Vậy là 15 năm thực hiện Các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (2000-2015) của thế giới sắp kết thúc mà mục tiêu giảm 50% số người thiếu ăn không thể đạt được, khi còn ít nhất 870 triệu người trên thế giới đang thiếu ăn. Chuẩn bị cho kế hoạch phát triển sau năm 2015 đến năm 2030, ngày 25-9, các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ đã gặp nhau tại New York (Mỹ) để thảo luận về kế hoạch phát triển sắp tới, trong đó chiến thắng đói nghèo là mục tiêu hàng đầu.
Nông nghiệp bền vững là mục tiêu hàng đầu trong những năm sắp tới
Theo quan điểm mới, vấn đề không chỉ là cung cấp đủ lương thực mà quan trọng hơn là an toàn lương thực và dinh dưỡng cho mọi người thông qua một nền nông nghiệp bền vững. Nền nông nghiệp theo cung cách hiện nay không hề có tính bền vững. Với những chủng loại giống có năng suất cao và lệ thuộc nhiều vào phân bón, nước, thuốc trừ sâu, năng lượng…, năng suất chỉ đáp ứng yêu cầu trong ngắn hạn, còn dài hạn đã lộ ra nhiều mặt trái – đất bạc màu, nước ô nhiễm cùng nhiều hậu quả bất lợi khác. Các nhà nghiên cứu tính ra rằng những mặt trái của nông nghiệp không bền vững làm thiệt hại mỗi năm khoảng 40 tỉ USD và ảnh hưởng xấu đến đời sống của 1,5 tỉ người trên thế giới. Nó cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sự thay đổi khí hậu toàn cầu.
Dự án phát triển hậu 2015 sẽ được thực hiện theo phương châm thay thế nền nông nghiệp không bền vững bằng những hoạt động có thể duy trì và phục hồi độ màu mỡ của đất trồng, bảo vệ nguồn nước và quảng bá tính đa dạng sinh học trong cộng đồng. Mục tiêu chính, vì thế, không phải là năng suất tối đa, mà là một sản lượng nông nghiệp ổn định và chấp nhận được về khía cạnh môi trường. Sản lượng đó đủ để nuôi chín tỉ người trên hành tinh vào năm 2050. Theo “Báo cáo Kinh tế Xanh” do Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) công bố năm 2012, bằng phương pháp sản xuất bền vững, sản lượng lương thực tính theo đầu người sẽ tăng 14%, tạo thêm hàng triệu việc làm mới trong khu vực sản xuất nông nghiệp, từ đó giảm bớt sự nghèo đói. Đồng thời, nông nghiệp sau 2015 sẽ để lại những dấu ấn trong lĩnh vực môi sinh. Nhân tố đóng góp tích cực vào những thành tựu này vẫn là giới tiểu nông. Hiện 70% sản lượng lương thực xuất phát từ các nông trại nhỏ sử dụng 40% đất khả canh, đủ nuôi sống người dân các nước đang phát triển. Vấn đề cần làm là bảo vệ quyền sở hữu và quyền sử dụng đất đai của nông dân, giúp họ tiếp cận được một nền giáo dục phù hợp, những thông tin cần thiết và sản phẩm họ làm ra được hưởng một chính sách giá cả công bằng.
Một trong những thách thức lớn nhất cần giải quyết là sự lãng phí lương thực. Một phần ba những gì con người làm ra bị lãng phí, mà đối tượng chịu trách nhiệm chính lại là các nước phát triển: hằng năm họ thải ra 222 triệu tấn lương thực, gần bằng sản lượng làm ra tại vùng châu Phi hạ Sahara.
Lê Cẩn tổng hợp