Loan lơ đãng ngồi chống tay lên mặt bàn. Lý đã bỏ đi tự lúc nào. Đêm chưa khuya. Khách mời dự lễ vàng khá đông. Ngoại trừ tám cặp vợ chồng chính, số người được mời và không mời mà đến không phải là ít.
Thời tiết tháng Mười sau rằm thật dễ chịu. Loan mặc chiếc áo đầm màu đỏ huyết dụ, trang điểm cẩn thận nhưng không lòe loẹt. Dáng Loan thon gọn, trái với Lý béo lẳn và quyến rũ trong chiếc áo dài kiểu mới màu đỏ kim tuyến, ngực cao vai tròn.
Khu vườn mọi bữa âm u, đầy cây cao bóng cả, nào vườn lan, nào cây kiểng, hòn non bộ, hồ hoa súng, vòi nước phun, tối nay rộn ràng theo tiếng nhạc, rực rỡ đèn xanh đèn đỏ, khi tỏ khi mờ. Hiệp ngồi bên, ngạc nhiên trước một Loan xinh đẹp hẳn ra so với ngày thường đi làm Loan chỉ mặc đồ tây.
– Loan – Hiệp gọi nhỏ.
Loan ngẩng lên nhưng không cười. Cô hơi choáng trước một Hiệp đẹp trai trong bộ complet đúng mốt. Trong số các tài năng trẻ, Hoàng Hiệp nổi danh về chuyện vẽ tranh chân dung, tranh phong cảnh bán cho người nước ngoài. Bất cứ cô gái nào ngồi làm mẫu cho Hiệp vẽ cũng đều coi là một hân hạnh.
Thật ra Hiệp mới từ Nam về khoảng năm năm trở lại, lấy hội họa làm kế sinh nhai. Làm ở một công ty du lịch, Loan là một cô gái mảnh khảnh khá xinh. Khuôn mặt trái xoan, tóc cắt demigaron, mắt đen. Loan nhỏ nhắn nhưng mạnh khỏe đáng yêu. Hiệp vừa nắm tay Loan vừa cười nói vào tai:
– Cặp mắt em chứa nhiều nước lắm đấy. Giá em chịu ngồi làm mẫu cho anh vẽ.
– Thế mà cũng nói – Loan đáp lại.
- Xem thêm: Nhan sắc
Ông ở đâu nhỉ. Mọi khi ông vẫn đi với Lý cơ mà. Lý trở lại bàn cười đưa hàm răng trắng đều như hạt bắp. “Loan, mi ngồi đây, tau tưởng đi với ai”. Lý vẫn có thói quen xưng hô “mi, tau” với bạn bè, dù Lý lớn hơn Loan mười tuổi.
– Nãy giờ em ngồi đây chứ có đi đâu đâu.
Lý hất mái tóc dày đen ra sau, chắc hồi con gái Lý đẹp và kiêu sa lắm, thế mà ông không đến nhỉ. Ông chủ Vườn Thơ đi đâu chứ?
– Hay ăn cái gì đi. Tau thì cứ phải ăn cái đã.
Hiệp vội vàng đứng dậy. Thức ăn để trên dãy bàn phủ khăn trắng. Ai lười đi lấy sẽ có người phục vụ tại chỗ.
Lát sau Hiệp trở lại với khay thức ăn. Lý chọn đùi thịt gà bỏ vào chén mình. Hiệp tiếp thức ăn cho Loan và ăn uống ngon lành. Mười giờ, Loan quyết định về. Lý nói:
– Nè, Loan, anh chủ vườn mất tích rồi.
– Em về kẻo mẹ trông.
Hiệp không giữ mà đề nghị đưa Loan về.
Loan từ chối nhẹ nhàng. Lý nói:
– Đường lên nhà nó là lên non đấy.
Lý băn khoăn, không biết ông biến đi đằng nào. Từ khi lễ khai mạc xong là ông mất tăm. Lý đành tạm cặp với một cha già tóc muối tiêu, mãi mới dứt ra được. Loan cầm ví đứng dậy, hôn vào má Lý chúc ngồi lại chơi vui vẻ.
Số người lác đác ra về, số người còn lại vẫn rất đông. Những ngọn đèn lồng đong đưa trong gió đêm, những khối người đứng ngồi, túm tụm thành những cái bóng đen. Loan lách qua từng dãy bàn nép mình dưới bóng những cây tràm hoa đỏ cùng những giò lan lủng lẳng.
Ra đến ngoài, cô vừa choàng chiếc khăn qua vai, ông đã đột ngột hiện ra cùng với Lý làm Loan giật mình.
– Loan về à? Anh đang tìm em đây.
– Người ta ngồi cả buổi không đến – Lý trả đũa.
Ông có vẻ bất ngờ khi thấy Hiệp. Hiệp rút lui.
– Khách đông, lại gặp mấy người bạn ở Sài Gòn ra. Anh xin lỗi – Ông đính chính.
Loan đạp máy xe. Ông có vẻ ân hận. Ông nói “lần khác gặp lại”. “Thôi, gặp nhau ở đây là được rồi”, Loan đáp dịu dàng.
– Thôi, chào.
Loan cho xe chạy một quãng, Hiệp mới chạy theo.
– Đường lên nhà em tối lắm, anh đi không quen đường đâu.
– Tối cũng đi. Tiếng cười của Hiệp vang trên đường đêm.
Loan không dám ngồi lại lâu, sợ thằng Bao thức đợi mình ở nhà. Dù sau này Bao không còn nổi cơn nữa, cái lạ lùng nhất là bệnh tình Bao giảm rõ rệt sau khi mẹ và ba nó nối tiếp nhau qua đời. Loan không dám tin vào phép lạ nhưng cô cũng phải tin có ba mẹ phò hộ cho em, có một niềm tin như thế thì hơn là không tin vào cái gì cả.
Sau này Bao không lang thang ngoài đường như trước đây và hắn không lảm nhảm trong miệng những điều vô nghĩa. Bao đã chịu nhiều thiệt thòi kể từ khi một mảnh đạn găm trong đầu hắn phải mổ mới lấy ra được, khiến hắn không thể đi học, trí nhớ gần như mất trắng. Hiệp gợi ý mời một họa sĩ đến dạy vẽ cho Bao, làm sao Bao lại có thể nổi cơn được nếu hắn học vẽ có bài bản hơn thay vì phí hết tờ giấy này đến tờ giấy khác?
Một đề nghị hấp dẫn song không hiện thực vì thằng Bao có còn trí nhớ đâu mà học. Nó vẽ những gì trong trí óc lơ mơ của nó nghĩ ra, một mớ hỗn mang, có khi cũng có bức coi được. Sau cùng Loan đem những bức vẽ coi được đó nhờ một họa sĩ bậc thầy xem giùm.
Loan không dám nhờ Hiệp vì Hiệp coi tranh theo con mắt chủ quan và Hiệp không cho không ai cái gì cả. Đó là một anh chàng pha trộn giữa thiên thần và ác quỷ. Phần quỷ lấn át thiên thần khi anh ta đứng trước gái đẹp. Dẫu sao, Loan cũng cảm ơn gợi ý của Hiệp. Họa sĩ nhận lời dạy Bao không do dự.
Ông chủ Vườn Thơ thỉnh thoảng đến thăm Loan. Nhiều năm trước, sau một trận giao tranh ở nơi này, với một mảnh đạn găm sâu trong đùi, chạy qua được khu vườn um tùm cây cối thì ông ngã xuống. Mẹ Loan đang làm vườn thấy một người chạy vô vườn lảo đảo ngã ngay xuống cạnh bà như một cây chuối bị đốn ngã. Bà bình tĩnh gọi con gái mới lên bảy tuổi, cả hai khó nhọc lắm mới đưa được người đàn ông vào nhà.
Bà là một y tá giỏi và đã băng bó vết thương cho ông trước khi chở thẳng vào bệnh viện ngày hôm đó. Khi ấy ba Loan không có nhà. “Khi ấy anh có vợ rồi, là mẹ đích của Hiệp bây giờ. Hiệp bỏ nhà đi sau giải phóng, anh đi tìm hắn mất mấy năm, mẹ hắn mất rồi mà cô ấy là một thôn nữ anh yêu nhất. Cuối cùng một bà đồng giúp anh tìm ra, em biết anh tìm ra hắn ở đâu không? Hắn ở trong một nhà làm đèn nến, đúc tượng thạch cao, tô tượng…!
- Xem thêm: Sắc màu của mơ ước
Anh không thể nào nghĩ ra hội họa thể hiện trong trái tim hắn vào giai đoạn cả nước ăn bobo như thế. Cuối cùng mang hắn về nhà, cho hắn đất làm nhà, cưới vợ, nhưng hắn lại là đứa lèm bèm nhất trong sáu đứa con của anh. Anh giải ngũ vì bàn chân bị trật gân này. Dầu sao mẹ em đã cứu anh, ơn ấy anh không quên”. Đó là lời tâm sự của ông.
Họa sĩ đã hướng dẫn Bao vẽ một cách tự do và không hề lấy tiền công. Tiền thuốc về căn bệnh thần kinh, thuốc bổ cho em chiếm một số tiền khá lớn. Ai đến đây tìm Loan cũng chỉ một lần khi nhìn thấy thằng Bao.
– Bao uống thuốc của một bác sĩ tâm thần nổi tiếng có bớt nhiều. Nhiều bức vẽ của nó họa sĩ bảo triển lãm được mà – Loan nói khác đi.
– Em đưa anh đi coi phòng Bao.
Qua một khoảng sân hẹp có trồng một cây khế ngọt lâu năm phủ bóng râm lên căn nhà, họ bước vào một thế giới khác, thế giới của Bao.
Cúi đầu bước qua khung cửa, người đàn ông sững sờ. Đây không phải thế giới của người điên. Một chiếc giường kê gần cửa sổ, trên chiếc bàn nhỏ cạnh đó là bút màu, bút lông và các hộp sơn dùng cho trẻ em có, người lớn có.
Dưới giường, một chiếc thùng các tông nhỏ đựng đầy các bức tranh màu nước vẽ dở dang của Bao. Có bức được treo tường hẳn hoi, bố cục chặt chẽ dù hơi rối rắm. Tuy thế các bức tranh treo tường, các con thú nhồi bông Loan mua cho em sắp một hàng đứng đầu giường khiến căn phòng bớt vẻ ảm đạm. Phòng quét vôi màu hồng nhạt, sạch sẽ và vui mắt. Loan hít vào một hơi thật sâu. Thế giới của nó còn ở đây nữa.
Không biết Bao đi đâu, hay lại nằm đọc sách ở nhà trên trước bàn thờ cha mẹ như mọi khi, cũng có thể hắn ngủ. Hai người bước ra, đi theo con đường mòn đến một chiếc hồ nhỏ thả những bông hoa súng tím.
Trong hồ có hòn non bộ, có đủ tiên, tục, ngư, tiều. Bàn tay nghệ nhân nắn những hình ông tiên ngồi đánh cờ, chú tiều vác củi xuống núi, con nai vàng ngơ ngác rất khéo. Những cây thanh trà tỏa bóng mát xuống một vùng.
– Thật là đẹp và công phu – Ông thở dài, thế em chịu ở vậy cho đến bao giờ? Loan không trả lời.
Từ xa Bao ôm con mèo lững thững đi đến. Tóc dài phủ gáy, bộ mặt còn nguyên vẹn nét ngây ngô hoang dã; tuy thế con mắt Bao vẫn có một thứ ánh sáng đặc biệt khiến ông rùng mình. Loan mỉm cười, lần nào nhìn thấy Bao tình thương em cũng khiến người chị nguôi đi những khát vọng cháy bỏng ẩn dưới đáy tâm hồn.
– Em mới ngủ dậy đó à.
– Sao chị ở đây với ông này, ông là ai?
Người đàn ông cười với Bao trong khi Bao đã ôm con mèo đi về phía hồ. Ông cũng cáo từ ra về. Loan không vào nhà mà đi thẳng về cuối vườn, ở đó có một lối đi nhỏ nấp dưới bóng cây nhãn xuyên qua bụi chè tàu không ai để ý. Cô đi qua cánh cửa đó.
***
Tấm gương rộng cao quá đầu người choán gần hết bức tường trong căn phòng ba cô làm cho Bao cách gian thờ một đường hành lang hẹp. Bao ở đó bình yên, nó miệt mài vẽ hay có khi chúi mũi vào quyển sách tập đọc. Vốn Bao có một tấm gương vỡ chỉ còn nửa, nằm trên giường hàng giờ nó hay cầm trong tay soi rọi cảnh bên ngoài. Bây giờ gương mới cho thấy toàn người, toàn cảnh, có cảnh bình minh và hoàng hôn, có cảnh mưa và có cảnh nắng.
Ngạc nhiên và thích thú, Bao ngồi chồm hổm trên đất để vẽ rồi thỉnh thoảng ngước nhìn trời qua tấm gương. Trước đây có nhiều lúc hai chị em ngồi bên nhau yên lặng ngắm cảnh mặt trời lặn, khuôn mặt hắn thật ngây ngô và thật bình yên với chị ở bên cạnh. Chỉ có điều dù nhờ uống thuốc, hắn chỉ có thể mạnh khỏe hơn chứ cái đầu và trái tim hắn vẫn rời rạc hai phía. Có ngày Loan ngồi ngắm em vẽ, tự hỏi lòng mình giữ gìn cho ai và đến bao giờ nếu trí nhớ Bao vĩnh viễn không trở lại?!
Đang vẽ Bao chợt ngẩng lên nói:
– Em không nhìn thấy chị trong gương.
– Chị đi lấy chồng rồi, em không nhìn thấy chứ sao.
– Xạo, chị ngồi coi em vẽ nãy giờ, sao em không thấy chị.
– Bao ơi! – Chỉ khi Loan kêu thất thanh, Bao mới cười.
– Em nhìn ra chị rồi.
Loan không tin ở phép lạ, chỉ thành tâm niệm Phật, cầu cho em mau hết bệnh, thế mà một ngày kia phép lạ đến thật.
Người bạn trai duy nhất của cô là Thuấn, nhà anh ở cách một hàng rào chè tàu với một cánh cửa trong hàng cây được tỉa xén lộn xộn không ai để ý. Buổi sáng cuối mùa đông rồi, Bao vẫn dậy muộn như mọi khi.
Sực nhớ mấy trang tiếng Anh dịch cho cơ quan chưa xong Loan định qua nhờ Thuấn đang làm luận văn tiến sĩ dịch luôn thể. Thuấn hơi ngạc nhiên khi thấy Loan. Hôm nay Loan mặc bộ đồ trắng điểm hoa nhỏ màu xanh; trông cô không khác nữ sinh là mấy. Thuấn đang chấm bài, ngước lên nhìn Loan mỉm cười.
– Em sang chơi đấy à.
– Không. Em có việc nhờ anh đây, có mấy trang tiếng Anh nhờ anh dịch giúp – Loan đặt tập sách xuống bàn, tuy chỉ có bốn trang mà cô hiểu thì có hiểu, còn khả năng dịch phải nhờ Thuấn.
Thuấn ngồi bên chiếc bàn rộng kê sát cửa sổ, chỗ thoáng mát nương nhờ bóng cây nhãn bên vườn nhà Loan. Ngoài cửa sổ Thuấn nuôi một con chim hoàng oanh, thỉnh thoảng nó cất tiếng hót. Hai người tự nhiên ngồi bên nhau. Họ cùng chúi đầu vào trang sách, hơi thở cả hai rất gần. Một lát Loan đứng lên, cô đứng lên khá đột ngột khiến Thuấn giật mình.
– Em về sao?
– Về coi thằng Bao dậy chưa.
Cô băng qua hàng rào, đi như chạy về phòng em. Bao đã dậy đang cầm cuốn sách tập đọc. Trong số sách họa sĩ thầy mang tới cho hắn, Bao chỉ thích cuốn Quốc văn giáo khoa thư mới được in lại. Sách có nhiều hình ảnh gần gũi với đời thường.
Ngoài hội họa ra, chưa có cuốn sách nào làm hắn say mê như cuốn đó. Ông thầy có ngày cũng ngồi kiên nhẫn dạy hắn đọc. Thật ra trước khi bị tai nạn hắn đã học lớp ba rồi. Loan xuống bếp thấy mâm cháo đậu xanh mẹ cô đã dọn, cô trở lại nhà Thuấn với hai chén cháo cùng ít miếng đường đen, một món ăn dân dã.
- Xem thêm: Tình yêu hoa cúc trắng
Họ ăn xong, tiếp tục làm việc, Loan dịch mà tâm trí để tận đâu đâu, chữ này bắn sang chữ kia. Cuối cùng cô thở dài buông bút. Càng lúc họ càng nghe hơi thở dồn dập trong lồng ngực nhau và Loan chợt nhận ra Thuấn đang ngồi sát mình quá, anh đặt bàn tay cầm bút của mình lên tay cô. “Loan…” – Thuấn thì thầm, Loan cố gìm không ngả đầu vào vai Thuấn. Thằng Bao, liệu nó sẽ thế nào, khi mình kết hôn với ai đó?! Rồi tiếng thở dài không kìm nén nổi đã bật ra. Trưa rồi, ngày mới đó mà đã đứng bóng, Bao ơi Bao.
– Sao vậy Loan, anh thích em. Anh nghĩ chúng ta lớn rồi, phải có gì đính ước làm tin nếu em không tin anh.
Loan nhẹ nhàng, hay nói đúng hơn cô cố gắng nhẹ nhàng nếu không cô sẽ òa khóc mất. Ai bảo đảm ngày sau ta mãi mãi bên nhau, Thuấn ơi. Thuấn con nhà giàu có, ngôi nhà rộng này là nhà bà ngoại anh. Nghe đâu nay mai anh mua nhà dưới phố cho gần, liệu cha mẹ anh có chịu đi cưới một cô gái con gia đình nghèo nàn như thế này không, lại còn thằng Bao nữa?
– Thôi em phải về cho Bao ăn trưa, chiều qua lại.
Buổi trưa Loan không ăn được bao nhiêu, mẹ cô hỏi cô sao ăn ít vậy, cô không nói gì. Hai giờ chiều, dù không ngủ được Loan chải lại tóc và vẫn bộ áo quần ban sáng đi sang Thuấn.
Thuấn bước tới bỏ một đĩa nhạc vào máy, tiếng nhạc nhẹ nhàng vang lên trong gian phòng hẹp. Một hồi lâu Thuấn nói.
– Đáng lẽ nói chuyện này với em từ lâu,… có lẽ mình nên có cái gì đó đính ước với nhau.
Thuấn đứng lên mở chiếc tủ vẫn đựng sách vở của mình lấy ra chiếc hộp nhỏ. Trong hộp là chiếc vòng ngọc. Thuấn bôi chút xà phòng vào tay Loan rồi đeo vào, chiếc vòng vừa vặn sít sao, xong vẫn cầm tay cô anh nhẹ nhàng lau sạch lớp xà phòng. Đôi tay họ ở trong nhau khá lâu… Cô tặng anh vuông khăn lụa cô đã chuẩn bị sẵn trước khi sang nhà anh.
Cô không sợ chuyện tặng chiếc khăn; trước đây mẹ cô dùng chiếc khăn quàng của mình băng tạm vết thương cho chàng thanh niên tức ông chủ Vườn Thơ bây giờ. Đó là chiếc khăn lụa sang trọng duy nhất trong ngôi nhà cũ kỹ và tuềnh toàng. Bao nhiêu chàng trai đến với Loan vì sắc đẹp của cô rồi rời bỏ cô vì gia cảnh cô không sung túc. Thế mà bây giờ cô dám dùng chiếc khăn mình thích nhất làm quà đính ước sao?
– Chị Loan ơi, chị Loan à!
Loan giật mình ngả người ra sau tránh nụ hôn sắp sửa quá gần của Thuấn, đồng thời nghe tiếng em trai gọi.
– Chị Loan à, chị Loan ơi! Chị ở đâu?
Bảy giờ tối chị không về, chị sang nhà anh ta, Bao tự nhiên cho là vậy. Cái trí nhớ mờ mịt hỗn mang có lúc chợt sáng lên. Nó nhớ ra còn có một người nữa – người thanh niên ấy. Anh ta hiện lên rõ nét như bức tranh Bao vẽ. Người ấy có sang đây một hai lần gì đó. Có lần anh ta ngồi nhìn vào gương những cảnh tượng nó đang vẽ.
Chị thường nói mưa tưới mát cho muôn loài còn nắng thì sưởi ấm cho cây cỏ trong vườn và lòng người. Cả mưa và nắng đều giúp cho sự sống, miễn sao mưa thuận gió hòa. Lòng chị thương em qua những câu chuyện kể, những lời nói và những món ăn tự tay chị nấu ngày Chủ nhật. Những gì tưởng đã mất đang lần lượt trở về: Cảm giác, tri giác, và xúc cảm. Chị Loan chỉ có thể sang nhà anh ta thôi. Coi con mắt anh ta nhìn chị như mắt chó sói. Tưởng ta không biết…
Những làn sóng tình cố kìm nén ban sáng bây giờ có cơ bùng cháy. Trưa vắng, khí trời cuối xuân mát mẻ khiến cả hai càng bồi hồi đê mê khi họ nằm cạnh nhau bên chiếc giường hẹp. Cùng lắng nghe nhịp đập của trái tim, họ có nghe gì đâu. Vậy mà Loan nghe. Cô vội vàng đẩy Thuấn ra, vén tóc ngồi dậy, mình đã làm gì thế này. Tại sao mình lại hư thế? Nhưng lời mẹ dặn mình quên rất nhanh, quên như quên một cuốn phim cũ và mình thật đáng trách.
– Chị Loan ơi, chị Loan à!
– Thằng Bao tỉnh trí lại khi nào? – Thuấn hỏi mà bàn tay vẫn nắm chặt tay Loan.
– Khi nãy.
Loan đi rất nhanh đến cửa. Ra đến cửa cúi xuống nhìn chiếc vòng nơi cổ tay cô vẫn còn nguyên nỗi bàng hoàng.
– Chị về đây!
Bao đứng nơi hàng rào, nó không ôm con mèo trắng như mọi bữa. Lần này không phải Bao lao vào vòng tay chị mà Loan gần như lao vào em, với cả đôi tay mở rộng.
– Bao, chị về rồi!
– Em nhìn trong gương không thấy chị.
Loan sờ trán em, trời tối rồi, mới đó mà đã trôi qua, một ngày. Bao nhìn trong gương không thấy gì cả, một linh cảm mơ hồ lần đầu tiên đến soi sáng trí óc lú lẫn. Bỗng nhiên nó sợ hãi, ký ức bùng vỡ bên trong Bao như một cơn mưa xối xả. Chẳng biết bằng cách nào Bao đi ra vườn sau được giữa lúc bóng tối xuống trải khắp vườn.
Năm tháng sau, Thuấn thi đậu bằng tiến sĩ, lên phố, trở về với cha mẹ để yên bề gia thất với một cô gái con nhà giàu được gia đình chọn sẵn từ lâu. Lần đầu tiên tranh của Bao được mang ra triển lãm trong một cuộc triển lãm tranh của họa sĩ trung niên, cuộc triển lãm lần thứ mười của ông và là lần đầu của Bao.
Ngày hôm trước Bao đi cùng chị đến khoa tâm thần tái khám lần cuối. Bác sĩ tâm thần vốn nổi tiếng “chặt nặng tay” đã không lấy tiền khám bệnh, nói lúc nào Bao cũng có thể sống đời bình thường được, thật ra hắn có điên đâu! Bác sĩ cười còn Loan khóc.
Ngày triển lãm tranh của họa sĩ trung niên, Loan mặc chiếc áo đầm trắng có điểm những bông hoa vàng đến dự. Lần đầu tiên cái nhìn của họa sĩ dừng lại ở Loan lâu hơn lệ thường và lần đầu sau mấy tháng trời buồn u ám vì đám cưới của Thuấn, Loan thấy mình trẻ lại, vui vẻ và yêu đời hơn. Loan thay họa sĩ đưa khách đi xem tranh của Bao và của ông.
Có một bức mà Loan không ngờ đến, với bảng giá rất đắt, có buộc cái nơ đỏ đề “Đã bán” lại vẽ Loan. Không hiểu Bao hay họa sĩ vẽ và vẽ từ bao giờ? Có thể và chắc chắn Bao vẽ. Thế mà giống lắm, linh hoạt vô cùng, giống nhất ở đôi mắt. Loan hỏi em, Bao chỉ cười rồi hắn chỉ họa sĩ, ông ta cười im lặng. Ông đang trả lời câu hỏi của những người coi tranh.
Buổi chiều Loan trở về nhà, nắng chảy đầy trong tấm gương. Tấm gương phản chiếu ảo cảnh của Bao nay trở thành chân cảnh ảo: Họa sĩ trung niên ngỏ lời cầu hôn và Loan nhận lời không chút do dự. Đó mới là tình yêu thật sự và duy nhất trong cuộc đời cô. Bao đã tỉnh trí lại và cô hiểu rằng điều đó có thật cũng như người chồng sắp cưới này là có thật, không hề nhắc tới một lời thề nguyền, không khăn lụa cũng không vòng ngọc trao tay.