Đông đảo sinh viên, giới nghệ sĩ, trí thức đã có mặt trong chương trình kỷ niệm 99 năm ngày sinh cố Giáo sư Trần Văn Khê do Đại học Văn Lang và Nhóm thân hữu Trần Văn Khê phối hợp tổ chức diễn ra vào sáng ngày 24-7-2020 tại Hội trường Trịnh Công Sơn (Trường Đại học Văn Lang).
Các tiết mục văn nghệ trong chương trình với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, như: NSƯT Kim Tử Long, NS Kim Tiểu Long, NSƯT Huỳnh Khải… và phần tọa đàm, trò chuyện của NSND Kim Cương, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, tiến sĩ Nguyễn Nhã, NSƯT Thành Lộc, nhà thiết kế Sĩ Hoàng, nhà báo Nguyễn Thế Thanh đã làm cho chương trình trở nên vô cùng ấm áp, ý nghĩa và xúc động.
Đây được xem là hoạt động mở đầu nhằm hướng tới vào việc thành lập Quỹ Trần Văn Khê khi thủ tục dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay và chuỗi các chương trình kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông sẽ diễn ra tại Đại học Văn Lang.
Chương trình kỷ niệm có trưng bày hình ảnh, nhạc cụ, những trang phục GS Trần Văn Khê thường sử dụng khi còn sống; chiếu những thước phim tư liệu về ông.
Trong buổi tọa đàm tưởng nhớ cố GS Trần Văn Khê, nhà báo Nguyễn Thế Thanh – nguyên Phó giám đốc sở Văn hóa thông tin, thành viên nhóm Thân hữu Trần Văn Khê đã kể lại câu chuyện từ ngày giáo sư được mời về nước và những thông tin xung quanh những thắc mắc về Nhà Trần Văn Khê, Quỹ Trần Văn Khê.
Nhà báo kể lại, trên cơ sở tâm nguyện của GS Trần Văn Khê “được sống và làm việc những năm cuối đời tại đất nước”, Sở Văn hóa thông tin TP.HCM đã khởi thảo đề án nhà Trần Văn Khê vào tháng 11.2003, đã lập một biên bản mang tính pháp lý giữa Giáo sư và Sở Văn hóa thông tin TP.HCM vào ngày 14.5.2004. Theo các căn cứ đó, Nhà nước đã bố trí ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TP.HCM) để làm nơi sống và làm việc cho GS Trần Văn Khê những năm cuối đời, quản lý theo chế độ công sản.
Sở Văn hóa thông tin cũng đã tổ chức tiếp nhận, phân loại 435 kiện sách và hiện vật âm nhạc quý (sổ ghi chép, đĩa và băng ghi âm, nhạc cụ các loại gắn liền với sự nghiệp âm nhạc của Trần Văn Khê) mà ông chuyển từ Pháp về, trong đó có hơn 10.000 đầu sách, tạp chí liên quan đến nghiên cứu, giới thiệu âm nhạc thế giới và âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Năm 2006, GS Trần Văn Khê đã chuyển về ở hẳn tại ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai và tại đây hàng loạt hoạt động văn hóa mà ông là linh hồn đã được tổ chức khiến cho ngôi nhà vượt ra khỏi cái tầm của một tư gia. Chỉ sử dụng một phòng ngủ nhỏ ở tầng trệt phía sau, Giáo sư đã dành toàn bộ không gian đẹp nhất của ngôi nhà làm nơi tiếp đón mọi người.
Tại đây, những nhân vật nổi tiếng trong và ngoài nước, những học trò cũ và mới, những bạn bè tri âm tri kỷ, những người dân bình thường đều đã đến đây nghe và nhìn ngắm vị giáo sư – nghệ sĩ nổi tiếng mà kiến thức uyên thâm, tài nghệ biểu đạt tuyệt vời và phong cách gần gũi đầy sức thuyết phục luôn đi cùng tuổi tác, như cách dân gian vẫn nói “gừng càng già càng cay”.
Tại đây đã diễn ra gần 100 buổi sinh hoạt về đàn tranh, đàn đá, hát bội, vọng cổ, ca trù, múa bóng rỗi, nghệ thuật ngâm thơ truyền thống Việt Nam…
Cũng tại đây, Thư viện Trần Văn Khê đã được khánh thành ở tầng trên của nhà phụ phía sau vào năm 2012 để những ai cần nghiên cứu thêm về âm nhạc dân tộc trong sự đối sánh với các quốc gia trên thế giới đều có thể đến.
Ngôi nhà chứa đầy những hiện vật cả đời, những kỷ niệm ấm áp và sống động gắn với những năm tháng cuối đời Trần Văn Khê tại Việt Nam đã hiện ra dáng dấp mà nó cần có khi đề án nhà Trần Văn Khê được phác thảo gần 10 năm về trước.
Khi còn minh mẫn, trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, giáo sư Trần Văn Khê bày tỏ một trong những ước mơ cuối cùng của ông trong bản di nguyện lập ngày 5.6.2015: “Khi tôi vĩnh viễn ra đi, ngôi nhà này sẽ được sử dụng để làm nhà lưu niệm Trần Văn Khê. Tất cả hiện vật gắn với đời sống nghề nghiệp của tôi đem từ Pháp về: sách vở, báo chí, phim ảnh, sổ ghi chép, đĩa hát các loại, các nhạc khí, máy ghi hình, ghi âm, máy chuyển tư liệu nghe nhìn, tranh, hình ảnh đều giao lại cho ban quản lý nhà lưu niệm giữ để phục vụ cộng đồng”.
Ước mơ ấy không hề khác với lời ông nói trong biên bản buổi làm việc tại Sở Văn hóa – thông tin vào năm 2004: “Sau khi tôi “trăm tuổi”, căn nhà và các hiện vật trong ngôi nhà sẽ giao toàn bộ lại cho Nhà nước quản lý”.
Đã năm năm trôi qua kể từ khi GS Trần Văn Khê nằm xuống, vì nhiều lý do chưa thể nói hết lúc này, nhà 32 Huỳnh Đình Hai đã được sử dụng vào việc khác. Quỹ học bổng mà Trần Văn Khê căn dặn dùng tiền phúng điếu (và các nguồn khác) để lập và xét trao cho các sinh viên âm nhạc dân tộc có thành tích học tập, các nghệ sĩ xuất sắc trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật dân tộc, các công trình nghiên cứu có giá trị về âm nhạc dân tộc mãi đến nay mới tạo được nền móng bước đầu để xin phép ra đời. Nền móng bước đầu ấy của Quỹ Học bổng Trần Văn Khê có được là từ sự kiên trì tâm huyết của nhóm thân hữu Trần Văn Khê và đặc biệt là từ sự quan tâm hiếm thấy của Đại Học Văn Lang về lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, về sự gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, về sự trân trọng đúng mức đối với những cá nhân có đóng góp xuất sắc cho đất nước.
Sự quan tâm đặc biệt đó của Đại học Văn Lang là xứng đáng bởi lẽ quỹ Trần Văn Khê, không gian Trần Văn Khê trong tương lai bắt nguồn từ một con người rất tài năng mà bình dị, rất uyên bác mà gần gũi – người đã được rất nhiều giải thưởng quốc tế danh giá (Giải thưởng âm nhạc UNESCO, 1981; Huy chương Nghệ thuật và Văn chương của Bộ Văn hóa Pháp) và sự tưởng thưởng của đất nước Việt Nam (Huân chương Lao Động hạng Nhất, 1999; Giải thưởng Đào Tấn 2005, Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu, 2011).
Bà Nguyễn Thế Thanh xúc động chia sẻ: “Chúng tôi không thể trả lời chính xác bao giờ có được không gian Trần Văn Khê mà chúng ta mong muốn gọi tên giản dị là nhà Trần Văn Khê. Chúng tôi vẫn chờ căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai nhưng cuối cùng không thể chờ đợi được nữa. May mắn có Trường ĐH Văn Lang mong cùng chúng tôi tổ chức không gian Trần Văn Khê tại trường, đồng thời đứng ra thành lập Quỹ Trần Văn Khê để những bạn bè yêu mến ông có nơi tổ chức tưởng nhớ ông vào ngày sinh và ngày mất hằng năm. Dự kiến sang năm sẽ khởi động Quỹ Trần Văn Khê”.
Phần trò chuyện của NSND Kim Cương rất thú vị khi bà kể về chuyến sang Pháp để học tập và gặp GS Trần Văn Khê. NSND Kim Cương cho biết gia đình bà và cố Giáo sư có mối quan hệ thân thiết. Vì thế, năm 1960 khi bà sang Pháp để học hỏi kinh nghiệm làm nghệ thuật, đã tìm đến ông để được hướng dẫn. Với sự hiểu biết uyên bác, mối quan hệ rộng rãi, cố Giáo sư đã đưa NSND Kim Cương đến các đoàn phim, rạp hát để học kinh nghiệm diễn xuất, tổ chức. Nhưng trên những điều đó, vị Giáo sư đồng hương còn dạy cho bà nhiều bài học về tư cách, đạo đức của người nghệ sĩ.
NSND Kim Cương nói: “Anh ấy như ngọn đèn dẫn lối cho tôi. Anh ấy là người thầy không lớp học, không tuổi, không thời gian, không bao giờ chết. Tôi vẫn nhớ lời dạy của anh, cũng là kim chỉ nam của tôi trong nghề: Mỗi nền văn hoá đều có quê hương. Em có thể học cái hay, cái văn minh của người nhưng đừng quên tính dân tộc, quê hương mình. Suốt cuộc đời làm nghê thuật, câu nói đó luôn ám ảnh tôi”.
Bà cho biết khi dựng vở Trà hoa nữ, đã cố gắng Việt hóa thành câu chuyện mang hơi thở của xã hội Việt Nam. Người đầu tiên NSND Kim Cương mời đến xem là cố Giáo sư. Ông bày tỏ niềm hạnh phúc, vui mừng vì “đàn em” đã đi đúng hướng, vì khi xem Trà hoa nữ, giáo sư đã thấy câu chuyện của đất nước Việt Nam, của con người Việt Nam chứ không chỉ là một tác phẩm nước ngoài.
NSND Kim Cương nhớ lại, khi được những vị khách ngoại quốc yêu mến mời đi cafe, thưởng lãm cảnh đẹp, bà xin ý cố Giáo sư Trần Văn Khê, và nhận được những lời chỉ bảo khiến bà lưu ghi nhớ: “Anh ấy bảo đi biểu diễn nơi xứ người được mọi người yêu mến là điều rất quý. Nhưng anh bảo tôi phải nhớ lần này tôi đi với tư cách đại diện cho nghệ sĩ Việt Nam. Tư cách phụ nữ Việt Nam như thế nào phải giữ cho đúng chuẩn mực”.
NSND Kim Cương mỗi lần tổ chức chương trình Nghệ sĩ tri âm trao quà tết cho nghệ sĩ già yếu, neo đơn luôn trân trọng dành một chỗ ngồi đầu cho Trần Văn Khê bởi bà cho rằng GS Trần Văn Khê không bao giờ mất đi, mà luôn sống mãi.
Ký ức về Trần Văn Khê trong lòng NSƯT Thành Lộc là hình ảnh ông luôn chắp tay chào khi đến Hội Nghệ sĩ ở đường Cô Bắc gặp ba anh – NSND Thành Tôn và các nghệ sĩ hát bội tài danh như Năm Đồ, cô Ba Út… Thành Lộc hỏi ba anh phải gọi ông là gì, nghệ sĩ Thành Tôn nói: “Ổng nhỏ tuổi hơn tao nhưng mày kêu bằng bác đi!”. Lý giải điều này, nghệ sĩ Thành Lộc cho biết: “Cha tôi bảo GS Trần Văn Khê làm được nhiều điều lớn lao, quốc tế biết đến. Còn cha tôi chỉ là nghệ sĩ nổi tiếng trong nước. Do đó, tuy nhỏ tuổi hơn nhưng cha nói tôi xưng với Giáo sư bằng bác. Điều này cho tôi bài học lớn, đầu tiên là sự khiêm nhường của người Việt Nam. Họ chào nhau về kiến thức, trình độ, sự cống hiến với xã hội”.
NSƯT Thành Lộc vẫn nhớ như in sau khi xem vở Bí mật vườn Lệ Chi, cố Giáo sư Trần Văn Khê vào tận hậu trường để ôm anh và khóc. Những giọt nước mắt có hai lý do: thứ nhất ông cảm động vì câu chuyện, thứ hai là việc người trẻ có tâm huyết với âm nhạc dân tộc. Âm nhạc của vở kịch này được sử dụng ca trù làm chủ đạo, nhưng nhạc cụ đều của Tây phương. “Bác nói âm nhạc trong vở diễn đã khơi gợi tất cả giác quan. Dù không có đàn tranh, đàn bầu nhưng hồn dân tộc vẫn ở trong đó. Tôi lĩnh hội được việc giữ hồn dân tộc từ bác. Cái hồn cốt là quan trong nhất, dù là hình thức thể hiện có thể rất Tây”, NSƯT Thành Lộc chia sẻ.
- Xem thêm: Nén nhang tưởng nhớ Giáo sư Trần Văn Khê
NSƯT Thành Lộc còn chia sẻ nhiều về cái “bàn thờ của người Việt”, cái hồn cốt của người Việt khi nhắc đến những kỷ niệm với cố Giáo sư. “Bác bảo rằng âm nhạc Việt Nam hào phóng như con người Việt Nam, luôn sẵn sàng mở lòng chào đón cái mới, mọi luồng âm nhạc để học hỏi và giỏi hơn. Nó cũng giống như bản tính người Việt Nam, luôn đón khách vào nhà vì tính hiếu khách. Bạn có thể đi xộc vào nhà bếp, phòng ngủ nhưng bàn thờ tổ tiên tôi bạn không được xâm phạm. Đôi khi người làm văn hoá ở Việt Nam quên, bị nhập nhằng bởi lòng hiếu khách và sự nhu nhược. Trách nhiệm của nghệ sĩ, người công dân Việt Nam không để điều đó xảy ra”, NSƯT Thành Lộc khẳng định.