Sau Cơ chế khoán 10, hàng chục triệu hộ gia đình nông dân trở thành đơn vị kinh tế tự chủ. Và mọi người cùng vui vẻ “trầm mình” trong cơ chế thị trường! Khi ấy ai cũng tin rằng, sẽ luôn làm chủ sức lao động của mình.
Hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua. Đại đa số nông dân vẫn đủ quyền quan hệ làm ăn với các thành phần kinh tế, theo cơ chế thị trường, nhưng lại mất đi quyền làm chủ thị trường hàng hóa do mình làm ra. Cùng với đó là sự tụt hậu về nhiều mặt trong đời sống – xã hội và không tự chủ được sản xuất, thu nhập… Nói cách khác, quá trình tự chủ sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường giúp người nông dân làm chủ được năng suất, chất lượng, sản lượng, là niềm tự hào chung cho đất nước, giữ vai trò “bà đỡ” của nền kinh tế, nhưng lại chưa được làm chủ phần lợi nhuận trong chuỗi hoạt động chung với những đơn vị kinh tế khác.
Nguyên nhân dẫn đến nghịch cảnh trên đã rõ và nhu cầu nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân, xây dựng nền nông nghiệp phát triển tiến bộ… luôn là vấn đề lớn cần có sự chung sức của cả nước để giải quyết. Vì nói đến nông thôn là nói về 50% lao động và 70% dân số cả nước và khi nói đến thị trường với giá cả hàng hóa nông sản là chúng ta đang nói về “cái bao tử” của hàng chục triệu nông dân, công nhân, người lao động hưởng thù lao… chứ không chỉ như phạm vi hẹp của thị trường bất động sản hay chứng khoán, mà lâu nay không ít nhà kinh tế luôn chú tâm vào.
“Thực trạng lớn” thì giải pháp và hành động cũng không thể nhỏ. Vấn đề là ở chỗ, mặc dù đã có cơ sở – điểm tựa vững chắc cho hành động như Nghị quyết trung ương VII, chương trình xây dựng nông thôn mới, chiến lược tái cơ cấu tổng thể nông nghiệp cùng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhưng nếu chỉ xoay quanh việc tổ chức làm ăn theo “mô hình liên kết bốn nhà”, với “cánh đồng mẫu lớn”… thì lợi nhuận cho phát triển bền vững vẫn chỉ nằm ngoài tầm tay. Vẫn luôn bị các doanh nghiệp giữ vai trò cung ứng vật tư đầu vào, thị trường đầu ra nắm giữ. Và ai có thể tạo được cơ chế hài hòa lợi ích trong mối quan hệ “đồng sàng mà dị mộng” như vậy?
Nông dân thu hoạch lúa
Bước tiến của thời đại đôi khi cũng bị lỗi nhịp nên mới có chuyện luân thường đôi lúc bị đảo ngược. Chẳng thế mà “công nghiệp với dịch vụ phụ trợ” lại nắm quyền kiểm soát và thu giữ hầu hết nguồn lợi nhuận – bảo đảm cho sự phát triển của chủ thể (nông dân). Nhu cầu về tiến bộ xã hội là không gì ngăn cản và đảo ngược. Chân lý cũng đã chỉ ra rằng trung tâm của sự tiến bộ chính là văn hóa đoàn kết – chung sống. Người nông dân đã sớm sở hữu những giá trị tiến bộ của nhân loại và là lực lượng quan trọng để làm nên sức mạnh của khối thống nhất toàn dân tộc – sức mạnh chiến thắng mọi sự bất công, tiêu cực… trong xã hội. Như vậy, không lý gì họ phải thụ động trước sự sắp đặt theo kiểu cơ chế thị trường thiếu minh bạch như hiện nay.
Đã đến lúc cần phải đảo ngược tình thế bằng liên minh chủ nguồn hàng (hộ sản xuất), từ đó nối kết cùng lực lượng lao động tiểu thương chợ truyền thống và người tiêu dùng để thiết lập quyền chủ thể thị trường phân phối – tiêu thụ nội địa, tạo tiền đề cho bước chủ động vật tư đầu vào và xuất, nhập hàng hóa… Hay nói cách khác, muốn phát huy được vai trò chủ thể và chủ động sản xuất, nâng cao thu nhập bền vững, nông dân cần phải xây dựng cho mình một mô hình hoạt động trong sự liên kết tiến bộ, mang những nội dung và đặc điểm cơ bản như sau:
– Về sản xuất và thị trường: Chủ động tạo ra quy mô hàng hóa lớn, đủ sức phát huy ưu điểm của cơ chế thị trường. Lập cơ chế phân công, phó thác tin cậy để gián tiếp làm chủ công cụ quản trị hiện đại. Đủ sức làm thay những phần việc mà lâu nay doanh nghiệp vẫn nắm giữ.
– Về cơ chế vận hành: Thực hiện phối hợp hành động giữa vai trò, trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể địa phương và nhiệm vụ được phân công theo thỏa thuận của các thành phần trong liên minh.
– Về tổ chức: Tổ, nhóm, cụm liên minh toàn xã hoặc liên xã… cùng các nông hộ là thành viên và người đại diện cho chủ nguồn hàng. Có ban đại diện chung của chuỗi quan hệ chủ thể gồm: Chủ nguồn hàng – tiểu thương – người tiêu dùng hoặc ban quản lý chợ… theo các hình thức thỏa thuận liên kết xã – phường.
– Về phương thức quan hệ: Chính quyền và đoàn thể địa phương vừa là chỗ dựa vững chắc vừa có vai trò là trọng tài để giám sát tư cách, năng lực của ban đại diện. Người được phân công hoặc tự đứng ra nhận trách nhiệm làm đại diện phải “khếước” danh dự, niềm tin cùng năng lực của mình vào nhiệm vụ đại diện quản trị để xứng đáng hưởng lương hoặc lợi nhuận được chia theo thỏa thuận…
– Về phương thức làm hàng: Bước đầu, tập trung vào việc khai thông thị trường tiêu thụ để tạo đà cho chủ động sản xuất, chế biến và tự xuất, nhập hàng hóa… Triển khai làm hàng theo phương án: làm riêng – bán chung. Mua chung – dùng riêng. Làm chung – dồn hàng để bán chung; sản xuất phân tán theo trường hợp cụ thể, cung ứng vật tư và tiêu thụ tập trung theo – liên minh.
– Về tính chất, hình thức: Là khối liên minh gồm nhiều lực lượng, thành phần cùng phối hợp hành động nhằm thực hiện đa mục tiêu gắn với vai trò, trách nhiệm… trong mối quan hệ tương tác nhiều chiều. Cùng hướng vào nhiệm vụ trọng tâm là lợi ích cho phát triển địa phương nông nghiệp với lợi nhuận cho gia tăng sựổn định trong thu nhập của đơn vị kinh tế nông hộ.
Cùng với việc chủ động xây dựng những mô hình liên kết tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp, nông dân luôn cần đến sự vào cuộc tích cực của lớp trí thức – doanh nhân trẻ: Mang tri thức của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến với nông dân, khởi nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cùng nông dân. Đặc biệt, họ không coi việc lập doanh nghiệp như thể tạo ra công cụ nhằm khai thác được nhiều lợi nhuận để hưởng thụ hơn người. Càng không xem doanh nghiệp như một tổ chức hoạt động nhằm mang lợi nhuận về cho chủ nô, làm giàu. Mà hãy coi doanh nghiệp là “tổ chức hoạt động của một bộ phận người lao động, mà ở đó mọi thành viên đều thấy hài lòng về sự phân công công việc và phân phối nguồn lợi nhuận – do cùng tạo ra”. Những doanh nhân – trí thức trẻ tuổi cần xây dựng loại hình doanh nghiệp mang bản chất ấy. Ngay hôm nay và cho mai sau.
Trước mắt, cùng với nông dân, hãy tổ chức liên minh chủ nguồn hàng ở mỗi thôn, xã nông nghiệp, để đủ sức gắn kết với tiểu thương chợ truyền thống, đầu mối và người tiêu dùng ở mỗi phường – đô thị, nhằm thiết lập quyền chủ thể thị trường phân phối và tiêu thụ sản phẩm – hàng hóa nông nghiệp.
Vũ Đức Trung – Nguyễn Đăng Việt
Ảnh Ánh Hồng