Những lời nguyền cũng có lịch sử xưa như nhân loại. Suốt nhiều thiên niên kỷ, con người cũng ước cho điều bất hạnh đổ xuống đầu kẻ thù của họ thường ở dạng cầu xin các thế lực siêu nhiên và thần thánh. Các nghi thức phức tạp, những lời cầu nguyện và ngôn ngữ sử dụng khiến cho việc nguyền rủa ngày càng trở nên chuyên nghiệp.
Phiến đá ghi lời nguyện Pella
Năm 1986, trong quá trình khai quật đô thị cổ Pella của người Macedonia cổ đại, các nhà khảo cổ đã khai quật được một phiến đá có ghi lời cầu nguyện. Được tạo ra trong khoảng từ năm 375 đến 350 trước Công nguyên, phiến đá Pella là một đầu mối quan trọng giúp các nhà khảo cổ giải mã nhiều câu hỏi về tâm linh của người cổ đại. Người viết, Dagina, cầu xin các vị thần giải quyết vấn đề của cô: Dionysophon, người yêu của cô, đang chuẩn bị kết hôn với một người phụ nữ khác. Dagina muốn anh ta quay về bên mình và cầu xin các vị thần giúp đỡ trong tình yêu.
Ngôn ngữ trên phiến đá khác xa với ngôn ngữ trịnh trọng của giới quý tộc Macedonia cổ đại. Vì vậy, các nhà ngôn ngữ học tin rằng Dagina thuộc về tầng lớp xã hội thấp hơn. Phiến đá ghi lời cầu xin này đã xác nhận nghi ngờ của họ rằng tiếng địa phương Macedonia của cô có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp Doric.
Còn được gọi là “phiến đá ràng buộc”, những lời cầu khẩn như phiến đá Pella là một trong những cách cô đọng để cầu xin các vị thần giúp đỡ hay dùng như những lời nguyền. Các nhà khảo cổ đã phát hiện 1.600 phiến đá ghi lời nguyền của Hy Lạp. Phiến đá Pella là lâu đời nhất.
Lời nguyền của vua Casimir
Vài ngày sau khi các nhà khảo cổ khai quật lăng mộ của vua Casimir IV Jagiellon vào năm 1973, 4 trong số 12 nhà nghiên cứu đã chết. Vài năm sau đó, có thêm những người không chịu nổi căn bệnh ung thư và các bệnh gây tử vong khác. Đến cuối thử thách, không dưới 15 người từng làm việc với thi hài của vị vua cai trị Ba Lan đã chết.
Sinh năm 1427, Casimir đã đánh bại Teutonic Order, giành lại Pomerania và thành lập triều đại của mình như một trong những triều đại ưu việt của châu Âu. Khi Casimir mất năm 1492, xác ông bị phân hủy nhanh chóng do thời tiết xấu. Những người ướp xác vội vàng niêm phong quan tài của ông bằng nhựa thông, vô tình tạo ra một “quả bom gây bệnh”. Lời nguyền của vua Casimir thực ra là Aspergillus flavus, một loại nấm chết người được tìm thấy trong các xác chết và các ngôi mộ cổ. Loại nấm này đã tấn công mọi thứ xung quanh nó khi chiếc quan tài bằng gỗ mục được mở ra. Loại nấm này tương tự với loại nấm chịu trách nhiệm về lời nguyền của vua Tutankhamun đã giết chết các nhà Ai Cập học.
Lời nguyền của Jacques De Molay
Vào khoảng thế kỷ 12, Các hiệp sĩ Đền Thờ (Templar Knights) đã trở thành một trong những tổ chức quyền lực nhất ở châu Âu. Trong các cuộc thập tự chinh, họ đã tích lũy được một gia tài đồ sộ, được sử dụng ban đầu dưới hình thức một ngân hàng. Theo những lời đồn, họ đã tìm thấy kho báu bị mất của vua Solomon. Sau một chiến dịch mở rộng ở Trung Đông, Jacques de Molay trở thành người đứng đầu tổ chức này vào năm 1292.
Vua Philip IV của Pháp bắt đầu vay mượn từ Các hiệp sĩ Đền Thờ, nhưng không có ý định trả lại cho họ. Năm 1307, vua Philip IV âm mưu với Đức Giáo hoàng Clement V tước bỏ chức vụ của Molay. Người lãnh đạo tổ chức Các hiệp sĩ Đền Thờ bị tra tấn, bị giam cầm trong bảy năm và cuối cùng bị thiêu sống vào năm 1314.
- Xem thêm: Vua Arthur và các hiệp sĩ Bàn Tròn
Trước khi chết, de Molay đã nguyền rủa kẻ thù của mình, tuyên bố rằng cả Đức Giáo hoàng Clement V và vua Philip IV sẽ chết trong vòng một năm và gia tộc Philip sẽ bị xóa sạch. Clement đã sớm chịu thua một căn bệnh hiểm nghèo. Tiếp theo, Philip chết vì đột quỵ. Đến năm 1328, tất cả con trai và cháu trai của vua Philip IV đều chết.
Lời nguyền của giếng nước thánh Anne
Vào năm 2016, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một cái giếng cổ được cho là đã bị nguyền rủa gần Liverpool. Giáo phái của thánh Anne đã từng phát triển rộng rãi ở Anh thời Trung cổ. Là mẹ của Đức Mẹ Mary, tên tuổi của Anne thường được gắn liền với các giếng nước chữa bệnh. Anne được cho là đã tắm trong giếng, nơi được biết là dùng để điều trị các bệnh về da và mắt. Trong nhiều thế kỷ, một tu viện gần đó gồm 12 tu sĩ chịu trách nhiệm chăm sóc giếng.
Vào thế kỷ 16, tranh chấp đã xảy ra về quyền sử dụng giếng. Đức cha của tu viện Delwaney và người hàng xóm (chủ đất) của ông, Hugh Darcy, đều tuyên bố quyền sở hữu. Darcy cho rằng Delwaney sẽ không có quyền sử dụng cái giếng lâu hơn nữa. 2 ngày sau, người của vua Henry VIII chiếm giữ tu viện và cái giếng.
Delwaney đã nguyền rủa Darcy và, theo truyền thuyết, ông đã chết ngay sau đó. Trong vòng 3 tháng, con trai Darcy đã chết vì một căn bệnh bí ẩn và Darcy phải chịu tổn thất lớn về tài chính. Một năm lẽ một ngày sau khi chiếm đoạt cái giếng, Darcy được tìm thấy ở đáy giếng với cái đầu bị nghiền nát.
Các lời nguyền về cạnh tranh thương mại
Năm 2003, các nhà khảo cổ đã khai quật được hài cốt của một phụ nữ Hy Lạp thời cổ đại cùng với 5 phiến đá ghi lời nguyền. Có niên đại từ thế kỷ 5 trước Công nguyên, những lời nguyền này nhắm vào các chủ quán rượu, vì vậy động cơ của các lời nguyền này được cho là do cạnh tranh thương mại. Theo truyền thống Hy Lạp thì những phiến đá ghi lời nguyền rủa nên được chôn xuống đất. Có thể chính người phụ nữ đã viết những lời nguyền này, nhưng cũng có khả năng là cái chết của cô đã mang đến cho người làm phép thuật cơ hội truyền đạt lời nguyền đến thế giới bên kia.
Cách dùng từ tinh tế của những lời nguyền nói trên cho thấy chúng được làm từ những người chuyên nghiệp. Điều khác thường là người viết cầu khẩn Artemis, vị thần đặc biệt liên quan đến việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái. 4 trong số 5 phiến đá này có chữ khắc, tất cả đều nhắm vào các chủ quán rượu khác nhau. Một phiến đá bị bỏ trống. Tất cả đều được khắc bằng một cái đinh, giúp củng cố nội dung được khắc trên các phiến đá.
Tấm bia Assyria bị vỡ
Năm 1897, trong một cuộc khai quật tại thành phố cổ Dur-Katlimmu, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một tấm bia đá bazan có chứa lời nguyền của người Assyria. Có niên đại 800 năm trước Công nguyên, cổ vật này hiện bị phân làm hai mảnh. Bảo tàng Anh giữ phần phía trên, trong khi phần phía dưới được mang ra đấu giá. Bảo tàng Anh không có kế hoạch mua lại phần phía dưới để hợp nhất hai mảnh của tấm bia này. Vật thể hoàn chỉnh sẽ chỉ cao hơn 2 mét. Nó mô tả vua Adad-Nirari III được bao quanh bởi các biểu tượng thiêng liêng.
Dòng chữ hình nêm trên tấm bia mang nội dung yêu cầu thần Salmanu trông chừng Adad-Ninari, viên chức tư tế của Salmanu và người Assyria. Thông điệp khuyến khích các nhà cai trị trong tương lai theo dõi và bảo vệ ngôi đền của vua Adad-Nirari và đe dọa bất cứ ai dám di chuyển đồ thờ cúng ra khỏi ngôi đền.
- Xem thêm: Những khám phá lạ về khảo cổ
Người Assyria là bậc thầy về tuyên truyền và tấm bia tự nhiên này đã từng phổ biến. Chúng được sử dụng để đe dọa các sứ giả nước ngoài, đại diện cho chính quyền hoàng gia và xua đuổi các đối thủ.
Thành phố mà Jesus nguyền rủa
Theo sách Phúc Âm của thánh Luca và Matthew, Chorazin là một trong 3 thành phố mà Chúa Giêsu nguyền rủa. Theo Kinh thánh, Chúa Giêsu đã đến thăm khu định cư Galilee nhiều lần. Cư dân của nó đã chứng kiến các phép lạ của Người nhưng không chấp nhận, hối cải hoặc sửa chữa những hành động xấu xa của họ. Tuy nhiên, điều này không đủ để khơi gợi cơn thịnh nộ của Chúa.
Vào cuối thế kỷ 19, các nhà khảo cổ học đã khai quật được một giáo đường cổ ở Chorazin. Ngôi đền được xây dựng từ đá bazan đen với chỗ ngồi của Moses được chạm khắc từ một hòn đá đen nguyên khối. Ngôi đền cũng có chạm khắc hình nữ thần tóc rắn Medusa. Theo quan điểm truyền thống Do Thái, những kẻ chống Chúa sẽ trỗi dậy từ thành phố bị nguyền rủa này.
Theo nhà sử học Eusebius, vào năm 330, thành phố đã bị tàn phá hoàn toàn bởi một trận động đất, mà ông tin là do lời nguyền theo sách Phúc Âm. Ở chiều ngược lại, không có bằng chứng nào cho thấy Chorazin thậm chí còn tồn tại trong thời của Chúa Jesus.
Sự phẫn nộ của các nàng tiên
Truyền thuyết dân gian Ailen cảnh báo rằng một lời nguyền sẽ xảy ra với những ai muốn xây dựng nhà máy trên một “pháo đài tiên” ở thành phố Waterford. Có niên đại từ năm 800, “pháo đài tiên” này về thực chất là một pháo đài vòng tròn có từ thời Đồ sắt. Vào thời đó, những khu định cư thường được xây dựng theo hình tròn và phần lớn là những trang trại. Các bờ đất và đá của chúng bảo vệ cư dân khỏi thú dữ và những kẻ xâm nhập. Hàng thế kỷ sau, người Ailen bắt đầu gán ghép pháo đài cho những người sử dụng ma thuật như tiên nữ và yêu tinh.
Công ty West Pharmaceutical Services của Hoa Kỳ đã phớt lờ lời nguyền và xây dựng cơ sở mới của họ tại pháo đài này. Họ đã phải đưa công nhân xây dựng từ các khu vực khác đến đây làm việc, vì người dân địa phương chỉ đơn giản từ chối giúp đỡ. Mặc dù West Pharmaceutical nhận thức được giá trị khảo cổ của địa điểm và làm việc với Văn phòng Di tích Quốc gia để khai quật địa điểm trước khi xây dựng, một số người tin rằng điều này là không đủ. Theo những người am hiểu về truyền thuyết Ireland, vấn đề không phải là câu hỏi “nếu”, mà là “khi nào” thì nhà máy sẽ đóng cửa?
Kho báu của Croesus
Năm 1965, dân làng phát hiện ra kho báu trong một ngôi mộ ở phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ. 363 vật dụng bằng bạc và vàng được mệnh danh là “Kho báu của Croesus”, lấy theo tên vua Lydian thế kỷ 6 trước Công nguyên (còn được gọi là kho báu Karun).
Chẳng mấy chốc, bất hạnh đã ập đến, khiến nhiều người tin rằng kho báu đã bị nguyền rủa. Một tên cướp mộ đã mất ba đứa con vì bạo lực. Một người khác bị liệt toàn thân. Người thứ ba đã trải qua một cuộc ly hôn xấu xí và con trai của hắn đã tự tử. Tên trộm cuối cùng đã phát điên và mất nhiều năm để nói với mọi người về 40 thùng vàng mà anh ta đã giấu.
- Xem thêm: Bí ẩn Gilmerton Cove
Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York đã mua lại kho báu. Họ hiển thị kho báu như là của Hy Lạp để che giấu nguồn gốc của nó. Vào năm 1987, 3 ngày trước khi bảo tàng có quyền sở hữu một cách hợp pháp, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện các bước để lấy lại kho báu. Sau cuộc chiến pháp lý kéo dài 6 năm, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan thừa nhận rằng họ biết kho báu đã bị đánh cắp. Kho báu Croesus đã được trả lại cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Lời nguyền trên chiếc quan tài bằng đá
Năm 1923, các nhà khảo cổ đã khai quật được chiếc quan tài bị nguyền rủa của vua Ahiram, trong cuộc khai quật ở thành phố Phoenicia cổ đại của Byblos. Mưa làm cho một ngọn đồi sụp đổ, làm lộ ra 9 ngôi mộ đá của các vị vua Phoenicia. Có niên đại khoảng 1000 năm trước Công nguyên, chiếc quan tài bằng đá vôi của Ahiram là bằng chứng duy nhất của vị vua bí ẩn này.
Dòng chữ trên quan tài đã làm say mê các học giả trong nhiều thập kỷ. Nó tiết lộ rằng nó được chế tác bởi con trai của Ahiram, Ittobaal, và cung cấp một lời nguyền để bảo vệ nó khỏi những kẻ cướp mộ. Thật không may, lời nguyền này đã không hoạt động. Vào thời điểm các nhà khảo cổ tình cờ phát hiện ra, ngôi mộ đã bị cướp phá.
Dòng chữ cũng được coi là bằng chứng lâu đời nhất được biết đến của bảng chữ cái Phoenicia được phát triển đầy đủ, với 19 trong số 22 chữ cái Phoenicia có mặt trên quan tài. Văn hóa và tôn giáo Ai Cập đã có một tác động lớn ở Byblos. Tuy nhiên, chiếc quan tài của Ahiram phản ánh một phong cách Phoenicia độc đáo. Trang phục, râu và tóc gợi ý nguồn gốc ở miền Bắc Syria hơn là Ai Cập.