Chúng ta học được nhiều thứ từ phim và những dạng nghệ thuật khác: lịch sử, sự kiện khoa học… một cách đầy hứng thú và nhớ lâu. Thật vậy, khi khoa học đi vào thế giới hư cấu, nó lôi cuốn, trở nên dễ hiểu hơn đối với đa số quần chúng. Ngược lại, khoa học cũng được truyền cảm hứng từ truyện giả tưởng, cho ra những khám phá mới.
Nguyên tử chuyển động
Nhà vật lý Don Eigler, thuộc tập đoàn IBM, khám phá ra rằng có thể tái tổ chức các nguyên tử. Năm 1989, ông đã thành công trong việc phối hợp 35 nguyên tử xenon và đặt tên cho thành quả ấy là “IBM”. Nguyên tắc: điều khiển các nguyên tử bằng một vật nhọn và mảnh, khiến chúng chuyển động.
Sau Don Eigler, nhiều nhà vật lý khác cũng khiến các nguyên tử di động, thậm chí viết và vẽ với chúng. Cảm hứng nghệ thuật từ phát hiện trên là một phim hoạt hình về các nguyên tử có tựa A Boy anh His Atom, trong đó các nguyên tử mang dạng một bé trai, vẻ vui tươi.
Lucy
Lucy hẳn là một trong những vật hóa thạch mang tính biểu tượng hơn cả trong lịch sử nhân loại. Suốt một thời gian dài, Lucy được xem như tổ tiên xưa nhất của loài người, sống cách nay khoảng 3,2 triệu năm. Sự nổi tiếng của nhân vật cổ xưa này đã gợi cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ trong nhiều lĩnh vực.
Chẳng hạn ban nhạc The Beatles với bài hát Lucy in the sky with Diamonds, hay phim Lucy với các diễn viên chính Scarlett Johannson và Morgan Freeman.
Sonic hedgehog
Sonic hedgehog (SHH) là gien có chức năng gây nhiều dạng phát triển nơi người, chẳng hạn phân chia não thành 2 phần. Tên khá lạ của gien này được đặt bởi 2 nhà khoa học phát hiện nó trong thập niên 1990: Christiane Nusslein-Volhard (giải Nobel Sinh lý học và Y học 1995) và Robert Riddle.
Nhà nữ sinh vật học người Đức đặt tên “hedgehog” (nhím) cho gien này, còn Robert Riddle thêm từ “Sonic”, được gợi ý từ Sonic the Hedgehog, nhân vật trong phim hoạt hình và trò chơi video của cô con gái 6 tuổi.
William Gibson và Internet
Khi các tiểu thuyết gia hay kịch tác gia tưởng tượng thế giới tương lai sẽ ra sao, rốt cuộc khi tương lai ấy trở thành hiện thực, thường có một sự chênh lệch giữa hư cấu và cuộc sống thật.
Tuy vậy, một số tác giả đôi khi có dự đoán khá chính xác về tương lai, chẳng hạn trường hợp nhà văn William Gibson, vào năm 1980, dự báo một thế giới tương lai rất giống với thế giới chúng ta hiện tại, trong tiểu thuyết Neuromancer, đặc biệt những gì liên quan đến Internet. William Gibson cũng nổi tiếng vì phát minh từ “cyberspace”.
Cthulhu
HP Lovecraft là một trong những tác giả tài năng về truyện viễn tưởng. Ông không theo học đại học và không thuộc cộng đồng khoa học. Tuy vậy, ông đã sáng tạo Cthulhu, một thực thể vũ trụ được định hướng theo sự hủy hoại và hỗn loạn. Sáng tạo một quái vật mang tính huyền thoại là điều chẳng có gì đặc biệt, thế nhưng huyền thoại Cthulhu lại khác hơn, khi ứng với vũ trụ dưới cách nhìn tổng quát theo khoa học.
Về mặt khoa học, nhiều sinh vật có nhiều nét tương đồng với quái vật do HP Lovecraft tạo ra, dưới tên Cthulhu. Chẳng hạn một con nhện có tên Pimoa Cthulhu, những vi khuẩn tên Cthulhu macrofasciculumque và Cthylla microfasciculumque, cả một miền trên hành tinh Pluton cũng mang tên Cthulhu.
The Lord of the Rings (Chúa tể những chiếc nhẫn)
Tiểu thuyết The Lord of the Rings của nhà văn J.R.R Tolkien không chỉ được chuyển thể thành phim rất được hâm mộ trong nghệ thuật thứ bảy, mà còn là một nguồn cảm hứng vô tận đối với cộng đồng khoa học. Chẳng hạn một công ty mang tên Palantir được gợi ý từ quả cầu pha lê trong phim. Công ty này làm việc vơi CIA và NSA (Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ).
Cũng có những nghiên cứu khoa học khảo sát những mẫu khí hậu trong Middle-earth để thực hiện một phép ngoại suy về thế giới thật. Ngay cả khi một số ý kiến cho rằng những nghiên cứu trên xem ra vô ích, nhưng khoa học ẩn sau những nghiên cứu như vậy vẫn giữ tầm quan trọng.
Chương trình Watson của IBM
IBM là một trong những nhà tiên phong về phát triển khoa học và công nghệ trong thời đại của chúng ta. Chẳng hạn IBM đã sáng tạo một siêu máy tính có khả năng thắng một người trong những trò chơi về chiến lược, dựa trên những thống kê và xác suất.
- Xem thêm: Nghề sáng tạo ngôn ngữ cho phim
Chương trình này mang tên Watson, nhằm vinh danh Thomas J. Watson, nhà sáng lập công ty IBM. Chương trình này thoạt tiên được dùng để dành phần thắng khi đánh cờ, còn hệ thống Watson của IBM hiện nay được sử dụng trong mọi ngành thuộc tin học.
Nghiên cứu khoa học trong không gian giữa các vì sao
Không gian là một trong những nguồn gợi cảm hứng dồi dào nhất cho những phim khoa học viễn tưởng. Trong nhiều trường hợp, các sự kiện khoa học thật đã được giảm nhẹ rất nhiều để đại đa số quần chúng có thể hiểu được; bên cạnh đó, một số đạo diễn cũng thành công đạt thành công khi dựng phim trung thực với khoa học, và cho ra một tác phẩm chuyển thể thích hợp với trình độ hiểu biết của đại chúng. Như trường hợp phim Interstella của đạo diễn Christopher Nolan qua lựơc tả một lỗ đen.
Vực thẳm đại dương
Còn đạo diễn James Cameron quyết định thể hiện đáy đại dương theo cùng cách. Để làm được điều này, tác giả của các phim đình đám Titanic và Avatar hợp tác với các nhà khoa học để có cái nhìn khái quát về đáy vực Mariana, được đặt tên Challenger Deep.
Tại sao đạo diễn lại muốn tiến hành một cuộc phiêu lưu nguy hiểm như vậy? Câu trả lời rất đơn giản: đạo diễn muốn tận mắt thấy những mảnh tàu đắm Titanic trước khi thực hiện phim, và có thể khẳng định cuộc thám hiểm ấy rất đáng công, rất có lợi.
Cái giá của sự phá hủy ngôi sao chết
Star Wars được xem là phim mang tính biểu tượng cho văn hóa dấn thân, và nhiều nghiên cứu khác nhau về đề tài này đã được tiến hành. Một trong những công trình có thể được xếp hạng khoa học liên quan đến Star Wars là sự ý thức về yếu tố kinh tế nảy sinh do sự phá hủy 2 tinh tú chết.
Nghiên cứu ấy được thực hiện bởi GS Zachary Feinstein (Đại học Washington) và kết quả đã được công bố vào năm 2015 trong một bài có nhan đề “It’s a Trap: Emperor Palpatine’s Poison Pill”. Theo đó, nếu dựa trên các yếu tố của nền kinh tế thật vào năm 2012, phí tổn việc phá hủy 2 sao chết có thể lên đến 419 tỷ USD.