Rất nhiều vũ khí nổi tiếng đến nay vẫn còn đang “tại ngũ”, nhưng mốc dùng lần đầu cho trận chiến không phải ai cũng nắm được.
Vũ khí sinh học
Vũ khí sinh học hay chính xác hơn là bệnh sinh học hoặc chiến tranh sinh học (biological diseases hay biological-warfare) được con người sử dụng từ năm 1346. Chiến tranh sinh học là việc sử dụng độc tố sinh học hoặc các tác nhân lây nhiễm như vi khuẩn, vi rút và các mầm bệnh khác để giết người, động vật hoặc thực vật, khiến mọi thứ tê liệt, mất khả năng hoạt động.
Đây là loại vũ khí được sử dụng dưới nhiều hình thức, lần đầu được ghi nhận là dùng một căn bệnh làm công cụ của đội quân Golden Horde, Mông Cổ do Jani Beg chỉ huy. Jani Beg đã sử dụng vũ khí này để tấn công Kaffa, thành phố thương mại sầm uất cuối cùng của Ý ở Crimea. Đáng tiếc là chưa giết được ai thì chính binh lính của Jani Beg lại mắc bệnh bởi sự bùng nổ đại dịch có tên Black Plague (Cái Chết Đen) vô phương cứu chữa. Để nhanh chóng chiếm được thành phố, Jani Beg đã ra lệnh cho binh lính dùng xác chết nhiễm bệnh phóng qua các bức tường để đưa vào bên trong thành.
Kết cuộc: người Ý không chỉ chế ngự được dịch bệnh mà còn phong tỏa thành công các cảng của quân Mông Cổ đang chiếm giữ gần đó, và do dịch bệnh phát triển mạnh, Jani Beg phải thương lượng hòa bình. Chưa dừng ở đó, Cái Chết Đen còn lây lan sang cho người dân Kaffa và qua các thủy thủ lan sang châu Âu trong nhiều năm liên tục. Bệnh này đã được chứng minh là một công cụ hiệu quả cho chiến tranh mà quân đội Anh và Mỹ đã từng sử dụng để lan truyền bệnh đậu mùa cho quân đội và dân cư bản địa của đối phương.
Black Plague là một đại dịch xảy ra trong thế kỷ XIV, đỉnh điểm là ở châu Âu từ năm 1348 đến năm 1350. Cái Chết Đen được coi là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử con người: ước tính dịch này đã giết chết từ 30 tới 60% dân số của châu Âu và giảm dân số toàn cầu từ khoảng 450 triệu người xuống còn từ 350 đến 375 triệu người vào năm 1400. Địa điểm bùng phát của Cái Chết Đen thường được cho là ở Trung Á sau đó thông qua loài chuột trên các tàu buôn lan đến bán đảo Krym vào năm 1346 rồi xâm nhập vào vùng Địa Trung Hải và châu Âu.
Sự tàn phá khủng khiếp của Cái Chết Đen đã dẫn đến nhiều thay đổi lớn trong xã hội châu Âu như việc ra đời của nhiều tôn giáo mới hay sự chuyển đổi về cơ bản của kinh tế và xã hội châu Âu, tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc tới tiến trình lịch sử của châu lục này. Ước tính châu Âu đã phải mất tới 150 năm để phục hồi dân số như trước thời gian đại dịch; sau này, dịch hạch còn nhiều lần bùng phát trở lại tại đây và nó chỉ biến mất vào thế kỷ XIX.
Súng trường bắn tỉa
Súng trường bắn tỉa hay súng ngắm được con người sử dụng lần đầu năm 1915. Phải nói ngay rằng khi độ chính xác và tầm bắn của súng trường tăng lên thì công cụ này thực sự trở thành vũ khí lợi hại, được quân đội nhiều nước quan tâm. Ví dụ: trong Thế chiến thứ nhất, quân đội Đức là đội quân đầu tiên sử dụng khí tài này, được gắn vào súng Gewehr 98. Nhờ độ chính xác cao nên lính bắn tỉa Đức nổi tiếng khắp thế giới về tài nghệ bắn tỉa. Sau Thế chiến thứ nhất, các quốc gia khác bắt đầu phát triển súng bắn tỉa riêng của mình.
Kèm theo súng bắn tỉa là các trường học dạy bắn tỉa, đặc biệt là ở Anh, nó được xây dựng để đào tạo các chiến binh bắn tỉa nhằm đối phó với mối đe dọa của lính bắn tỉa Đức. Ban đầu, lính bắn tỉa được xem như là các game thủ bắn súng, từng có từ Chiến tranh Cách mạng ở Mỹ, nhưng việc sử dụng ống kính phóng mục tiêu để giúp cho các tay súng bắn tỉa hạ gục nhanh đối phương phải kể từ sau Thế chiến I trở đi.
Về mặt kỹ thuật, súng bắn tỉa là có nền là các loại súng trường xưa (với việc sử dụng khóa nòng trượt) nhưng được lắp thêm một ống ngắm để trở thành súng bắn tỉa. Nó được chế tạo với độ chính xác cao và thường được hỗ trợ bằng cách gắn các loại ống ngắm khác nhau. Hiện nay súng bắn tỉa là thuật ngữ thường dùng để chỉ những khẩu súng trường có độ chính xác cao và được gắn thêm một ống ngắm. Tại cuộc biểu tình ủng hộ Liên minh châu Âu ở Ukraine (Euromaidan 2014) diễn ra tại Kiev, Ukraine, súng bắn tỉa cũng được liên minh mới thuê bắn vào đám đông biểu tình, làm hàng chục người bị thiệt mạng nhằm kích động bạo lực đám đông.
Ngư lôi
Ngư lôi là vũ khí được sử dụng lần đầu vào ngày 16 tháng 1 năm 1878. Thiết bị đầu tiên được gọi là ngư lôi là mìn được tàu kéo đi hay gắn vào thân tàu, kích nổ bằng bộ hẹn giờ. Tuy nhiên, ngư lôi tự hành đầu tiên được thiết kế bởi một người Áo tên là Giovanni Luppis, người đã chuyển giao công việc của mình cho kỹ sư người Anh Robert Whitehead. Người Anh đã cải tiến rất nhiều thiết bị và chẳng mấy chốc, một số quốc gia đã mua hoặc tự chế tạo được loại vũ khí này. Sự gia tăng của ngư lôi đã chứng kiến sự suy giảm của các mìn dưới nước, vì nhược điểm phát nổ bừa bãi.
Trong Chiến tranh Nga-Thổ, một chiếc thuyền Thổ Nhĩ Kỳ tên là Intibah đã bị phá hủy bởi ngư lôi được phóng từ một tàu chở khách Nga có tên là Veliky Knyaz Konstantin. Vào thời điểm đó, ngư lôi vẫn không đáng tin cậy và phải được phóng rất gần với các tàu đối phương, làm tăng đáng kể môi nguy hiểm cho các tay súng bắn ngư lôi, chưa kể giá thành cực kỳ đắt, đắt hơn rất nhiều so với loại đạn truyền thống có cùng lượng thuốc nổ, đổi lại, nó lại có sức công phá lớn và hiệu quả.
Theo Bách khoa thư mở, ngư lôi là một loại vũ khí tự di chuyển trong nước, chuyên mang thuốc nổ lao vào tàu thuyền của đối phương. Ngư lôi là đạn chính của tàu ngầm tấn công và tàu phóng lôi, ngoài ra còn có thể được bắn từ tàu nổi và máy bay. Ngày nay, ngư lôi có hình trụ rất dài, có máy tự đẩy và mang theo đầu đạn chứa nhiều thuốc nổ. Người ta hay nhầm lẫn giữ ngư lôi và thủy lôi, một loại mìn dưới nước. Hiện nay, do công nghệ phát triển nên ranh giới phân biệt 2 loại vũ khí này cũng mờ nhạt, hiện đã có những loại “thủy lôi lai ngư lôi”, chúng được neo dưới nước giống như thủy lôi nhưng lại có thể tự phát hiện mục tiêu rồi lao vào đối phương giống như ngư lôi.
Xe tăng
Xe tăng được con người sử dụng lần đầu tiên vào ngày 15 tháng 9 năm 1916. Thế chiến I đã chứng kiến việc sử dụng rộng rãi đầu tiên chiến tranh chiến hào, một kiểu chiến trường mới thực sự chỉ hiệu quả trong việc gây thương vong hàng loạt. Để chống lại điều này, người Anh đã phát triển chiếc xe tăng đầu tiên, được gọi là Mark I, và được đưa đến trận chiến tại Flers và Courcelette ở Pháp. Thật không may, các nguyên mẫu rất khó sử dụng, cực kỳ nóng và dễ bị sự cố cơ học và phải cần tới 4 tài xế mới điều khiển được chiếc xe tăng kiểu này.
Sau sự kiện trên, người Anh tiếp tục cải tiến, nâng cấp Mark I và cho ra đời nhiều thế hệ mới, trong số này có Mark IV, một cỗ máy chiến tranh thành công hơn nhiều, lần đầu tiên được sử dụng trong Trận Cambrai vào tháng 11 năm 1917. Nhờ thành công của Mark IV, xe tăng thực sự đã trở thành khí tài không thể thiếu trong chiến tranh, giúp binh lính thoát ra khỏi chiến hào, tấn công đối phương một cách hiệu quả hơn.
Xe tăng (tank), thường được gọi tắt là tăng, loại xe chiến đấu bọc thép, có bánh xích được thiết kế cho chiến đấu tiền tuyến kết hợp hỏa lực cơ động, chiến thuật tấn công và khả năng phòng thủ. Hỏa lực này thường được cung cấp bởi 1 súng chính cỡ nòng lớn trong 1 tháp pháo quay với súng máy, trong khi có áo giáp nặng và di chuyển trên mọi địa hình nhằm cung cấp sự bảo vệ cho xe tăng và tổ lái, cho phép thực hiện tất cả các nhiệm vụ chính của xe bọc thép quân đội trên chiến trường.
Radar
Theo Toptenz.net, radar được sử dụng lần đầu tiên trong Thế chiến thứ hai, rất có thể vào đầu năm 1940. Thời gian này, có 6 quốc gia đã phát triển được hệ thống radar độc lập là Anh, Pháp, Đức, Nga, Mỹ và Thụy Sĩ. Tuy nhiên, trong số này, tiên phong phải kể đến Anh, đặc biệt là trong trận không chiến của Anh (Battle of Britain), trận oanh tạc trên không nổi tiếng nhất lịch sử quân sự thế giới. Theo sử sách còn ghi, chỉ huy quân đội Đức Hermann Gotering nghi ngờ về việc Anh dùng radar, nhưng không chắc chắn. Hậu quả: Đức thua vì người Anh đã dùng radar phát hiện ra máy bay của Đức Quốc xã sớm hơn bao giờ hết. Nó là chiến dịch quân sự lớn đầu tiên được thực hiện hoàn toàn bằng lực lượng không quân, nước Anh đã giành chiến thắng trong chiến dịch này, làm nên một bước ngoặt cho nước Anh trong Thế chiến thứ hai.
Công lao lớn trong trận chiến này là nhờ vào radar của nhà vật lý người Anh Robert Watson-Watt, người thường được gọi là cha đẻ của radar. Watson-Watt từng từ bỏ chức vụ trước đó của mình tại Bộ Không quân, nơi ban đầu ông được giao nhiệm vụ phát triển vũ khí có khả năng đánh bại tia tử thần của người Đức, để chuyển sang radar. Nhờ những nghiên cứu không mệt mỏi của Watson-Watt, hệ thống radar đầu tiên của thế giới đã được ra đời, có tên radar cảnh báo sớm Chain Home. Nó có thể phát hiện máy bay với độ tin cậy cao ở cách xa tới 8 dặm (khoảng 13 km).
Theo Wikipedia, radar là từ tiếng Pháp, còn thuật ngữ này trong tiếng Anh là viết tắt của Radio Angle Detection and Ranging (dò tìm và định vị góc bằng sóng vô tuyến). Đây là một hệ thống sử dụng để định vị và đo khoảng cách và lập bản đồ các vật thể như máy bay hay mưa. Được sử dụng phổ biển trong hàng hải, hàng không và quân sự, radar hoạt động ở tần sô vô tuyến siêu cao tần, có bước sóng siêu cực ngắn, dưới dạng xung được phát theo một tần số lập xung nhất định. Nhờ vào ănten, sóng radar tập trung thành một luồng hẹp phát vào trong không gian.
Trong quá trình lan truyền, sóng radar gặp bất kỳ mục tiêu nào thì nó bị phản xạ trở lại, tín hiệu phản xạ trở lại được chuyển sang tín hiệu điện. Nhờ biết được vận tốc sóng, thời gian sóng phản xạ trở lại nên có thể biết được khoảng cách từ máy phát đến mục tiêu. Một trong những nhược điểm của sóng radio không truyền xa được trong môi trường nước; do đó, dưới mặt biển, người ta không dùng được radar để định vị mà thay vào đó là máy sonar dùng siêu âm.