Theo ước tính mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2012, số người tử vong do ô nhiễm không khí lên đến 7 triệu người. Trung bình cứ tám trường hợp tử vong thì có một trường hợp liên quan đến ô nhiễm không khí. Điều đáng nói là trong số 7 triệu người chết vì ô nhiễm không khí trên toàn thế giới thì có gần 6 triệu người sống ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương và ba bệnh phổ biến nhất do tác nhân này là bệnh tim, bệnh đường hô hấp và bệnh ung thư. Theo tiến sĩ Maria Neira, người phụ trách các vấn đề sức khỏe và môi trường của WHO, hiện nay những nguy cơ từ ô nhiễm không khí vượt xa những gì người ta đã biết, đặc biệt ở bệnh tim và chứng đột quỵ. Phụ nữ và trẻ em là những thành phần dân cư phải trả giá đắt cho một môi trường nhà ở không thông thoáng khiến khói bụi do các hoạt động hằng ngày làm cho cơ thể họ dễ dàng nhiễm bệnh. Một phát ngôn nhân của cơ quan Môi trường, Thực phẩm và các Vấn đề nông thôn Anh cho biết chất lượng không khí chúng ta thở đã được cải thiện đáng kể trong mấy thập niên qua, tuy nhiên việc đưa mức NO2 trở về giới hạn cho phép vẫn còn là một thách thức lớn. Chất khí thải này là sản phẩm của những con đường lưu thông luôn đầy ứ xe cộ khiến cho mục tiêu hạn chế khí thải bị ảnh hưởng khá nhiều. Phân biệt tình trạng ô nhiễm trong và ngoài nhà ở, các chuyên gia của WHO đã đúc kết được những dữ liệu sau về bệnh tật có liên quan đến ô nhiễm không khí:
* Bệnh tật do ô nhiễm không khí ngoài nhà:
– Bệnh tim: 40%
– Đột quỵ: 40%
Nạn nhân của ô nhiễm không khí phần lớn ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương
– Bệnh phổi mạn tính: 11%
– Bệnh ung thư phổi: 6%
– Bệnh hô hấp nặng ở trẻ em: 3%
* Bệnh tật do ô nhiễm không khí trong nhà:
– Đột quỵ: 34%
– Đau tim do thiếu máu cục bộ: 26%
– Bệnh phổi mạn tính: 22%
– Bệnh hô hấp nặng ở trẻ em: 12%
– Bệnh ung thư phổi: 6%
Con số 6 trong tổng số 7 triệu người tử vong về những chứng bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí nằm trong khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là một thách thức lớn đối với chính phủ các nước đang phát triển trong các khu vực trên. Nếu không có được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trước hết là của WHO, tình trạng này sẽ là một bài toán khó và lâu dài đối với họ.
Lê Cẩn theo BBC, WHO