Dựa trên nền tác phẩm kinh điển của văn hào Pháp Victor Hugo, khởi đầu từ thập niên 1980, nhạc sĩ Huy Tiến chỉ viết một trích đoạn nhạc kịch.Từ trích đoạn nhạc kịch đầu tiên này, ông đã chỉnh sửa nhiều lần để trở thành một vở opera mang màu sắc đương đại bằng sự phối hợp táo bạo nhiều phong cách âm nhạc khác nhau.
Với ngụ ý tôn vinh tình yêu là hơi thở nồng nàn trong cuộc sống, nhạc sĩ đã xây dựng cho các nhân vật trong tác phẩm mang những sắc thái cảm xúc thật khác nhau: mối tình đau khổ dẫn đến ghen tuông của đức cha Frollo đã biến ông thành kẻ ích kỷ và độc ác; viên Đại úy Phoebus – với nét hào hoa, đỏm đáng nhưng tâm hồn hời hợt, dù được Esméralda – cô gái Digan xinh đẹp, hoang dã trao cả trái tim yêu, nhưng với bản chất khoe mẽ, y đã vô tâm phản bội cô và ơ hờ nhìn cô bị treo cổ… Xem vở nhạc kịch, khán giả chợt cảm thương cho Quasimodo – một gã gù mồ côi kéo chuông tại nhà thờ mời mọi người đến hành lễ. Trong cái vỏ xấu xí, đáng thương, tình yêu đã chợt đến trong tim Quasimodo khi hắn được một lần chạm gần đến vẻ đẹp trong trắng, thánh thiện của Esméralda – vị thiên thần nhỏ bé bằng xương bằng thịt lúc nghiêng mình trao cho cô chén nước. Điều đó vô tình chạm ngõ vào trái tim cô đơn của Quasimodo, đánh thức một tình yêu biến thành sự hy sinh vô bờ bến, vì Quasimodo biết Esméralda chẳng hề dành cho hắn chút tình yêu nào.
Một số cảnh trong vở nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris tại Sân khấu Nhạc kịch Cao Minh
Khi trở thành nạn nhân của những ganh ghét không đáng có, Esméralda bị vu oan và phải lãnh án tử hình.Trong thời khắc sinh tử, sự hằn học, lạnh lùng của vị linh mục đáng kính, vẻơ hờ đã bộc lộ rõ bản chất hèn hạ của Phoebus đã làm Esméralda đau đớn xiết bao.Trước cái chết treo cổ nhục nhã trước công chúng, Esméralda đã không ngờ rằng Quasimodo đã vì cô mà vụt biến thành anh hùng. Thằng gù xấu xí của nhà thờ Đức Bà đã không ngoảnh mặt bỏ rơi Esméralda mà cùng nàng song hành vào bên kia thế giới, để lại cho nhân gian một nốt nhạc lặng trầm “không thể chia lìa tình yêu cho dù cái chết thống trị họ…”. Lời cuối của thằng gù, lời hát bi thương: “Hãy nhìn trái tim, đừng nhìn khuôn mặt…” như gửi đi một thông điệp sống qua mọi thời đại mà không bao giờ là xưa cũ: “Tình yêu là vĩnh cửu”.
Vở diễn được dẫn dắt từ giọng hát trầm buồn của một nhà thơ nghèo, khi lang thang đến Paris, ông là nhân chứng của những khúc tình sử bi thương của các nhân vật đang hiện hữu. Cảm xúc dâng cao, ông đã ngân nga lời ca kể về tình yêu, tình đời mà qua đó, người xem hiểu rõ hơn câu chuyện sắp diễn ra.Ở tuổi 79, NSND Trần Hiếu vẫn trông rất tráng kiện và duyên dáng trong vai người dẫn chuyện.Một chút nhấn nhá, biểu cảm nhưng đủ thấy đó là sự trải nghiệm của cả một đời nghệ sĩ luôn sống hết mình với sân khấu. Ca sĩ, NSƯT Cao Minh vai đức cha Frollo, NSƯT Duy Tân vai Quasimodo đều diễn tròn vai của mình và biết tiết chế để nâng các bạn diễn viên trẻ vốn là học viên của Nhạc viện TP.HCM trong vai quần chúng và ca đoàn nhà thờ. Dù chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng các bạn yêu nghề và biết học hỏi, biết dấn thân cho vai diễn. Ca sĩ Phương Trinh trong vai cô gái Digan Esméralda là một cố gắng đáng khích lệ, dù phần diễn còn non nhưng với chất giọng tốt, cô đã thổi hồn vào ca khúc sự trẻ trung, tươi sáng.
Có thể vở opera tân cổ điển này chưa được hoành tráng như mong muốn của những người thực hiện (do kinh phí dàn dựng vô cùng hạn chế), nhưng với niềm đam mê đầy nhiệt huyết, nhạc sĩ Huy Tiến, ca sĩ Cao Minh đã nhận được sựủng hộ rất nhiều của bạn bè trong giới làm nghệ thuật. Điều này đã nâng cánh giúp hoàn thành vở diễn chỉn chu đến mức có thể. Tất cả góp phần tạo cho Nhà thờ Đức Bà Paris một hơi thở mới.Vì vậy, vở diễn gói gọn trong thời lượng một giờ nhưng cảm xúc mang lại cho khán giả sẽ còn đọng lại rất lâu. Đây là một dấu ấn nghệ thuật lạ mắt, tạo cảm xúc nhẹ nhàng, ru lòng công chúng lạc vào góc thiên đường bé nhỏ của âm nhạc.
Việt An