Có bệnh thì tìm đến thuốc, đến thầy. Với sự phát triển của y học và công nghệ ngày nay, các bác sĩ đã có thể chữa lành cả nhiều chứng bệnh nan y.
Nhưng dẫu là chuyên gia cũng có lúc… lỡ tay. Bác sĩ cũng có thể sơ ý chẩn đoán nhầm, gây mê thất bại, xác định tử vong sai hoặc bỏ quên khăn phẫu thuật trong bụng bệnh nhân.
1. Bắt người bình thường trị liệu ung thư
Chẩn đoán nhầm bệnh nhẹ còn là chuyện quá sức tai hại; vậy mà vào năm 2009, một bệnh nhân tên Herlinda Garcia lại bị chẩn đoán sai thành người mắc bệnh ung thư.
Chỉ nghe hai tiếng “ung thư” thôi cũng đủ để một người suy sụp. Tất cả chúng ta đều biết, ung thư là loại bệnh gây chết người.
Nó vắt kiệt sức sống, biến một cơ thể khỏe mạnh thành ra dặt dẹo. Muốn chống lại bệnh ung thư, một bệnh nhân buộc phải trải qua quá trình trị liệu khủng khiếp.
Nó khiến họ đau đớn như chết đi sống lại không chỉ một, hai lần, mà cũng không đảm bảo là sẽ lành bệnh. Điều trị bằng bức xạ và hóa trị cũng gây tác dụng phụ tồi tệ như tổn thương phổi, rối loạn chức năng thần kinh, tim mạch, mất thính giác…
Và tiền trị liệu ung thư cũng cao ngất. Trừ trường hợp bắt buộc, các bác sĩ sẽ không để bệnh nhân phải trải qua khốn khổ cả về thể chất lẫn tài chính.
Tuy nhiên, khi khám cho Herlinda, bác sĩ Ahmad Qadri lại không chỉ đọc sai kết quả kiểm tra mà còn quên luôn việc xét nghiệm sinh thiết.
Hay tin dữ, Herlinda cảm tưởng như trời sập. Bà tuyệt vọng tới nỗi tính luôn chuyện làm đám tang cho chính mình. Chồng và 4 đứa con của Herlinda cũng đau đớn muốn quẫn trí, sợ Herlinda sẽ ra đi vĩnh viễn.
Không đầu hàng, Herlinda nỗ lực chịu đựng tận 8 vòng hóa trị, uống tất cả thuốc men được phát (mọi loại thuốc dùng chữa ung thư đều gây độc hại cho cơ thể). Thế mà, khi Herlinda đến gặp một bác sĩ khác, người này lại nói rằng bà không hề bị ung thư.
Dù Herlinda không hề mắc bệnh ung thư, bà cũng đã phải trải qua hai năm sống dở chết dở. Điên máu, Herlinda đâm đơn kiện Qadri. Khổ nỗi, bác sĩ này lại qua đời trước khi thủ tục tố tụng kết thúc.
Tòa án quyết định bồi thường cho Herlinda 367.000 đôla (tương đương 8,5 tỉ VNĐ). Chỉ quãng thời gian đã mất của bà là không cách nào lấy lại được.
2. Mất khả năng ghi nhớ vì chữa sâu răng
Việc của một nha sĩ là chữa lành mọi bệnh tật về răng miệng. Ngoài mớ răng lợi trong miệng, họ không đụng chạm gì đến các bộ phận nào khác của cơ thể người.
Thật là quái gở khi đổ lỗi gây ra bệnh mất trí nhớ cho một nha sĩ. Tuy nhiên, chuyện không tưởng này lại từng xảy ra.
Ngày 14-3-2005, một người tên William bước vào phòng nha sĩ để chữa sâu răng. Không hiểu sao, sau khi chữa xong, bệnh nhân này lại không thể ghi nhớ thêm bất cứ điều gì nữa. Mãi mãi trong đầu William chỉ là ngày 14-3-2005 và những ký ức trước ngày 14-3-2005.
Trước hiện trạng của William, các nha sĩ chỉ còn biết vò đầu bứt tai. Ban đầu, họ cho rằng tình trạng mất khả năng ghi nhớ của anh là do thuốc tê gây ra xuất huyết não. Nhưng xét nghiệm lại chỉ ra thuốc tê không có tội vạ gì.
- Xem thêm: Chọn tên bệnh, một vấn đề hóc búa
Kiểu mất trí nhớ của William cũng khác biệt hoàn toàn với kiểu mất trí nhớ thông thường. Tại sao ký ức của người đàn ông này lại dừng lại vào ngày 14-3-2005, cho đến nay, chuyện đó vẫn còn là một bí ẩn.
3. Bỏ quên khăn phẫu thuật
Phẫu thuật về thực chất là mổ xẻ. Bác sĩ phẫu thuật sẽ mổ xẻ cơ thể bạn, cắt bỏ hoặc cấy ghép thêm thứ gì đó, xúc, rửa rồi khâu. Sai lầm trong khi phẫu thuật rất dễ xảy ra nhưng thường chỉ là cắt nhầm bộ phận hay vị trí.
Chuyện bỏ quên cái kéo hay con dao phẫu thuật trong ổ bụng bệnh nhân chỉ là tưởng tượng của những người ưa bịa đặt hù dọa thế gian.
Đừng vội yên tâm bạn nhé! Con người nhiều lúc còn ngớ ngẩn hơn chúng ta tưởng nhiều. Năm 2014, một người đàn ông đã trải qua ca tiểu phẫu dạ dày.
Ca tiểu phẫu thật sự không có gì nguy hiểm, trừ việc các bác sĩ đã đãng trí đến mức bỏ quên toàn bộ khăn phẫu thuật trong ổ bụng anh ta.
Sau ngày phẫu thuật dạ dày chỉ có vài tuần mà người đàn ông xui xẻo ấy sút những gần 20kg. Anh ta không thể tiêu hóa thức ăn và đi vệ sinh một cách bình thường nên buộc phải khám, chụp ổ bụng thêm lần nữa.
Những vật thể không thể xác định đã hiện lên trên phim X-quang. Các bác sĩ cứ ngỡ đó là các khối u, ai dè lại là khăn phẫu thuật. Bệnh viện của họ đã bị phạt 86.000 đôla (2 tỉ VNĐ) vì tội… biến ruột bệnh nhân thành giá phơi khăn.
4. Tỉnh dậy trên giường khám nghiệm tử thi
Nếu bị tử vong vì tai nạn, xác của người qua đời sẽ phải trải qua quá trình khám nghiệm tử thi để xác định rõ ràng nguyên nhân dẫn đến thiệt mạng. Carlos Camejo cũng vậy. Năm 2007, sau một tai nạn ôtô, ông bị đưa vào phòng khám nghiệm tử thi.
Kỳ cục là khi bác sĩ khám nghiệm đặt dao mổ lên mặt Camejo, họ lại thấy máu tươi chảy ra. Cảm nhận được có điều gì đó không đúng, họ liền dừng lại, lập tức khâu vết mổ. Khi vợ Camejo chạy đến xác nhận xác của chồng thì Camejo đã tỉnh dậy. Ông vẫn nhớ đã “bị đánh thức” vì quá đau. Thì còn cái đau nào đau hơn bị xẻ thịt.
Các bác sĩ đã phạm sai lầm hay Camejo là người tự hồi phục, chuyện ấy quá khó để xác định. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng may mắn với Camejo là một kiểu may mắn cực kỳ nhức nhối theo đúng nghĩa đen.
5. Xì hơi bốc lửa
Xì hơi là hoạt động sinh lý bình thường, dù nó cũng có chút xấu hổ và phiền phức nhẹ. Nhưng chỉ xì hơi mà cũng gây cháy nổ thì sao? Tất nhiên là không ai trong chúng ta có khả năng viễn tưởng ấy, trừ phi được “hỗ trợ” bởi sơ suất của y bác sĩ.
Năm 2016, một nữ bệnh nhân được đưa đến bệnh viện Đại học Y khoa Tokyo để phẫu thuật cổ tử cung. Đột ngột, một vụ nổ nhỏ đã xảy ra ngay giữa ca phẫu thuật, đốt cháy phần lớn cơ thể bệnh nhân, bao gồm cả eo và chân.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây cháy nổ là tia laser kết hợp với khí thải. Để điều trị cho nữ bệnh nhân này, bác sĩ phụ trách đã dùng tia laser chiếu vào phần dưới của cổ tử cung.
Vì bệnh nhân xì hơi, khí gaz trong bụng cô lan ra ngoài. Gặp tia laser, nó bắt lửa và gây cháy. Các bác sĩ có vẻ vô tội trong trường hợp này song, nếu họ lường trước mọi khả năng, chuyện đáng tiếc đã không xảy ra.
6. Tỉnh dậy giữa ca phẫu thuật
Như đã nói, phẫu thuật về thực chất là mổ xẻ. Để bệnh nhân không phải đối mặt với thực tế kinh khủng đó, y học đã phát triển cái gọi là gây mê.
Tùy vào thời gian phẫu thuật và sự nặng nhẹ của ca phẫu thuật, bác sĩ gây mê sẽ điều chỉnh liều lượng thuốc gây mê phù hợp. Song giả dụ như họ tính toán sai, chuyện gì sẽ xảy ra?
Trường hợp kinh dị nhất là bệnh nhân sẽ tỉnh giấc ngay giữa ca phẫu thuật. Vì thuốc gây mê còn gây tê liệt, họ sẽ hoàn toàn bất lực, muốn kêu la hay giãy giụa cũng không làm được, mà bác sĩ gây mê thì lại chỉ chăm chú vào các chỉ số trên màn hình máy đo.
Năm 2012, một bệnh nhân tên Simon Rosenqvist đã rơi vào trường hợp hiếm có khó gặp này. Ông phải trải qua ca phẫu thuật phổi dài 50 phút, nhưng chưa tới 20 phút trôi qua, Rosenqvist đã tỉnh lại.
Ông kinh hoàng nhận ra tình trạng của mình, muốn báo ngay cho y bác sĩ biết nhưng lại không thể nhúc nhích dù chỉ một ngón tay, hay thều thào lấy một tiếng.
Đau đến muốn loạn óc mà Rosenqvist vẫn đành bất động chịu trận. Ông cảm nhận rõ ràng từng đường dao, từng ngón tay chọc ngoáy trong khoang ngực của mình.
Biết Rosenqvist thức gần trọn quá trình phẫu thuật, bác sĩ phụ trách không tin. Rosenqvist bèn thuật lại chi tiết mọi việc diễn ra trong phòng mổ.
Sau khi kiểm tra lại, một bác sĩ đã thừa nhận có dấu hiệu cho thấy họ gây mê thất bại. Nhưng không có ai bị phạt vì vụ này. Chỉ có mình Rosenqvist là xúi quẩy lãnh đủ.