Theo công bố mới đây của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN), đến tháng 2-2019 cả nước có 386 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN. Đây là con số quá khiêm tốn khi chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ hình thành 5.000 doanh nghiệp KHCN.
Về mặt chính sách, mặc dù Nhà nước có nhiều ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi suất, đất đai nhưng trên thực tế, hầu hết các DNKHCN đều rất khó tiếp cận những ưu đãi này. Điển hình là ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển khai, Ban quản lý khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh từng cho biết trung tâm của ông không thể tiếp cận được vốn của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP. Hồ Chí Minh.
Còn theo ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia thì từ năm 2012 đến nay, mới chỉ có ba dự án được quỹ chấp thuận cho vay. Ông Đỗ Tiến Dũng cũng cho rằng có một số khó khăn trong triển khai cho vay đối với các doanh nghiệp KHCN. Đầu tiên, do Quỹ Phát triển KH&CN là đơn vị sự nghiệp, không phải là một tổ chức tín dụng, nên không có đủ các điều kiện theo quy định (Luật Ngân hàng, Luật Tổ chức tín dụng) để thực hiện các hoạt động tín dụng như cho vay và bảo lãnh vốn vay.
Thứ hai, hiện nay quỹ vẫn chưa ban hành một cách chính thống đối với các quy trình nội bộ để thực hiện, quản lý việc cho vay. Về cơ chế tổ chức, mặc dù chương trình đã được tổ chức triển khai thực hiện, nhưng quỹ chưa hình thành được bộ phận/nhóm tín dụng với các thành viên có kinh nghiệm, chuyên môn sâu để đảm đương thực hiện các nhiệm vụ cho vay nguồn vốn từ ngân sách. Bên cạnh đó, đối tượng vay vốn của quỹ phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó đáp ứng được các điều kiện cho vay, rủi ro khi cho vay là rất lớn.
Các doanh nghiệp KHCN thường không đủ tài sản đảm bảo cho khoản vay mặc dù quỹ cho phép doanh nghiệp dùng tài sản là máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ làm tài sản thế chấp, đồng thời khả năng xây dựng và chuẩn bị đối với các dự án xin vay vốn cũng chưa tốt nên việc xem xét chấp thuận cho vay đối với các doanh nghiệp thường bị kéo dài.
Cũng với tình trạng tương tự, Quỹ Đổi mới KH&CN quốc gia thành lập từ năm 2011, năm 2015 chính thức hoạt động với chức năng chính là cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đình Bình, Giám đốc quỹ, cho đến thời điểm này quỹ chưa thực hiện cho vay được dự án KH&CN nào.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KHCN, trong đó doanh nghiệp KHCN sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về tín dụng. Cụ thể, doanh nghiệp KHCN thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, ứng dụng kết quả KH&CN, sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN được Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển KH&CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tài trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay và bảo lãnh để vay vốn…
Với những quy định của Nghị định 13, có thể thấy vai trò rất quan trọng của các quỹ KH&CN trong việc thẩm định, xem xét để hỗ trợ, cho vay ưu đãi các dự án KH&CN. Tuy nhiên, các quỹ này hiện nay hoạt động vẫn chưa hiệu quả do vẫn còn vướng về cơ chế. Theo các chuyên gia, để các quỹ KH&CN phát huy hiệu quả thì nên có cơ chế để các quỹ được hoạt động như quỹ đầu tư mạo hiểm. Nhà nước sẽ chấp nhận có những dự án gặp rủi ro, thất bại, khi đó sẽ giải phóng tư tưởng “giữ tiền” của các cán bộ quản lý quỹ.