Các số liệu thống kê cho thấy số người già trên thế giới tăng nhanh đến mức các nước hầu như chưa chuẩn bị được chính sách hỗ trợ cuộc sống hưu trí của họ. Báo cáo đồng thời xếp hạng mức phúc lợi xã hội và phúc lợi kinh tế của người cao tuổi tại 91 quốc gia, trong đó Thụy Điển đứng đầu, kế đó là Na Uy, Đức, Hà Lan và Canada. Mỹ đứng hạng 8, còn Afghanistan ở vị trí cuối cùng.
Đến năm 2050, lần đầu tiên trong lịch sử, số người trên 60 tuổi sẽ vượt qua số trẻ em dưới 15 tuổi. Điều khá éo le là những quốc gia bị già hóa nhanh nhất lại những nền kinh tế đang phát triển và đều nằm ở nửa cuối bảng xếp hạng, bao gồm Jordan, Lào, Mông Cổ, Nicaragua và Việt Nam. Tại các nước này, số lượng người cao niên trong năm 2050 sẽ nhiều hơn gấp ba so với hiện nay.
Lớp học vẽ tranh cho người cao tuổi tại Mỹ
Chỉ báo Quan sát thế hệ toàn cầu là tài liệu thống kê – phân tích thường niên được đề xướng bởi một tổ chức phi chính phủ ủng hộ người già mang tên HelpAge International và Quỹ dân số của Liên Hiệp Quốc nhằm tập hợp các số liệu có liên quan đến tác động của tình trạng dân số thế giới già đi. Bộ tài liệu năm nay được thu thập, tổng hợp bởi Tổ chức Y tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới cùng một số tổ chức quốc tế khác, đã được phát hành nhân dịp ngày Quốc tế Người cao tuổi. Thông qua việc phân tích về thu nhập, y tế, giáo dục, việc làm và môi trường sống của người cao tuổi tại nhiều nước, tài liệu đã vẽ ra một bức tranh khá nhiều màu sắc về cuộc sống của người cao tuổi và vai trò của họ đối với cộng đồng.
Ở một góc độ, hiện tượng người cao tuổi tăng nhanh chứng tỏ sự phát triển của y tế và dinh dưỡng, đồng thời người cao tuổi nên được xem như là nguồn lực thúc đẩy hơn là sức cản đối với xã hội. Ở góc độ khác, rất nhiều quốc gia còn thiếu hệ thống phúc lợi xã hội, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Điển hình là tại Afghanistan, Chính phủ nước này không hề có chính sách lương hưu, trong khi tuổi thọ trung bình hiện tại của nam giới ở nước này là 59 và của phụ nữ là 61, thấp hơn rất nhiều so với con số trung bình của thế giới (lần lượt là 68 và 72). Theo sự phân tích của Tổ chức HelpAge International, nhiều chính phủ chần chừ giải quyết vấn đề này một phần vì họ xem đó là một bài toán phức tạp và tốn kém. Trong khi đó, những quốc gia có nền kinh tế mạnh và ổn định như Nhật và Đức dù có nhiều người cao tuổi thuộc hàng đầu thế giới vẫn có cách giải quyết để những người già không gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế – xã hội nói chung. Hầu hết những nước giàu nhìn chung đã chuẩn bị điều kiện sống khá tốt cho người cao tuổi. Thụy Điển là nơi có hệ thống lương hưu hơn 100 năm qua và Chính phủ cung cấp được hệ thống hỗ trợ xã hội, giáo dục và bảo hiểm y tế gần như hoàn hảo cho người già. Tuy nhiên, dân số bị già hóa đôi lúc vẫn gây ra thách thức không nhỏ tại nước này. Mới đây, chính phủ Thụy Điển đã đề nghị người dân nên tiếp tục làm việc sau tuổi 65 và đưa ra mức miễn giảm thuế cá nhân cho người làm việc sau tuổi hưu.
B. Trịnh theo AP