Trong quyển bút ký Đường xa nắng mới của Nguyễn Tường Bách, người viết không chỉ đưa độc giả phiêu lãng khắp nơi qua những chuyến du hành thú vị, mà còn chia sẻ với người đọc những trải nghiệm sâu sắc trên con đường ngao du thế giới bên ngoài để chứng nghiệm những đổi thay trong nội tâm.
Có thể thấy, tác giả miệt mài ra đi không phải vì lòng ham chuộng thành tích mà là để sống với cái tâm đang tự soi chiếu mình. Và xác tín rằng chuyến đi lớn nhất chính là hành trình vào thế giới tâm linh.
– Ngày khách đến, Hỏa Diệm Sơn không đến nỗi “lửa cao ngàn trượng” nhưng cũng vẫn là một trong những nơi nóng nhất trên mặt đất, xung quanh đầy cát đá sa mạc. Tâm và cảnh chỉ là một. Khách biết rằng mình chỉ là một con người bình thường, biết còn lâu mới có được trạng thái “thanh lương” của mưa núi dầm dề, biết lòng mình còn pha sắc đỏ của hồng sơn sa thạch (Hỏa Diệm Sơn).
Ghi lại các chuyến rong ruổi ngày rộng tháng dài, bàn bạc trong mạch chuyện là những xúc cảm bâng khuâng khi từ nơi chốn xa xôi người viết luôn hoài vọng về cố hương, cho thấy hình ảnh quê nhà vẫn thường trực trong tâm tưởng dù tác giả đã rời đất nước ra đi gần nửa thế kỷ.
– Khách đến Lisboa, thủ đô Bồ Đào Nha, trong một ngày cuối hè… Từ một thành phố cực tây của phương tây, khách hướng về một miền cực đông của phương đông, nhớ lại tiếng mẹ đẻ của mình và thấy lòng xao xuyến… Khách biết rõ, tiếng ồn ào ngày xưa của thuyền nhân trên bến cảng không phải chỉ là tiếng cười hãnh diện của người đi chinh phục mà lẫn vào đó là tiếng khóc thầm của vô số con người không tên (Những người đi biển).
Và cho dù tất cả những phế tích đều câm lặng, ngòi bút đầy suy tư của Nguyễn Tường Bách đã gợi cho độc giả nhận ra giá trị vô song của chúng là giúp người đời sau ngộ ra bao điều nhân thế. Bởi đó chính là chứng nhân mọi hưng phế dài theo lịch sử các quốc gia, mà trong đó không hề thiếu lòng say mê quyền lực và những mối tình bi thảm.
– Hồn người xưa có ngậm ngùi vì một kế mọn mà mất thành? Hàng ngàn người đã đổ máu vì một người đẹp?… Khách chợt nhớ Troy không phải chỉ có nàng Helen và chàng Paris. Cuộc chiến vì Helen chỉ là một lớp cắt rất nhỏ của bề dày lịch sử thành Troy… Khách bừng tỉnh chợt hiểu, nàng Helen chỉ là một cái cớ để Hy Lạp đem quân đi đánh tận bên kia bờ biển Aegean (Con ngựa thành Troy).
Đặc biệt lôi cuốn trong tập bút ký này là những bài viết về chuyến đi Kailas, ngọn núi thiêng được mệnh danh là trung tâm vũ trụ tâm linh. Đoàn hành hương gồm 22 người, hầu như đánh đổi đời mình để tham dự chuyến viễn du lắm gian khổ và đầy hiểm nguy “không phải vì khinh xuất thân người mà vì lòng kính mộ một vùng đất thiêng liêng của địa cầu”. Để rồi sau chuyến hành hương, họ đã trở thành “một gia đình tâm linh không có gì sánh được”.
Tác giả đã khiến người đọc phải ngẩn ngơ trước thiên nhiên huyền hoặc trên cao nguyên Tây Tạng “cảnh vật dường như có thần, trời đất như hạ thấp, gió như hát lời du dương”. Lại thấp thỏm lo âu khi không ít người trong đoàn cận kề cái chết vì thiếu dưỡng khí và dinh dưỡng sau những ngày dầm mưa lội tuyết, hay rùng mình khi hình dung đến những vực sâu “tuyệt đối” mà nếu khách bất cẩn rơi xuống sẽ không có cách chi tìm xác.
Kết thúc chuyến đi, mỗi người không chỉ có được một thể nghiệm tâm linh quý báu cho riêng mình, được chiêm ngưỡng đỉnh cao siêu nhiên Kailas, mà còn nhận ra bao đỉnh cao tình nghĩa của các thành viên trong đoàn. Đó là tấm lòng hiếu đạo của những người con dấn thân vào chuyến đi gian nan để cầu an cho cha mẹ, là nghĩa tình người chồng đã hy sinh khao khát của cả đời mình là được một lần hành thiền quanh Kailas đểở lại bên người vợ đang kiệt sức.
Qua Đường xa nắng mới, cùng với tác giả, người đọc học cách nhìn sông, ngắm núi, lướt trong sương mù, “nín thở trước những cảnh đẹp phi thực để rồi đạt tới một cảnh giới khác trong nhận thức cũng như trong cảm xúc”.
Và rồi chợt nghiệm ra – đời người không đo bằng bao nhiêu hơi thở, mà bằng những nơi chốn và khoảnh khắc làm ta nín thở.