Nếu vài ba năm trước, hình thức bán lẻ thông qua chuỗi cửa hàng hoặc thông qua thương mại điện tử chỉ dành cho các doanh nghiệp cỡ lớn thì hiện nay, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ đã xuất hiện ở những thị trường ngách với các loại hàng hóa chuyên biệt. Thay vì cạnh tranh với các tập đoàn nhiều vốn, doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã lựa chọn thị trường ngách với thế mạnh am hiểu khách hàng và am hiểu thị trường nội địa.
Chuỗi cửa hàng thiết bị cơ khí và tiện ích gia đình đầu tiên của Việt Nam
Tháng 10-2018, Kowon – Công ty TNHH 100% vốn Việt Nam ra mắt thị trường Hà Nội với việc mở cùng lúc chuỗi năm cửa hàng thiết bị cơ khí và tiện ích gia đình. Trước đó, Kowon có gần hai năm nghiên cứu thị trường và chuẩn hóa quy trình cho việc mở một chuỗi bán lẻ. Là một tên tuổi mới trên thị trường bán lẻ Việt Nam nhưng Kowon kế thừa được nhiều kinh nghiệm của bộ máy quản lý thuộc một số doanh nghiệp lớn có gần hai thập niên chinh phục thị trường phân phối máy móc thiết bị công nghiệp lớn. Với nền tảng này, Kowon đặt mục tiêu mở được 35 cửa hàng trong năm 2019, trong đó có 15 cửa hàng Kowon trung tâm và 20 cửa hàng nhượng quyền Kowon+ với quy mô nhỏ hơn.
Định vị mình là chuỗi cửa hàng bán lẻ các thiết bị cơ khí và tiện ích gia đình, Kowon phân phối hai dòng sản phẩm chính: Dòng thứ nhất là các thiết bị, dụng cụ cơ khí, xây dựng phục vụ trực tiếp cho công việc của người thợ sửa chữa; dòng thứ hai là các sản phẩm giúp cải tiến nhà cửa, hướng tới ngôi nhà thông minh cho mỗi gia đình.
Theo đuổi mô hình phân phối, thời gian đầu vào thị trường Kowon kết hợp với các hãng nổi tiếng Bosch, Makita, Stanley, Weldcom, Jasic… để phân phối sản phẩm chính hãng tới tay người tiêu dùng, đồng thời cung cấp một số mặt hàng mang thương hiệu Kowon được sản xuất trên những dây chuyền đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng của các nước G7. Hiện tại cửa hàng của Kowon được đặt tại những khu vực gần các xưởng thợ cơ khí truyền thống của Hà Nội như Vạn Phúc, Thạch Thất, Trường Chinh, Giải Phóng và Cầu Bươu.
Sự ra đời của Kowon nằm trong bối cảnh chung của thị trường, khi mà hàng loạt các chuỗi cửa hàng, siêu thị văn minh thay thế dần cho những cửa hàng truyền thống. Bởi thế doanh nghiệp này cũng đem lại cho khách hàng và thị trường những giá trị như thiết lập được tiêu chuẩn nguồn cung, dễ dàng truy suất được nguồn gốc sản phẩm, minh bạch trong các loại thuế thu nhập, các dịch vụ bảo hành, bảo trì chu đáo và thân thiện, chính sách chăm sóc khách hàng thân thiết…
Khai phá thị trường giao nhận nước
Nếu không chọn bán lẻ qua chuỗi cửa hàng mà chọn bán qua các ứng dụng công nghệ, các nhà bán lẻ sẽ phải cân bằng giữa việc bắt kịp công nghệ, đồng thời vẫn tạo được sự gần gũi với khách hàng truyền thống của mình. Đó chính là trường hợp của dịch vụ giao nước iwater.
Ra mắt từ tháng 6-2016, đến nay dịch vụ giao nước iWater đã tạo được mạng lưới giao nước đến các văn phòng và hộ gia đình trên toàn bộ 24 quận, huyện ở TP. Hồ Chí Minh, TP. Vũng Tàu và tới đây là khu vực Hà Đông của TP. Hà Nội. Doanh nghiệp 30 người này mỗi ngày giao khoảng 2.000 bình nước tinh khiết đủ các nhãn hiệu đang có trên thị trường.
Tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp đạt trung bình 15%/tháng, doanh thu năm 2018 là gần 8 tỉ đồng, ước tính năm 2019 sẽ đạt 15 tỉ đồng. Vào trang website: www.iwater.vn, người muốn mua nước thấy giá cả của từng loại nước và sau cuộc gọi đến tổng đài, dù mua một bình hay vài chục bình, dù nhà ở Củ Chi hay quận 1 thì khách hàng sẽ nhận nước chậm nhất là sau khoảng 45 phút.
Nguyễn Văn Nam, Giám đốc iWater là người có nhiều năm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Anh đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực giao nước tại Việt Nam khi nhận ra thị trường này còn quá thô sơ, lãng phí sức lao động, nhiều bất tiện cho người mua. Theo thống kê sơ bộ của Nguyễn Văn Nam, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có hơn 3.000 điểm phân phối lẻ nước uống của các hãng Lavie, Vĩnh Hảo, ion Life, Aquafina, Bibrico, Sapuwa.
Tuy nhiên, 99% các đại lý đang hoạt động với hình thức bán hàng truyền thống, kênh tìm kiếm khách hàng không có; 100% không có nhân viên kinh doanh, bán kính hoạt động rất hẹp; 99% đại lý không hiểu biết về công nghệ, không có hệ thống điện thoại tổng đài để tiếp nhận nhu cầu, không có phần mềm quản lý; kế hoạch tiếp thị, quảng cáo, kỹ năng giải quyết thủ tục hành chính, hợp đồng, báo giá, kế toán, thương thảo hợp đồng… đều yếu kém.
Ban đầu, iWater ra đời để nhận thực hiện những khâu công việc mà hơn 3.000 đại lý phân phối nước chưa làm được. “Các đại lý cứ yên tâm điều hành giao nhận, kho bãi…, tôi lo toàn bộ các việc trên. Họ trả phí cho tôi 2.000 đồng/sản phẩm khi giao dịch thành công”, Nguyễn Văn Nam cho biết. Ngoài ra, với tư cách là pháp nhân trực tiếp giao dịch với nhà sản xuất, giám đốc iWater cũng gom các nguồn nhập hàng của các đại lý về một mối. Có sản lượng lớn, anh dễ dàng đàm phán được giá tốt.
Tức thay vì một đại lý có khối lượng 5.000-7.000 sản phẩm, Nguyễn Văn Nam tập hợp 10 đại lý lại để có 50.000-70.000 sản phẩm và làm việc với các nhà sản xuất. Ngoài ra, anh cũng cung cấp và lắp đặt ở hàng trăm đại lý liên kết với mình toàn bộ công cụ làm việc gồm máy tính, tổng đài nội bộ, máy in hóa đơn, thẻ khách hàng, dịch vụ xuất hóa đơn tài chính cho khách hàng công ty, tem dán số điện thoại đường dây nóng trên bình nước, đồng phục cho nhân viên…
Nhờ áp dụng hệ thống Voip chuyên nghiệp có khả năng tiếp nhận cùng lúc hàng trăm cuộc gọi, khách hàng lúc nào cũng có thể liên hệ gọi nước trong thời gian phục vụ từ 8-20 giờ, dù ở bất cứ nơi nào trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. iWater tiếp nhận và chuyển cuộc gọi tới các đại lý gần khách hàng nhất để giao nước một cách nhanh nhất. iWater cũng đầu tư công nghệ quản lý khách hàng: hệ thống đặt hàng trực tuyến web, chat web, chat Skype, chat Facebook messenger, email, nhận diện khách hàng gọi đến, lịch sử giao dịch… để tiếp nhận thông tin đa chiều từ khách hàng. Tham gia iWater, các đại lý nước không cần đến nhân viên trực điện thoại nữa. Tổng đài của iWater sẽ điều phối việc giao nước dựa trên hệ thống định vị vừa nhanh, vừa gọn.
Ngay sau khi đi vào hoạt động, trung bình mỗi ngày, iWater mang về cho các đại lý thêm 30 khách hàng mới. Tuy nhiên sau một thời gian, tổng kết lại Nguyễn Văn Nam nhận thấy các đại lý mà anh liên kết đã âm thầm giành đến 70% lượng khách để khỏi tốn 2.000 đồng/bình nước. Để tránh thất thoát, anh tự tạo dựng hệ thống kho và lực lượng giao hàng riêng. Hiện nay 25 nhân viên giao hàng của iWater khu vực TP. Hồ Chí Minh có thu nhập khoảng 600.000-700.000 đồng/ngày, cao hàng đầu trong lĩnh vực giao nhận nước.
“Để tăng doanh thu cho doanh nghiệp và thu nhập cho người lao động thì tối ưu hóa quy trình vận chuyển là bài toán quan trọng nhất. Tới đây, tôi sẽ tích hợp thêm các sản phẩm gạo, gas, thực phẩm sạch chất lượng cao để phát triển app và mở rộng vùng hoạt động ra các thành phố lớn ở Việt Nam” – Nguyễn Văn Nam cho biết.