Trong khi thị trường bán lẻ của các nước trên thế giới và trong khu vực đang gặp khó do sự sụt giảm của nền kinh tế, người tiêu dùng không mạnh tay mua sắm thì tại Việt Nam, theo ông Desmond Sim, Trưởng phòng nghiên cứu CBRE Singapore và Đông Nam Á, bức tranh thị trường lại hoàn toàn trái ngược.
Ông Desmond đánh giá, thị trường bán lẻ của Việt Nam vẫn đang tăng trưởng rất tích cực. Các số liệu của ngành bán lẻ cho thấy doanh thu tăng liên tục từ năm 2010-2019. Đặc biệt, trong hai năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng luôn đạt trên 7%, cho thấy tình hình hoạt động của thị trường rất khả quan.
Những diễn biến thực tế trên thị trường cũng ghi nhận ngày càng nhiều dự án trung tâm thương mại gia nhập thị trường.
Đơn cử, tại Hà Nội, trong nửa đầu năm nay có bốn dự án trung tâm thương mại đi vào hoạt động tại các vị trí mới ở khu ngoài trung tâm. Tổng nguồn cung bán lẻ Hà Nội tăng thêm khoảng 65.700m2 và đạt hơn 930.000m2, theo số liệu từ CBRE.
Trong khi Parkson buộc phải đóng cửa trung tâm thương mại ở tòa nhà Keangnam thì ở gần đó lại có thêm hai dự án mới đi vào hoạt động là Vincom Plaza Skylake và Vincom Center Trần Duy Hưng.
Hai dự án còn lại, Sun Plaza Ancora và Sun Plaza Thụy Khuê, cung cấp thêm 29.900m2 lần lượt vào khu vực phía nam và phía bắc của Hà Nội.
Từ nay đến cuối năm 2019, thị trường sẽ đón nhận thêm hai dự án mới dự kiến đi vào hoạt động, bổ sung thêm 80.800m2 bán lẻ. Aeon Mall Hà Đông và FLC Twin Towers sẽ củng cố hơn nữa vị trí dẫn đầu của nguồn cung thị trường bán lẻ Hà Nội tại khu Đống Đa – Ba Đình và phía tây.
Aeon cũng đang xúc tiến đầu tư một trung tâm mua sắm thứ 3 ở Hà Nội, trên khu đất rộng 6,1ha ở phía sau ga Giáp Bát, quận Hoàng Mai với tổng vốn đầu tư khoảng 280 triệu USD; trong khi những nhà bán lẻ lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc là Takashimaya và E-Mart đang xúc tiến đầu tư các trung tâm thương mại lớn ở khu vực tây Hồ Tây.
Ở TP.HCM, tiếp tục thành công của Trung tâm thương mại Aeon Celadon City trong 5 năm vừa qua với tỷ lệ lấp đầy luôn đạt trên 95%, chủ đầu tư đã mở rộng diện tích thực thuê thêm 36.000m2 và đã lấp đầy được hơn 90%, bao gồm cả phần diện tích mới.
Số liệu của CBRE cho thấy giá thuê mặt bằng bán lẻ tăng trưởng tích cực. Giá thuê tầng trệt tăng nhẹ tại khu trung tâm Hà Nội trong quý II vừa qua, đạt 101 USD/m2/tháng, tăng 1,6% theo năm và 0,7% theo quý, trong khi khu trung tâm TP.HCM đạt 130 USD/m2/tháng, tăng 1,5% so với quý trước và 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù giá thuê cao tại khu trung tâm là thách thức lớn đối với không ít thương hiệu, tuy nhiên, khi có diện tích trống thì luôn nhanh chóng được lấp đầy.
Ông Desmond Sim cho rằng, niềm tin sự tín nhiệm của người tiêu dùng trong nước vẫn đang tăng lên. Sức mua của người dân đang cải thiện đáng kể do kinh tế phát triển ổn định, GDP/người tăng trưởng mạnh hằng năm. Kéo theo đó là mức sống của người dân ngày càng được nâng cao, mức độ chi trả cho tiêu dùng tăng nhanh chóng.
Bên cạnh đó, lượng khách du lịch đến Việt Nam cũng đang tăng mạnh. Lượng chi tiêu của du khách cho hoạt động mua sắm tăng khiến thị trường bán lẻ của Việt Nam ghi nhận nhiều chỉ số tích cực.
Hơn nữa, chi phí thuê và giá thuê mặt bằng bán lẻ của Việt Nam tuy đã tăng trưởng mạnh nhưng vẫn đang ở mức rẻ hơn so với các nước trong khu vực. Thời gian vừa qua, rất nhiều các thương hiệu bán lẻ trên thế giới đã đến Hà Nội, TP.HCM, minh chứng cho sức hút của thị trường.
Hai mảng màu đối lập
Mặc dù thị trường bán lẻ đang ghi nhận sự hoạt động tích cực, tuy nhiên, nhìn nhận lại thị trường nửa đầu năm 2019 cũng cho thấy sự đối lập về câu chuyện thành công và khó khăn của ngành bán lẻ Việt Nam.
Năm 2019, thị trường ghi nhận nhiều chuỗi nhà hàng, dịch vụ ăn uống tiếp tục kinh doanh tốt và mở rộng. Các chuỗi siêu thị cũng cho thấy xu hướng hợp nhất, với việc chuỗi siêu thị Auchan đến từ Pháp bán lại các siêu thị cho đơn vị nội địa Saigon Co.op. Năm ngoái, Vincom mua lại Fivimart từ Aeon và trở thành chuỗi siêu thị lớn nhất thị trường Hà Nội.
Trong khi đó, tháng 3-2019, trang web bán lẻ Robins.vn của Central Group đã tuyên bố ngừng hoạt động, tiếp bước sự đóng cửa của website vuivui.com điều hành bởi Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động vào tháng 12 năm ngoái.
Ngoài ra, trong ba năm vừa qua, thị trường đã xây và bàn giao một số lượng lớn nguồn cung của các dự án bất động sản dân dụng, rất nhiều trong số đó có khối đế bán lẻ. Tuy nhiên, số lượng những khối đế bán lẻ trong tình trạng trống hoặc không được điều hành bài bản là không ít.
Ông Desmond cho rằng, sự “lo lắng” trên thị trường bán lẻ hiện nay đang liên quan đến thương mại điện tử, thế hệ trẻ và và sự thay đổi trong hành vi mua sắm của đối tượng khách hàng này. Thế hệ người tiêu dùng này được kỳ vọng sẽ thay đổi và định hình lại tương lai của ngành bán lẻ nói chung và thị trường tại Việt Nam nói riêng.
Theo đó, khi tham gia vào thị trường bán lẻ, cách thức mua hàng của những người trẻ hoàn toàn khác biệt so với các thế hệ trước. Họ cần nhiều thời gian lên mạng, tra cứu sản phẩm trước khi mua hàng.
Đây cũng là thế hệ người tiêu dùng ủng hộ mạnh mẽ nền kinh tế chia sẻ với sở thích mua sắm khác biệt, yêu sự tiện lợi và thích công nghệ, chú trọng tiện ích, sự trải nghiệm trong mua sắm. Đối với giới trẻ, mua sắm không phải chỉ là mua hàng mà còn là trải nghiệm không gian mua sắm và tiện ích dịch vụ.
Do đó, các trung tâm thương mại mới nên có thiết kế hiện đại, tập trung vào mang đến trải nghiệm cho khách hàng như xây dựng thêm nhiều tiện ích, vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, cũng nên đầu tư vào công nghệ trong dịch vụ giao hàng và các kênh online.
Mặt khác, với sự phát triển của các thiết bị di động, kết nối internet, thương mại điện tử được dự báo tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Xu hướng phát triển của các doanh nghiệp bán lẻ nên có sự kết hợp giữa chiến lược bán lẻ trực tuyến và truyền thống. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai gần, góp phần làm tăng doanh thu bán lẻ cũng như thu hút khách hàng tiềm năng.
Ông Desmond cho rằng, một số nhà bán lẻ thành công chính là nhờ đã tạo trải nghiệm cho khách hàng như cung cấp thêm các hoạt động vui chơi giải trí, dịch vụ tại các trung tâm thương mại để hấp dẫn người mua bên cạnh hoạt động mua sắm.
Ngược lại, các đơn bị bán lẻ không thành công là do vẫn giữ sự phát triển ngành bán lẻ theo hướng cũ, không đổi mới hình thức kinh doanh và chịu sự cạnh tranh từ các thương hiệu bán lẻ khác và thương mại điện tử.