Trong khi các loại đồ chơi búp bê đầu trái cây do Trung Quốc sản xuất đã bị cảnh báo và thu hồi tại các nước châu Âu do chứa chất phthalate độc hại, có thể gây ung thư, vô sinh cho nam giới thì tại nước ta có một điều rất đáng lo là loại đồ chơi này vẫn bày bán thoải mái trên thị trường hiện nay.
Sự việc bắt đầu từ một cuộc kiểm tra do Cơ quan Tiêu chuẩn thương mại Medway của Anh thực hiện nhân mùa Giáng sinh cho thấy những con búp bê đồ chơi nhiều tính năng với thiết kế chiếc đầu hình trái cây (như loại đang được bán trên thị trường TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội) có chứa hóa chất độc hại phthalate có khả năng gây ung thư, vô sinh ở nam giới và gây dị dạng thai nhi ở phụ nữ mang thai. Sau khi toàn châu Âu ban hành lệnh cấm dòng búp bê nói trên, Cơ quan Medway kêu gọi các cửa hàng thu hồi dòng búp bê độc hại này đồng thời yêu cầu các bậc phụ huynh không mua cho con em của họ. Chính phủ Anh ngay tức khắc đã ra lệnh tịch thu loại đồ chơi này và cho biết bất kỳ vi phạm nào đều phải nhận hình phạt thích đáng là sáu tháng tù giam hoặc phải nộp phạt 5.000 bảng Anh (khoảng 8.200 USD).
Trong một diễn biến khác, ngày 19-12 Hải quan Pháp đã tiến hành tiêu hủy tổng cộng 33.000 món đồ chơi liên quan đến mùa Giáng sinh cũng do Trung Quốc sản xuất nhập bất hợp pháp qua ngõ Bỉ như búp bê ông già Noel, búp bê đầu trái cây, gấu bông, bóng thổi vì có chứa chất phthalate độc hại, cao gấp 320 lần tiêu chuẩn cho phép của châu Âu.
Tại TP. Hồ Chí Minh, theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, nhiều cửa hàng kinh doanh đồ chơi ở khu vực Bình Tân, chợ Bình Tây, Long Biên vẫn đang bày bán các loại búp bê trái cây Trung Quốc với nhiều màu sắc rực rỡ.
Sản phẩm đủ loại kích cỡ được bán với giá từ 125.000-175.000 đồng/con, ghi rõ xuất xứ từ Trung Quốc với dòng cảnh báo bằng tiếng nước ngoài: không sử dụng cho trẻ em dưới ba tuổi. Tuy nhiên, trên sản phẩm không có bất cứ thông tin về đơn vị nhập khẩu, tem kiểm định chất lượng sản phẩm theo quy định, như vậy có khả năng loại đồ chơi này được nhập lậu.
Thông tin qua báo chí nước ngoài đã lan tỏa đến trong nước, vậy mà đại diện Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) trả lời báo Tuổi Trẻ hôm 21-12 nói rằng: “Hiện đơn vị vẫn chưa nghe thông tin về việc sản phẩm đồ chơi loại này chứa chất phthalate độc hại. Thời gian này chúng tôi lu bu với việc làm tổng kết, báo cáo cuối năm nên chưa cập nhật thông tin cụ thể. Chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát thông tin đơn vị nhập khẩu, tiến hành kiểm định và buộc thu hồi sản phẩm nếu đúng như thông tin sản phẩm chứa chất nguy hại”.
Một gian hàng bán đồ chơi trẻ em tại chợ Bình Tây, đa phần xuất xứ từ Trung Quốc
Còn ông Ngô Quý Việt – Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) – thì cho biết đã nhận được thông tin về hóa chất gây độc trong búp bê trái cây trên… báo chí. Ngày 21-12, Cục Quản lý chất lượng hàng hóa thuộc Tổng cục đã mua búp bê này về kiểm tra tại các trung tâm kỹ thuật.
Rõ ràng, trước những thông tin đáng tin cậy và tình hình thực tế loại búp bê này đang được bày bán tràn lan trên thị trường, các cơ quan chức năng vẫn tỏ ra thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong việc đề xuất biện pháp ngăn chặn.
Đã biết được những thông tin như vậy, nhưng tại sao không đề nghị cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời như các nước Anh, Đức, Pháp ở châu Âu đã làm?
Theo ông Việt, Việt Nam chưa nhận được thông tin chính thức từ các cơ quan quản lý các nước mà chỉ mới đọc được trên báo chí. Nếu chỉ dựa vào nguồn thông tin này để thu hồi thì chưa đủ thủ tục. Chỉ trong trường hợp phát hiện chất độc trong búp bê trái cây thì Cục Quản lý chất lượng hàng hóa mới niêm phong hàng và đề nghị các cơ quan quản lý (thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, quản lý thị trường) có biện pháp xử lý.
Vậy thì đến khi nào cơ quan quản lý này mới “phát hiện” chất độc trong đồ chơi để xử lý, mà nếu chậm trễ thì ai chịu trách nhiệm về sức khỏe của người tiêu dùng đây?
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, các sản phẩm chứa chất phthalate trên thị trường Việt Nam tất cả đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Đặc biệt với dòng sản phẩm đồ chơi xe điều khiển, kết quả kiểm định hồi tháng 7-2013 tại Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cho thấy hàm lượng chất phthalate vượt xa mức cho phép đến hơn 200 lần so với quy định tối đa là 1.000mg/kg tại một số quốc gia Âu, Mỹ (Việt Nam chưa có quy chuẩn đối với chất này). Đại diện Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam cho biết, sau khi có kết quả kiểm tra, đơn vị đã có văn bản khuyến cáo và buộc các đơn vị nhập khẩu tiến hành thu hồi.
Trước đó, các cơ quan chức năng cũng phát hiện sản phẩm thú nhún do Trung Quốc sản xuất có chứa chất phthalate ở mức 5.000mg/kg (vượt mức an toàn năm lần). Tuy nhiên, sản phẩm này vẫn được bày bán ở các cửa hàng tại quận 5, quận 6, quận 8 với giá 120.000-150.000 đồng/con mà không hề có bất cứ thông tin về hướng dẫn sử dụng, các công bố tiêu chuẩn chất lượng cũng như cảnh báo độc hại…
Không chỉ đồ chơi có chứa chất độc hại mà còn nhiều sản phẩm khác do Trung Quốc sản xuất cũng vi phạm quy định này. Tổ chức Hòa Bình Xanh vừa công bố báo cáo cho thấy quần áo cho trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc chứa nhiều chất độc hại có thể gây rối loạn hoóc môn, ung thư đồng thời ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh, sinh sản và nội tiết.
Theo báo cáo đăng trên website Greenpeace.org, Hòa Bình Xanh đã mua 85 mẫu quần áo từ thị trấn Trị Lý (tỉnh Triết Giang) và thành phố Thạch Sư (tỉnh Phúc Kiến) rồi giao cho các phòng thí nghiệm độc lập ở châu Âu và Hongkong kiểm nghiệm. Toàn bộ quá trình được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10-2013.
Kết quả phân tích cho thấy một nửa số mẫu chứa NPE – hợp chất gây rối loạn hoóc môn, 90% số mẫu dương tính với antimon – chất được dùng trong công nghệ sản xuất đạn dược có độc tính gần giống thạch tín và có khả năng gây ung thư. Ngoài ra, chất phthalate gây giảm lượng tinh trùng, vô sinh ở nữ giới và dị dạng cơ quan sinh sản hiện diện với nồng độ cao trong hai mẫu.
Đây là chất vượt tiêu chuẩn cho phép trong các loại búp bê đầu trái cây đang có mặt tại thị trường Việt Nam. Chừng đó thông tin cũng đã quá đủ cho cơ quan chức năng xử lý vấn đề nghiêm trọng này.
Ngọc Anh (quận 7)