Việt Nam, Lào, Campuchia, Mông Cổ và Myanmar là một trong số ít các nước tiếp tục tăng trưởng trong bất cứ kịch bản dự báo kinh tế nào, dù vậy mức tăng trưởng sẽ thấp hơn nhiều so với năm ngoái.
Đây là nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) trong một bản báo cáo nhan đề “Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) trong thời kỳ Covid-19” vừa công bố.
Trong kịch bản xấu nhất của dịch Covid-19 mà báo cáo của WB đưa ra, khu vực EAP có thể chứng kiến cú suy giảm kinh tế tồi tệ nhất trong hơn hai thập kỷ, khiến phần lớn châu Á rơi vào cơn suy thoái kéo dài. EAP bao gồm các nước Trung Quốc, Mông Cổ, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor, Philippines, Indonesia, Malayasia, Thái Lan, Singapore, Việt Nam và các quốc đảo Thái Bình Dương.
– Tải báo cáo đầy đủ tại đây –
Tất cả các nước EAP và bên ngoài khu vực này phải nhận thức rằng bên cạnh các hành động quyết liệt của mỗi nước để khống chế dịch Covid-19, đào sâu hợp tác quốc tế là liều vắc-xin hiệu quả nhất để chống lại mối đe dọa kinh tế của dịch bệnh này.
Khuyến Nghị Chính
Các nền kinh tế đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (ĐÁ-TBD) đang cố gắng chống căng thẳng thương mại quốc tế và dịch bệnh COVID-19, nay lại phải đối mặt với cú sốc toàn cầu khi đại dịch tấn công các nền kinh tế lớn trên thế giới. Các quốc gia ĐÁ-TBD cần nhanh chóng hành động ngay, theo hướng hợp tác, và ở quy mô lớn. Báo cáo này đưa ra sáu khuyến nghị chính sách chính cho các quốc gia:
- Điều chỉnh cả chính sách y tế và chính sách kinh tế vĩ mô. Để ngăn ngừa lây nhiễm, chính phủ nhiều nơi đang áp dụng các biện pháp kiểm soát truyền nhiễm như cấm đi lại và đóng cửa ở nhà để “làm phẳng đường cong đại dịch”. Song song với đó, để giảm thiểu hệ quả là tác động kinh tế bất lợi, chính phủ các nước còn tiến hành các biện pháp tiền tệ, tài khóa và tái cơ cấu để “làm phẳng đường cong suy thoái”. Ngoài ra, đầu tư sớm hơn cho y tế có thể giảm nhu cầu phải tiến hành các biện pháp phòng ngừa tốn kém khi đại dịch tấn công. Chẳng hạn, các quốc gia như Sing-ga-po và Hàn Quốc dường như đã có lợi qua việc xét nhiệm, theo dõi và cách li ở mức độ cao.
- Khẩn trương nâng cao năng lực chăm sóc y tế để đáp ứng nhu cầu có thể tăng vọt trong giai đoạn kéo dài. Ngoài việc mở rộng các cơ sở y tế truyền thống và các nhà máy sản xuất thiết bị, cần phải có các biện pháp đổi mới sáng tạo để chuyển đổi giường bệnh thông thường thành giường hồi sức tích cực và nhanh chóng đào tạo nhân lực cho ngành chăm sóc y tế cơ bản. Để đảm bảo người nghèo được tiếp cận đầy đủ, cần phải cung cấp dịch vụ xét nhiệm và điều trị miễn phí hoặc theo giá trợ cấp.
- Điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ để ứng phó với khủng hoảng COVID-19. Chính sách kinh tế vĩ mô nới lỏng không giúp gì nhiều trong việc đẩy mạnh sản xuất và tạo việc làm trong những giai đoạn người lao động buộc phải ở nhà. Thay vào đó, cần thực hiện các biện pháp tài khóa hỗ trợ công tác ứng phó y tế công cộng và trợ cấp xã hội nhằm chống đỡ các cú sốc, đặc biệt cho những người dễ tổn thương nhất về kinh tế. Chẳng hạn, trợ cấp nghỉ ốm và dịch vụ y tế có thể làm giảm căng thẳng, giúp hỗ trợ kiềm chế bệnh dịch. Mở rộng mạng lưới an sinh xã hội cũng giảm bớt gánh nặng phần nào cho những hộ gia đình thu nhập sụt giảm do ảnh hưởng dịch bệnh. Cung cấp bữa ăn học đường và hỗ trợ khác cho học sinh khi trường học đóng cửa, đồng thời hỗ trợ tìm việc làm để giúp người lao động tái hòa nhập kinh tế sau dịch bệnh là những biện pháp đảm bảo rằng khó khăn tạm thời không biến thành tổn thất dài hạn về nhân lực. Tương tự, tăng thanh khoản có thể giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động và duy trì được những kết nối có lợi với các Chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).
- Trong khu vực tài chính, cần giúp các hộ gia đình tiếp cận tín dụng dễ hơn để giúp họ vượt qua khó khăn và bình ổn tiêu dùng, đồng thời nới lỏng cơ hội tiếp cận thanh khoản cho doanh nghiệp để giúp họ sống sót qua thời kỳ bị gián đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần đảm bảo công khai thông tin về rủi ro và thông báo rõ ràng về nhu cầu giám sát để tránh bất ổn tài chính, đặc biệt ở những nền kinh tế có nợ khu vực tư nhân ở mức cao. Đối với các nước nghèo, xoá nợ là cần thiết, sao cho nguồn lực quan trọng có thể được tập trung quản lý tác động kinh tế và y tế của đại dịch.
- Chính sách thương mại mở phải được duy trì. Để duy trì sản xuất hàng cung ứng thiết yếu cho người tiêu dùng trong nước, một số quốc gia bắt đầu hạn chế xuất khẩu các mặt hàng y tế. Lý thuyết kinh tế và kinh nghiệm gần đây cho thấy các biện pháp đó về lâu dài thực chất là có hại cho mọi quốc gia, nhất là những nơi chính quyền còn non yếu.
- Trong tất cả các vấn đề trên, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tăng cường hợp tác công tư, đặc biệt nhằm đảm bảo nguồn cung các mặt hàng y tế quan trọng. Tất cả các quốc gia phải ghi nhận rằng tăng cường chiều sâu hợp tác quốc tế là liều vắc-xin hiệu quả nhất để chống lại nguy cơ do vi-rút gây ra, ngoài các biện pháp mạnh mẽ trong nước.
Những Phát hiện Chính
Sau khi dịch COVID-19 lan tràn và biến động tài chính tăng cao, triển vọng tăng trưởng cho khu vực vào năm 2020 bị điều chỉnh giảm mạnh.
- Dự báo tăng trưởng chính xác là việc rất khó trong môi trường thay đổi nhanh chóng. Vì vậy, báo cáo này trình bày cả kịch bản cơ sở và kịch bản cho tình huống kém hơn.
- Tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển Đông Á và Thái Bình Dương được dự báo theo kịch bản cơ sở sẽ giảm còn 2,1% và theo kịch bản tình huống thấp hơn sẽ giảm xuống mức âm 0,5% vào năm 2020, so với dự báo 5,8% vào năm 2019. Tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo theo kịch bản cơ sở sẽ giảm còn 2,3% và theo kịch bản tình huống thấp còn 0,1% vào năm 2020, so với 6,1% vào năm 2019.
- Tăng trưởng ở khu vực ĐÁ-TBD không tính Trung Quốc được dự báo theo kịch bản cơ sở sẽ giảm từ 4,7% năm 2019 xuống 1,3% và theo kịch bản tình huống thấp hơn còn âm 2,9% năm 2020. Tăng trưởng dự báo sẽ bật lại vào năm 2021 khi tác động của vi-rút tiêu tan.
Trung Quốc đã phải chứng kiến các hoạt động kinh tế lao dốc.
- Trong tháng 2, chỉ số nhà quản trị mua hàng sụt xuống dưới ngưỡng 50 điểm, là mốc ranh giới giữa tăng trưởng và suy giảm theo tháng. Mức giảm diễn ra mạnh hơn và rộng hơn so với đại suy thoái, xuống 36 cho các ngành chế tạo chế biến và 30 cho các ngành ngoài chế tạo chế biến. Sản xuất công nghiệp lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng âm sau hơn 30 năm.
- Hiện còn chưa rõ chính phủ Trung Quốc có thể khởi động lại các hoạt động kinh tế nhanh như khi bị suy giảm đột ngột hay không. Nhiều doanh nghiệp công nghiệp lớn cho biết đã khôi phục sản xuất, nhưng còn nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang gặp khó khăn. Số liệu ước tính gián tiếp, chẳng hạn chỉ số về ô nhiễm cho thấy hoạt động kinh tế mới chỉ nhen nhóm dần ở Trung Quốc.
Cú sốc COVID-19 cũng tác động nghiêm trọng đến giảm nghèo trên toàn khu vực.
- Báo cáo ước tính kịch bản cơ sở về tăng trưởng, số người thoát nghèo toàn khu vực giảm 24 triệu người trong năm 2020 so với trường hợp không có đại dịch (theo ngưỡng nghèo 5,50 USD/ngày).
- Nếu tình hình kinh tế tiếp tục xấu đi, và kịch bản tình huống thấp hơn xảy ra, số người nghèo ước tính sẽ tăng khoảng 11 triệu người.
- Các dự báo trước đó đưa ra ước tính 35 triệu người trong khu vực sẽ thoát nghèo vào năm 2020, bao gồm trên 25 triệu người chỉ tính riêng ở Trung Quốc.
Các hộ gia đình có liên quan đến những ngành kinh tế bị ảnh hưởng bởi COVID-19 sẽ phải đối mặt với rủi ro ngày càng tăng là bị rơi vào cảnh nghèo đói, ít nhất trong ngắn hạn.
- Đó là các ngành như du lịch và bán lẻ tại Thái Lan, chế tạo, chế biến và dệt may tại Việt Nam
- Người lao động trong khu vực phi chính thức ở tất cả các nước đặc biệt bị ảnh hưởng và khó để hỗ trợ nhất.
- Các hệ thống tài chính trên toàn khu vực vẫn dễ bị tổn thương với các cú sốc bên ngoài, đặc biệt là các quốc gia có nợ khu vực tư nhân ở mức cao.
- Tỷ lệ tăng nợ ở Trung Quốc, In-đô-nê-xia, Ma-lay-xia, Phi-líp-pin và Thái Lan (ĐÁ-TBD-5) diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng nợ ở các quốc gia khác trên thế giới, chính vì vậy tỷ trọng nợ của Nhóm ĐÁ-TBD-5 trên tổng nợ toàn cầu đã tăng từ 3,4% năm 2005 lên đến 18% năm 2019.
Diễn biến đặc thù khác của quốc gia cũng ảnh hưởng đến triển vọng dự báo.
- Toàn bộ các quốc gia trong khu vực đều ghi nhận giảm mạnh dự báo tăng trưởng, chủ yếu do tác động lây lan dịch bệnh. Các diễn biến đặc thù của quốc gia, như hạn hán (ở Thái Lan) và cú sốc giá thương phẩm (Ma-lay-xia và Mông Cổ) cũng ảnh hưởng đến triển vọng dự báo.
Tại các quốc đảo vùng Thái Bình Dương, triển vọng năm 2020 đang chịu rủi ro lớn vì nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào viện trợ và du lịch.
- Diễn biến xấu của đại dịch COVID-19 và/hoặc hạn chế đi lại kéo dài/nghiêm trọng hơn càng gây thêm tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế trong từng quốc gia và trong khu vực trở nên nhạy cảm hơn và có thể thay đổi hàng ngày. Phân tích trong báo cáo này được lập dựa trên dữ liệu mới nhất ở cấp độ quốc gia vào ngày 27 tháng 3.