Phần lớn trong số những người trẻ tuổi đến khám và điều trị tại Phòng khám Trí nhớ (Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh) là doanh nhân và nhân viên văn phòng tuổi từ 25 đến 45. Hiện tượng “nhớ nhớ quên quên” không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống mà hiệu quả công việc cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. TS-BS Trần Công Thắng, Phụ trách phòng khám Trí nhớ, Bệnh viện Đại học Y Dược
TP. Hồ Chí Minh cho biết:
Ở người lớn tuổi, hiện tượng suy giảm trí nhớ thường do quá trình lão hóa hoặc các bệnh lý gây tổn thương mạch máu não như tiểu đường, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch… Còn ở người trẻ tuổi, trí nhớ suy giảm thường do nguyên nhân kém tập trung, trầm cảm, lối sống không lành mạnh hoặc do tai nạn chấn thương đầu.
Trong đó có lẽ nguyên nhân stress rất phổ biến vì số người trẻ bị căng thẳng do áp lực công việc rất nhiều…
Đúng vậy. Trước hết, tôi xin giải thích sơ qua về một vòng trí nhớ hoàn thiện của chúng ta, gồm: (1) Tiếp nhận thông tin từ năm giác quan; (2) Thông tin được lưu lại trong trí nhớ, bao gồm các loại: “Trí nhớ tức thì” khi bộ nhớ lưu lại những thông tin ấn tượng, “Trí nhớ gần hay trí nhớ công việc” khi bộ nhớ ghi nhận và học tập những thông tin mà chúng ta cho là cần thiết cho cuộc sống và công việc, “Trí nhớ xa” là khi bộ nhớ ghi lại những ký ức, kỹ năng quan trọng từ cách sử dụng chiếc điện thoại đến việc ăn uống, vệ sinh cá nhân…; (3) Khi cần thì bộ nhớ tự động kích hoạt, chúng ta tự nhớ ra mà không cần nhắc nhở.
Doanh nhân và nhân viên văn phòng thường bị suy giảm trí nhớ gần, loại trí nhớ thường lưu lại trong một thời gian ngắn để phục vụ cho công việc. Những người bị khiếm khuyết các giác quan (như mắt mờ, tai nghe kém…) nên khó tiếp nhận thông tin cũng khó ghi nhớ. Ngoài ra, những chấn thương vùng thùy thái dương, các nguyên nhân thực thể như: u não, tụ máu, viêm nhiễm trong não cũng ảnh hưởng đến trí nhớ. Tuy nhiên, người trẻ bị suy giảm trí nhớ đến điều trị tại bệnh viện thường là do stress.
TS-BS Trần Công Thắng
Có phải do áp lực công việc dẫn đến lo lắng và mệt mỏi nên chúng ta hay quên hơn?
Stress dẫn đến tình trạng mệt mỏi nên chúng ta khó tập trung khi nhận thông tin, bộ nhớ không thể ghi nhận những thông tin mờ nhạt. Ngoài ra, sự tăng tiết ra các hormone căng thẳng cũng gây ảnh hưởng xấu đến trung tâm điều khiển việc học tập và ghi nhớ.
Stress kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ trầm cảm, càng làm trí nhớ sa sút nghiêm trọng. Một số loại thuốc điều trị trầm cảm cũng ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ. Vì vậy, một lối sống lạc quan, lành mạnh là cách để tránh nguy cơ giảm trí nhớ.
Liên quan đến lối sống, có phải người hay uống rượu cũng dễ bị sa sút trí nhớ?
Không chỉ rượu mà thuốc lá cũng là tác nhân “tàn phá” trí nhớ rất nhanh. Thói quen rượu chè quá mức, thiếu kiểm soát, nhất là nghiện rượu làm trí nhớ giảm sút đáng kể. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh chất độc trong khói thuốc lá tấn công não nhanh chóng, làm hại trí nhớ. Doanh nhân thường lấy lý do quá bận rộn, “quên” tập thể dục nên trí nhớ giảm sút nhanh và khó phục hồi.
Vì sao tập thể dục là cách giữ gìn trí nhớ, xin bác sĩ giải thích rõ hơn…
Tập thể dục thường xuyên làm tăng lưu thông máu và cung cấp oxy cho não, giúp ngăn ngừa bệnh mất trí nhớ. Ngoài ra, việc tập thể dục đều đặn còn làm gia tăng liên kết thần kinh ở vùng chất trắng trong não (vùng thần kinh có liên quan đến hoạt động trí nhớ). Vì vậy, những người càng lao động trí óc nhiều càng nên cố gắng dành ra từ 20-30 phút mỗi ngày để chạy bộ, bơi lội, tập yoga… Nghiên cứu mới đây cho thấy việc tập thể dục còn làm giảm nguy cơ giảm trí nhớ và sa sút trí tuệở người lớn tuổi.
Ngoài ra, trí nhớ giảm sút còn xảy ra khi mất ngủ. Giấc ngủ ngon mỗi đêm rất quan trọng cho não để phục hồi trí nhớ, nhất là khi chúng ta ngủ sâu. Mất ngủ kéo dài gây mất tập trung, gây khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin, ảnh hưởng đến việc ghi nhớ. Ngoài ra, thuốc ngủ cũng là nhóm thuốc có nguy cơ gây suy giảm trí nhớ, tránh lạm dụng. Cần lưu ý là những bệnh mãn tính cần sử dụng các nhóm thuốc chứa corticoid kéo dài như hen suyễn, ho, dịứng… cũng gây suy giảm trí nhớ.
Một số thông tin trên báo chí cho rằng ăn uống nhiều chất béo cũng ảnh hưởng đến trí nhớ, có đúng vậy không?
Thông tin này là đúng. Các loại thức ăn có nhiều chất béo bão hòa như mỡ động vật và chất béo trong thức ăn nhanh sẽ tạo thành phần lipid không tốt, gây hại các mạch máu nhỏ trong não và ảnh hưởng tuần hoàn máu, dẫn đến những tổn thương về bộ nhớ. Ngược lại, trái cây và rau quả có các chất chống oxy hóa giúp bảo vệ các tế bào não không bị tổn thương.
Nhân nói về thực phẩm không tốt cho trí nhớ, xin hỏi bác sĩ cà phê có phải là loại thức uống không hại cho trí nhớ?
Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh rằng cà phê không tốt cho trí nhớ cả. Trong cà phê còn có thành phần chất chống oxy hóa, tốt cho sự liên kết chất trắng nói trên. Trong bia, rượu vang cũng có thành phần oxy hóa này. Nếu biết uống vừa phải, không lạm dụng thì loại thức uống nào cũng mang lại những hiệu quả nhất định cho trí nhớ nói riêng và sức khỏe nói chung. Theo tôi, nếu chỉ uống một ly cà phê mỗi ngày thì không có hại cho sức khỏe mà ngược lại còn tăng sự tập trung, tăng hiệu quả công việc.
Trí nhớ suy giảm ở người trẻ tuổi liệu có tiến triển thành sa sút trí tuệ khi lớn tuổi không?
Sa sút trí nhớ bệnh lý sẽ tiến triển thành sa sút trí tuệ nếu không được điều trị tốt. Sa sút trí nhớ thuộc nhóm lành tính nếu thỉnh thoảng mới quên, số lần quên không tăng lên mỗi ngày, khi có người hoặc sự kiện nhắc nhở thì nhớ ra ngay. Sa sút trí nhớ là bệnh lý khi số lần quên xảy ra ngày càng nhiều đến nỗi người xung quanh cũng thấy rõ, có yếu tố nhắc nhở cũng không thể nhớ ra được, công việc bịảnh hưởng nhiều thì cần đều trị, để tránh tiến triển thành sa sút trí tuệ về sau.
Hiện có nhiều ý kiến trái ngược nhau về hiệu quả của các sản phẩm hỗ trợ trí nhớ. Theo bác sĩ thì người hay quên có nên sử dụng sản phẩm này không?
Cơ chế những sản phẩm hỗ trợ trí nhớ này là nhằm “sửa chữa” những bất thường về bộ não liên quan đến bộ nhớ. Chẳng hạn như trong quá trình hoạt động, não sản sinh ra các sản phẩm oxy hóa là một quá trình tự nhiên của cơ thể, không thể tránh được. Chất oxy hóa này gắn vào tế bào thần kinh sẽ tạo khối bất thường, làm tổn thương tế bào thần kinh. Các sản phẩm cung cấp các chất chống oxy hóa cho não bộ sẽ làm giảm tổn thương này nên cũng có những tác dụng nhất định đến việc cải thiện trí nhớ.
Có nhiều sản phẩm hỗ trợ với các tác dụng khác nhau như: chất chống oxy hóa, tăng lưu lượng máu, tăng sinh tế bào thần kinh… Theo tôi thì người bị sa sút trí nhớ cũng có thể sử dụng được nhưng nên tìm những nhãn hiệu có uy tín, chất lượng, có chứng nhận của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, chúng ta luôn phải hiểu rằng đây chỉ là những nhóm sản phẩm hỗ trợ chứ không thể thay thế nhóm thuốc điều trị sa sút trí nhớ. Khi bị bệnh thì cần có sự can thiệp của bác sĩ và thuốc điều trị.
Vậy bác sĩ có thể cho biết thêm thông tin về nhóm thuốc điều trị sa sút trí nhớ?
Hiện y học vẫn chưa có loại thuốc điều trị sa sút trí nhớ, chỉ có thể điều trị các nguyên nhân tổn thương não hoặc các bệnh ảnh hưởng đến việc ghi nhớ. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần tập cách giữ gìn trí nhớ, xây dựng lối sống lành mạnh, tránh xa các chất làm hại tế bào thần kinh, dành thời gian tập thể dục, cải thiện bất thường giác quan, tăng hoạt động não bộ bằng cách tạo thói quen xem phim, đọc báo.
Nhiều người vẫn đọc báo mỗi ngày nhưng trí nhớ hầu như không được cải thiện…
Lưu ý là chúng ta phải đọc báo, xem tivi một cách có ý thức và có sự chia sẻ, tạo mối liên hệ với các sự vật xung quanh. Chẳng hạn như chúng ta đọc báo và cố gắng nhớ một số bài viết về nội dung, tên tác giả, hình minh họa kèm theo… Còn khi xem một phim dài tập thì nên có sự trao đổi với người thân về nội dung, cố nhớ phim chiếu giờ nào, trên kênh nào, tên các nhân vật trong phim…
Còn với những người mới bắt đầu thấy mình hay quên thì có cần đi khám hay chỉ cần tự luyện tập?
Nếu tình trạng đãng trí tăng nhanh mỗi ngày, đôi khi được nhắc nhở mà cũng không thể nhớ ra được thì mới cần đến khám ở bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Còn những người nhiều việc thì nên luyện tập trí nhớ mỗi ngày vì chúng ta nhớ cũng nhờ tập mà quên cũng do tập. Nếu hôm nay chỉ một, hai lần quên mà chúng ta bỏ qua thì hôm sau số lần quên sẽ tăng lên. Vì vậy, khi cảm thấy mình bắt đầu “chưa già đã đãng trí” thì hãy tập gia tăng sự tập trung.
Phương pháp luyện tập gia tăng sự tập trung gồm các bước: quan sát, liên kết, học tập và nhớ lại. Chẳng hạn khi bỏ một đồ vật vào ngăn tủ, ngay lập tức chúng ta phải liên kết các yếu tố không gian và thời gian, cố gắng ghi lại hoàn cảnh cất đồ vật, vị trí cất, các đồ vật xung quanh… Nếu bệnh nhân suy giảm trí nhớ do trầm cảm, mất ngủ, hoang tưởng… thì cần được điều trị bằng thuốc. Thực tế việc điều trị cho bệnh nhân không quá khó khăn nếu người bệnh trung thực với căn bệnh của mình, tránh giấu bệnh, càng gây khó khăn hơn cho bác sĩ.
Có cách nào để tránh rơi vào tình trạng suy giảm trí nhớ khi còn trẻ không, thưa bác sĩ?
Chỉ bằng hai cách đơn giản là dành thời gian tập thể dục đều đặn mỗi tuần và tránh stress, trầm cảm bằng cách thu xếp cuộc sống, công việc. Một cơ thể khỏe mạnh và một tinh thần thư thái là cách phòng bệnh suy giảm trí nhớ tốt nhất.
Cảm ơn bác sĩ về những thông tin hữu ích trên.
Thanh Nhã