Ngoài những tác động đến chính nước Mỹ, tình trạng này còn ảnh hưởng đến các chương trình viện trợ dành cho những nước nghèo. Dù nhiều viên chức chính phủ Mỹ lập tức trấn an rằng phần lớn các chương trình viện trợ phát triển của Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa một phần chính phủ Mỹ, nhưng tính phức tạp của các chương trình hành động cấp liên bang và sự bất ổn của ngân sách Mỹ chắc chắn ảnh hưởng đến Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đơn vị của chính phủ chịu trách nhiệm chính trong việc điều hành các chương trình viện trợ ngoài nước. Trong một tài liệu hướng dẫn vừa được công bố, USAID xác định “vẫn tiếp tục các hoạt động thông thường trong chừng mực có thể được… cho đến khi không còn đủ sự cân bằng để tiếp tục được nữa”. Tuyên bố của USAID đồng nghĩa với việc nhiều chương trình viện trợ của USAID vẫn tiếp tục cho đến khi năm tài chính kết thúc. Và cũng hàm ý rằng trong thời gian đóng cửa một phần chính phủ, sẽ không có một chương trình viện trợ phát triển mới nào được thực hiện, không có chuyện tuyển dụng nhân viên mới và những chuyến công cán không được dự liệu từ trước của các quan chức Mỹ cũng sẽ bị bãi bỏ.
Hàng viện trợ của USAID đến với người nghèo
Theo Lisa Schechtman, người lãnh đạo bộ phận chính sách và hoạt động hỗ trợ của tổ chức phát triển Water Aid America, những gì đang diễn biến trên chính trường Mỹ về lâu dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sựổn định và niềm tin của chính phủ các nước nhận viện trợ trong quan hệ với Washington. Sự đình trệ trong hoạt động của USAID và nhiều tổ chức viện trợ khác sẽ đẩy thế giới đang phát triển vào những tình thế ngặt nghèo hơn. Cũng theo Schechtman, cho dù khoản viện trợ ngoài nước chiếm không đến 1% tổng ngân sách của Mỹ, nhưng để tái lập nó trong điều kiện hiện nay không phải dễ. Áp lực chính trị lên các nhà làm luật của Quốc hội Mỹ đang ngày càng nặng nề hơn, đòi hỏi họ tìm một “lối thoát trong danh dự” cho cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ, Hạ viện lẫn Thượng viện. Một trong những hướng đột phá cho sự bế tắc hiện nay là vào ngày 17-10 tới, Quốc hội Mỹ sẽ quyết định việc nâng mức trần nợ công lên để tránh nguy cơ vỡ nợ, sau đó từng bước điều chỉnh chính sách tài chính cho phù hợp với tình thế mới. Sự bất đồng giữa họ càng kéo dài, bữa ăn của người nghèo sẽ ngày càng thiếu thốn. Quan trọng hơn, niềm tin vào mối quan hệ bền vững giữa Mỹ và các nước đang phát triển sẽ bấp bênh hơn bao giờ hết.
Lê Nguyễn tổng hợp