Trong khi các tác phẩm văn học thường được viết như một phép ẩn dụ cho xã hội đương đại thì một số tác giả lại đưa ra dự báo có độ chính xác đáng kinh ngạc như hai tiểu thuyết dưới đây.
Trò đùa vô tận
Trò đùa vô tận (Infinite Jest) của nhà văn Mỹ, David Foster Wallace (1962-2008), một trong những nhà văn được tờ Los Angeles Times đánh giá là “người có ảnh hưởng nhất và cách tân nhất trong vòng hai thập kỷ trở lại đây”, cây bút có ảnh hưởng lớn đến thế hệ của mình mặc dù là “nhà văn xa lánh xã hội”.
Infinite Jest dài gần một ngàn trang, nhưng lại có hơn 100 trang chú thích nói về những dự báo tương lai. Sách được tài trợ bởi một số công ty, xuất hiện trên văn đàn năm 1996, tuy không ghi số năm cụ thể nhưng được hình tượng hóa như Năm của Loài vật khổng lồ, Năm của Người trưởng thành lệ thuộc….
Do phạm vi của cuốn sách, cốt truyện không thể tóm tắt trong một vài câu, nhưng nó lại tập trung vào một học viện quần vợt và một ngôi nhà dành cho người nghiện. Cả hai đều ở Boston, dưới quyền Tổ chức các quốc gia Bắc Mỹ (ONAN), trong đó, Mỹ đã ép Canada và Mexico cũng tham gia với mình với tư cách là một siêu cường.
Chính xác hơn, Infinite Jest kể câu chuyện một sinh viên học trường tennis Boston băn khoăn với các câu hỏi của cuộc đời, song song với câu chuyện của một con nghiện sống tại trung tâm phục hồi sau cai nghiện – nước Mỹ giữa đỉnh cao quyền quý và vực thẳm ma túy. Có một vài nhóm nhân vật trong cuốn sách đang tìm kiếm một bộ phim bị mất có tên Entertainment (Giải trí). Bộ phim được cho là rất thú vị, hay đến nỗi nếu ai đó đã xem thì không thể bỏ dở. Họ sẽ không làm gì khác ngoài việc xem phim, thậm chí còn quên cả ăn uống và cuối cùng đột tử khi đang theo dõi phim trên màn ảnh.
Bằng nhiều cách, tiểu thuyết của Wallace đã tiên đoán về cuộc sống đương đại khá chính xác. Dự báo cách con người sẽ tiêu thụ phương tiện truyền thông và nỗi ám ảnh của nhân loại đối với giải trí.
Trong Infinite Jest, mọi người không thể tách rời các phương tiện truyền thông như điện thoại, tivi, máy tính…. Mọi người có thể download phim và chương trình TV ra khỏi InterLace để xem bất cứ khi nào nếu muốn và sau đó, nghe điện thoại bằng nút tai trắng. Tất nhiên, tất cả những phát minh đó đều phổ biến, mặc dù không chính xác như cách mà Wallace hình dung về nó.
Điện thoại trong Infinite Jest giống điện thoại thông minh bởi khi viết tiểu thuyết, Wallace không biết được rằng điện thoại di động ngày càng nhỏ và thông minh, nằm gọn trong lòng bàn tay con người. Còn InterLace (phương pháp mã hóa hình ảnh bitmap sao cho một người đã nhận được một phần nó nhìn thấy một bản sao xuống cấp của toàn bộ hình ảnh) lại rất giống Netflix (dịch vụ truyền dữ liệu video theo yêu cầu trên toàn cầu, thuê DVD trả phí tại Mỹ, nơi DVD và đĩa Blu-ray được gửi thông qua thư điện tử bởi Permit Reply Mail). Tuy nhiên, Wallace nghĩ rằng một hệ thống như Interlace sẽ là cái chết của quảng cáo truyền hình. Cuối cùng, nút tai sẽ là dạng nhét Apple Apple.
Wallace cũng đã dự báo về điện thoại video, điều được nhiều nhà văn khác đưa ra trước đó, nhưng cái khác ở chỗ Wallace có một cái nhìn sâu sắc và thú vị hơn. Trong Infinite Jest, các videophone chỉ là mốt nhất thời vì mọi người không thích nhìn thấy mình trên màn hình. Trong cuộc sống thực, có nhiều lý do mọi người không nên sử dụng trò chuyện video thường xuyên như nhắn tin.
Một lý do khác: mọi người không thích nhìn thấy hình ảnh của mình. Cuối cùng, Wallace đưa ra dự báo về sự trỗi dậy của Donald Trump; theo nhà văn, nhân vật này sẽ trở nên đình đám vào giữa những năm `1990 và sau đó sẽ trở thành tổng thống tương lai của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Ngay từ khi mới ra đới, Infinite Jest đã gây nhiều xôn xao, dù thích hay không, người ta đã công nhận nó là cuốn bách khoa thư về nền văn minh phương Tây, chuyến du hành xuyên qua các vực thẳm của loài người đầy rẫy những nghiện ngập chết chóc. Với cấu trúc câu cực kỳ phức tạp và lồng chéo, người đọc khá mệt mỏi khi giở hết cuốn sách dày cộp mà có một tỉ lệ không nhỏ nằm trong phần chú thích, và chỉ đủ kiên nhẫn nhờ giọng mỉa mai và châm biếm khá đặc biệt của tác giả.
Dù ai khen ai chê, tác phẩm Infinite Jest cũng rất Wallace; người ta không thể liệt nó vào dạng nào của văn học: trong tương lai nhưng không viễn tưởng, quá hài hước để được gọi là công trình nghiên cứu nhân chủng học, quá tưng tửng để được gọi là một phóng sự, và gọi là trào phúng thì lại không chính xác bởi nó quá dài và tỉ mỉ…
Người chơi piano
Người chơi piano (Player Piano) là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Mỹ Kurt Vonnegut, ấn hành năm 1952 dự báo về những gì diễn ra trong tương lai gần. Vì mọi người cần biết phải chống lại chiến tranh nên các nhà máy cần được thiết kế để hoạt động tự chủ và độc lập. Ngoài ra, máy tính sẽ lên ngôi để cho các nhà máy biết thế giới cần bao nhiều sản phẩm.
Mặt trái của tự động hóa khiến số người thất nghiệp gia tăng nên chỉ những người quản lý và kỹ sư, những người có bằng tiến sĩ mới được tuyển dụng để tham gia vào Đoàn quân Tái thiết hay Liên minh Tái thiết. Tuy nhiên, ở trong các đoàn quân này, những người nói trên cũng “không có gì để chiến đấu”. Về cơ bản, Player Piano dự báo về cuộc cách mạng tự động hóa có thể khiến cuộc sống trở nên vô dụng đối với nhiều người.
Với Player Piano, Vonnegut đã dự báo chính xác sự phát triển của tự động hóa trong xã hội, khiến mọi người mất việc. Đội quân thất nghiệp sẽ xuất hiện ở các nước đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ hoặc ở nhóm người nhập cư, nhưng đó không phải là trường hợp ngoại lệ.
Kể từ năm 2000, Mỹ đã mất 5 triệu việc làm, nhưng sản lượng của Mỹ lại tăng lên trong thời gian đó. Điều này có nghĩa con người phải nhường lại việc cho máy tính và robot, không phải cho các quốc gia khác hoặc cho những người khác. Qua Player Piano, Vonnegut muốn đưa ra một tầm nhìn về vai trò của trí tuệ trong tương lai. Theo tác giả, công nghệ đang là tâm điểm của cuộc sống hiện đại.
Nhưng khi các hệ thống điện tử và máy tính trở nên phức tạp, cuộc sống của con người sẽ ngày càng lệ thuộc vào những người tạo ra các hệ thống trên, đó chính là các kỹ sư. Cuốn sách miêu tả một tương lai gần, trong đó xã hội gần như được tự động hóa hóa hoàn toàn mà không cần có lao động con người. Trong tiểu thuyết, máy móc tự chế tạo máy móc, nắm quyền tuyển dụng con người và thậm chí đánh bại những kỳ thủ cờ vua giỏi nhất thế giới.
Trong bài viết “Kỹ sư chính là những người nắm tương lai” (Engineers Own the Future-and Maybe Even Us). khi đánh giá về dự báo của Player Piano, tác giả Jamie Condliffe cho rằng Vonnegut có trí tưởng tượng về tương lai đáng kinh ngạc. Những điều ông viết dường như đã trở thành hiện thực. Thế giới của chúng ta đang rất giống những gì được miêu tả trong Player Piano.
Máy in 3D có thể xây một ngôi nhà, phần mềm của Uber tự quyết định chọn tài xế cho khách hàng, và Google đã tạo ra một chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đánh bại nhà vô địch cờ vây thế giới. Cùng với cái được, Vonnegut cũng tiên đoán thấy mặt trái của nó, tự động hóa gây chia rẽ xã hội.
Tầng lớp thượng lưu giàu có, gồm các kỹ sư và nhà quản lý, là những người nắm quyền điều khiển xã hội. Tầng lớp thấp hơn gồm những người có trình độ thấp sẽ bị thay thế bởi máy móc. Các kỹ sư thì sống tốt, tiệc tùng, nhà lầu, giàu sang và quyền lực. Xa hơn, nếu thế giới của chúng ta đi theo chiều hướng này thì rõ ràng, sự phân hóa giàu nghèo sẽ càng thêm rõ hơn. Thay vào đó, những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất sẽ thuộc về ngành công nghệ.
Khi công nghệ làm chủ, nó sẽ thao túng các lĩnh vực khác, kể cả chính trị, tòa án, nhân hàng…. Trong Player Piano, phần còn lại của xã hội, những người bị công nghệ lấy mất việc làm, phải sống trong khó khăn. Theo dự báo của Đại học Oxford, có tới 47% công việc có nguy cơ bị đào thải do tự động hóa, nhưng công nghệ lại không tạo ra việc làm mới đủ nhanh để bù lại tốc độ mất việc làm.
Nếu điều này tiếp tục xảy ra thì thị trường lao động tiếp tục bị mất cân đối, nhiều công việc kỹ năng trung bình, từ thư ký pháp luật, kế toán, cho đến nhân viên pha chế và thậm chí nhà báo, có thể bị thay thế bởi robot và AI (trí tuệ nhân tạo).
Tương lai của chúng ta vẫn còn là điều bỏ ngỏ. Nhưng có một thực tế là thế giới đang ngày càng lệ thuộc vào các chuyên gia công nghệ. Trong tiểu thuyết Player Piano, một nhóm nhỏ các kỹ sư bất mãn đã tiến hành đảo chính, vận động dân chúng tấn công hệ thống tự động hóa mà họ đã tạo ra nhưng họ đã thất bại.
Đấy là trong tiểu thuyết, còn thực tế? Trong tương lai, nhiều việc làm được dự kiến sẽ bị mất bởi tự động hóa. Máy bay không người lái đã được thử nghiệm để giao hàng bởi các công ty như Amazon. Đáng chú ý, vào năm 2020, xe hơi tự lái dự kiến sẽ là tiêu chuẩn và như vậy công việc lái xe sẽ tựu động “tuyệt chủng”.
Cũng theo dự kiến, trong 20 năm tới tại một quốc gia như Canada, cứ 10 đầu việc thì sẽ có 4 bị tự động hóa chiếm mất. Vậy bạn phải làm gì? Tham gia Quân đoàn Tái thiết hay Liên minh Tái thiết để đảm bảo cuộc sống tương lai cho bản thân và gia đình?