Hội chứng ngưng thở khi ngủ là hiện tượng khá phổ biến ở những người ngủ ngáy, nhất là ở độ tuổi trung niên. Người bệnh cảm thấy mình ngủ đủ thời gian, thậm chí ngủ sâu vào ban đêm nhưng hôm sau vẫn thấy mệt mỏi, buồn ngủ, đau đầu và kém tỉnh táo. Hội chứng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ mà còn có liên quan đến các bệnh tim mạch, thậm chí gây đột quỵ.
Người béo phì và ngủ ngáy rất dễ bị ngưng thở khi ngủ
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là hiện tượng ngưng thở hoàn toàn hơn mười giây và tình trạng ngưng thở xảy ra nhiều hơn 30 lần mỗi đêm. Hội chứng ngưng thở khi ngủ được chia làm ba loại: (1) Ngưng thở gây tắc nghẽn đường hô hấp trên do cơ giãn nở nhưng các cử động lồng ngực – bụng vẫn được duy trì; (2) Ngưng thở trung ương, là hiện tượng ngưng thở đồng thời không có cử động lồng ngực và bụng do cấu trúc bất thường của hệ thần kinh trung ương; (3) Ngưng thở hỗn hợp, là sự kết hợp cả hai loại nhưng thở tắc nghẽn và ngưng thở trung ương.
Trong ba loại trên, hội chứng ngưng thở tắc nghẽn đường hô hấp thường gặp nhất, chiếm đến hơn 80% người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ. Các yếu tố bất thường về giải phẫu ở đường hô hấp trên và những tình trạng liên quan với hội chứng tắc nghẽn mãn tính (ngạt mũi, khẩu cái mềm và lưỡi gà lớn, amidal lớn, lưỡi lớn và dày, họng miệng và hạ họng hẹp do niêm mạc và mô dưới niêm mạc quá dày, hàm nhỏ, hàm đưa ra sau, xương móng thấp hơn bình thường…) khiến đường thở bị hẹp lại, gây ngáy lớn và tắc nghẽn đường thở.
Hiện tượng ngưng thở làm lượng oxy trong máu giảm, tạo kích thích về não, gây phản xạ thức giấc trong phút chốc để các cơ ở hầu họng co lại, giúp lưu thông đường thở. Sau một khoảng thời gian ngắn, khi giấc ngủ sâu trở lại, các cơ này lại giãn nở, gây ngáy và ngưng thở lần nữa. Vì vậy, hiện tượng ngưng thở lặp đi lặp lại nhiều lần trong mỗi đêm, khiến người bệnh thức giấc nhiều lần trong suốt thời gian ngủ.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở tuổi trung niên. Theo một kết quả nghiên cứu gần đây, có hơn 30% nam giới và gần 20% phụ nữ ngủ ngáy thường xuyên bị ngưng thở ở nhiều mức độ khác nhau, trong số đó có khoảng 1/3 người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ ở mức độ nghiêm trọng. Người béo phì có nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ gấp ba lần những người bình thường. Ngoài ra, ngưng thở khi ngủ còn dễ gặp ở những người bị bệnh tiểu đường, bệnh suy tuyến giáp, bệnh Down hoặc nghiện rượu, dùng thuốc an thần hoặc thuốc gây nghiện làm giảm ức chế hô hấp, suy yếu phản xạ cơ vòm họng…
Hội chứng ngưng thở khi ngủ gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe
Người bị hội chứng này không thể ngủ đủ giấc và dễ bị thiếu oxy lên não nên hay bị nhức đầu, mệt mỏi và buồn ngủ ngay từ sáng hôm sau. Về lâu dài, người bệnh hay cáu gắt, kém tập trung, giảm trí nhớ và giảm ham muốn tình dục. Những người bị ngưng thở khi ngủ hay bị ngủ gục khi xem tivi, đọc sách báo, thậm chí khi đang làm việc hoặc đang lái xe. Số liệu thống kê cho thấy người bị hội chứng này có nguy cơ gây tai nạn giao thông nhiều gấp năm lần so với người bình thường.
Ngưng thở nhiều lần mỗi đêm gây tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim. Rất nhiều trong số những người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ bị bệnh cao huyết áp và nếu tình trạng bệnh kéo dài thì nguy cơ dẫn đến suy tim và đột quỵ khá cao.
Những người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ thường không tự nhận biết được. Vì vậy, người thân trong gia đình cần chú ý theo dõi để giúp họ phát hiện bệnh. Tình trạng ngủ ngáy lớn và ngưng thở rất dễ thấy khi bệnh nhân ngủ. Bệnh nhân hay ngáy liên tục, ngắt quãng khi nằm ở một vài tư thế nhất định, nhất là nằm ngửa.
Giảm cân là bước đầu tiên trong điều trị
Có nhiều phương pháp điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ. Việc chọn lựa phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh, các hiện tượng bất thường của đường hô hấp và các bệnh lý phối hợp.
Bước đầu tiên trong điều trị là bệnh nhân không để cơ thể bị béo phì để tránh sự lắng đọng mỡ ở đường hô hấp trên, đồng thời làm giảm bớt các yếu tố nguy cơ (giảm uống rượu, hạn chế dùng thuốc an thần, các loại thuốc giảm đau, thuốc ngủ, thuốc an thần, một số thuốc kháng histamine và các thuốc chống động kinh dùng vào ban đêm). Bệnh nhân có thể dùng thuốc nhỏ mũi khi bị nghẹt mũi hoặc đặt dụng cụ trong miệng giúp đưa hàm ra trước. Dùng hệ thống trụ nâng khẩu cái, dụng cụ giữ lưỡi là biện pháp điều trị hiệu quả đối với các bệnh nhân có hàm nhỏ, hàm đưa ra sau và lưỡi dày, tụt ra sau.
Một phương pháp hiện đang được sử dụng khá phổ biến trong điều trị ngưng thở khi ngủ là dùng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP). Hằng đêm, khi ngủ, bệnh nhân phải đeo mặt nạ nối với máy thở CPAP. Máy tạo luồng khí áp lực dương giúp đẩy không khí vào mũi, giúp cho đường thở mở rộng ra trong khi ngủ, nhịp thở sẽ trở nên đều đặn và không bị ngáy nữa. Phương pháp thở máy CPAP có hiệu quả cao, cải thiện được 95 – 98% trường hợp, nhưng việc đeo mặt nạ khi ngủ gây bất tiện và khó chịu cho bệnh nhân sử dụng, không phải ai cũng thích nghi được ngay.
Từ năm 1981, phẫu thuật tạo hình lưỡi gà – khẩu cái – họng (UPPP) giúp cải thiện đáng kể với những bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ nặng. Tuy nhiên, sau một thời gian, bệnh nhân có thể bị ngưng thở trở lại và không giữ được mức oxy ổn định trong máu.
Phẫu thuật treo xương móng nhằm làm rộng đường thở được các bác sĩ trên thế giới đánh giá là khá hữu hiệu trong điều trị ngưng thở khi ngủ, đặc biệt khi kết hợp phẫu thuật này với phẫu thuật tạo hình lưỡi gà – khẩu cái – họng và phẫu thuật ở mũi. Ngoài ra, phẫu thuật xương hàm trên và hàm dưới cũng giải quyết được một phần bất thường gây ngưng thở khi ngủ.