Nếu đến bây giờ mà truyền thông xã hội chưa phải là một yếu tố quan trọng trong chiến lược tiếp thị trực tuyến của doanh nghiệp thì bạn nên hành động ngay.
Lý do là sự hiện diện trên các trang web như Facebook, Twitter, Pinterest, Instagram hay LinkedIn là một bổ sung đáng giá vào sản phẩm, dịch vụ khách hàng và trên hết là cho thương hiệu của doanh nghiệp mà bạn đang quản lý, điều hành.
Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản sở hữu một tài khoản và quảng bá tin tức về doanh nghiệp thì lại chưa đủ. Để lôi kéo và duy trì được khách hàng cũng như xây dựng một thương hiệu trực tuyến vững vàng, bạn nên chủ động cung cấp các thông tin có giá trị và tìm cách thu hút mọi người theo dõi.
Dưới đây là bốn điều bạn nên làm trên trang mạng xã hội của công ty nhằm tăng trưởng thương hiệu trực tuyến.
Gắn kết với người theo dõi và cung cấp dịch vụ săn sóc khách hàng
Khách hàng nếu có thiện cảm với công ty của bạn sẽ luôn gắn bó với thương hiệu của bạn, bao gồm cả trên truyền thông xã hội. Do đó, đừng để tuột mất cơ hội được lắng nghe những gì họ nói về bạn hay chia sẻ cùng bạn và thông qua đó, bạn sẽ lại có cơ hội cung cấp dịch vụ săn sóc tốt nhất cho các khách hàng của mình.
Vì sao điều ấy quan trọng? Việc trả lời câu hỏi của khách hàng và giải quyết những vấn đề thông qua mạng xã hội sẽ chứng tỏ cho mọi người thấy rằng bất kỳ ai theo dõi bạn đều nhận được sự quan tâm của bạn. Dù đó là khách hàng hiện tại hay khách hàng tiềm năng, bạn đều sẵn sàng làm mọi việc cần thiết để giúp họ cảm thấy hài lòng.
Khơi nguồn ý tưởng mới thông qua chính trí tuệ của khách hàng
Hãy sử dụng truyền thông xã hội như một công cụ nghiên cứu thị trường. Tương tự như cách mọi người đến với bạn, theo dõi bạn và giữ kết nối với bạn, ở vị trí chủ doanh nghiệp, bạn cũng làm điều đó với các khách hàng của mình vì truyền thông xã hội là một xa lộ hai chiều.
Chẳng hạn, khi đang chuẩn bị tung ra một sản phẩm mới, bạn có thể thăm dò các fan hâm mộ và người theo dõi những gì họ suy nghĩ về các chi tiết cụ thể, về màu sắc họ ưa thích hoặc chức năng nào họ muốn có thêm.
Qua đó, bạn không chỉ đạt đến một kết quả nghiên cứu thị trường có giá trị và chẳng tốn đồng nào, mà còn thâm nhập được vào giới tiêu dùng trực tiếp để tìm hiểu quyết định mua hàng của họ.
Ngoài ra, việc hỏi thăm ý kiến của khách hàng còn cho thấy rằng bạn coi trọng họ và một khi họ cảm thấy những ý tưởng của họ sẽ trở thành hiện thực thì cũng có nghĩa là bạn đã tạo nên được sản phẩm hoặc dịch vụ mới chưa có đối thủ cạnh tranh.
Để mắt đến đối thủ
Đã kinh doanh thì cần biết rõ những gì đối thủ và các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực hoạt động của bạn đang làm gì.
Theo dõi những thông tin đăng tải của họ trên mạng xã hội, bạn có thể học được rất nhiều thứ, từ cách giúp họ trở nên khác biệt đến việc tạo ra những sản phẩm cụ thể làm vừa lòng khách hàng.
Kho thông tin khổng lồ cho phép bạn cân nhắc và điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đồng thời vận dụng nhiều cách hay để thực hiện các chiến thuật kinh doanh.
Xây dựng hình ảnh của một chuyên gia
Bằng cách mang đến những thông tin như mẹo vặt, lời khuyên hoặc trả lời các câu hỏi thường phát sinh trong lĩnh vực kinh doanh của bạn, bạn đang định vị bản thân như một chuyên gia.
Bạn nên phát triển các công cụ để chia sẻ nội dung. Tại đó, bạn có thể trả lời câu hỏi hằng ngày, cung cấp những lời khuyên chân thành và bình luận về những tin tức, sự kiện quan trọng trong ngành.
Trên các trang như Twitter hay Reddit, bạn có thể nghĩ đến việc sắp xếp lịch sự kiện, chẳng hạn như chương trình hỏi và trả lời nhằm giúp những người theo dõi biết rằng bạn sẽ chủ tọa tiết mục vào ngày nào, giờ nào một cách rõ ràng. Sau đó, hãy mời mọi người nêu ra những điều họ quan tâm và hãy cố gắng trả lời mọi câu hỏi được họ đặt ra.