Chiều trên quê hương tôi
Nắng phơi trên màu ngói non tươi
(Trịnh Công Sơn)
Thế nào rồi tôi cũng bắt gặp những vết son tươi – màu đỏ vermillon – trên những mái phố, trên nhiều điểm nhỏ li ti khác nữa trong tranh của Nhuận, cả chữ ký Nhuận cũng hay dùng màu đỏ ấy. Và thời gian, đời sống của một đời người có lúc đổi thay, người họa sĩ tài hoa đã tạm dừng bước chân lang bạt vì một cơn tai biến…
Mùa hè qua tôi lại về thăm bạn, vui mừng thấy những tấm tranh mới được treo lên, và tất nhiên đập vào mắt tôi trước nhất vẫn màu son tươi ấy, màu son trên những mái nhà; lần này có thêm những mảng màu rực sáng hơn. Cô con dâu nói: “Cháu nói ba cháu vẽ tươi hơn” – Thu Thanh là tên người con dâu hiếm có, luôn lo chăm sóc cho Nhuận. Đã không còn như ngày xưa: Nhuận từ một thiên nhiên tự do sầu muộn nào phía cỏ cây Đà Lạt trở về chưa hết mùi cô độc. Nhuận lưu tuyến thầm lặng, vẫn cúi sát mặt xuống mảnh đất của mình chăm lo từng kỷ niệm (Thái Bá Vân) 1. Chăm lo kỷ niệm là Nhuận; nhớ đầu những năm 1970, những ngày tháng Nhuận lang thang Đà Lạt sương mù, có lúc ngồi bán cà phê trên mấy bậc cấp trước khu chợ Hòa Bình, thời mới hơn 20 tuổi đầy đắm say, đói rã, mộng mị… Hồi ấy Nhuận chẳng có một chỗ riêng để mà gối đầu và có phải vì vậy chăng nên Nhuận thường đi dưới nền trời quanh năm thường xám màu gió rét, vừa đi vừa phác thảo trong lòng những bức tranh mới… Tình cảm mà tôi và nhiều người khác ở Đà Lạt ở thế kỷ trước dành cho Nhuận dường như từ hai và hơn hai bức tranh của Nhuận. Bức tranh thứ nhất có tên Đợi chờ. Ở Đợi chờ, tôi còn nhớ một khung cửa, một mặt bàn nghiêng xuống bóng chiều, một người đàn ông nhìn ra khoảng không gian lá vàng và những dấu hiệu bạo tàn của chiến tranh. Đợi chờ gì? Tôi đã có lần hỏi Nhuận giữa đêm khuya thèm thuốc lá và thèm cà phê, nhưng Nhuận chỉ gượng cười không nói. Bức tranh thứ hai là Những người đi mua không khí, gam màu xám. Khuôn mặt người màu xám. Chai lọ được đựng không khí để đem về nhà thở cũng màu xám. Và có thêm cơn mưa xám ở cuối chân trời, phía sau cửa tiệm bàn không khí. (Lê Văn Ngăn – Nghĩ về một họa sĩ còn sống – tạp chí Sông Hương online).
Cơn mưa xám ở cuối chân trời kia vẫn còn thấp thoáng trong tranh của Nhuận nhiều năm sau này. Là cõi tịch lặng muôn trùng. Có lần ngồi với Nhuận trước bao lơn cà phê Chiêu Ê nhìn trận mưa rào buổi trưa, nhắc lại một thời giang hồ cũ, nhắc lại lần Sơn và tôi ghé thăm Nhuận trong căn nhà ở khu Thanh Bồ – Đà Nẵng nằm giữa rừng dừa, bên cạnh con lạch thỉnh thoảng có ghe thuyền lui tới. “Chỗ ở thanh tịnh như một thảo am”, Trịnh Công Sơn nói. Bây giờ thì Nhuận lại lui về thảo am, nơi căn nhà ngói nhỏ mới xây sau này để làm xưởng vẽ, có bức tường gạch lớn đầy chữ ký bạn bè khi ghé thăm Nhuận. Phía trước là quán cà phê – galerie Chiêu Ê, do vợ chồng người con trai chăm lo, nằm trên đường Minh Mạng về phía đồiThiên An và các lăng tẩm Huế.
Xê dịch nhiều, thay đổi nhiều nơi làm chỗ vẽ, có thời gian về xa dưới phía Vỹ Dạ, có lẽ Nhuận thân thiết hơn với Bửu Chỉ ở thời kỳ này. Hai bạn làm chung cuộc triển lãm tại gallry Vĩnh Lợi năm 1997, sau đó lại trở thành sui gia. Misa, cô con gái út Nhuận hay để ngồi lọt thỏm trong cái ba-ga phía trước chiếc xe đạp mini chở qua thăm tôi trong Thành nội, nay là vợ cháu Phương con trai đầu của Bửu Chỉ.
Kỷ niệm đáng ghi nhớ là chuyến đi Paris của Nhuận năm 1990 với hai cuộc triển lãm tại trụ sở UNESCO và tại Nhà Việt Nam. Cao Huy Thuần nhận xét: “Bước vào phòng triển lãm ở UNESCO, người thưởng thức ngợp trong màu tím. Cả một loạt tranh của Nhuận được vẽ bằng màu tím. Ảnh hưởng của Huế? Màu của thời gian? Màu của hoàng hôn? Màu của bâng khuâng? Có thể là tất cả, và tất cả đã gợi lên một không khí rất Huế, một nỗi buồn man mác của Nam Ai, và màu tím đã khiến cho Nhuân thành công, bởi vì Nhuận đã tạo ra được một nét lạ nơi những hình dáng rất quen của quê hương”. 2 Quê hương – Huế và Hoàng Đăng Nhuận là một, và nghệ thuật và cuộc đời có là một giấc mộng như lời Nhuận nói: “Nghệ thuật hiện đại cho ta đôi khi cảm tưởng rằng cuộc đời là một giấc mộng và những giấc mộng cũng là một giấc mộng…” 3
Là giấc mộng thôi, như vệt son tươi nơi chiếc ghế kia, bức tĩnh vật mới vẽ mà Nhuận nói rất thích, treo riêng trong phòng mình và đặt tên Của một nguời đã tới. Ai đã ngồi nơi chiếc ghế ấy năm xưa Nhuận ơi.
Hoàng Đăng Nhuận sinh năm 1942 tại Huế. Họa sĩ tự học. Tranh được Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập.
Đã triển lãm tại Nha Trang (1969), tại Đà Nẵng (1971- cùng Tôn Thất Văn, Đinh Cường), tại Dolce Vita, Sài Gòn (1972 – cùng Rừng), tại Đà Lạt (1974 – cùng Trần Hoài), Triển lãm cá nhân tại Hà Nội (1985), tại Huế (1988), tại trụ sở UNESCO, Paris (1990), tại gallery Vĩnh Lợi , TP.HCM (1997 – cùng Bửu Chỉ).