Đã tròn 15 năm từ sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới – World Trade Center – tại Manhattan, thành phố New York (11-9-2001 đến 11-9-2016). Để tưởng niệm những nạn nhân của vụ không tặc lớn nhất trong lịch sử, một trong những sự kiện quan trọng đáng chú ý nhất của thế kỷ XXI, vào dịp này hằng năm lại có những hoạt động nghệ thuật diễn ra ở New York. Năm nay, một triển lãm mỹ thuật lớn được tổ chức tại Bảo tàng quốc gia Tưởng nhớ sự kiện 9-11 (National September 11 Memorial Museum).
Với tên gọi “Thể hiện điều không tưởng tượng nổi: các nghệ sĩ phản ứng trước sự kiện 11-9”, triển lãm giới thiệu đến công chúng tác phẩm hội họa, điêu khắc và video của 13 nghệ sĩ tạo hình New York hoặc sống và sáng tác kề cận với tòa tháp World Trade Center, là chứng nhân hoặc có người thân, bè bạn đã chết thảm vì vụ khủng bố. Dù thực tại tàn khốc vẫn còn chi phối các tác phẩm của triển lãm nhưng, nói như một nhà phê bình, thì chính các tác giả đã dùng nghệ thuật để xóa đi những hình ảnh của ngày đen tối đó. Chính vì thế mà đến với triển lãm, người xem như đi vào một cuộc du hành giúp xoa dịu những mất mát, đau buồn khi hồi nhớ quá khứ cách đây 15 năm.
Trong số các tác phẩm hội họa được trưng bày, có bốn bức tranh của họa sĩ Ejay Weiss, được vẽ bằng acrylic trộn với tro tàn lấy từ những đổ nát tại Ground Zero(1), thể hiện bằng ngôn ngữ trừu tượng khung cảnh hoang tàn của khu vực này với một mảng hình vuông giữa mỗi bức tranh, biểu tượng của bầu trời xanh – niềm hy vọng giữa sự chết chóc. Vào ngày 11-9 của 15 năm trước, Ejay Weiss đang ở trong xưởng vẽ của ông ở Chelsea, không xa khu trung tâm Manhattan và đang nghe một bản tin từ radio thì đột nhiên âm thanh mất hẳn. Ông ngạc nhiên, chạy ra ngoài thì đúng lúc đó nhìn thấy cảnh tượng chiếc máy bay thứ nhất bị không tặc đâm vào tòa tháp phía nam của World Trade Center, khiến nó từ từ đổ sụp. Đôi tay ông run rẩy khi tận mắt chứng kiến những gì diễn ra bên trong tòa tháp đang bốc cháy trong khi khói xám phủ kín một góc trời New York. Đến hôm nay họa sĩ vẫn nhớ rõ cảnh tượng không thể hình dung nổi ấy: “Tôi cần đến tri giác về những gì đã diễn ra ở đó…”, và chỉ ba ngày sau ông bắt tay vào sáng tác. Dù như ông thổ lộ “không muốn vẽ những gì mình chứng kiến” nhưng đó là cách để ông tẩy rửa những ám ảnh và “là cách duy nhất để tôi có thể tiếp tục sống và vẽ”. Ejay Weiss đã hoàn tất loạt tranh gồm 12 bức, được ông đặt tên chung là Khúc bi tráng 11-9 vào năm 2011, mười năm sau vụ khủng bố và đã triển lãm ở một số gallery tại New York. Bốn bức triển lãm tại Memorial Museum dịp này được lấy từ loạt tranh đó.
Cũng như Ejay Weiss, nữ họa sĩ Manju Shandler bắt đầu vẽ chỉ vài ngày sau thảm họa với mong muốn tranh của cô sẽ là cách tưởng nhớ từng nạn nhân trong tổng số gần 3.000 đã bỏ mình ở World Trade Center. “Khi mới bắt tay vẽ, tôi không rõ đã có bao nhiêu người thiệt mạng”, Manju Shandler nói nhưng rồi sau ba năm làm việc cật lực, cô cũng vẽ được trọn vẹn con số 2.753 nạn nhân, mỗi bức – kích thước 10 x 23cm – tượng trưng cho một nạn nhân; có bức được vẽ từảnh chụp chân dung, có bức là sự cách điệu, chẳng hạn là hình ảnh một người đàn ông với mái tóc đang bốc cháy ngùn ngụt… Do số lượng tranh quá nhiều, tại triển lãm “Thể hiện điều không tưởng tượng nổi: các nghệ sĩ phản ứng trước sự kiện 11-9” chỉ trưng bày 840 bức, cũng đủ làm thành một bức tường cong hoành tráng mà cô đặt tên là Giao cảm. “Đó là cách để xóa đi, để được giải thoát hoàn toàn nỗi đau”, nữ họa sĩ nói về tác phẩm của cô.
Còn nhà điêu khắc Christopher Saucedo sống ở khu Brooklyn thì đem đến triển lãm bộ ba tác phẩm có tên World Trade Center như một đám mây, được ông thực hiện bằng cách ép bột lanh trắng lên trên giấy thủ công màu xanh, trông như những bức tranh với hình dạng của tòa tháp đang bay tựa đám mây trắng trên bầu trời xanh. Dù chất liệu để Saucedo sáng tác điêu khắc chủ yếu là thép cùng các kim loại khác nhưng ông cho biết mình không đủ sức chịu đựng nếu dùng thép làm tác phẩm về 11-9, bởi thép cũng chính là những gì còn lại của World Trade Center sau vụ tấn công. Nhà điêu khắc có hai anh em trai cùng làm lính cứu hỏa ở New York và một người đã biến thành tro bụi khi dũng cảm lao vào cứu chữa tòa tháp đôi khi nó đang bốc cháy. “Tôi muốn tác phẩm của mình tồn tại bên ngoài thời gian; nó phải tượng trưng cho cả trước và sau sự kiện 11-9… Tôi muốn nó luôn nhắc nhở tôi về một biến cố đã làm biến đổi mọi thứ và vẫn còn khiến tôi buồn đau. Cái chính là tôi muốn nhắc nhớ mọi người chúng ta rằng màu xanh, bầu trời xanh và tiếng vọng không thể nào quên vẫn hiện hữu từ khoảng không cao xa ấy”, ông nói.
Một tác phẩm điêu khắc nổi tiếng là bức tượng đồng có tên Người đàn bà ngã nhào của nhà điêu khắc Eric Fischl, được mượn từ Bảo tàng Whitney. Năm 2002, tượng được đặt ngoài trời tại Trung tâm Rockefeller Center của New York, song nó nhắc nhớ những hình ảnh quá đau thương của vụ tấn công khủng bố nên sau đó được chuyển đến Bảo tàng Whitney để trưng bày vĩnh viễn. Có mặt trong triển lãm là một đoạn video được nhóm nghệ sĩ trình diễn Blue Man Group thực hiện, lấy cảm hứng từ một mảnh giấy cháy dở bay từ tòa tháp đôi vào sân tập của nhóm ở Brooklyn. Theo bà Alice Greenwald, Giám đốc National September 11 Memorial Museum thì cuộc triển lãm với những tác phẩm ra đời sau vụ khủng bố “đem đến cho chúng ta một cách khác để tưởng nhớ ngày 11-9 cùng với vô số cảm xúc mà chúng ta đã trải qua”.
Memorial Museum được xây dựng kề cận Ground Zero, từ khi được khánh thành vào tháng 5-2014 bảo tàng này đã đón gần 7 triệu khách tham quan. Trong thời gian qua, bảo tàng đã tổ chức vài cuộc triển lãm có tính chất lịch sử chung quanh vụ tấn công khủng bố, song triển lãm “Thể hiện điều không tưởng tượng nổi: các nghệ sĩ phản ứng trước sự kiện 11-9” là cuộc trưng bày tác phẩm nghệ thuật đầu tiên tại đây và sẽ kéo dài trong nhiều ngày.
(*) Ground Zero là từ dùng để chỉ nơi World Trade Center bị phá hủy hoàn toàn vào ngày 11-9-2001. Trên khu đất rất rộng của Ground Zero, ngoài những công trình tưởng niệm và Memorial Museum, một tòa tháp cao 417m đã được xây dựng và khánh thành vào ngày 3-11-2014
- Lê Bản