Trong khi Giải bóng rổ nhà nghề Super Bowl có đông khán giả truyền hình nhất ở Mỹ thì lượng người xem đó chẳng thấm tháp gì so với con số 700 triệu khán giả toàn cầu theo dõi trực tiếp trận chung kết World Cup 2010 giữa hai đội tuyển Tây Ban Nha và Hà Lan.
Con số người xem khổng lồ đó sẽ còn tăng thêm ở vòng chung kết World Cup 2014 sắp diễn ra. Cuộc triển lãm mỹ thuật có tên “Bóng đá: môn thể thao đẹp” đang diễn ra tại Bảo tàng LACMA (Los Angeles County Museum of Art – Bảo tàng mỹ thuật Quận Los Angeles) ở Los Angeles (Hoa Kỳ) nhằm hưởng ứng và vinh danh Cúp Bóng đá Thế giới được tổ chức tại Brazil vào mùa hè năm nay.
Đây là lần đầu tiên có một triển lãm tạo hình quy mô lớn như vậy về bóng đá được tổ chức ở nước Mỹ, nơi mà môn thể thao vua chưa có được fan hâm mộ nhiều như các môn bóng rổ, bóng bầu dục, bóng chuyền… Nhưng ngày càng có nhiều người Mỹưa thích bóng đá.
Bóng đá động chạm tới nhiều lĩnh vực
Triết gia cũng là nhà văn Pháp đoạt giải Nobel văn chương Albert Camus có một câu bất hủ về bóng đá: “Tất cả những gì tôi thật sự hiểu về cuộc sống là nhờ vào bóng đá”, được dùng làm đề từ cho cuộc triển lãm ở LACMA. Năm mươi tác phẩm nhiều thể loại: hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh nghệ thuật, video art, sắp đặt… của 30 tác giả nhiều quốc tịch, được mượn từ nhiều nguồn khác nhau, đã cho người xem một cái nhìn toàn cảnh về thế giới túc cầu thông qua nghệ thuật.
Trong các tác phẩm của Adel Abdessmed, George Afedzi Hughes, Gustavo Artigas, Chris Beas, Mark Bradford, Miguel Calderon, Mary Ellen Carroll, Carolyn Castaño, Petra Cortright, Leo Fitzmaurice, Andreas Gursky, Hassan Hajjaj, Lyle Ashton Harris, Satch Hoyt, Nelson Leirner, Alon Levin, Amitis Motevalli, Antoni Muntadas, Oscar Murillo, Philippe Parreno, Paul Pfeiffer, Robin Rhode, Dewey Tafoya, Wendy White, Kehinde Wiley… dù chủ đề chung là bóng đá nhưng động chạm tới nhiều lĩnh vực: từ bản sắc và dân tộc tính đến toàn cầu hóa và đám đông khán giả; từ chủ nghĩa dân tộc cực đoan tới chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và nạn hooligan trên sân cỏ; quảng cáo và thương mại hóa bóng đá; kinh nghiệm cá nhân của người xem được chia sẻ với nhiều nền văn hóa khác nhau; chuyện trong sân cỏ khi quả bóng lăn và chuyện ngoài sân cỏ, có cả những trường hợp đặc biệt: bóng đá và ảnh hưởng của các thế lực tội ác, của giới chính trị hoạt đầu và của cả bọn sát nhân…
Cầu thủ và sân bóng
Trong số các tác phẩm, nổi tiếng nhất là bức chân dung vua bóng đá Pelé – tranh in lưới của Andy Warhol, được mượn từ gallery của Trường Đại học bang Maryland. Cũng là chân dung một cầu thủ bóng đá được toàn thế giới biết đến nhưng tác phẩm Escobar 2 của nữ họa sĩ Carolyn Castano thể hiện gương mặt của Andres Escobar, hậu vệ của đội tuyển Colombia bị bắn chết tại Medellín mà có giả thuyết cho rằng đó là hậu quả từ bàn đá phản lưới nhà của Escobar trong trận gặp đội tuyển Mỹ ngày 22-6 tại World Cup 1994. Trận đó Mỹ thắng Colombia 2-1 và Colombia bị loại ngay từ vòng đấu bảng, gây thiệt hại cho các ông trùm buôn ma túy tham gia cá độ. Carolyn Castano vẽ chàng trai bạc mệnh Andres Escobar giữa chim muông và hoa lá theo phong cách tranh dân gian Colombia, có cả những lá cây marijuana gây ảo giác và bông hoa của cây coca được dùng chiết xuất cocain. Tương tự là bức tranh in có tựa Bóng đá ma túy của nữ họa sĩ trẻ gốc Mexico Ana Serano, với cách thể hiện hồn nhiên như tranh thiếu nhi, mô tả một cầu thủ bóng đá đang bị bọn trùm ma túy rượt đuổi.
Trong khi đó, họa sĩ Chris Beas ở Los Angeles, một fan cuồng nhiệt và kỳ cựu của câu lạc bộ Manchester United tham gia triển lãm với bộ ba chân dung các huyền thoại một thời của “Quỷ đỏ” là George Best, Brian Kidd và Bobby Charlton. Còn Kehinde Wiley, họa sĩ New York đem đến triển lãm bức chân dung tuyệt đẹp Samuel Eto’o, cầu thủ đội tuyển Cameroon hiện khoác áo câu lạc bộ Chelsea. Kehinde Wiley đã nổi tiếng nhờ các bức chân dung tả thực nhưng đầy sức tưởng tượng về các nhân vật da màu, ban đầu là các thiếu niên ở khu Harlem của New York, sau đó là cư dân nhiều đô thị khắp thế giới mà anh có dịp du hành. Bức chân dung Samuel Eto’o được mượn từ bộ sưu tập của hãng Puma chuyên sản xuất đồ thể thao. Ngoài ra, huyền thoại bóng đá Zinedine Zidane được thể hiện trong một tác phẩm video art của hai nghệ sĩ Philippe Parreno và Douglas Gordon. Với tên gọi Zidane, chân dung thế kỷ XXI, đây là một cây đinh của triển lãm.
Gây ấn tượng mạnh trong triển lãm còn có tác phẩm sắp đặt có tên Maracana (một trong 12 sân cỏ sẽ là nơi thi đấu của vòng chung kết World Cup, sẽ khai diễn vào ngày 12-6 tới đây). Tác phẩm của nghệ sĩ người Brazil Nelson Leirner thể hiện hai đội tuyển Xanh và Đỏ trên một sân bóng đá, đội Xanh gồm những người khổng lồ trong bộ phim Hulk, còn đội Đỏ gồm những siêu nhân của loạt phim Power Ranger và trên khán đài theo dõi trận đấu có… mèo Hello Kitty, thần thánh, Chúa Jesus và Đức Phật!
Giám tuyển của triển lãm cũng là giám tuyển nghệ thuật đương đại tại LACMA – ông Franklin Sirmans từng là một cầu thủ bóng đá vào cuối thập niên 1970, khi đó ông khoác áo câu lạc bộ Cosmos, đội bóng của thành phố New York mà những ngôi sao như Pelé, Giorgio Chinaglia, Franz Beckenbauer từng khoác áo.
- Lê Bản