý các bà khuyên con gái, đừng làm bộ “chảnh”, gặp phải ông chồng muốn làm “cha thiên hạ” thì biết tay! Có cô còn nói, sao mà mấy cô/chị cứ phải làm chồng, gặp em ấy à, không dám đâu! Cái cô mạnh miệng phê phán đó, nghe đâu giờ cũng đang phải… làm chồng!
- Xem thêm: Những chị tôi
Trong các cuộc vui bên bàn nhậu toàn đàn ông, có những câu thường được nhắc đến: “Vợ là người chăm sóc, lo lắng, dạy dỗ ta nên người”, hay “Con gì nói nhiều, ăn ít, mau già và lâu chết?”. Dẫu biết rằng chỉ là những câu nói đùa, nhưng xem ra khi những câu nói đùa kiểu vậy thường xuyên được cánh mày râu nhắc đến thì người phụ nữ vẫn chưa thoát được áp lực đè nặng lên hai vai.
Giờ đây, con trai, con gái đều là con cưng, ai chịu ai bây giờ? Nhiều bà mẹ cấp tiến, quyết dạy con trai không “như ba mày” nếu muốn vợ con sau này không… khổ. Các bà mẹ này ao ước con trai biết gánh vác, bao dung, hòa đồng và cáng đáng việc nhà chứ không chỉ chăm chăm việc lớn. Liệu có nhiều bà mẹ vậy không? Nếu không nhiều thì tiếp tục… mẫu hệ nữa, chứ còn gì!