Cuối cùng, sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học bắt đầu hiểu được lý do tại sao có một số người dễ dàng ghi nhớ mọi hoạt động thường ngày của bản thân với những chi tiết dù nhỏ nhất. Các nhà khoa học gọi đó là năng lực bí ẩn của một số người.
Mọi chi tiết dù nhỏ nhất vẫn không biến mất khỏi ký ức
Trong phần đông con người chúng ta, trí nhớ giống như quyển vở nháp với một mớ hỗn độn những bức ảnh chụp nhanh nhòe nhoẹt về mọi hoạt động trong cuộc sống riêng tư.
Cũng có những lúc chúng ta cố gắng nhớ lại những chuỗi ngày trong quá khứ song thậm chí một số khoảnh khắc đáng nhớ nhất cũng vẫn bị phai nhòa theo năm tháng. Nhưng Nima Veiseh lại có thể dễ dàng nhớ như in những chuyện gì mình đã làm vào bất kỳ ngày nào trong vòng 15 năm trước đó.
Nima Veiseh sẽ tường thuật lại một cách hết sức rành mạch về biến đổi thời tiết, trang phục từng mặc hay thậm chí mỗi ngày đã ngồi phía nào trên tàu hỏa trên đường đi tới nơi làm việc!
Nima Veiseh giải thích: “Ký ức của tôi giống như một thư viện băng từ luôn sẵn sàng phát hình lại mọi chi tiết cuộc sống thường kể từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ”.
Ví dụ: Veiseh vẫn còn nhớ chính xác điều gì xảy ra vào ngày 15-12-2000 – đó là thời điểm anh gặp người bạn gái đầu tiên của đời mình tại buổi tiệc sinh nhật lần thứ 16 của người bạn thân nhất. Veiseh cho biết kể từ lúc đó dường như bộ não của anh bắt đầu ghi nhớ mọi chi tiết cho dù nhỏ nhặt nhất xảy ra trong suốt cuộc đời mình.
Trí nhớ siêu việt của những người như Nima Veiseh thực sự thu hút mạnh sự quan tâm nghiên cứu của các nhà thần kinh học và họ muốn tìm hiểu cách mà não bộ làm việc để ghi nhớ toàn bộ cuộc sống của chúng ta.
Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng hiện tượng có sự liên kết với chứng tự kỷ. Cuối cùng, họ đặt cho năng lực siêu nhiên này cái tên là “Highly superior autobiographical memory” (“Ký ức siêu việt về cuộc sống bản thân” – gọi tắt là HSAM).
Lần đầu tiên hiện tượng HSAM được đưa ra ánh sáng vào đầu thập niên 2000 – tức khoảng thời gian mà chuyên gia thần kinh học và nhà nghiên cứu ký ức Jim McGaugh nhận được email từ một phụ nữ trẻ tự xưng tên là Jill Price cho biết cô có nguyện vọng muốn ông giúp tìm hiểu nguyên do tại sao cô lại không thể nào quên được mọi chi tiết cuộc sống thường ngày vào bất cứ ngày trong cuộc đời kể từ khi 12 tuổi.
Nhận thức rõ đây là trường hợp hiếm thấy rất đáng để tâm nghiên cứu, McGaugh lập tức mời Jill Price đến phòng thí nghiệm của ông và bắt đầu tiến trình kiểm tra – yêu cầu nhớ về những sự kiện thế giới xảy ra trong một ngày bất kỳ do ông đưa ra.
Kết quả: Jill Price kể lại chính xác mọi chuyện tựa như đang xem một cuốn phim ngay trước mắt. Cuốn nhật ký của Jill Price giúp cho các nhà nghiên cứu kiểm chứng trí nhớ siêu phàm của cô.
Sau vài năm tiến hành cuộc nghiên cứu diễn ra không liên tục, họ quyết quyết định kiểm tra bất ngờ đối với Price: “Hãy kể lại thật chính xác những ngày đến phòng thí nghiệm”. Price lập tức đọc “thời khóa biểu” những ngày cô gặp các nhà nghiên cứu một cách chính xác… tuyệt đối. McGaugh và nhóm của ông sững sờ: “Không ai trong số chúng tôi có thể nhớ được danh sách này”.
Sau khi giới truyền thông vào cuộc, vài chục người khác (gồm cả Nima Veiseh) bắt đầu bước ra khỏi “bóng tối” và mạnh dạn tiếp xúc với nhóm nghiên cứu Đại học California ở Irvine (Mỹ).
Trong một lần đến gặp nhóm nhà khoa học để kiểm tra, trí nhớ của Veiseh hoàn hảo đến mức phát hiện ngay lập tức việc họ nêu không đúng về thời gian Michael Phelps giành được huy chương vàng thứ 8 tại Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008. Tuy nhiên, những người HSAM thường chỉ nhớ rất rõ nét về cuộc sống cá nhân họ.
Nói cách khác, mặc dù có thể nhớ lại đầy đủ mọi chi tiết về quá khứ trong cuộc sống thường ngày nhưng họ không ghi nhớ được chính xác những thông tin ngoài bản thân.
Ví dụ một người có HSAM chỉ tự xưng tên là Bill thừa nhận: “Đôi khi tôi không thể nào nhớ nổi những gì đã xảy ra vào 5 phút trước đó nhưng lại dễ dàng nhớ một số chi tiết gì đó từ ngày 22-1-2008”.
Một điều đáng nói là, mặc dù có “bộ nhớ” hết sức khổng lồ, họ vẫn có thể mắc những lỗi mà người bình thường hay gặp phải. Năm 2013, Lawrence Patihis – giáo sư khoa Tâm lý học Đại học Nam Mississippi (Mỹ) và các đồng nghiệp phát hiện những người có HSAM vẫn gặp trường hợp “nhớ sai” – ví dụ như nhớ những sự kiện thế giới không hề xảy ra. Điều đó cho thấy hiện tượng HSAM không có nghĩa là “bộ nhớ hoàn hảo”.
Vấn đề là họ sử dụng lợi thế HSAM như thế nào? Sau khi quan sát cách ký ức của những người có HSAM phát triển theo thời gian, các nhà nghiên cứu phát hiện được một số điều thú vị.
Craig Stark, giáo sư khoa Thần kinh sinh học và Hành vi kiêm giám đốc Trung tâm Thần kinh sinh học về Kỹ năng và Ký ức Đại học California ở Irvine (Mỹ), kiểm tra các đối tượng HSAM vào thời điểm một tuần, một tháng và một năm sau những sự kiện trong cuộc sống của họ để xem xét ký ức thay đổi như thế nào theo thời gian.
Kết quả là các đối tượng HSAM có khởi đầu tốt hơn nhiều và có thể lưu trữ vào não bộ nhiều chi tiết ngay khi các sự kiện xảy ra. Trên thực tế, khác biệt chỉ xuất hiện sau đó nhiều tháng.
Cụ thể là, ký ức của những người bình thường ngày càng trở nên lu mờ trong khi những người HSAM thì những sự kiện đã xảy ra vẫn còn như mới hôm qua.
Từ đó, Craig Stark kết luận: “Chắc chắn có điều gì đó về cơ chế hoạt động của não bộ giúp lưu giữ những thông tin mà người bình thường không thể làm được”.
Vấn đề dẫn đến cấu trúc não bộ
Điều đáng tiếc là là kỹ thuật scan não bộ không giúp phát hiện được bất cứ sự khác biệt lớn lao nào về mặt cấu trúc để từ đó cho phép giải thích được điều này. Craig Stark cho biết: “Họ không hề có thùy não phụ hay bán cầu não “thứ 3” gì cả”.
Tuy nhiên, có một số đặc điểm đặc trưng được tìm thấy như là khả năng giao tiếp bổ sung giữa các thùy não trước (liên quan đến tư duy phân tích) và phần hồi hải mã của não bộ – khu vực được cho là nơi ghi lại những ký ức của con người.
Nhưng hoàn toàn có khả năng đây là kết quả chứ không phải nguyên nhân của khả năng đặc biệt của những đối tượng HSAM.
Nói tóm lại, khi chúng ta tập luyện một kỹ năng nào đó – ví dụ như âm nhạc, thể thao hay ngôn ngữ – thì não bộ sẽ xây dựng thêm các mạng lưới tế bào thần kinh hiệu quả hơn. “Đó là câu chuyện con gà và quả trứng”, Stark nói.
Chìa khóa cho vấn đề có lẽ nằm ở phương pháp và thói quen tư duy nói chung. Mới đây, Patihis đã tập hợp dữ liệu về 20 người HSAM và phát hiện ra rằng họ có khả năng đặc biệt tốt trên hai lĩnh vực: tưởng tượng và tiếp nhận.
Khả năng tưởng tượng có thể được xem là xu hướng hay tưởng tượng và mơ mộng, trong khi khả năng tiếp nhận là khuynh hướng để tâm trí hoàn toàn chìm đắm vào một hoạt động cụ thể – tức là hoàn toàn để tâm vào các cảm xúc và trải nghiệm.
Nicole Donohue, người phụ nữ từng tham gia nhiều nghiên cứu về vấn đề này, chia sẻ: “Tôi cực kỳ nhạy cảm với các chi tiết âm thanh, mùi vị và hình ảnh. Tôi hoàn toàn cảm nhận được các sự vật mạnh mẽ hơn người bình thường”.
Theo Patihis, khả năng tiếp nhận giúp họ có nền tảng mạnh cho ký ức, còn khả năng tưởng tượng cho phép họ nhớ đi nhớ lại những sự kiện trong nhiều tuần và nhiều tháng sau đó. Nghĩa là cứ mỗi lần ký ức ban đầu này được nhớ lại thì nó lại càng được củng cố thêm.
Theo cách nào đó, chúng ta cũng có thể trải qua quá trình như thế sau một sự kiện trọng đại chẳng hạn như ngày cưới. Tuy nhiên điều khác biệt là nhờ vào hai khả năng đặc biệt này – những người có HSAM thực hiện quy trình này vào mỗi ngày và trong suốt cuộc đời của họ.
Tuy nhiên, không phải ai có khả năng tưởng tượng cũng sẽ có năng lực HSAM. Do đó, Patihis cho rằng nhất định phải có điều gì đó khiến cho họ sống với quá khứ nhiều như thế thay vì nhớ về các bộ phim.
Patihis đặt giả thuyết: “Có lẽ trải nghiệm nào đó thời thơ ấu khiến cho họ trở nên bị ám ảnh với ngày tháng và những gì đã xảy ra với họ”.
Tuy nhiên, những người HSAM khó mà hiểu được điều gì đã kích hoạt khả năng này. Ví dụ như Veiseh biết rằng năng lực HSAM của ông bắt đầu phát triển khi gặp người bạn gái đầu tiên nhưng lại không thể giải thích tại sao người phụ nữ đó có thể kích hoạt trí nhớ siêu phàm của ông.
Ý tưởng thúc đẩy Stark và đồng nghiệp nghiên cứu thiết kế phần mềm smartphone giúp kích thích trí nhớ một cách chi tiết và năng động giống như những người HSAM để xem nó có giúp cải thiện trí nhớ hay không.
Kết quả là, có một số bằng chứng cho thấy phần mềm có tác dụng. Một nghiên cứu mới đây cho thấy chỉ cần lặp lại một sự kiện nào đó trong đầu trong vài giây ngay khi nó xảy ra thì vào một tuần sau đó chúng ta có thể nhớ lại rõ ràng hơn.
Lợi và bất lợi của năng lực siêu phàm
Tuy nhiên, những người có HSAM đều khẳng định rằng khả năng “siêu phàm” chưa hẳn là may mắn. Về mặt tích cực, HSAM giúp cho sống lại những trải nghiệm dễ biến đổi và sống động. Chẳng hạn như Veiseh là một người uyên bác.
Thời còn trẻ, Veiseh đi đến rất nhiều nơi để tranh tài trong các cuộc thi đấu môn võ Taekwondo quốc tế, còn vào những lúc rảnh rỗi anh tham quan các bảo tàng nghệ thuật địa phương và nhờ đó mà bây giờ các bức tranh đã in sâu trong ký ức của anh.
Veiseh tâm sự: “Hãy hình dung bạn có thể ghi nhớ từng bức tranh trên mỗi bức tường trong mỗi không gian trưng bày của gần 40 quốc gia. Điều đó tự thân nó là sự giáo dục lớn về nghệ thuật”.
Vốn kiến thức phong phú về lịch sử nghệ thuật đã giúp cho Veiseh trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp.
Tương tự, trí nhớ siêu phàm cũng giúp ích cho Veiseh trong những công việc chuyên môn khác như là thiết kế và công nghệ.
- Xem thêm: Ăn hải sản ngừa mất trí nhớ
Nicole Donohue, hiện là một giáo viên môn lịch sử, thừa nhận khả năng HSAM có ích trong một số giai đoạn trong quá trình học hành của cô: “Tôi hoàn toàn có thể nhớ được những gì tôi đã được học ở trường. Tôi có thể hình dung ra điều mà thầy cô đã nói và trong sách viết những gì”.
Tuy nhiên không phải ai có năng lực HSAM cũng có những thuận lợi này. Ví dụ như Price không thích môi trường học đường cho nên không thể nhớ lại những gì mà cô đã học.
Cuối cùng, năng lực ghi nhớ rõ ràng mọi chi tiết trong quá khứ khiến chúng ta rất khó vượt qua nỗi đau hay sự hối tiếc.
Donohue cho biết: “Rất khó để quên những khoảnh khắc đáng xấu hổ. Anh sẽ sống mãi với cảm giác đó. Anh không thể nào tắt đi dòng ký ức đó cho dù có cố gắng đến thế nào đi nữa”.
Veiseh cũng tán đồng: “HSAM giống như trên người có vết thương không lành và trở thành một phần không thể tách rời của cơ thể. Điều này có nghĩa là những người HSAM phải cố gắng rất nhiều để cho quá khứ yên nghỉ”.
Ví dụ như Bill luôn phải sống với bao ký ức đau đớn bởi vì chúng cứ ám ảnh ông. Nhưng, nhìn chung thì Bill coi đó là cách tốt nhất để tránh lặp lại sai lầm tương tự.
Bill bình luận: “Một số người đắm chìm trong quá khứ mà không dễ chấp nhận những ký ức mới nhưng điều đó không xảy ra đối với tôi. Tôi trông đợi đến từng ngày để trải nghiệm những điều mới mẻ”.
Còn Veiseh muốn năng lực HSAM giúp cho ông trở thành người rộng lượng hơn, khoan dung hơn: “Một số người bảo “hãy tha thứ và quên đi”, nhưng việc “quên đi” đó là điều xa xỉ mà tôi không có được. Do đó, tôi cần phải học để tha thứ. Không chỉ cho những người khác mà còn cho cả chính bản thân tôi”.