Dáng đi nặng nề, bước chân chậm chạp, đôi mắt khuất sau cặp kiếng dày cộm, thường hay nhờ người đối thoại lặp lại câu hỏi vì độ nhạy của thính giác chỉ còn bốn phần mười: Thật là một điều lạ lùng khi chứng kiến con người có vẻ bề ngoài hoàn toàn không lôi cuốn ấy lại có một sức thu hút thật lớn lao.
Trên đoạn đường ngắn chưa đầy 200m từ Khách sạn Cửu Long trên đường Đồng Khởi – nơi ông lưu lại mỗi khi về nước – đến điểm hẹn ăn trưa tại nhà hàng Chez-nous (Grand Hotel) gần đó, vị giáo sư cao niên đã phải nhiều lần ngừng lại để trả lời câu hỏi của những người biết ông nhưng ông không quen. Và không dưới mười lần ông cười rất tươi, đáp lại nhiều người đi ngang chợt nhìn thấy đã vui vẻ gọi lớn tên ông: “Giáo sư Trần Văn Khê!”.
Mỗi khi có dịp đi cùng ông đến bất cứ nơi nào – nhà hàng, trường học, chợ, bệnh viện – chúng tôi đều phải “trừ hao” thì giờ chờ ông nán lại để mọi người xin được “chụp một pô hình với Thầy để làm kỷ niệm”. Và trong khi ông đang bị đám đông người hâm mộ vây quanh thì hầu như lần nào chúng tôi cũng được dúi vào tay vài tấm danh thiếp, những tờ giấy ghi vội số điện thoại và địa chỉ kèm lời dặn dò: “Giáo sư đi nói chuyện về âm nhạc ở đâu, xin vui lòng báo cho biết”.
Đi ăn với ông ở nhà hàng: Chủ nhân ân cần đề nghị được chiêu đãi. Đi taxi: Nhiều anh tài xế nhất quyết đòi “chở giúp”. Ông vào bệnh viện: Ban giám đốc hoan hỷ cho miễn phí. Ông ở khách sạn: Được coi như “người nhà”. Ông đi hớt tóc: Dứt khoát không ai chịu lấy tiền!
Điều gì đã làm cho ông, một vị giáo sư già nghỉ hưu từ rất lâu, lại được hầu hết mọi người trong và ngoài nước, già trẻ lớn bé, trí thức lẫn bình dân, nam cũng như nữ, đều yêu mến và quý trọng đến nhường ấy? Muốn có câu trả lời chính xác cần phải trở lại quãng thời gian hơn nửa thế kỷ trước, kể từ ngày ông tự nguyện trở thành nhà truyền đạo nhạc, dõi theo cuộc hành trình không hề biết mệt mỏi của ông, bôn ba qua khắp năm châu bốn bể để làm tròn nhiệm vụ đời mình là phụng sự âm nhạc truyền thống Việt Nam đến hơi thở cuối cùng.
Nhưng thời gian một bữa cơm trưa văn phòng ở nhà hàng Chez-nous quả là không đủ để làm chuyện ấy. Vì vậy, tôi chỉ gói gọn cuộc trò chuyện chung quanh chuyến về nước ngắn ngủi của ông trong hai tháng mới đây.
____
Ngày mai Giáo sư lại đi sang Pháp, như mọi khi, lần về nước này chắc hẳn Giáo sư rất bận bịu?
Chuyến này tôi về nước chủ yếu là để dạy âm nhạc truyền thống cho hai lớp tại trường Đại học dân lập Hùng Vương, công việc mà tôi lúc nào cũng thích thú. Tôi không chỉ quan tâm đến việc đem lại kiến thức cho các em mà quan trọng hơn là hướng các em trở về với bản sắc văn hóa dân tộc. Rất nhiều sinh viên nói thật rằng thoạt tiên các em rất ngán ngẩm khi nghe nói phải học về âm nhạc dân tộc, thậm chí một số chỉ vì biết người dạy là Giáo sư Trần Văn Khê mà hiếu kỳ đến lớp. Nhưng sau vài tiết học, lần hồi các em bị cuốn hút và bắt đầu say mê.
____
Chắc hẳn Giáo sư rất vui khi thấy sự hiện diện của mình tỏ ra có ích, giúp giới trẻ thấu hiểu và thích thú âm nhạc Việt Nam?
Đúng vậy, đây là điều tôi đeo đuổi suốt đời, làm sao gieo được mầm yêu âm nhạc dân tộc vào trong tâm hồn mọi người, nhứt là đối với thanh niên.
____
Chúng tôi nhớ Giáo sư đã từng đề nghị đưa âm nhạc dân tộc đến với học sinh ngay từ bậc tiểu học. Liệu điều đó có khả thi không?
Tôi vẫn đang theo đuổi ý tưởng nói trên. Về nước lần này, tôi có liên hệ với trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật chuẩn bị thực hiện chương trình thể nghiệm của UNESCO về việc đem âm nhạc dân tộc vào bậc tiểu học, dựa theo những phương pháp và kinh nghiệm tôi thu thập được trong suốt mấy chục năm dạy âm nhạc tại nhiều nơi trên thế giới. Tùy theo kết quả việc làm này mà có thể trong năm 2005, UNESCO sẽ tổ chức cuộc gặp gỡ trao đổi chính thức, để đưa ra những phương pháp và nguyên tắc chung nhằm đem âm nhạc dân tộc vào bậc tiểu học cho cả vùng châu Á.
Có thể trong năm 2005, UNESCO sẽ tổ chức trao đổi để đưa âm nhạc dân tộc vào bậc tiểu học cho cả vùng châu Á.
____
Còn những việc riêng tư trong lần về nước này?
Tôi cố gắng hoàn tất quyển thứ sáu trong bộ hồi ký của mình với tựa đề “Du ngoạn trong truyền thống âm nhạc Việt Nam”. Thật ra đầu tiên tôi rất do dự, vì đây hoàn toàn không phải là quyển sách nghiên cứu âm nhạc truyền thống sâu sắc mà chủ yếu chỉ đề cập đến những nét cơ bản một cách đơn giản nhứt, để đại đa số độc giả bình thường có thể nắm bắt được sơ lược nền âm nhạc đa dạng và phong phú của dân tộc. Nhưng sau khi bàn bạc với Trung tâm Dịch vụ Hồi ký – đơn vị hợp tác thực hiện bộ hồi ký của tôi – cuối cùng, tôi quyết định viết một quyển sách về âm nhạc trong đời sống người Việt từ khi còn nằm nôi cho đến ngày từ giã cõi đời. Hy vọng cuốn sách sẽ ra mắt bạn đọc vào giữa năm 2004.
Ngoài ra còn có những công việc ngoài chương trình như chuyến đi Hà Nội để giới thiệu tập thơ của nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương, thêm một buổi nói chuyện về đề tài “Văn hóa xứ Huế dưới con mắt của người nước ngoài”, đồng thời trao đổi tại Viện Âm nhạc về truyền thống âm nhạc Ấn Độ. Trong đời mình, tôi may mắn có được cơ hội và phương tiện để tìm hiểu cái hay cái đẹp của âm nhạc các nước, không phải để khoe khoang kiến thức mà chủ yếu là học cái hay của người để vận dụng theo cách của mình. Đây là điểm mấu chốt trong giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, làm sao cho di sản của ông cha không chỉ được gìn giữ mà được trùng tu, không chỉ phát triển mà còn làm cho phong phú thêm.
____
Khối lượng chừng ấy công việc trong vòng hai tháng quả thật đáng nể, đó là chưa kể Giáo sư đã mất cả tuần lễ nằm bệnh viện?
Tôi vốn có duyên với bịnh viện nhiều năm nay. Sức khỏe của tôi hiện ngày càng sa sút, biết đâu đột xuất đầu hôm sớm mai không còn ở trên đời nữa. Mới đây nhứt, trong “Mùa Hè đỏ lửa” tại Paris hồi tháng 8 vừa qua – đã làm hơn 14.000 người cao niên bị thiệt mạng – nếu không nhờ con gái Thủy Tiên từ tỉnh xa, qua điện thoại phát hiện tôi sắp bị hôn mê, báo động cho con út Thủy Ngọc kịp thời đưa tôi vào bịnh viện cấp cứu thì có lẽ giờ đây tôi đã thành người… thiên cổ. Vừa xuất viện không bao lâu, tôi đã phải lên đường về nước để kịp ngày dạy học. Mới dạy được hai tuần thì tôi ngã bịnh, ban đầu còn nằm nghỉ ở nhà nhưng rồi các bác sĩ của Bịnh viện Triều An yêu cầu phải nhập viện. Ngoài căn bịnh tiểu đường, cao huyết áp, suy thận, đến lượt trái tim của tôi lại có vấn đề. Tôi nằm điều trị một tuần lễ, làm đủ mọi xét nghiệm mà Ban giám đốc lại không chịu nhận bất kỳ chi phí nào. Sau khi xuất viện, các bác sĩ yêu cầu tôi kể từ nay phải ăn kiêng tối đa và giảm thiểu phân nửa công việc.
Tôi tin tưởng rằng hễ mình giàu nghị lực và ý chí thì có thể biến không thành có.
____
Như vậy chắc còn lâu lắm Giáo sư mới lại về nước?
Không đâu, tôi chỉ lưu lại Paris khoảng bốn tháng và sẽ có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4 năm 2004. Tôi có hai tháng để thực hiện chương trình đem âm nhạc dân tộc vào bậc tiểu học qua các buổi dạy thể nghiệm hầu tìm ra một phương pháp tối ưu.
Đồng thời, tôi cũng tiếp tục làm việc với Trung tâm Dịch vụ Hồi ký để dịch bản Luận án âm nhạc của tôi đã bảo vệ tại trường Đại học Sorbonne vào năm 1958, một điều từ trước tới giờ tôi vẫn do dự và nay mới quyết tâm bắt tay vào làm. Chỉ riêng ý tưởng này đã gợi cho tôi bao cảm xúc về một thời kỳ đáng nhớ.
____
Đó là những hoài niệm gì, Giáo sư có thể nói qua một chút được không?
Khi bắt đầu soạn luận án tôi chỉ là một bần sĩ mới 30 tuổi đời, ngày ngày đến quán sinh viên ăn bữa cơm rẻ tiền, mục đích là để no bụng. Tối tối phải đi làm ở những nhà hàng hay đóng phim để kiếm sống, từ đó mà nhận được nhiều đề nghị sang làm việc tại các hộp đêm ở Ai Cập, các nước Ả Rập hoặc đi theo con đường điện ảnh. Nhưng những hào nhoáng của danh vọng và sự hấp dẫn của tiền bạc không cám dỗ được tôi, hễ vừa làm được đủ tiền là tôi quay trở lại lao vào việc học.
Tôi làm luận án trong hoàn cảnh rất khó khăn. Tư liệu trong nước phải nhờ các anh Nguyễn Hữu Ba và Phạm Duy ở miền Nam gởi qua, miền Bắc thì nhờ anh Lưu Hữu Phước thu thập, đa phần còn lại là tìm tòi trong khắp các thư viện của nước Pháp. Trong bảy năm soạn luận án – từ 1951 cho tới 1958 – thì đã có ba năm tôi viết trên giường bịnh. Tóm lại, tôi làm việc trong điều kiện không có sức khỏe, tiền bạc cũng không, tư liệu hết sức hạn chế mà phải tuân thủ đúng theo yêu cầu của luận án là nói có sách mách có chứng. Kết quả tốt đẹp tôi nhận được bù đắp hết bao vất vả gian nan khiến tôi hoàn toàn mãn nguyện: Luận án của tôi được xếp tối ưu với lời khen của Ban giám khảo.
Tôi hy vọng kinh nghiệm này của bản thân cũng là một việc để các bạn trẻ suy nghĩ và tin tưởng rằng hễ mình giàu nghị lực và ý chí thì có thể biến không thành có. Đặc biệt lần dịch lại bản luận án này, tôi cũng sẽ bổ sung một số khiếm khuyết và sửa lại một vài điểm sai.
Nơi xứ người, tôi đem bán sức lao động của mình, nào viết báo, đánh đàn, nào đóng phim để kiếm sống và theo đuổi chỉ một mục đích duy nhứt trong cuộc đời.
____
Là một Giáo sư tiếng tăm trên thế giới, mấy chục năm làm Giám đốc tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học nổi tiếng của Pháp (CNRS), là thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế Âm nhạc UNESCO, Viện sĩ thông tấn Hàn lâm viện châu Âu Khoa học Văn chương và Nghệ thuật, chắc hẳn gia sản của Giáo sư không phải là nhỏ?
Những tư liệu hiện tôi lưu giữ hầu như không có giá trị về thương mại. Không như những nhà khảo cổ, chẳng hạn nếu như một cái chén xưa của cụ Vương Hồng Sển đem bán có thể được cả triệu đồng, thì hàng trăm cuộn băng cassette của tôi dẫu có đem cho chắc khó có người nhận, bởi vì thông thường người ta cần băng mới chớ không ai muốn sử dụng băng cassette đã thâu rồi. Vì vậy, tôi không bao giờ dám gọi những gì mình có là tài sản hay gia sản mà chỉ cho đó là sự nghiệp tinh thần.
Rời đất nước ra đi với hai bàn tay trắng, nơi xứ người, tôi đem bán sức lao động của mình, nào viết báo, đánh đàn, nào đóng phim để kiếm sống và theo đuổi chỉ một mục đích duy nhứt trong cuộc đời. Từ một người bần sĩ với vỏn vẹn một bộ đồ trên người, nay tôi có cả một sự nghiệp tinh thần khá lớn lao, thu thập được từ mọi nơi trên thế giới. Tôi có những cuốn băng ghi lại giọng bà Quách Thị Hồ kể chuyện hồi nhỏ luyện tập Ca trù như thế nào, Thành Tôn thuật chuyện học múa Hát bội ra sao. Tôi cũng ghi âm cô Bảy Phùng Há thuật lại những kỷ niệm đời đi hát, hay giọng ca của nghệ sĩ Quan họ tài danh Hai Cải thời kỳ mới đôi mươi mà nay đã thành bà ngoại. Đối với những người yêu quý Quan họ, Ca trù, Hát bội thì những cuộn cassette đó rất có giá trị, nhưng quý đến đâu thì còn tùy theo lòng yêu âm nhạc truyền thống của mỗi người.
Ngoài ra, tôi có được cái may là từ sau năm 1976, vẫn thường xuyên về nước hàng năm. Lúc bấy giờ đất nước còn nghèo, giới chuyên môn thiếu thốn phương tiện kỹ thuật, trong khi tôi được cơ quan ở Pháp trang bị cho máy móc hiện đại cùng với rất nhiều băng từ, nhờ đó mà ghi lại đầy đủ cả một giai đoạn phát triển đáng kể của nền âm nhạc đất nước, đối với tôi nó có giá trị nhân chứng lịch sử. Đồng thời, tôi có nhiều loại sách về âm nhạc vùng châu Á mà trong nước không ai có, đây là tư liệu tham khảo hữu ích cho những người nghiên cứu. Rồi đến dĩa hát, tôi còn lưu giữ những dĩa hát cực kỳ quý giá của âm nhạc truyền thống Ấn Độ mà ngay cả bên xứ họ cũng chưa chắc có được. Bằng chứng là khi Nhà nước Ấn Độ muốn làm bảo tàng viện về một vài nghệ nhân danh tiếng của họ thì phải qua Pháp xin lại những thước phim tư liệu về những nghệ nhân ấy do tôi thực hiện. Hay như âm nhạc Trung Quốc, tôi có dĩa hát ghi lại bản U Lan của Khổng Tử sáng tác, hiện nay chẳng những tại Việt Nam không thể tìm thấy mà ngay cả ở Trung Quốc cũng rất khó tìm. Đối với những người thiết tha với âm nhạc cổ truyền, những dĩa hát đó quý giá vô cùng, còn đối với người chẳng quan tâm có thể dửng dưng quăng vào thùng rác vì đó là dĩa hát 33 vòng mà bây giờ không có máy để phát nữa. Còn những ghi chép của tôi thì rất nhiều, từ sổ nhỏ, sổ lớn, sổ to, sổ bé, tuy chỉ ghi lại nhận xét của một người nghiên cứu nhưng đó cũng là bài học cho thế hệ sau biết được một cách làm việc rất tỉ mỉ và khoa học. Việc bảo quản cũng không phải là chuyện dễ, tôi đã lao tâm khổ trí gìn giữ qua bao nhiêu khó khăn, nhiều lần suýt cháy, mấy lần bị mất mát. Chính vì công khó như vậy mà tôi thiết tha muốn đem tất cả về nước chớ không phải vì tôi cho rằng nó có giá trị về kinh tế.
“Sự nghiệp” này hiện nay đang chất đầy ắp bốn gian phòng trong căn hộ lầu 9 của tôi ở ngoại ô Paris, nơi tôi đang sống một mình. Tôi chỉ có một băn khoăn là trong những ngày tới, khi tình trạng sức khỏe buộc tôi phải di chuyển bằng xe lăn thì quả thật nan giải vì lối đi trong nhà đã quá chật chội.
____
Tất cả những tư liệu ấy nếu đem về Việt Nam và với những phương tiện hiện có sẽ dễ dàng chuyển sang dĩa CD, CD Rom để lưu giữ, không chỉ cần thiết và ích lợi cho thế hệ ngày nay mà cho cả mai sau. Nhưng liệu điều này có thực hiện được hay không, thưa Giáo sư?
Mọi việc đang được xúc tiến. Tuy nhiên, nếu đem được toàn bộ những tư liệu này về nước thì tôi rất vui mừng, bằng như không đem về được tôi cũng chẳng ân hận, vì mình đã hết lòng hết dạ thâu thập để cho dân tộc và đất nước, mà nếu hoàn cảnh không thuận tiện, cơ duyên chưa tới thì có băn khoăn mấy cũng chẳng giải quyết được gì. Đó chỉ là một ước mơ, còn trong cuộc sống bao giờ tôi cũng quán chiếu hiện tại và hài lòng với những gì mình có.
____
Xin cảm ơn Giáo sư về buổi nói chuyện ngắn ngủi và thú vị này. Chúng tôi chúc Giáo sư đạt được mọi ước nguyện trong năm 2004.