Từ 30 năm nay những nhà chuyên môn vẫn bất đồng ý kiến về một xác ướp của Ai Cập tìm thấy trong dãy núi Alpes. Một người Thụy sĩ khẳng định đã “bật mí” được bí mật đó…
Fieschertal là một làng nhỏ xinh xắn ẩn kín đáo trong những dãy núi Alpes của Thụy Sĩ. Không khí trong lành, phong cảnh hữu tình như quyến rũ mọi người ở lại nơi đây để sống suốt đời. Nhưng đối với cư dân ở đây thì điều còn làm họ suy tư là xác ướp Ai Cập. Xác của ai, tại sao lại còn nằm trên đỉnh núi tuyết ở đây từ ngàn năm nay? Được phát hiện năm 1990, xác ướp đó vẫn còn là đề tài tranh luận, bàn tán không dứt trên báo chí, trong dư luận. Nhiều giả thuyết giải thích có vẻ có lý, rồi bị phản bác và trở thành vô lý.
Trở về với dòng lịch sử
Ngày 17 tháng 7 năm 1990, một tay leo núi thành thạo người địa phương khoảng 40 tuổi vượt qua thung lũng Wysswasser, đến tận chân núi tuyết Fleesch. Bỗng anh ta thấy một vật gì như khúc “gỗ” bằng băng” chắn ngang đường. Anh ta trở lại chỗ này với một cái xẻng, hì hục đào khối băng kỳ lạ ấy. Anh ta trố mắt nhìn, miệng há hốc vì ngạc nhiên: trước mặt anh rõ ràng là một xác ướp còn nguyên vẹn.
Các nhà Ai Cập học không thể ngồi yên trước sự kiện này, quyết khám phá tìm hiểu “xác người băng tuyết” này. Xác ướp của ai? Tại sao lại nằm trên đỉnh núi tuyết lạnh lẽo này? Từ lúc nào? Sau nhiều cuộc nghiên cứu, phân tích, trao đổi, tấm màn bí mật về xác ướp này được vén lên: đó là xác của một người đàn ông sống cách nay khoảng 3500 năm.
Ông ta là một “công thần” của hoàng hậu pharaon Hatchapsout (1507-1458 trước Công nguyên). Danh tính của ông ta cũng được nhận biết: ông có tên là Thoutmoisi (người được yêu mến của Thot). Tại sao xác của ông ta lại nằm ở đây? Vẫn còn là một điều bí ẩn. Cho đến năm 1997, sau những cuộc sưu tầm trong các thư viện vả kho sách vùng Trung Đông và châu Âu, họ mới phanh phui ra sự thật: trong kho sách báo cổ của Đức, từ lâu vẫn “bỏ hoang”, tờ báo hàng ngày Walliser Botte có thuật lại một sự kiện lịch sử không ai tưởng tượng được.
Một đêm trong Bảo tàng
Trong Đại chiến thế giới lần thứ hai, ngày 10 tháng 5 năm 1941, Bảo tàng British Museum ở London bị hư hại nặng nê. Trước cái đống ngổn ngang rách nát cháy sém tung tóe ấy, một nhà khảo cổ học người Áo tên là Hans Schluss, do Đức trả lương, có ý kiến huy động mọi người với cuốc xẻng lục lọi trong đống đổ nát ấy những tài liệu cổ còn sót lại. Họ tìm thấy những gì? Nhiều tài liệu cổ xem như kho vàng của Ai Cập, đặc biệt là một quách được đem về Thượng Ai Cập trong những tuần trước chiến tranh.
Nhiều tài liệu chưa được chắp nối với những phần còn lại của bộ sưu tập… Đối với Schluss, đó là một ” kho vàng trời cho”: ông ta ngang nhiên giành lấy trước mũi người Anh và gửi đến tận sân bay Biggin Hill gần London. Ông ta lẳng lặng gửi “kho vàng” về lục địa bằng máy bay. Chuyện gì xảy ra sau đó? Thật là rủi ro, theo lời kể lại của cháu viên phi công: máy bay không bao giờ đến nơi cần đến. Bị vùi dập trong một cơn bão tuyết mịt mù trời đất máy bay đụng vào đỉnh Finsteraarhom.
Thế là rõ lý do vì sao có xác ướp tuyết trên đỉnh núi băng Alpes. Trước sự kiện được phát hiện rõ ràng, được mọi người chấp nhận, giáo sư Friedric W. Bobach, nhà Ai Cập học nổi tiếng ở Đại học Saint-Saphorin, trong một tác phẩm đem lại sự thành công vang dội, đã đưa ra một lý lẽ làm mọi người ngạc nhiên: “Không làm gì có chuyện máy bay rơi.
Máy bay không hề có ý định bay đến Alpes – theo tôi, ông nói một cách tự tin – người nằm trong đống băng tuyết đó đã vượt qua Đại Tây Dương khi đang còn sống! Một chuyến đi như vậy có thể xảy ra cách nay 3500 năm: ta biết rằng hoàng hậu Hatchepsout đã ra lệnh làm ít nhất 5 chiếc thuyền dài 21 mét”. Thực vậy, những người Ai Cập không chấp nhận việc làm những chiếc thuyền bằng papyrus để ngược dòng sông Nil. Họ đã làm những những tàu biển to lớn để đi ra biển.
Những bằng chứng chắc chắn
Theo Bobach, một người trong bọn họ có lẽ đã rời bỏ cảng Héracl éon ngày xưa (gần Aboukir hiện nay) mà ngày nay đã biến mất để tiến ra biển Adriatique. Ở trên tàu, vị công chức cao cấp người Ai Cập của chúng ta liền sau đó ngược lên Pô và những sông nhánh cho đến tận hồ Majeur. Từ đó, ông ta có thể tiến vào xứ Helvète cho đến tận quận Valais hiện nay.
Phát hiện này đòi hỏi phải có bằng chứng rõ ràng có tính thuyết phục. Bằng chứng? Nhiều lắm! Hãy nhìn những ghi chép của người Ai Cập ngày xưa và hàng chục bản chép tay trong tài liệu cổ. Người ta nói rằng đó là một con rắn, nhưng nhìn thật kỹ bạn sẽ thấy đó là một sợi dây leo núi Alpes.
- Xem thêm: 10 bí mật bị chôn vùi trong các hầm mộ
Thận trọng hơn nữa, nhà Ai Cập học đã có thể “chiếu ánh sáng vào vào xứ Hayidi đầy bí ẩn, nơi mà Hoàng hậu Hatchepsout gửi bộ hạ đi tìm gia vị và những sản phẩm quý. Tất cả những nhà Ai Cập học tìm những xứ Hayidi ở phía Nam Ai Cập. Nhưng họ không biết rằng xứ Hayidi chính là nơi chúng ta đứng đây”. Chính hàng chữ được tìm thấy trong đền thờ Hatchesout ở Deir el-Bahart đã chứng thực điều đó.
Những chữ Ai Cập ngày xưa cho ta biết môt “niềm vui tan ra trong miệng và trên những ngón tay”. Như được dẫn dắt bởi một sự cảm nhận mãnh liệt, nhà khoa học đề nghị các nhà vật lý phân tích bằng sắc ký những gì còn dính lại trong trong kẻ răng và những ngón tay của xác ướp. Đúng như dự đoán! Kết quả chứng tỏ sự có mặt của Théobroma, nói một cách khác chính là ca-cao!
Fève cho hoàng hậu
Chính viêc đi tìm chocolat để làm vui lòng hoàng hậu đã dẫn Thoutmoisi đi rong ruổi đó đây, rất xa chỗ ở của mình, Thảm thương thay, hành động đó đã dẫn ông ta đến cái chết. Thật vậy, hàm lượng cao của magnesium, potassium và phosphore tìm thấy trong dạ dày người công chức cao cấp này không tiêu hóa được, dẫn ông ta đến cái chết. Người tham ăn Ai Cập này đã tự mình mai táng trong tuyết, cách xa quê hương 3.500km.
Nhưng Bobach còn đi xa hơn. Theo ông, những mối liên hệ ưu tiên giữa Ai Cập và Thụy Sĩ đã tồn tại từ 1000 năm trước, vào thời Cựu Đế chế, tức là thời xây dựng những kim tự tháp. Hãy nhìn lên đỉnh Cervin: phải chăng hình dáng của đỉnh núi tuyết đã gợi ý cho các nhà xây dựng thiết kế hình dáng của kim tự tháp?