Suốt 300 trăm năm, người phương Tây điên cuồng nghiền “mủ” xác ướp Ai Cập, trộn với các loại dược liệu khác làm thuốc chữa bách bệnh. Vừa thức thời được tác hại, họ lại quay ra biến bột xác ướp thành màu vẽ, sơn phết lên các bức tranh. Từ Edward Burne-Jones (Anh) đến Eugène Delacroix (Pháp), ai nấy say sưa sắc nâu chết chóc. Dẫu biết trộm mộ là phạm pháp, họ vẫn không ngừng buôn lậu xác ướp. Ngay cả trong thời đại hoàng kim của nghiên cứu xác ướp – thế kỷ XX, vẫn có những trường hợp bạc đãi thi thể hàng nghìn năm.
Trong văn hóa tín ngưỡng Ai Cập, ướp xác là một nghi lễ mai táng thiêng liêng. Người Ai Cập chôn cất người chết với ước mong họ sẽ được lên Aaru, thiên đường ấm no, sung túc. Mỗi xác ướp đều được chôn cất cùng của cải vật chất. Tùy vào điều kiện kinh tế của người qua đời hoặc tang chủ, lượng vật phẩm táng kèm sẽ khác nhau. Đối với các pharaoh tôn kính, người Ai Cập xây hẳn lăng mộ hoành tráng. Thân thích của nhà vua cũng được đưa vào kim tự tháp. Thế nhưng với người châu Âu từ thế kỷ XV, xác ướp Ai Cập chẳng hơn gì đồ vật. Bất chấp lệnh cấm, các thương nhân luồn lọt tuồn hàng hóa xác ướp vượt biên. Tại chợ đen phương Tây, người ta nô nức bán-mua xác ướp.
Làm thuốc chữa bách bệnh
Xét thủ tục ướp xác, đó là một quá trình dài (khoảng 70 ngày) và phức tạp. Tuy nhiên, có thể gói gọn lại trong vài dòng. Mặc dù mỗi thời đại, Ai Cập lại thay đổi cách thức ướp xác, song chung quy vẫn cùng một phương pháp. Trước tiên, họ tắm rửa cho xác chết bằng nước sông Nile và rượu. Kế đến dùng dao rạch một đường bên sườn trái, moi hết nội tạng ra, trừ quả tim. Các nội tạng sẽ được ướp natron (một loại muối tự nhiên), làm khô rồi chia bỏ vào các bình thảo dược, chờ táng cùng xác ướp. Họ cũng dùng natron nhồi vào ổ bụng, phủ đầy lên thi thể.
Sau khoảng 40 ngày, người Ai Cập lại múc nước sông Nile, tắm rửa cho xác chết lần nữa. Tiếp theo đem dầu thơm (chiết xuất từ thảo dược, nhựa cây có mùi thơm), xức đều lên khắp thân thể. Ổ bụng trống được nhồi đầy bằng mùn cưa hoặc vải lanh. Cuối cùng là khâu vết rạch và quấn băng suốt từ đầu đến chân.
Vào thế kỷ XV, ở châu Âu đột ngột rộ lên niềm tin: bột xác ướp có thể chữa lành mọi bệnh tật. Người ta tin rằng trong xác ướp có chứa bitum. Ngày nay, chỉ cần tra Google là biết bitum là một chất lỏng hữu cơ có màu đen, rất nhớt. Nó thường được dùng để trộn bê tông nhựa, trải đường hoặc vật liệu chống thấm. Thế nhưng vào thời kỳ cổ đại, cư dân phương Tây lại cho rằng, bitum là thuốc tiên. Vào thế kỷ I-II, họ tìm thấy nó ở xung quanh khu vực Biển Chết. Trong văn thư của các tác giả cùng thời như Gaius Plinius Secundus (Ý), Galenus (Thổ Nhĩ Kỳ), bitum được ca ngợi là thuốc chữa lành mọi vết thương, bệnh tật ác tính.
- Xem thêm: 10 bí mật bị chôn vùi trong các hầm mộ
Trên xác ướp Ai Cập cũng xuất hiện một thứ cao màu đen. Chúng là chất dịch rỉ ra từ trong thi thể, lâu dần quánh lại, bốc mùi khó chịu. Người phương Tây chắc mẩm, “nhựa” xác ướp ấy chính là bitum quý giá. Họ gọi nó là mumiya.
Giết người làm xác ướp cấp tốc
Ở thời trung đại, việc tìm kiếm bitum tự nhiên hết sức khó khăn. Một số thương nhân liều lĩnh chuyển hướng, sang Ai Cập săn tìm mumiya thay thế. So với bitum, mumiya vừa đặc, lại vừa có mùi thơm hơn. Chỉ là xác ướp không phải mặt hàng dễ kiếm. Khi cơn sốt mumiya ngày càng lên cao, phương Tây thậm chí lôi người đang sống đi làm xác ướp cấp tốc, để lấy mumiya.
Đọc Lịch sử Vương quốc Ethiopia (Historia de los reynos de la Etiopía) của Luis de Urreta, tu sĩ Tây Ban Nha sống vào thế kỷ XVII, bạn sẽ thấy chi tiết phương pháp ướp xác cấp tốc tàn nhẫn này. Nạn nhân bị chọn làm xác ướp khẩn là các tù nhân. Họ bị ép uống một thứ thuốc đặc biệt, bỏ đói suốt nhiều ngày. Trong lúc đang ngủ, tù nhân bị kẻ ướp xác cắt cổ. Thi thể chảy hết sạch máu của họ bị đem phủ đủ các loại gia vị, quấn kín bằng cỏ khô rồi đem chôn. Qua 15 ngày, xác chết bị đào lên, đem phơi dưới nắng đúng đủ 24 tiếng. Đến lúc này, da thịt người chết đã trở nên đen thui. Luis miêu tả: nó không chỉ sạch sẽ và mịn màng hơn xác ướp cổ đại, mà còn trị bệnh tật cực kỳ hiệu quả.
Với mumiya cạo từ xác ướp, các “lang băm” châu Âu trộn chung cùng một số thảo dược khác, vo thành viên, bán cho người mua với giá đắt cắt cổ. Khác với mong đợi, “mủ” xác ướp chỉ tổ gây dịch tả. Uống vào là đau bụng dữ dội, nôn mửa và đi ngoài triền miên. Chưa hết, “thuốc xác ướp” còn khiến hơi thở bốc mùi tởm lợm. Nó cũng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tim mạch, rối loạn máu, thổ huyết. Song thay vì nghi ngờ tác dụng của mumiya, người ta lại đổ tại lời nguyền của xác ướp.
Làm màu vẽ
Qua thế kỷ XVI, bên cạnh việc dùng bột xác ướp làm thuốc, phương Tây còn lấy màu vẽ. Họ trộn nó với hắc ín và nhựa thơm, gọi sắc tố tạo thành là “màu nâu xác ướp”. So với “thuốc xác ướp”, màu nâu xác ướp đắt hơn gấp đôi. Các họa sĩ say mê sự linh hoạt, bóng bẩy của nó. Vào thời kỳ Phục hưng, người vẽ thi nhau dùng màu nâu xác ướp tạo hiệu ứng bóng, tương phản sáng tối, lên tông màu da sẫm. Nhiều họa sĩ, ví dụ như Edward Burne-Jones (Anh), Lawrence Alma-Tadema (Anh), Eugène Delacroix (Pháp) luôn tích trữ màu nâu xác ướp trong tủ màu. Trong số họ, Euge được vinh danh là một trong những bậc thầy hội họa vĩ đại nhất thế kỷ XIX.
- Xem thêm: Bí mật của xác ướp trong tuyết
Dù xem xác ướp Ai Cập như hành hóa, người phương Tây cũng đầy nỗi lo sợ. Những huyền thoại về lời nguyền nổi lên khắp nơi, nổi bật nhất là lời nguyền của vua Tutankhamun. Song không phải đến tận thế kỷ XX, khi giới khảo cổ phát hiện lăng mộ vua Tut, ám ảnh lời nguyền xác ướp mới xuất hiện. Từ thế kỷ XVI, châu Âu đã lưu truyền câu chuyện về Octavius Fagnola, một kẻ từng làm đạo tặc trộm mộ ở Ai Cập. Mỗi lần ông ta lén lút đưa xác ướp lên tàu, khởi hành về Ý, biển đều động dữ dội. Octavius bảo chính các xác ướp đã khuấy động bão tố, đe dọa nhấn chìm ông ta giữa đêm khuya tối tăm.
Suốt thế kỷ XVI, các vụ chìm thuyền đều bị đổ lỗi cho lời nguyền xác ướp. Đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) phát sợ, ban lệnh cấm buôn lậu xác ướp. Trớ trêu thay, lệnh cấm của họ lại hình thành nên chợ đen, thúc đẩy nạn trộm cắp, buôn bán xác ướp lộng hành.
Vào thế kỷ XVIII, châu Âu bỏ mộng điều chế thuốc chữa bách bệnh từ xác ướp. Các học giả vào cuộc, chuyển hướng sự hiếu kỳ vào bên dưới lớp băng quấn xác ướp. Hoạt động mở băng xác ướp khai màn. Mỗi lần mở băng một xác ướp, người ta lại tổ chức thành sự kiện (trong nhà riêng hoặc giữa nơi công cộng), thu hút đông đảo người muốn tận mắt chứng kiến. Ghi chép đầu tiên về sự kiện mở băng xác ướp Ai Cập là vào năm 1698. Người tổ chức là Benoit de Maillet, một lãnh sự Pháp tại Cairo.
Sang thế kỷ XIX, nghiên cứu xác ướp Ai Cập bước lên đỉnh cao. Từ giới khảo cổ cho đến y học, văn hóa, nhân học đều bị cuốn vào công cuộc khám phá. Những năm 1830, hoạt động khai quật xác ướp công khai rất phổ biến. Du khách có thể tới tận địa điểm thi công, đứng xem quá trình mở mộ và gỡ băng quấn xác ướp. Qua đầu thế kỷ XX, giới nghiên cứu văn hóa Ai Cập cổ đã phá giải được không ít các bí ẩn. Họ cũng cẩn thận giữ gìn xác ướp và các cổ vật, chụp ảnh, thống kê ghi chép đàng hoàng.
Đến nay, thế giới Ai Cập cổ đại đã không còn quá xa lạ, bí hiểm nữa. Những lời nguyền gây kinh hãi rụng rời cũng được lý giải. Chúng đơn giản là kết quả của sự bứt rứt lương tâm. Người phương Tây không còn đối xử tệ hại với xác ướp mà coi trọng, xem chúng như báu vật, tài liệu tri thức. Có điều, một vài thái độ khiếm nhã đáng trách vẫn cứ xảy ra. Ví dụ như vào cuối thế kỷ XX, trong vụ phát hiện mộ Pharaoh Djer, người đã qua đời vào khoảng năm 3055 trước Công nguyên. Trong lăng mộ có một cánh tay được ướp công phu, có thể là của Djer hoặc hoàng hậu của ông. Thế nhưng sau khi gỡ băng quấn, Émile Brugsch (Đức), người chịu trách nhiệm thu thập xác ướp và cổ vật, lại chỉ giữ những món trang sức. Ông cẩu thả chụp ảnh cánh tay, sau đó liệng nó vào thùng rác!