Việt Nam phải tranh thủ cơ hội, tạo sự bứt phá trong thu hút đầu tư nước ngoài một cách có lựa chọn, có trọng tâm, khuyến khích đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, tăng cường liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỉ lệ nội địa hóa, gắn đầu tư nước ngoài với thúc đẩy sản xuất trong nước.
Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại hội nghị định hướng thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong thời gian tới diễn ra sáng 21/12 tại Vĩnh Phúc.
Theo Phó Thủ tướng, hội nghị tổ chức tại Vĩnh Phúc, một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút ĐTNN, là cơ hội để Chính phủ và các bộ, ngành gặp gỡ, trao đổi và đối thoại với các nhà đầu tư về thu hút và sử dụng ĐTNN ở Việt Nam. Đồng thời đánh giá về kết quả thu hút đầu tư sau 30 năm đổi mới, từ đó xác định các định hướng huy động nguồn vốn trong thời gian tới.
Theo Phó Thủ tướng, khu vực kinh tế có vốn ĐTNN là một bộ phận cấu thành quan trọng của kinh tế Việt Nam, có nhiều đóng góp to lớn vào sự phát triển của Việt Nam suốt hơn 30 năm qua.
“Thu hút ĐTNN là một chủ trương lớn, rất quan trọng và nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong hơn 30 năm Đổi mới. Thời gian qua, việc thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, ấn tượng”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Tính đến hết tháng 11/2018, cả nước có trên 27.000 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 337,8 tỉ USD, tổng vốn thực hiện khoảng 187 tỉ USD.
ĐTNN giúp tăng năng lực sản xuất của một số ngành, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thêm nhiều việc làm mới, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thông qua hợp tác đầu tư, Việt Nam đã tăng cường mối quan hệ chính trị, đối ngoại, phát triển quan hệ hữu nghị với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, đối tác trên thế giới.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động ĐTNN ở Việt Nam vẫn còn những tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.
“Việc thu hút và lan tỏa công nghệ cao từ khu vực ĐTNN vào toàn bộ nền kinh tế chưa được như kỳ vọng. Hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng của Việt Nam trong các sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN còn thấp”, Phó Thủ tướng nói.
Cùng với đó, liên kết giữa các doanh nghiệp ĐTNN và các doanh nghiệp trong nước chưa chặt chẽ, chưa sâu rộng, dẫn đến hạn chế hiệu ứng lan tỏa của ĐTNN, nhất là lan tỏa về tri thức, công nghệ và kinh nghiệm quản lý.
“Vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu còn hạn chế, chưa hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tham gia vào sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Việc này chưa trở thành quan tâm chính của các doanh nghiệp FDI”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nắm chắc cơ hội để không tụt hậu
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, thế giới và khu vực đang có những chuyển biến rất nhanh, nhiều mặt và khó dự báo, tác động mạnh mẽ đến đời sống KTXH của các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam.
Dòng vốn ĐTNN toàn cầu đang có xu hướng giảm. Xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, những xung đột thương mại giữa các nước lớn diễn ra ngày càng phức tạp. Cùng với đó, áp lực cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực, trên thế giới trong việc thu hút vốn đầu tư ngày càng gay gắt.
Đặc biệt, sự bùng nổ của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đặt ra những thời cơ lớn, cùng với đó là những thách thức rất khó khăn.
“Nếu Việt Nam nắm chắc được thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức thì đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam thu hút được dòng vốn ĐTNN. Đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh với những điều kiện thuận lợi nhất. Nếu không, chúng ta sẽ bị tụt hậu rất xa”, Phó Thủ tướng khẳng định.
“Tuy nhiên, yêu cầu thu hút ĐTNN phải có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm trên nguyên tắc đa phương hóa, đa dạng hóa nguồn vốn, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, ĐTNN phải khuyến khích đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, tăng cường sự hỗ trợ của doanh nghiệp ĐTNN với doanh nghiệp trong nước. Tăng cường liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỉ lệ nội địa hóa, gắn đầu tư nước ngoài với thúc đẩy sản xuất trong nước. Thu hút ĐTNN gắn với mở rộng thị trường trong khu vực và thế giới, gắn với việc đảm bảo ổn định và phát triển thị trường cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.
“Không còn cách nào khác, Việt Nam phải tranh thủ thời gian, cơ hội, tạo sự bứt phá trong thu hút ĐTNN, tạo điều kiện tốt nhất để đón nhận dòng đầu tư mới vào Việt Nam. Những nhà đầu tư đến với Việt Nam là công dân Việt Nam, Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư theo khuôn khổ pháp luật để cùng phát triển”, Phó Thủ tướng khẳng định quan điểm và được các nhà đầu tư rất đồng tình.
Hãy làm các nhà đầu tư hài lòng
Để đạt mục tiêu này, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trước hết, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình cần chủ động rà soát, hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng như Luật Đất đai, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư…
Cùng với đó, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng, phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ công chức; xây dựng chính quyền phục vụ, vì doanh nghiệp, người dân thay vì chính quyền quản lý.
Các địa phương, đặc biệt là các địa phương đi trước, có nhiều thuận lợi trong thu hút ĐTNN cần tập trung chuẩn bị thật tốt các điều kiện để huy động nguồn lực, đón nhận dòng vốn ĐTNN.
Trong đó, cần rà soát lại các quy hoạch (quy hoạch xây dựng, hạ tầng, đô thị, cụm công nghiệp…) để điều chỉnh, cập nhật, bổ sung kịp thời. Gắn quy hoạch công nghiệp với quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở, dịch vụ.
“Phải chủ động quỹ đất sạch cho phát triển công nghiệp. Cùng với đó, tập trung đầu tư hạ tầng, kết nối địa phương với vùng, quốc gia. Đặc biệt là hạ tầng kết nối các khu công nghiệp, hạ tầng bên trong khu công nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh quan điểm đầu tư phát triển công nghiệp phải gắn với phát triển nhà ở, đảm bảo các dịch vụ cho người lao động. Các nhà đầu tư cùng với địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng, chú ý đảm bảo lợi ích của người dân.
Các địa phương cũng phải đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư. Trong đó, quan trọng nhất là hãy làm cho các nhà đầu tư đang đầu tư hài lòng, họ sẽ là những người xúc tiến tốt nhất.
Bên cạnh đó, cần chủ động đề xuất các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tháo gỡ, báo cáo Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền; đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; đảm bảo các điều kiện về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Muốn thế phải làm tốt các chính sách với người dân, đặc biệt là các chính sách giải phóng mặt bằng.
Đối với các nhà đầu tư, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần triển khai đầu tư đúng cam kết, đúng tiến độ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
“Đặc biệt, phải quan tâm đến nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ, gắn kết với các doanh nghiệp Việt Nam để cùng phát triển. Đầu tư phát triển sản xuất gắn với nâng chất lượng đời sống người lao động; thực hiện tốt trách nhiệm xã hội; tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu bảo vệ môi trường”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Vĩnh Phúc đã chứng kiến việc trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Toyota Việt Nam với số vốn 75 triệu USD; Tập đoàn Foxconn đầu tư 1.600 tỉ đồng xây dựng khu nhà ở công nhân và công trình dịch vụ công cộng; trao biên bản ghi nhớ về các dự án tại cụm công nghiệp Đồng Sóc của Tập đoàn Yoongpong, Hàn Quốc trị giá 842 triệu USD và nhiều biên bản ghi nhớ đầu tư khác với tổng trị giá hơn 2 tỉ USD. Đáng chú ý, trong số này có nhiều nhà đầu tư lớn quyết định đầu tư sau một thời gian dài nghiên cứu hoặc quay trở lại Việt Nam sau khi đã giảm quy mô thời gian trước đó.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã tiếp lãnh đạo Toyota Việt Nam và Tập đoàn sản xuất máy tính Compal (Đài Loan, Trung Quốc) và Tập đoàn Yoongpong (Hàn Quốc).