Bà xã cầm tờ báo đưa tôi: “Anh xem, báo này họ có sáng kiến hay lắm, xin mời bạn đọc đặt hàng cho chúng tôi viết những vấn đề bạn cần… Ai nghĩ ra cái này giỏi quá. Em sẽ đặt hàng đây”. Tôi nói, các nhà báo họ cũng lặn lội và sát bạn đọc, sát cuộc sống để viết bài.
Là vì bây giờ cả thế giới cũng vậy chứ đâu chỉ nước mình, báo giấy giảm nhiều vì mạng internet phát triển, họ phải tìm cách tồn tại.
Bà xã nói: “Em chẳng lo Biển Đông, chuyện lớn ấy em chưa đủ tầm, dành cho quốc sự. Em là em lo, tại sao mình không thể xuất khẩu tầm bậy, đố anh xuất khẩu hàng kém chất lượng vào Nhật được đấy, mà các chất độc từ Trung Quốc cứ tràn sang nước mình thoải mái được?”.
Tôi cười: “Tưởng gì chứ em đặt hàng như thế, báo chí họ sẽ nói “cũ rồi nàng ơi”. Ngày nào chẳng có tin tức về chất độc, bún màu óng ánh làm từ chất huỳnh quang, sợi dai trong suốt, ngửi không chua, để mấy ngày không thiu. Nào là từng củ khoai tây được làm công phu, bọc đất Đà Lạt và có cả máy nhuộm màu hẳn hoi.
Mọi thủ thuật, địa chỉ bán, người ta cũng đưa lên mặt báo hết còn gì. Kể từ cái ngày chất phoọc-môn có trong bánh phở được phát hiện đến nay, có biết bao nhiêu bài báo về hóa chất và cách tẩm ướp, từ chiếc kẹo lạc có chất tráng gương cho đến con cá mớ rau, con người ta đã đi đến kết luận bị thập diện mai phục và ăn gì cũng chết, biết làm sao… Có gì mới đâu nào mà em hiến kế?”.
- Xem thêm: Fake News – Tin giả
“Có chứ. Báo chí chỉ mới làm tốt việc “hô hoán” có độc đấy bà con ơi, rõ nhất là bà con cạch hẳn trái cây như táo nho lê Tàu (chỉ thấy xuất hiện khi phải dùng số nhiều như cỗ mời đám ma, hoặc uống nước sinh tố táo lê là không thể biết được đâu là của Mỹ, Úc, đâu là của Tàu).
Còn trong gia đình, bà nội trợ đã tẩy chay rồi. Nhưng em hiến kế đặt hàng là hãy giải quyết câu hỏi: “Làm gì để chống? Cơ quan nào, ông bà nào có trách nhiệm và biên giới thương mại được kiểm soát như thế nào kia! Chứ không dừng ở chỗ phản ánh có độc”.
Tôi phì cười, tưởng gì, chứ biên giới thì chẳng cần báo chí nói. Ai chẳng biết núi liền núi sông liền sông, người dân làm cửu vạn, tức là tình nguyện xé nhỏ lẻ, mỗi người là một “chiến sĩ” cõng hàng lậu. Mặt trận nhân dân rộng lớn thế thì ai làm gì nổi. Lòng người đã tự nguyện như thế có trời chống.
Vậy ra chịu à? Tức là người dân tự nguyện đem của độc về tự đầu độc mình à? Không hiểu các vị lãnh đạo cao cấp và vợ con họ ăn uống thực phẩm ở đâu? Trồng riêng trang trại và chở chuyên cơ à?
Hay là vẫn phải đi siêu thị, vẫn phải nghe báo chí dẫn lời nhà chuyên môn khuyên làm thế nào tiêu dùng thông minh, chọn các nhãn hiệu có tiếng, có nguồn gốc rõ ràng? Bao nhiêu cán bộ đi nhậu tối ngày, về các tỉnh mà xem, có ngày nào lại không được mời đi nhậu?
Ôi thôi, nói đến nhậu thì lại tha hồ mà phong phú. Người Việt ở top đầu thế giới đủ thứ đó thôi, uống bia, phá thai, tìm web sex… đều có hạng. Đặc biệt, ung thư ở Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu thế giới rồi.
Nghe nản quá. Chống tham nhũng thì hiệu quả thấp, quen với đàn sâu, giáo dục, y tế, giao thông, cho đến đời sống tinh thần thì toàn đọc các cô gái đẹp ăn nói cư xử nhảm nhí, nếu kể hết thì hóa ra toàn một màu đen kịt à?
Tìm nhân vật để “trò chuyện, gặp gỡ” bây giờ khó quá, cạn nguồn rồi. Người tử tế đưa lên lại chẳng đọc, chỉ tìm cái gì giải trí. Vì cuộc sống căng thẳng quá. Thế nên báo chí họ chạy theo câu view (thì có số liệu đếm được hẳn hoi, bạn đọc đừng chối nhé), họ chiều thượng đế bạn đọc, nên họ mới đông như bầy “kền kền” chầu chực phiên tòa xử hoa hậu bán dâm chứ.
- Xem thêm: Tin nóng
Thế nên có người đã góp ý, “đặt hàng” cho báo chí là, “các em ấy có lỗi, đã khổ đã nhục lắm rồi, đừng lôi ra làm nhục các cô gái lần nữa trên báo chí. Có những nỗi nhục lớn hơn cả ngàn lần thì phải câm nín, sao không tha cho các em ấy một lần đi, nhà báo ơi”…
Nói riết rồi chẳng thấy đặt hàng gì mới, mà giống như quay ra phê bình báo chí vậy. Hỏi đề xuất đặt hàng vậy có khôn hay không? Chẳng thấy đâu ích lợi, trước mắt là vợ chồng tôi cãi nhau một trận suýt thì đập bể cả mâm cơm.
Giống vợ chồng anh bạn tết năm nào. Ngổn ngang thịt, gạo, đậu xanh ngoài sân, trong nhà họ đang cãi nhau vì… bức tường Berlin sụp đổ là tốt hay xấu…