Có lẽ đây là một trong các khám phá vĩ đại nhất trong thế kỷ 20 của nhà khảo cổ Howard Carter vào năm 1923. Ngôi mộ của Toutankhamon đã phô bày cho thế giới thấy sự lộng lẫy và giàu sang của vị pharaon. Hơn nữa, ngôi mộ tránh được những tên trộm và đào mộ.
Nhưng sự bất khả xâm phạm này có ẩn giấu một bí ẩn đã bị chôn vùi cùng với các kho báu? Một số người nói đến lời nguyền, bởi vì rất nhiều người đã bị thiệt mạng sau khi vào thăm địa điểm khai quật. Thế thì thật sự có lời nguyền, sự trùng hợp bi thảm hay truyền thuyết được thêu dệt thêm?
Nhân vật
Toutankhamon là vua Ai Cập vào thời kỳ vương quyền thứ 18. Ông lên ngôi trong khoảng 7 và 9 tuổi (các chuyên gia vẫn còn phân vân về tuổi của ông) và chết năm 19 tuổi. Do tuổi trẻ nên ông không thể xây dựng một đền đài xứng với tham vọng của ông. Do vậy ông đành cho xây một ngôi mộ đơn giản trong thung lũng các vì Vua gần Louxor bên bờ sông Nil. Người ta không biết nhiều về ông dưới thời ông trị vì. Người ta biết rằng ông rất say mê vợ và ông là một chiến sĩ tài ba.
Các bức họa trang trí ngôi mộ giúp người ta xác nhận về các khẳng định đó mà không sợ lầm. Chỉ có cái chết của ông vẫn còn phải được xem lại. Một số nhà khảo cổ cho rằng ông bị ám sát bằng một vật không sắc nhọn vào phía sau sọ. Nhiều người khác khẳng định rằng ông đã bị một dạng uốn ván sau khi bị thương ở chân. Tóm lại chẳng có gì có thể khẳng định nguyên nhân thực sự về cái chết của ông, cho dù nếu một cuộc quét scanner xác ướp của ông mới đây đã được thực hiện tại Cairô.
Khám phá hầm mộ
Vào năm 1920 Lord Carnavon, một doanh nhân giàu có Anh đam mê Ai Cập đã mở các ngân khoản để thực hiện những cuộc khai quật tại thung lũng các vì Vua. Ông ủy quyền cho nhà Ai Cập học nổi tiếng Howard Carter, người chứng nhận rằng các ngôi mộ chưa bị xâm hại vẫn còn phải được khám phá. Carter bắt tay vào việc nhưng dường như chuyến đi bị thất bại bởi vì sau 2 năm khai quật, ông vẫn không tìm thấy được gì. Rồi vào cuối năm 1922, một công nhân tình cờ khám phá ra 1 loạt cầu thang ngay bên dưới cửa vào của ngôi mộ Ramsès V. Carter mừng rỡ nhưng còn phải dọn dẹp 1 đống gạch vụn để đến được một cánh cửa niêm kín.
Đó là ngôi mộ của Toutankhamon, một vị vua hầu như chưa được biết vào thời đó. Ông thông báo cho Lord Carnavon, và tuy sức khỏe yếu ông ta vẫn quyết định đến nơi đê chứng kiến việc mở cửa ngôi mộ. Không khí rất căng thẳng vì những lời đồn của một số công nhân cho biết rằng đã đọc được một câu trên cánh cửa: “Cái chết sẽ dùng đôi cánh chạm đến ai làm phiền Pharaon”. Không dị đoan, trước tiên Carter đục 1 lỗ trên cánh cửa nhằm cho không khí có thể vào và làm thông thoáng chút đỉnh nơi bị đóng kín quá nhiều năm. Phải mất gần 2 tháng làm việc trước khi cuối cùng đến được gian phòng hầm mộ và phòng các kho báu. Một kho báu đồ sộ! Carter mất gần 4 năm mới kiểm kê hết một cách tỉ mỉ và chuyên chở tất cả đến Bảo tàng Cairô.
- Xem thêm: Những lời nguyền từ thời cổ đại
Một loạt cái chết kỳ lạ
Trước tiên khi khám phá ngôi mộ, con chim hoàng yến may mắn của Carter bị một con rắn hổ mang nuốt. Đó là điều hiếm hoi vào thời kỳ ấy trong năm bởi vì rắn hổ mang rất hiếm tại Ai Cập mà nhất là vào thời gian ấy trong năm. Vài ngày sau khi làm lộ hầm mộ, Lord Carnavon qua đời tại bệnh viện Cairô sau khi bị nhiễm trùng do vết muỗi đốt. Lúc ông qua đời, một sự cúp điện xảy ra trên khắp thành phố. Không cần gì nhiều hơn cho các báo chí thèm khát sự giật gân không nghĩ rằng đấy đơn giản chỉ là trùng hợp. Sáu tháng sau cái chết của Lord Carnavon, người em trai Aubrey Herbert của ông và cô điều dưỡng cũng chết một cách bi thảm. Ít lâu sau, viên thư ký của Carter và là con trai duy nhất của Lord Westbury, Richard Bethell, cũng rời bỏ loài người sống. Quá buồn bã, Lord Westbury tự tử sau đó 3 tháng.
Giáo sư Lafleur, bạn thân của Carter đến địa điểm khai quật hầm mộ một tháng sau cái chết của Lord Westbury. Ông chỉ ở đấy vài tuần trước khi qua đời vì một căn bệnh bí ẩn. Đến lượt Arthur Mace, người cộng tác thân cận với Carter đã qua đời một tháng sau đó. Dường như ông ta đã mất đi hết sức lực sau khi bước vào phòng hầm mộ. Tiến sĩ Evelyne White, cũng là cộng tác thân cận với Carter, đã bị trầm uất nghiêm trọng sau khi là một trong những người đầu tiên bước vào hầm mộ. Chứng bệnh khốn thay đã thúc đẩy bà tự kết thúc cuộc đời 1 tháng sau. Archibald Douglas Reed, được lệnh chụp X-quang xác ướp trước khi chuyển đến Bảo tàng Cairô, đã bị gục ngã vài ngày kế sau một cơn khó chịu. Cuối cùng các giáo sư Douglas Derry và Garriès Davis cũng chết một cách bí ẩn sau khi kiểm tra xác ướp hay các đồ vật đưa ra khỏi hầm mộ. Tổng cộng có 17 người đã qua đời sau khi tiếp xúc theo cách nào đó với hầm mộ Toutankhamon…!
Một lời nguyền
Rõ ràng rằng tất cả những cái chết đó đã xảy ra trong khoảng thời gian rát ngắn dường như khá lạ lùng, và câu chuyện về một lời nguyền tấn công những ai phá phách hầm mộ của vua mang một tầm mức hiếm có trong lịch sử ngành khảo cổ. Kế đó, hiện tượng về việc khai quật một hầm mộ mà trong nền văn minh của chúng ta cũng như của người Ai Cập, khó được hiểu và chấp nhận, cho dù có mục đích khoa học. Nó bị xem như một sự cướp bóc va đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của tôn giáo. Tất cả các yếu tố đó lan nhanh, qua trung gian giới phóng viên, làm sinh ra nhiều câu chuyện về lời nguyền. Nhưng thật sự là gì? Và liệu người ta có thề giải thích một cách thuần lý những cái chết đó được không?
- Xem thêm: Bí ẩn Gilmerton Cove
Các giả thuyết
Vào thời ấy, các công cụ của ngành pháp y không giống như hiện nay và một số căn bệnh chưa được thấu hiểu và chữa trị. Nhất là bệnh lao và viêm phổi, mà trong rất nhiều trường hợp đã gây ra cái chết. Chẳng hạn như Lord Carnavon, đã từng có những rối loạn về phổi từ nhiều năm trước. Sức khỏe yếu kém của ông cũng là một yếu tố làm nặng thêm chứng bệnh đã khiến ông gục ngã.
Giờ đây phải tương đối hóa một vài sự kiện đã diễn ra. Trước tiên, hàng chữ trên cánh cửa vào của hầm mộ. Hàng chữ này không hề có, và đã được đặt ra bởi các phóng viên. Kế đến là cái chết của con chim hoàng yến đến nay vẫn còn phải xem lại. Chắc chắn Carter có nhắc đến trong nhật ký nhưng dường như chuyện này là do một kẻ chống lại những cuộc khai quật và đã đưa 1 con rắn hổ mang vào lồng chim. Bởi vì tìm ra 1 con rắn hổ mang tại Ai Cập vào mùa ấy giống như tìm thấy 1 con chồn marmotte tại bờ biển Azur vào tháng giêng…! Cuối cùng Carter chưa hề bị rắc rối về bệnh tật và sống đến năm 1939 như nhiều người chung quanh ông trong cuộc khai quật.
Một trong những lời giải đáp cho các chứng bệnh đó đã có vào năm 1985 khi cải tạo lại xác ướp của Ramsès II. Sự phân tích đã giúp cho thấy những loại nấm nhỏ độc cho con người. Và theo các ghi chép của Carter, người ta biết rằng một trong những gian phòng của hầm mộ Toutankhamon có chứa đầy loại nấm đó. Sau nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng loại nấm đó là nguyên do cho chứng viêm phổi nhạy cảm. Đó là thứ mà nhiều nhà khoa học và chuyên gia đã mắc phải khi bị phơi nhiễm quá lâu. Cụ thể thì người ta nên nói về bệnh của nhà khảo cổ hơn là lời nguyền. Nhưng truyền thuyết đã lan ra và người ta còn làm các bộ phim kể lại lời nguyền của xác ướp. Và khi giả tưởng vượt qua thực tế, thật khó mà nói ngược lại hay chặn đứng nó.
Kết luận
Xui xẻo cho các kẻ ưa thích, là chẳng hề có lời nguyền. Tất cả những cái chết đó trước tiên là do bệnh tật và các sự trùng hợp bất hạnh. Đa số đã được thêu dệt bởi giới truyền thông, vốn có sở thích tinh ranh để đi theo đường hướng đó. Tinh thần của vị pharaon trẻ tuổi không có tính trả thù như các phóng viên, và dù sao Ai Cập cũng không cần đến lời nguyền để khiến chúng ta mơ mộng theo dòng lịch sử.
- Xem thêm: Sự thật đằng sau lời nguyền của Vua Tut