Đối với tín ngưỡng Hỏa giáo, xác chết bị xem là thứ ô uế. Địa táng thì làm bẩn đất, hỏa táng lại gây bẩn lửa còn thủy táng khiến bẩn nước… Nhưng đã có sống thì tất có chết. Thế nên người ta “sáng tạo” ra phương pháp xử lý thi thể một cách nhanh gọn, ít ô nhiễm cực kỳ rùng rợn: thanh tẩy bằng nước tiểu bò, sau đó phơi thây trên đỉnh tháp thiên táng. Ấn tượng là ngay trong thế giới ngày nay, khi tín đồ Hỏa giáo chỉ còn chiếm một lượng rất nhỏ trong tổng số cư dân thế giới, họ vẫn có một tháp thiên táng hợp pháp đang hoạt động ở Mumbai, thành phố đông dân nhất Ấn Độ.
Hỏa giáo (Zoroastrism) là một trong những tôn giáo cổ nhất hành tinh, được sáng lập từ khoảng cuối thế kỷ VII trước Công nguyên tại khu vực Trung Đông, tôn thờ thần lửa Ahura Mazda. Trong thời đại cực thịnh, tín ngưỡng này là quốc giáo của Đế chế Ba Tư hùng mạnh, từng lan tỏa sang cả Ấn Độ và Trung Quốc. Song vào năm 651, sau thất bại của vương triều Sassanid trước cuộc chinh phạt của người Hồi giáo, nó dần đánh mất hào quang.
Hiện tại chỉ có khoảng 250.000-300.000 tín đồ Hỏa giáo (còn gọi là người Parsi). Họ phân tán trên khắp thế giới, nhưng tập trung nhiều nhất ở Ấn Độ (khoảng 57.000 người), kế đến là Iran (khoảng 40.000 người) và Bắc Mỹ (khoảng 18.000-25.000 người).
Thanh tẩy bằng… nước tiểu bò
Tín đồ Hỏa giáo tin rằng, cái chết xảy ra khi con người bị quỷ thi (druj i nasush) nhập vào cơ thể. Quỷ thi được hiểu theo đúng nghĩa đen là quỷ xác chết, hiện thân của sự phân rã, thối rữa. Chúng ưa xâm chiếm cơ thể sống, chế ngự họ bằng cái chết, biến họ thành nơi trú ngụ của mình.
Người chết vì thế là cái xác chứa quỷ thi. Còn sở thích của quỷ thi là lây lan sự hoen ố, tiếp tục xâm nhập và giết chết nhiều người hơn nữa. Vì vậy để ngăn chặn chúng phát tán, người ta cần xử lý cái xác càng nhanh càng tốt.
Trước một tín đồ Hỏa giáo nhắm mắt xuôi tay, các thành viên còn sống sẽ không mất thời gian để thương tiếc. Họ nhanh chóng cho phát tang, đặt thi thể lên một bục đá, sau đó bê nước tiểu bò đến dội ướt đẫm. Nghe có vẻ khó tin nhưng đây chính là thủ tục thanh tẩy xác chết. Trong suốt nhiều thiên niên kỷ, không chỉ có người Parsi mà còn nhiều văn hóa khác coi nước tiểu như một chất khử trùng.
Ngay cả trong thế giới hiện tại, một số cá nhân vẫn khăng khăng nước tiểu có tác dụng thần kỳ trong việc tẩy rửa vết thương, thậm chí là chữa bách bệnh. Tín đồ Hỏa giáo không chỉ tắm nước tiểu bò cho xác chết, mà còn lấy nó tắm người phải tiếp xúc với thi thể sau khi tang lễ kết thúc. Mục đích cũng không ngoài rửa sạch “bẩn” bị nhiễm phải trong lúc ở gần “quỷ thi”.
Có một điểm chung trong hầu hết các văn hóa tang lễ là thân nhân, bằng hữu, người quen quây quần chia buồn, đưa tiễn người đã khuất. Nhưng riêng với Hỏa giáo, ở cạnh xác chết chỉ có những “chuyên gia” mai táng. Kỳ thị quỷ thi là bẩn thỉu, xấu xa bao nhiêu, người Parsi cũng coi rẻ và ghê tởm những người có trách nhiệm phải xử lý tử thi bấy nhiêu. Họ bị xem là “rác rưởi”, “phân thối” và bị chửi rủa mỗi khi thấy mặt.
Đưa vào tháp thiên táng
Nói đến hình thức thiên táng, bạn có lẽ sẽ liên tưởng đến tục lệ đưa người quá cố lên đỉnh núi làm mồi cho kền kền ở Tây Tạng. Tuy nhiên, người Tây Tạng không phải dân tộc duy nhất sử dụng hình thức mai táng này. Chưa kể, họ còn biếu xác chết cho kền kền vì mục đích linh thiêng và luôn tiến hành nghi lễ tiễn đưa cực kỳ trang trọng.
Tín ngưỡng Hỏa giáo coi xác chết là thứ ô uế. Người ta cho rằng khi đứt hơi cũng là lúc bị quỷ thi xâm nhập vào cơ thể. Vì quỷ thi là thứ thối rữa nên nó cũng khiến xác chết thành ra bẩn thỉu, nếu đem địa táng thì làm bẩn đất, hỏa táng thì gây bẩn lửa còn thủy táng thì khiến bẩn nước.
Để tránh các trường hợp này, Hỏa giáo cho xây dựng tháp thiên táng Dakhma (tháp Im lặng). Người chết sẽ được đưa lên trên đỉnh tháp này, phơi thây giữa trời, mặc cho các sinh vật khác (thường thì là kền kền) thỏa thích róc rỉa, ăn sạch đến tận xương.
Về cơ bản, tháp thiên táng là một kiến trúc hình tròn, được chia làm 3 vòng đồng tâm. Vòng trong cùng dùng để đặt thi thể trẻ em, vòng thứ hai đặt thi thể phụ nữ còn vòng ngoài cùng đặt thi thể đàn ông. Thường thì, chúng được xây trên các đỉnh đồi hoặc núi thấp, cách xa khu dân cư. Sau khi xác chết được đưa vào tháp Dakhma chừng một năm, lúc xương cốt đã bị nắng gió cạo trắng, người ta mới gom lại, tống hết xuống cái hố được đào chính giữa tháp thiên táng.
Tất nhiên là trong thế giới ngày nay, loại hình mai táng lộ thiên này không còn phổ biến như 2000-3000 năm về trước. Tại Iran, cái nôi của Hỏa giáo, chuyện dùng tháp Dakhma còn bị cấm từ thập niên 1970. Nguyên nhân là bởi mùi tử thi và vấn nạn đánh cắp xác chết. Không ít sinh viên y khoa đã mò vào nơi mai táng đầy xác người nằm chơ hơ giữa trời này mà trộm xác chết, mang về thực hành mổ xẻ.
Nhưng nếu bạn vẫn muốn “tận mục sở thị” hình thức “xử lý” xác chết có lịch sử cả gần 10.000 năm này thì hãy đến Mumbai, Ấn Độ. Tại đó vẫn có cả một hệ thống tháp thiên táng hợp pháp – Doongerwadi, bao gồm 6 tháp Dakhma.
Chúng được xây trên đồi Malabar, trong một khu vực rộng tới gần 22 hecta. Chỉ là Mumbai bây giờ không còn nhiều kền kền như trước nữa. Các sinh vật khác thì lại không đủ sức làm sạch xác chết hiệu quả như kền kền. Để thay thế, người ta lắp đặt các tấm pin, chảo tập trung năng lượng mặt trời, nhờ sức nóng đẩy nhanh tốc độ phân hủy xác chết.
Áp chế quỷ thi
Bởi vì tháp thiên táng thường được xây dựng cách xa khu dân cư nên sẽ phải tốn không ít thời gian để đưa xác chết đến. Điều đó cũng có nghĩa là thời gian cho quỷ thi đang ẩn trong xác chết tấn công những người phụ trách đưa tang cũng rất dài. Tuy nhiên, người Parsi đã có một phương pháp trấn áp quỷ thi hiệu quả: Sagdid (ánh mắt của con chó).
Về phần sử dụng Sagdid thì có chút đơn giản: dắt một con chó được lựa chọn từ trước vào phòng đặt xác chết, hướng nó nhìn vào thi thể một cái. Thế là xong!
Nếu không có sẵn chó để áp chế quỷ thi, Hỏa giáo cũng còn một cách khác. Đó là cột tay người tham gia tang lễ theo từng cặp bằng dải vải gọi là Paiwand. Người ta tin rằng hai người sống thì mạnh hơn một quỷ thi. Vì thế, từ người khiên xác cho đến các linh mục phụ trách tiến hành nghi lễ đều đi theo đôi.
Biến tấu trong thời hiện đại
Rất dễ để hiểu tại sao tháp thiên táng lại mất đi sự phổ biến trong thời hiện đại. Hỏa giáo dù sao cũng chỉ là một trong rất nhiều tín ngưỡng. Điều này cũng có nghĩa là bên cạnh các tín đồ Hỏa giáo còn vô số tín đồ của các tôn giáo khác hoặc người vô thần cùng chung sống. Khi hiện đại hóa tới, mọi người ngày càng tập trung trong những đô thị đông đúc.
Một tháp Dakhma giữa đô thành không chỉ ô nhiễm không khí theo đúng nghĩa đen mà còn gây khiếp hãi cho những cặp mắt của các kiểu văn hóa không quen với tục lệ mai táng lộ thiên này. Thêm vào đó, để mặc xác chết ngoài trời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch.
Chỉ với Doongerwadi, hệ thống tháp thiên táng hợp pháp duy nhất ở Mumbai tất nhiên là không đủ để thiên táng các tín đồ Hỏa giáo từ trần. Chưa kể không phải người Hỏa giáo nào cũng có điều kiện tới đây mà táng theo đúng phong tục. Thay đổi để thích ứng là chuyện không thể tránh. Phương pháp mai táng đầu tiên được lựa chọn, trớ trêu thay lại là hỏa táng.
Vốn dĩ, Hỏa giáo là tôn giáo tôn thờ thần lửa. Vấy bẩn lửa là chuyện tuyệt đối không được phép làm. Song bất chấp quan niệm Hỏa giáo cổ xưa, các tín đồ hiện đại khởi động phong trào nhằm dung hòa truyền thống với hiện đại. Họ chấp nhận hỏa táng để dọn dẹp thi thể, sẵn tiện giết chết, ngăn chặn quỷ thi lây lan theo đúng nguyên tắc cổ truyền.
Sau hỏa táng là chôn cất. Để không “làm bẩn đất”, người ta lót mộ bằng bê tông, đảm bảo quỷ thi trong xác chết không thể chui qua lớp xi măng dày mà nhiễm sự thối rữa ra xung quanh.