Từ lâu bị khoa học lãng quên, khứu giác là một trong những cơ phận mạnh nhất trong con người, cực kỳ quý giá để chẩn đoán các bệnh về suy thoái thần kinh và là nguồn tế bào gốc có thể sản sinh ra nhiều loại cơ phận khác.
Câu đố: Mất khả năng nhìn gọi là gì? Quả dễ: mù. Mất khả năng nghe? – Điếc. Trái lại, mất hoàn toàn khả năng ngửi? – Mất khứu giác, một từ ngữ không đánh giá đúng! Cái mũi từ lâu bị khoa học xem thường, mà văn chương lại ca tụng, có vẻ như mỗi ngày càng trở thành một cơ phận kỳ diệu hơn. Nhờ nó, con người có thể ngửi được đến 1.000 tỉ mùi, bên cạnh mắt có thể phân biệt 10 triệu màu, đủ làm cho chúng ta xanh mặt! Hơn nữa, một nghiên cứu mới đây cho thấy trong bộ gien di truyền có 400 cơ phận tiếp nhận mùi khác nhau, trong khi chỉ có 4 cơ phận để nhận ra màu.
Làm sao giải thích trong 5 giác quan, khứu giác lại ít được nghiên cứu đến thế từ lâu? Giáo sư Jérôme Golebiowski, thuộc Viện Hóa học Nice của Đại học Sophia-Antipolis tại Nice cho biết: “Nó không được xem như cần thiết đến sinh tử hay lợi ích xã hội. Các nhà khoa học thần kinh dành thời gian chú ý đến nó, rất lâu sau các nhà hóa học.
Phải chờ đến cuộc cách mạng gien và những năm 1990 mới thấy nở rộ những nghiên cứu. Các công trình được tặng giải Nobel Y học của hai người Mỹ Richard Axel và Linda Buck năm 2004, về khám phá cơ phận tiếp nhận phân tử mùi và tổ chức của hệ thống khưu giác. Từ đó, các nhà nghiên cứu mới dành thời gian cho nó”. Chúng ta có khoảng 5-10 triệu thần kinh khứu giác nằm trong hốc mũi. Đó chỉ là những tế bào thần kinh của cơ phận tiếp xúc trực tiếp với bên ngoài. Hãy lấy một quả chuối. Khi lột vỏ ra, nó giải tỏa gần 200 phân tử mùi bay hơi.
Nhà thần kinh sinh học Roland Salesse tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia (INRA) giải thích: “Mỗi cái giống như chiếc chìa đến ráp vào 1 trong 400 cái tiếp nhận giống như ống khóa, kích thích dây thần kinh. Khi đó một dòng thần kinh đi trực tiếp từ “củ hành” khứu giác nằm giữa hai con mắt, tạo ra một loại lý lịch hóa học của luồng hơi. Trong giai đoạn 2 thông tin đi đến não, chính xác là vỏ não mùi, nơi có hai vùng hoạt động: amygdale, ngã tư của xúc cảm và hippocampe, được xem là nhạc trưởng của trí nhớ. Sau cùng, tại vỏ não ortofrontal, phần ý thức của bộ não, mùi được giải mã”. Jérôme Golebiowski còn cho biết thêm: “Như vậy, ký ức đóng vai trò ưu thế hơn và tất cả chỉ là chuyện học hỏi”.
Các đồng nghiệp của ông tại Trung tâm Khoa học thần kinh Lyon (CNRL) đã chứng minh rằng các “lỗ mũi” hoạt động trong thế giới nước hoa để chọn lựa mùi hương mới không có tài năng phi thường nào cả. Chỉ là do tập luyện hàng ngày, bằng cách lặp lại các gam mùi mà họ có thể phân tích những mùi vị tinh tế nhất. Roland Salesse nói rõ: “Luồng thần kinh của họ được lập trình tối ưu: chúng hoạt động nhanh hơn và tiêu thụ năng lượng ít hơn”.
Sự thành công của các lễ hội mùi tại Hoa Kỳ
Con người chia sẻ những khả năng kỳ diệu này của mũi với các loài có vú khác, phá đi một số định kiến. Trong số những khám phá mới nhất, John McGann, thuộc Phòng thí nghiệm Khoa học thần kinh Rutgers, bang New Jersey (Hoa Kỳ), dựa vào nghiên cứu về củ hành khứu giác, đã chứng minh rằng chúng ta có một khứu giác cũng mạnh như loài chó! Một ý tưởng khác: chúng ta mất đi một phần khả năng khứu giác là do cách sống. Sai! Hai nhà nghiên cứu trả lời. Năm 2008, họ công bố một nghiên cứu trên các bộ tộc Semaq Beri và Semelai tại Malaysia trên tạp chí Current Biology. Nếu các dân tộc săn bắn hái lượm này tiếp xúc nhiều với thiên nhiên, có số lượng từ ngữ mô tả về mùi nhiều gấp 10 lần chúng ta, họ không hề có lỗ mũi tiến bộ hơn. Hirac Gurden, giám đốc nghiên cứu Khoa học thần kinh tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS), còn nói: “Trái lại, chúng ta tiến bộ hơn bao giờ hết trong một môi trường rất phong phú của các loại mùi, nhất là trong nấu ăn, dầu thơm, nước giặt đồ… Chúng ta thường xuyên bị kích thích”.
Ngoài kích thích khứu giác, mùi còn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, nhất là báo trước một nguy hiểm sắp đến phát ra từ độc chất (khí, khói, thức ăn hỏng). Nó cũng tác động lên sự thoải mái của chúng ta. Sau cùng là vai trò xã hội từ lâu bị đánh giá thấp. Moustafa Bensafi, giám đốc nghiên cứu của CNRS, giải thích : “Mùi của bản thân chúng ta ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ với người khác”. Đến mức quyết định tình yêu? Tại Hoa Kỳ, các “lễ hội mùi” thu hút vố số người đồng thời cũng gây ra chỉ trích dữ dội. Nguyên tắc? Mặc một chiếc áo thun liên tục trong 3 ngày đêm, không khử mùi, không thoa nước hoa. Cho vào trong túi nylon, đặt vào tủ lạnh. Đến ngày N, mang đến lễ hội hẹn hò. Những kẻ độc thân ngửi vào đó trong số những cái túi khác để tìm người tình của mình…
- Xem thêm: Cảnh giác với… lỗ mũi
Patrick Suskind viết trong quyển Le Parfum (Mùi hương): “Ai khống chế được mùi hương là khống chế được quả tim con người. Điều gì xảy ra với những kẻ không khống chế được nó? Sau 65 tuổi, 1 trong số 2 người ngửi mùi rất kém. Sau 85 tuổi, 1 trong 2 người không nhận ra mùi được nữa”.
Mất khả năng ngửi mùi: triệu chứng của bệnh Alzheimer
Mối quan hệ giữa mất khả năng ngửi mùi và các bệnh về suy thoái thần kinh được nhận diện ngày càng rõ, nhất là với bệnh Alzheimer. Nghiên cứu trên con chuột, các nhà khoa học Hàn Quốc đã chứng minh rối loạn khứu giác đến trước mất trí nhớ khá lâu. Theo các chuyên gia thuộcViện Khoa học & Kỹ thuật Seoul, ngay từ giai đoạn đầu của bệnh, đã mất một phần dây thần kinh dopamine có rất nhiều trong củ hành khứu giác. Theo chiều hướng này, mất khả năng khứu giác có thể là triệu chứng sớm của bệnh Alzheimer. Hirac Gurden nói: “Suy luận này còn hàm súc hơn trong khuôn khổ bệnh Parkinson, mà sự thiếu hụt xảy ra trước xa rối loạn động cơ”.
Nhưng mất khứu giác không nhất thiết có liên quan đến tuổi cao. Dần dần qua nghiên cứu, các loại bệnh liên quan càng mở rộng thêm: huyết khối, béo phì, rối loạn tính tình (suy nhược, lo lắng). Moustafa Besafi nói rõ chi tiết: “Chúng tôi mở cuộc điều tra với 10.000 người Pháp. Kết quả: 7-8% người bị mất một phần khứu giác và khoảng 3% mất hoàn toàn”. Bác sĩ Pierre Bonfils, trưởng khoa Răng hàm mặt, bệnh viện George Pompidou (Paris), giải thích: “Có 50 nguyên nhân khả dĩ”.
Trong số các nguyên nhân phổ biến nhất là mất khứu giác sau viêm mũi – một loại virus phá hủy dây thần kinh khứu giác – đặc biệt tấn công phụ nữ tuổi từ 60-65 sau mãn kinh. Kế đến là polype (một loại khối u) làm nghẽn hốc mũi và sau cùng mất khứu giác do chấn động xương sọ. Pierre Bonfils nói rõ: “Trong trường hợp thứ nhất, tùy theo mức độ tiến triển của bệnh, có thể chữa trị bằng thuốc như Corticoide. Trong trường hợp thứ 2, chữa bằng giải phẫu (cắt bỏ khối u polype) . Sau cùng, rối loạn do bọc máu có thể biến mất do tập luyện. Nhưng nếu không có tiến bộ trong những tháng đầu tiên và dây thần kinh khứu giác hoàn toàn bị cắt đứt, mất khứu giác là vĩnh viễn”.
Gabriel Lepousez là một trường hợp phép lạ. Ông thạc sĩ sinh học, tiến sĩ khoa thần kinh học này hiện nay là nhà nghiên cứu thuộc Ban Cảm nhận & Ký ức thuộc Viện Pasteur. Từ lâu, ông nghiên cứu về khứu giác và bệnh Alzheimer trước khi là nạn nhân của một tai nạn vào năm 2012. “Tôi bị một cú vào đầu và mất khứu giác. Rồi một hôm, một mùi quay trở lại mà tôi không nhận ra. Tôi đi xét nghiệm nước nhờn mũi với bác sĩ. Ông ta khuyên: ‘Anh có thích uống rượu và ăn đồ nhậu không? Nào, hãy uống rượu và gắp mồi đi!’ Tôi bắt đầu chơi”. Sau 6 tháng, ông nhận ra được mùi cam quýt, rồi sau 18 tháng, mùi trái cây chín, cho đến khi tìm lại được khả năng phân biệt mùi.
Từ đó, nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur đã chứng minh được rằng một số dây thần kinh có thể được tái sinh trong hệ thống khứu giác. Trong suốt cuộc đời một con người, bộ não có thể tạo mới trong một số vùng như hippocampe. Và ở nước nhờn khứu giác, tái tạo càng nhanh hơn nữa, khoảng 3-6 tháng. Nhiều nghiên cứu ngày nay nhắm đến lấy ra tế bào gốc từ đó. Các nhóm nghiên cúu Pháp tại Montpellier và Marseille đã tiêm nó cho những con chuột bị chứng lãng quên, trong vòng mấy tuần lễ chúng đã khôi phục được trí nhớ. Chất nhờn của tế bào gốc khứu giác đa năng cũng được thử nghiệm thành công trên các con vật mắc các bệnh bại liệt, bệnh Parkinson hay bệnh điếc. Từ đó trong tương lai, khoa học có thể biến lỗ mũi thành một suối nguồn tươi trẻ khủng khiếp!