Từ đầu tháng 12 tới nay, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang có nhịp hồi phục khá tích cực. Sự tích cực của thị trường thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của các cổ phiếu trong danh mục VN30. Việc các cổ phiếu VN30 tăng mạnh bên cạnh yếu tố định giá đã khá hấp dẫn sau giai đoạn điều chỉnh kéo dài còn phải kể đến nguyên nhân từ dòng tiền ETF đang đẩy mạnh “gom” các cổ phiếu này.
Vào cuối tháng 11-2018, Bualuang Securities – công ty chứng khoán lớn thứ 5 tại Thái Lan đã có buổi roadshow ra mắt nhà đầu tư chứng chỉ lưu ký Depositary Receipt (DR), một loại chứng khoán mới niêm yết trên thị trường Thái Lan với tài sản cơ sở là chứng chỉ quỹ ETF VFMVN30 (Mã CK: E1VFVN30). DR là một loại chứng khoán có thể chuyển nhượng, được giao dịch trên sàn chứng khoán của nước sở tại nhưng đại diện cho một chứng khoán khác được phát hành bởi một công ty đại chúng đang niêm yết ở một quốc gia khác. DR chịu rủi ro về tỷ giá khi đồng tiền của nước sở tại tăng giá so với đồng tiền tại quốc gia mà chứng khoán được DR đại diện đang niêm yết.
DR có giá trị đầu tư dài hạn bởi nó đầu tư vào các cổ phiếu vốn hóa lớn thông qua một ETF. Nhà đầu tư Thái Lan hiện tỏ ra lạc quan về TTCK Việt Nam với nền kinh tế ổn định và nằm trong nhóm tăng trưởng cao ở châu Á với mức tăng trưởng trên 6%. Nhìn chung, kinh tế Thái Lan tăng trưởng chậm và các bất ổn chính trị đã khiến TTCK Thái Lan gặp không ít sóng gió trong ba năm gần đây.
Điều này dẫn đến sự dịch chuyển của nhà đầu tư và các tổ chức quỹ lớn từ TTCK Thái Lan sang Việt Nam. Có thể thấy Quỹ Đầu tư Pyn Elite Fund đã dịch chuyển toàn bộ danh mục đầu tư của mình từ Thái Lan sang Việt Nam từ năm 2013. Nói một cách đơn giản, DR giúp nhà đầu tư Thái Lan có thể đầu tư vào VFMVN30 ETF mà không cần phải mở tài khoản đầu tư tại Việt Nam, không gặp vấn đề về luân chuyển tiền tệ cũng như giới hạn “room” cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo thống kê, trong bốn phiên giao dịch kể từ ngày 7-12 đến 12-12-2018, khối ngoại đã mua ròng khá mạnh VFMVN30 ETF với số lượng lên tới gần 25 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị ròng 390 tỉ đồng (16,5 triệu USD). Khác với các quỹ mở thông thường, việc phát hành chứng chỉ quỹ ETF có phần khá đặc biệt. Thay vì chỉ cần bỏ tiền vào quỹ và nhận về chứng chỉ quỹ (đối với quỹ mở), nhà đầu tư muốn sở hữu chứng chỉ quỹ ETF thông qua phát hành sơ cấp cần phải có đủ lượng cổ phiếu trong danh mục VN30 theo cơ cấu rổ chỉ số, sau đó mới được tiến hành hoán đổi lấy chứng chỉ quỹ.
Điều này có thể giải thích được lý do vì sao khối ngoại chủ yếu mua chứng chỉ quỹ VFMVN30 ETF thông qua việc “trao tay” qua sàn mà không thực hiện mua sơ cấp. Bởi lẽ, nếu không thực hiện theo cách mua luôn trên sàn, họ sẽ phải “gom” đủ lượng cổ phiếu trong VN30 rồi mới tiếp tục hoán đổi lấy chứng chỉ quỹ. Cách này không những mất thời gian mà còn bị hạn chế về room nước ngoài tại một số cổ phiếu đã kín room.
Ngoài ra, việc khối ngoại mua lượng lớn cổ phiếu trên sàn có thể dẫn tới biến động giá mạnh. Do đó, hoạt động “gom” cổ phiếu VN30 được trao cho các tổ chức trong nước. Việc các tổ chức trong nước liên tục “gom” cổ phiếu VN30 sẽ giúp mặt bằng giá cổ phiếu trong rổ này trở nên tích cực hơn. Nhưng sau khi “gom” đủ cổ phiếu trong VN30, các tổ chức trong nước sẽ cần hoán đổi lấy chứng chỉ quỹ để tiếp tục “trao tay” cho các nhà đầu tư nước ngoài và có thể hoạt động này sẽ không sớm chấm dứt khi mà lượng tiền từ Thái Lan mua chứng chỉ quỹ VFMVN30 ETF dự báo còn rất lớn.
Có thể thấy, trong những phiên gần đây, hoạt động phát hành sơ cấp của VFMVN30 ETF đang diễn ra khá sôi động. Trong ba phiên từ 10-12 đến 12-12-2018, VFMVN30 ETF đã phát hành sơ cấp tổng cộng 17,6 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị 268 tỉ đồng (11,5 triệu USD). Con số trên là khá lớn, tương đương với lượng phát hành vào giai đoạn đầu năm 2018, thời điểm TTCK Việt Nam bứt phá ngoạn mục.
Dự báo xu hướng khối ngoại mua ròng chứng chỉ quỹ VFMVN30 ETF trên sàn chứng khoán nhiều khả năng sẽ chưa sớm chấm dứt. Trên cơ sở đó, hoạt động “gom” cổ phiếu VN30 của các tổ chức trong nước sẽ còn diễn ra mạnh mẽ.