Một con chim hoàng yến cưng bị rắn hổ mang lấy mạng đúng vào ngày chủ nhân nó phát hiện lăng mộ vua Tut. Một nhà tài trợ từ trần chỉ vì vết muỗi đốt. Một nhà khảo cổ đột ngột rơi vào hôn mê sâu… “Bất cứ kẻ nào vào mộ với tâm hồn đen tối, ta sẽ bóp cổ hắn như bóp một con chim”, người ta đồn nhau đó là lời nguyền của vua Tut. Nhưng bạn có biết người Ai Cập cổ đại thật ra không hề có khái niệm về lời nguyền?
Vua Tut tước hiệu đầy đủ là pharaoh Tutankamun. Ông chào đời vào khoảng năm 1341 trước Công nguyên, lên ngôi khi chỉ mới 9 tuổi, là vị pharaoh trẻ tuổi nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Vua Tut tại vị được 9 năm, sau đó đột ngột qua đời. Lăng mộ của ông được phát hiện vào năm 1922.
Người Ai Cập không nguyền rủa
Văn hóa Ai Cập đi liền với văn hóa ướp xác. Người ta thậm chí ướp cả xác động vật. Tín ngưỡng Ai Cập tin rằng linh hồn người chết có thể quay trở lại dương gian. Bởi thế, họ nỗ lực giữ gìn cái xác để lỡ người từ trần có quay về thì vẫn còn thân xác mà hồi sinh.
Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn tin lời nguyền trong các lăng mộ Ai Cập là có thật. Mục đích của nó là để ngăn chặn bọn trộm mộ vì mọi lăng mộ hoàng đế Ai Cập đều đầy rẫy vàng bạc, châu báu. Tuy nhiên, ít nhất thì trong thời đại của vua Tutankhamun cũng không hề có chuyện ghi hoặc khắc lời nguyền. Lý do rất đơn giản: đó là chỉ 1% người Ai Cập lúc này có khả năng đọc hiểu chữ tượng hình. Những kẻ đã cùng đường mạt lộ đến mức đi ăn trộm cả đồ của người chết tất nhiên là một chữ bẻ đôi cũng không biết. Có để lại lời nguyền lên cửa mộ cũng chẳng ích gì.
Bạn lý sự rằng lời nguyền không được viết ra mà được truyền miệng và người lan truyền nó là những công nhân xây dựng lăng mộ. Chuyện này không hẳn là vô lý. Chỉ có điều chúng ta tuyệt đối không bao giờ tìm được bằng chứng để xác thực, mà đã không thể xác thực thì đâu được coi là sự thật.
Theo nhà Ai Cập học Dominic Montserrat của Anh, không hề tồn tại bằng chứng nào cho thấy người Ai Cập có khái niệm về lời nguyền. “Kết quả nghiên cứu của tôi không chỉ khẳng định rằng người Ai Cập cổ đại không có ý thức về sự nguyền rủa, mà nó còn chỉ ra cả báo chí công khai về vụ khám phá lăng mộ vua Tut năm 1923 cũng vô tội trong vụ này”, ông nhấn mạnh. Kẻ thật sự gây ra “tội” là các văn sĩ và phóng viên báo lá cải cơ. Độc giả phương Tây ngày ấy khát thèm chuyện lạ, đặc biệt là truyện kinh dị kiểu “xác ướp báo thù”.
- Xem thêm: Những lời nguyền từ thời cổ đại
Người Ai Cập cổ đại không nguyền rủa nhưng đôi khi họ có cảnh cáo. Theo Salima Ikram, nhà Ai Cập học người Mỹ, một vài tường lăng mộ có khắc lời đe dọa, nội dung đại khái là nếu kẻ nào dám phá hoại giấc ngủ của người chết, kẻ đó sẽ bị thần thánh trừng phạt hoặc bị thú hoang như cá sấu, sư tử, bọ cạp, rắn rết cắn chết. Dầu vậy, những “cảnh cáo” này dường như không tác dụng mấy. Hầu hết các lăng mộ đều bị đào bới, vơ vét sạch bách trước khi giới khảo cổ tìm ra chúng.
Đằng sau 2 cái chết bất thường
Sự vụ ám ảnh nhất liên quan đến “lời nguyền của vua Tut” là cái chết của Lord Carnarvon. Ngày 16-2-1923, nhà khảo cổ Howard Carter mở phòng chôn cất vua Tut. Gần 2 tháng sau, vào ngày 5-4-1923, người hỗ trợ tài chính cho Carter tiến hành cuộc khai quật là Carnarvon qua đời. Ông chỉ bị muỗi chích, vậy mà lại mất mạng. Rất nhanh, tin đồn Carnarvon bị giết bởi lời nguyền lan truyền.
Trong thực tế, Carnarvon chỉ chết vì bị nhiễm trùng máu. Ông vốn đã đau ốm suốt 20 năm, vậy mà lúc này lại bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Vì khả năng miễn dịch quá yếu, Carnarvon bị bệnh nặng và qua đời. Mà dù lời nguyền của vua Tut thật sự có hiệu lực đi nữa, nó phải ứng với Carter đầu tiên mới đúng. Thế nhưng Carter đã sống khỏe mạnh thêm 20 năm nữa. Trong ngày đầu tiên nhà khảo cổ này mở lăng mộ vua Tut, cũng có tới 58 người khác tham gia. 50 người trong số họ vẫn sống sau 12 năm nữa. Trừ trường hợp Carnarvon, tính ra lời nguyền của vua Tut (giả như có thật) phải mất đến hơn 10 năm để ứng nghiệm, và nó cũng chỉ ứng nghiệm trên một vài người (còn chưa rõ họ có đáng bị nguyền rủa hay không).
Mở cửa phòng chôn cất vua Tut rồi, cái đầu tiên đập vào mắt Carter là hai bức tượng Tutankhamun có kích thước tương đương người thật. Trên đầu mỗi bức tượng là một vương miện hình rắn hổ mang cách điệu. Về đến nhà, Carter phát hiện con chim hoàng yến yêu quý của ông đã bị rắn hổ mang tha mất. Cái chết của nó phải chăng là lời cảnh báo từ vua Tut đến Carter?
Ngay cả hiện nay Ai Cập cũng đầy rẫy rắn hổ mang. Chúng thường bò vào làng bắt gà con, chuột nhắt và chim chóc. Ngoài con chim hoàng yến của Carter bị ăn vào đúng ngày ông mở cửa phòng chôn cất vua Tut thì cũng còn cả hàng nghìn động vật nhỏ khác trong đồng bằng Ai Cập thành mồi cho nhà hổ mang cùng lúc.
Tin đồn thất thiệt
Thêm mắm dặm muối vào cái chết của Carnarvon hay con chim hoàng yến của Carter đã đành, một vài báo lá cải còn tung tin giả nhằm thu hút người đọc. Họ nói rằng toàn bộ đèn đóm ở Cairo đã phụt tắt chính lúc Carnarvon trút hơi thở cuối cùng. Không chỉ thế, con chó của ông ở tận London cũng đột ngột ngửa cổ tru liên hồi đúng khi chủ mất.
Báo chí lá cải còn tung tin Carter và nhóm khảo cổ của ông đã phát hiện một lời nguyền hữu hình. Đó là một dòng chữ in trên tấm đất sét có nội dung: “Thần chết sẽ ám sát bất cứ kẻ nào phá vỡ giấc ngủ yên bình của vị vua bằng đôi cánh”. Nhưng chưa ai từng nhìn thấy tấm đất sét ghi lời nguyền ấy. Có kẻ bảo rằng đó là vì Carter quá sợ hãi nên đã hủy nó đi. Nhưng nếu sợ hãi, nhà khảo cổ này đã chẳng tiến hành vụ khai quật. Chưa kể, không có người nào liên quan đến vụ khai quật lăng mộ vua Tut lại chết vì cái gì đó tương tự như đôi cánh.
Trước xác ướp của vua Tut, Carter và các đồng nghiệp đã không nén nổi sự háo hức. Họ lập tức tìm cách gỡ bỏ phần mặt. Giả như có ai đó đáng bị trừng phạt vì tội phạm thượng, Carter phải là người đầu tiên. Thật khó hiểu khi vua Tut lại để mặc ông tiếp tục “quậy” chốn yên nghỉ của mình suốt 20 năm tiếp theo và hài lòng với việc giết một con chim hoàng yến hay dọa nạt một con chó.
17 năm sau khi mở cửa lăng mộ vua Tut, Carter mới mắc bệnh ung thư, loại bệnh mà chí ít thì thế giới cũng có 1.000 người chết vì nó trên một năm. Giả sử linh hồn vua Tut oán hận mà có nguyền rủa đi nữa, xem ra lời nguyền ấy cũng phải vất vả lắm mới ám nổi Carter.
Thực thể của lời nguyền
Lời nguyền thì không có cơ thể vì nó là “lời” kia mà, nhưng tác nhân gây chết người thì có. Một số nhân viên khảo cổ đã qua đời sau khi mở lăng mộ của vài pharaon Ai Cập cổ đại. Khoa học tin rằng tác nhân gây bệnh chính là các vi khuẩn cổ được lưu giữ cùng với xác ướp. Khi quan tài niêm phong bị mở ra, chúng cũng thoát ra ngoài, vô tình tấn công người ở gần đó. Tuy nhiên, do không thích nghi kịp với môi trường của cả 3.000 năm sau, những vi khuẩn cổ này cũng tự phân rã.
Với giả thuyết này, những cái chết bí ẩn liên quan đến hầm mộ cổ được giải thích một cách hợp lý. Các nhà khảo cổ cũng phát hiện một vài nấm mốc có độc phát triển trên thành lăng mộ cổ. Chúng có khả năng gây tổn thương và nhiễm trùng phổi, cuối cùng dẫn đến tử vong. George Jay Gould đã bị chết vì loại nấm mốc này sau khi vào mộ vua Tut không lâu. Song rắc rối ở chỗ ngoài Gould ra, hầu hết các “nạn nhân” khác của lời nguyền đều chết vì bị giết, ung thư hoặc tự sát. Vả lại, nếu vi khuẩn cổ đúng là nguyên nhân dẫn đến cái chết, tại sao nó chỉ giết có một vài người? Còn nữa, dù Gould đã mắc bệnh nhiễm trùng phổi và chết sau khi vào lăng mộ không lâu nhưng Sgt. Richard Adamson, một nhân viên bảo vệ lăng mộ Tut đã đứng gác cửa phòng chôn cất suốt 7 năm thì vẫn sống thêm cả 53 năm nữa. Du khách viếng thăm mộ vua Tut cũng rất đông và chẳng có ai lại bị chết vì nấm mốc.
Xin đừng vội quay về giả thuyết lời nguyền đã ứng nghiệm. Hầu hết “nạn nhân” của “lời nguyền của xác ướp” đều chỉ chết khi đã khá… già. Tuổi thọ trung bình của họ là 73 tuổi, lớn hơn tuổi thọ trung bình cùng thời là 1 năm. Giả như lời nguyền của vua Tut có linh nghiệm, vậy thì nó đã cho họ thêm mỗi người 1 năm nữa để sống đấy. Tính ra cũng chẳng phải chuyện gì tệ hại lắm!
Còn về những “nạn nhân” chết trẻ hơn thì sao? Mark Nelson, một nhà dịch tễ học người Úc, đã nỗ lực lên danh sách và so sánh tỷ lệ tử vong của người phương Tây có mặt tại Ai Cập vào thời điểm mở mộ vua Tut với du khách phương Tây tận mắt chứng kiến việc mở mộ vua Tut. Ông khẳng định tuổi thọ trung bình của những người chứng kiến vụ mở mộ vua Tut thấp hơn 8 năm. Lời nguyền đã ứng nghiệm ư? Xin đừng vội kết luận! Phần lớn du khách đủ can đảm để chứng kiến thời khắc ấy đều là nam giới. Vì thế, dữ liệu của Nelson cũng cần được xử lý lại, tính theo tỷ lệ nam giới mới đúng. Thêm vào đó, tỷ lệ du khách tử vong thì liên quan gì đến lời nguyền?
Đến đây thì bạn có thể chắc chắn rồi đấy, rằng chẳng có lời nguyền nào cả. Hoặc ít nhất thì bạn cũng có thể tin người Ai Cập không liên quan gì đến chuyện nguyền rủa vì họ có biết nguyền rủa là cái gì đâu. Dẫu là lời nguyền hay sự nguyền rủa cũng đều từ trời Âu mà ra hết.
- Xem thêm: Những khám phá lạ về khảo cổ