Thời gian gần đây, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) từ thị trường Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng.
Đó là thông tin đáng chú ý tại hội thảo Xung đột thương mại Mỹ – Trung những điểm doanh nghiệp cần lưu ý về phòng vệ thương mại diễn ra ngày 22-3 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh.
Hội thảo do Trung tâm Hội nhập quốc tế TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam tổ chức.
Xu thế bảo hộ trên toàn cầu tăng do chiến tranh thương mại
Theo thống kê, tính đến tháng 3-2019, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với trên 120 vụ kiện PVTM, trong đó riêng năm 2018 có 10 vụ.
Các biện pháp tự vệ được áp dụng nhiều là điều tra chống bán phá giá, điều tra và điều tra chống trợ cấp.
Các nước áp dụng nhiều nhất là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, các nước EU… 30% các cuộc phòng vệ thương mại liên quan đến sản phẩm thép, ngoài ra còn có hóa chất và các sản phẩm chế biến, chế tạo khác.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định rằng một trong những bất lợi mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung là việc gia tăng PVTM đối với hàng Việt xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Theo ông Chu Thắng Trung, đại diện Cục Phòng vệ Thương mại thì trong giai đoạn 2017-2018, PVTM từ Hoa Kỳ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 35%.
Thêm vào đó, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung còn làm gia tăng xu thế bảo hộ trên toàn cầu, do khi Mỹ và Trung Quốc xung đột, hàng hóa có xu hướng tràn sang nước thứ ba và các nước thứ ba cũng có thể áp dụng các biện pháp PVTM.
Điển hình là sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt với thép nhập khẩu từ Trung Quốc theo đạo luật 232, hàng loạt nước khác cũng áp dụng các biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép.
Thời gian qua Việt Nam đã bị Mỹ điều tra PVTM chống bán phá giá 14 vụ, trong đó 13 vụ bị kiện đồng thời với kiện Trung Quốc.
Ngoài ra còn có 6/6 vụ việc điều tra chống trợ cấp của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được áp dụng đồng thời đối với hàng hóa của Trung Quốc.
Không chỉ gia tăng điều tra PVTM, Hoa Kỳ còn áp dụng các cơ chế bất lợi đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong quá trình điều tra các vụ kiện.
Luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo, Văn phòng Luật sư IDVN cho biết việc áp dụng biện pháp điều tra chống bán phá giá đối với Việt Nam bị Mỹ áp dụng cơ chế cho nền kinh tế phi thị trường.
Theo đó cơ quan điều tra không chấp nhận chi phí sản xuất của doanh nghiệp đưa ra mà chỉ chấp nhận báo cáo lượng sử dụng các chi phí đầu vào và các yếu tố liên quan đến quá trình sản xuất…
Mức giá của sản phẩm được lấy ở nước thứ ba mà Hoa Kỳ coi là đã có nền kinh tế thị trường thông thường là Ấn Độ, Banglades.
Đối với các vụ việc điều tra về chống trợ cấp, Mỹ cũng xác định Việt Nam không có thị trường về đất đai, tài chính, do đó các khoản vay của doanh nghiệp tại ngân hàng Nhà nước hoặc chi phí thuê đất của các công ty phát triển hạ tầng có vốn nhà nước cũng sẽ bị coi là chi phí được hưởng ưu đãi và có trợ cấp.
Tương tự đối với các vụ kiện chống lẩn tránh thuế không được quy định cụ thể trong Hiệp định WTO cũng sẽ phải chịu các quy định của nội luật nước Mỹ…
Nắm vững nguyên tắc để tránh bị động
Cùng với sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, Mỹ cũng tăng cường các biện pháp PVTM đối với Việt Nam trong đó có biện pháp chống lẩn tránh thuế.
Đối với biện pháp này, nếu doanh nghiệp bị kết luận là có lẩn tránh thuế sẽ phải chịu toàn bộ số thuế đang bị đánh ở quốc gia đang lẩn tránh do vậy thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều.
Việc điều tra chống lẩn tránh thuế được thực hiện bởi Bộ Thương mại cùng cơ quan Hải quan Mỹ. Việc điều tra của Hải quan Mỹ cũng không được tiến hành một cách minh bạch vì doanh nghiệp bị điều tra sẽ không được thông báo từ cơ quan điều tra dẫn đến rơi vào thế bị động.
Thời gian qua một số sản phẩm của Việt Nam đã bị áp dụng biện pháp phòng vệ này như ống thép dẫn dầu, ván ép gỗ và các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế ngày càng gia tăng.
Để có thể đối phó với các vụ kiện PVTM từ Mỹ, Luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo khuyến nghị doanh nghiệp nên đảm bảo hệ thống số liệu chi tiết và chính xác về giá bán, chi phí tiêu thụ các yếu tố đầu vào… đối với từng mã sản phẩm.
Bên cạnh đó cần có nguồn lực tài chính để đầu tư các vấn đề về pháp lý và kỹ thuật như giá trị thay thế, phương pháp tính toán biên độ phá giá.
Đồng thời cần xây dựng chiến lược kháng kiện dài hạn vì các vụ việc điều tra PVTM thường kéo dài nhiều năm…
Theo nhận định của ông Chu Thắng Trung, nhận thức về các biện pháp PVTM của các doanh nghiệp đang ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, bản chất của các biện pháp PVTM là khi nước ngoài kiện thì các công ty Việt Nam luôn ở thế bị động, vì thế phải đến khi va vấp vào các vụ kiện cụ thể, đa số doanh nghiệp mới tìm hiểu sâu về các nội dung liên quan.
Trước đó doanh nghiệp chỉ nắm nguyên tắc cơ bản về các biện pháp PVTM. Do vậy để ứng phó hiệu quả đối với các vụ việc PVTM, các doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm sâu hơn các nguyên tắc về PVTM.
Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp xuất khẩu khi bị kiện có thể nắm được ngay những việc cần phải làm mà còn giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ biết tận dụng các cơ chế và công cụ chính sách thương mại được WTO cho phép để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình khi hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam.
“Hiện Cục Phòng vệ thương mại đang xây dựng và cập nhật, nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm giúp doanh nghiệp có thể dự báo trước được các hàng dễ bị kiện PVTM ở nước ngoài cũng như theo dõi hàng hóa nhập khẩu ở nước ngoài vào Việt Nam có thể gây thiệt hại cho hàng hóa sản xuất trong nước, nhằm giúp các doanh nghiệp chủ động hơn đối với các vụ việc điều tra về PVTM”, ông Chu Thắng Trung cho biết.